Dường như Việt Phương muốn tiếp nối “Cửa mở” bằng “Cửa đã mở”. Dường như ông muốn nhấn mạnh: Trước đây
tôi đã mở cửa he hé, giờ đây tôi muốn mở cửa toang ra thì phải?
TỪ CỬA
MỞ ĐẾN CỬA ĐÃ MỞ
ĐẶNG HUY GIANG
Những năm 70 của
thế kỷ trước, khi còn ngồi trên ghế trường cấp 3 phổ thông 3A (tức THPT Việt Đức
bây giờ), tôi đã được đọc tập thơ “Cửa
mở” của Việt Phương
do Nhà xuất bản Văn học ấn hành theo lối chuyền tay. Tôi đọc vì ở thời điểm ấy
nó được coi là “sách cấm”. Tôi đọc vì tò mò. Tôi đọc vì cái máu hiếu kỳ của một
người đang ở tuổi vị thành niên.
Đấy là lý do thứ nhất. Còn lý do thứ hai: Vì những vấn
đề “đi trước thời đại”và những vấn đề Việt Phương đặt ra hơn là vì thật và ít
nhiều đụng chạm đến những chuyện, những việc khá nhậy cảm. Những câu thơ kiểu “Ta đã nhìn thấy vết nhơ trên chín tầng mây”; “Trăng
Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ/ Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ/ Đó
là niềm tin, ý chí tự hào”;
“Hãy mở của ra mà nghe đài địch/ Nghe nó chửi
mà ta tin ở ngày mai”…
dễ gây cảm giác gờn gợn.
Ngay từ ngày ấy, Việt Phương đã nhìn rất sâu vào cái bản
chất phức tạp của con người. Ông đã bẻ chữ người ra thành nơi gừ đầy ẩn ý. Và
theo ông, người chẳng qua chỉ là nơi gừ mà thôi. Tất nhiên, trong Cửa mở, Việt
Phương không chỉ có những câu thơ như thế. Ông còn có những câu thơ khá thi sĩ,
khá ngọt ngào và có nét nhân bản: “Ta
đi yêu người ta yêu nhau/ Người ta cũng là ta khác đâu/ Gió ơi gió hãy vừa đủ lạnh/
Cho những lứa đôi chụm mái đầu”.
Sự hấp dẫp của tập thơ còn nằm ở tinh thần của cửa mở khi tất cả còn chưa mở cửa
và thật thông thoáng như bây giờ.
Trong những
câu thơ trích từ “Cửa
mở” từ trí nhớ của
mình, hình như câu “Ta
đã nhìn thấy vết nhơ trên chín tầng mây” bị nhìn nhận nặng nề nhất. Tưởng chỉ
có vết nhơ ở dưới thấp, không ngờ lại có vết nhơ ở trên cao. Không ít người cho
rằng nó còn mang thêm chức năng “ám chỉ”, chức năng “hai mặt” nữa. Còn những
câu sau, nếu phân tích kỹ càng mới thấy chúng cũng chẳng đụng chạm gì lắm và
chúng cũng chẳng gây “tai nạn” cho ai. Hai câu: “Trăng Trung Quốc trong hơn trăng nước Mỹ/
Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”
đơn giản chỉ để nói đến niềm tin một chiều, niềm tin cực đoan, niềm tin đóng
kín.
Hai câu: “Hãy
mở cửa ra mà nghe đài địch/ Nghe nó chửi mà ta tin ở ngày mai”, có thể hiểu theo một nghĩa rộng: Địch chửi
ta là một việc rất bình thường của chúng và địch càng chửi ta càng nhiều càng
chứng tỏ địch đang lúng túng, hoang mang, hoảng loạn và đang thua ta. Còn nếu
hiểu chúng ở nghĩa hẹp, nhìn nó với con mắt thiển cận với một sự quy chụp nào
đó thì lại khác. Bây
giờ, khi đã trên 30 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ lời một người hàng xóm nhận xét
hai câu thơ trên theo cách hiểu của ông: Người ta đang cấm nghe đài địch. Nhà
nào có ra đi ô đều phải dán vào ra đi ô dòng chữ gần như bắt buộc: Tuyệt đối
không nghe đài địch. Nay lại bảo Hãy mở cửa ra…thì có khác gì cổ vũ cho việc
nghe đài địch.
Hình như bi kịch
lớn nhất của “Cửa
mở” là bi kịch đi trước
thời đại và nằm ở ngoài thơ thì phải?
Sau nhiều
năm, Việt Phương lại xuất bản một tập thơ nữa: “Cửa đã mở”. Đây là tập thơ thứ hai của ông. Dường
như Việt Phương muốn tiếp nối “Cửa
mở” bằng “Cửa đã mở”. Dường như ông muốn nhấn mạnh: Trước đây
tôi đã mở cửa he hé, giờ đây tôi muốn mở cửa toang ra thì phải?
Vậy khi cửa
của Việt Phương đã mở toang ra, độc giả tiếp nhận được gì mới từ ông?
Trước hết,
ta trân trọng ông ở sự say mê, hết lòng với cuộc đời. Nếu không chắc ông không
thể hạ bút mà viết được những câu thơ hết
mình như thế này: Ta uống cuộc đời vào hồn ta; Rạo rực êm êm nhựa trên
cành/ Thơm/ thơm/ thơm/ Anh thành em cho em thành anh; Năm cũ qua nâng niu cái
mới/ Cầm ngày mai trong tay/ Năm mới đến chắt chiu cái cũ/ Mang truyền thống
dâng đầy/ Cho dẫu nếu hồn anh sắp cạn/ Xin nâng niu chắt giọt cuối cùng/
Nghiêng hẳn đời anh đi mà gạn/ Một giọt người rất sáng rất trong; Tôi muốn sống
tất cả hôm nay dù phải mất ngày mai… Đây có thể coi là một phần thái độ sống của
ông.
Bên cạnh
đó, ông còn có những câu thơ triết lý về tình yêu: “Anh rất sợ trời xanh buồn đi mất/ Bóng đêm
về lẩn khuất giữa lòng nhau/ Thật yêu thương xin đừng yêu thương thật/ Cho dạ
hương ngây ngất mãi đêm đầu”
và
cả những câu thơ mang tính phát hiện. Ông đã nhìn thấy cái rất lạ trong cái
không lạ mà bình thường người đời rất dễ
bỏ qua: Anh chợt hiểu ăn là một việc làm đẹp biết bao; Mùa đông ta lại bắt đầu
niềm tin/ Bây giờ qua vấp ngã nhiều phen/ Ta chưa biết rằng ta đã biết/ Nỗi nổi
là nỗi chìm…
Đọc ông, tôi vẫn thấy ông thật thi sĩ một cách đầy trải
nghiệm: “Hạnh
phúc đến như cánh cò lận đận/ Rũ sương đêm trên bến nắng sông Đà”; “Một
nhìn nhau đắm say hững hờ/ Vừa đủ giăng tơ lên trời biếc/ Có biết không hay là
không biết/ Trọn đời mất biệt nhẹ nhàng sao/ Một cầm tay và một chiêm bao”; “Đi
cho cuối đất cùng trời/ Đến nơi người thật là người với nhau”… Đây cũng là những khát vọng lớn trong
ông.
Đâu đó,
chúng ta vẫn bắt gặp những hạt sạn trong thơ ông. Đây là những câu thơ hơi nôm
và ít chất thơ: “Say
người tình/ Mình người vợ/ Nợ người nghèo/ Theo người tốt/ Cốt người thân/ Cần
người bạn/ Ngán người lười”;
“Đời như cơ chế thị trường/ Ngổn ngang pha
trộn chán chường mê say/ Đời như toa chợ con tàu/ Dân nghèo chen chúc gục đầu
nương than”.
Có cảm giác
Việt Phương đã dành quá nhiều thời gian đầu tư vào việc đặt tên cho các bài thơ
mà xao nhãng những việc khác (trên một trăm bài thơ ngắn trong Cửa đã mở đều có
đầu đề là một từ).
Và theo
tôi, điều đáng mừng nhất của từ “Cửa
mở” đến “Cửa đã mở” là sự nhất quán của một hồn thơ, một nhân
cách thơ.