Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu ở tuổi 86 vừa ra mắt cuốn sách chia sẻ kỹ năng thanh nhạc với tên gọi ‘Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam’.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu đã đứng trên sân khấu ca nhạc hơn 70 năm. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu không chỉ có khả năng lôi cuốn đặc biệt khi trình diễn, mà ông còn có kinh nghiệm đào tạo nhiều thế hệ ca sĩ tại Nhạc viện Hà Nội. Vì vậy, không mấy ai ngạc nhiên khi Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu giới thiệu cuốn sách “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam” do Nhà xuất bản Sân Khấu ấn hành.

 Cuốn sách “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam” dày hơn 100 trang, được Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu chia làm 2 phần, thứ nhất là “Đôi điều về tiếng hát Việt Nam và thứ hai là “Ngôn ngữ và học thuật.

Bằng những thu hoạch thực tế của quá trình ca hát và giảng dạy, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu đã có những lý giải thuyết phục về thanh nhạc Việt Nam, từ cách luyện giọng, nhả chữ cho đến cách phô diễn tinh thần của mỗi tác phẩm.  

Tiến sĩ Quốc Hưng - Trưởng khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, đánh giá: “Trong cuốn sách, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu đã phân tích sâu về vai trò và ý nghĩa của âm vị học trong tiếng hát Việt Nam, đưa ra các đặc điểm về nguyên âm, phụ âm, đặc điểm về khiếu thưởng thức ca hát của người Việt Nam, tính tượng hình, tượng thanh trong tai người Việt, tác động của “phụ âm đầu và cuối âm tiết” vào nguyên âm tiếng Việt… Có lẽ đây là lần đầu tiên có một cuốn sách, một công trình khảo cứu về nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam bàn sâu về vấn đề này”.

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu là anh trai của nhạc sĩ Trần Tiến và là phụ thân của ca sĩ Trần Thu Hà. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu từng trải qua ba cuộc hôn nhân. Người vợ đầu tiên của ông là Nhà giáo Ưu tú Vũ Thúy Huyền. Người vợ thứ hai là bà Trần Thị Minh Huệ. Người vợ thứ ba là bà Nguyễn Thị Minh Ngà.

Người vợ thứ ba Nguyễn Thị Minh Ngà đang chung sống với Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu, nhỏ hơn ông 18 tuổi. Ngoài việc chăm sóc chu đáo miếng ăn giấc ngủ cho Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu, bà Nguyễn Thị Minh Ngà cũng hỗ trợ tích cực để chồng hoàn thành cuốn sách “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam”.



Theo thổ lộ của Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu thì từ khi bước qua tuổi 30 thì ông bắt đầu có ý thức ghi chép lại những suy nghĩ của mình về tiến trình phát triển thanh nhạc Việt Nam cũng như những gặt hái bản thân qua từng tiết mục biểu diễn.Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu bày tỏ: “Người Việt Nam thích nghe gì ở ca hát; say mê những loại hình ca khúc nào? Đó là câu hỏi cứ đi theo tôi suốt một đời ca hát. Không hiểu rõ được điều đó thì làm sao đi vào lòng người được… Tôi đã nhận ra được vẻ đẹp đặc biệt của ngôn ngữ Việt Nam trong tiếng hát mà cha ông chúng ta đã từng dày công xây dựng. Tôi đã ấp ủ làm một cuốn sách ngôn ngữ Việt trong tiếng hát ngay từ khi mới bước vào nghề, và hôm nay rất vui mừng khi ước mơ đã thành hiện thực”.

Cụ thể, cuốn sách “Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam” được khởi viết từ năm 1968, và những trang rời rạc cứ được chắt chiu dần dần cho đến khi xâu chuỗi lại thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

Tuy nhiên, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu nhấn mạnh: “Điều tôi tâm đắc khi gửi cuốn sách đến công chúng là sự chứng thực tài năng và bản lĩnh của một ca sĩ chuyên nghiệp cần được thử thách theo thời gian. Có những trang tôi viết lúc 40 tuổi, cảm thấy rất tâm đắc. Thế nhưng, đến năm 80 tuổi thì tôi cảm thấy cần phải thay đổi quan niệm thẩm mỹ tiệm cận hơn với đời sống. Tôi luôn đau đáu về thế hệ sau, làm sao một ca sĩ Việt khi cất giọng thì phải phơi bày được cá tính và lan tỏa được vẻ đẹp Việt lẫn tâm hồn Việt. Ca sĩ mà hát chỉ phục vụ thị hiếu nhất thời thì chán lắm, buồn lắm”./.

                                          PHẠM TUẤN