Dọc đường là tập ghi chép vô cùng đầy đủ mà cũng cá nhân, để thông qua đó ta thấy một nhà văn Nguyên Ngọc vẫn luôn bận lòng với sự phát triển, không chỉ của riêng văn chương, nghệ thuật; mà lớn hơn còn là đất nước, quốc gia.


DỌC ĐƯỜNG: CHÂN DUNG CHUYỂN ĐỘNG CỦA NGUYÊN NGỌC

NGÔ THUẬN PHÁT

Dọc đường là tập ghi chép vừa mới ra mắt của nhà văn Nguyên Ngọc (Nhã Nam và Nxb Phụ nữ Việt Nam liên kết phát hành). Trong tập sách này, những suy tư về văn chương, giáo dục, con đường phát triển đất nước; cũng như các hồi ức về chiến tranh và các chân dung văn học… đã được ghi lại một cách sáng rõ và đầy mới mẻ.

Là một nhà văn, nhà báo, dịch giả cũng như nhà nghiên cứu văn hóa; nên các chủ đề mà Nguyên Ngọc đưa ra trong Dọc đường vô cùng phong phú. Theo đó có thể chia nội dung thành 3 nhóm chính: các bài viết bàn về con đường phát triển đất nước, chuỗi bài viết về các nhân vật - nhà văn quan trọng; và cuối cùng là những kí ức về các năm tháng cũng như nơi chốn ông đã đi qua.

NHỮNG TRĂN TRỞ THỨC THỜI

Đứng trên cương vị một nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn Nguyên Ngọc đã chỉ ra những thiếu sót hiện nay của nền văn chương nước nhà. Trong bài Đỉnh cao của nghệ thuật, ông đã nêu bật được nỗi trăn trở về cái yên ổn “nhạt thếch vô vị” của văn chương hiện nay, và để đánh thức nghệ thuật lên đến đỉnh cao, thì việc cần thiết phải làm là lục tìm từ trong bóng tối của những thể nghiệm. Thể nghiệm có thể không thành công, không được chấp nhận hoặc là phá bỏ những xiềng xích cũ; nhưng đó chính là nền tảng của quy luật tiến hóa.

Ở những bài khác với tư cách là một dịch giả, ông cũng trăn trở về nền dịch thuật chưa thật bài bản và còn hỗn độn. Với việc đọc sách, ông cũng cho thấy cần phải suy tư nhiều hơn, rằng kết quả đọc không phải mang đến những câu trả lời mà là nảy sinh những câu hỏi mới, để bước sang một văn bản mới, ta lại có thể là con người khác.

Những chủ đề khác có phần lí thú cũng được ông triển khai sâu sắc. Một trong số đó là vai trò của giới tri thức, là mối liên hệ giữa văn học và hội họa hay sự tương đồng giữa vật lí và văn học... Cũng như con đường phát triển vật lí, văn chương đang đi từ cái tĩnh tại (văn học sử thi, nơi nhà văn rất ít khả năng điều chỉnh văn bản), cho đến cái động cũng như siêu hình (của văn chương hiện đại, nơi nhà văn đập tan hết vẻ nghiêm túc, và những người viết thì đa minh hơn trong chính người của mình).

Tác phẩm chỉ có giá trị khi nó hỗn loạn, và hình thức cũng như nội dung không thể tồn tại cách biệt, mà là song song cùng nhau. Dưới đánh giá của một chuyên gia am hiểu cũng như hoạt động đa ngành, có thể nói đây là những bài viết mới mẻ, đặt ra được nhiều câu hỏi cho sự tiến lên cũng như vận động xã hội.

CHÂN DUNG CỦA NHỮNG NGƯỜI HIỀN

Là một nhà văn không chỉ lăn xả nơi chiến trường những năm chiến tranh mà cả trong sinh hoạt văn chương khi đất nước hòa bình, nên không khó hiểu khi rất nhiều những nhà văn, những nhà nghiên cứu cũng như dịch giả… đã được Nguyên Ngọc dành cho vị trí trang trọng trong những trang sách của mình.

Đó là Lê Đạt với sự phân vân trong nghệ thuật thời chiến, là Tô Hoài như “trạm quan sát cuộc sống” hết sức chặt chẽ và chuẩn xác. Là Trang Thế Hy chăm chú lần mò vẻ đẹp giữa đời nhọc nhằn hệt như Nguyễn Tuân. Ngoài ra đó còn là Đặng Thị Hạnh, nhà văn tay ngang lẳng lặng đắm mình vào cõi thầm kín, tinh tế và đa cảm. Trẻ hơn thì có Nguyễn Ngọc Tư như người quyết tâm triệt tiêu tính chất địa phương, tiến tới toàn cầu hóa văn chương hay Dạ Ngân của những tình cảm có nhiều dồn nén.

Những người hiền khác với nền tảng văn hóa sâu, rộng, vững chắc cũng được ông nhắc đến, như Huỳnh Thúc Kháng với cách làm báo quyết không nói điều người ta buộc mình nói và không bẻ cong ngòi bút. Trong khi đó Phạm Quỳnh là người khẳng định vị thế của ngôn ngữ dân tộc, còn Nguyễn Nam Trân như người tri thức tổng hòa được khối Đông - Tây, bởi muốn hiểu nước Nhật thì phải hiểu văn hóa Nhật, nên khối lượng ông đã cống hiến các tác phẩm dịch cho khán giả trong nước là đáng ghi nhận.

Ngoài ra còn là Phan Cẩm Thượng, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Kinh Chi… và một số nhân vật khác vẫn đang chờ đón sự khôi phục công bằng của lịch sử, để được trả về vị thế cũng như tầm cỡ xứng đáng với thế hệ vàng, thế hệ đa văn hóa, thế hệ của những người khổng lồ không chịu cam phận trở thành nô lệ. Các nhân vật này hiện lên trang viết của ông đầy độc đáo cũng như cá tính, bật mí những câu chuyện riêng mà không phải ai cũng biết trong hành trình dài lăn xả.



ĐI VÀ NGẪM

Là phần hay nhất và cũng là thú vị nhất trong những trang viết của Nguyên Ngọc, về những kỉ niệm và các nơi chốn đã đặt chân qua. Đó là Hà Nội với những nếp nhà của những người Hà thành nổi tiếng thanh lịch giờ đây nằm khuất sau những mặt tiền bành trướng của thời kinh tế mở cửa. Nguyên Ngọc mô tả tình yêu với chính Hà Nội một cách khao khát, mà đầy buồn cảm trước những hiện thực bị xé lẻ, băm vằm bởi kinh doanh, bon chen… nhưng vẫn vững tin vào sức đề kháng vẫn còn tồn tại đã rất nhiều năm.

Hướng lên phía Bắc là những hồi tưởng về cuộc chiến chống thỗ phỉ những năm 1959 ở vùng Mèo Vạc - Đồng Văn, cũng như chuyện tình có nhiều bất trắc. Thế nhưng bỏ qua hết những dữ dằn, lộn xộn thời đại; thì cảnh sắc, không khí, cũng như những sự đa dạng đã được Nguyên Ngọc mô tả vô cùng rõ ràng, sắc nét, với những thung sâu, dốc đứng, những cao nguyên đá lỏm chỏm và những chàng trai - cô gái tươi vui trong phiên chợ tình.

Ngược về miền Tây sông nước thuần chất là những chuyến đi cùng Nguyễn Ngọc Tư vào rừng U Minh giữa những rừng tràm. Chính cũng ở đây ông tin vào trong sự sống bất diệt của rừng, của tràm, của vòng tuần hoàn tự nhiên, nơi con người sống thật giao hòa cũng như thân thiện với từng tổ ong, con rắn, con rùa… vì những thứ nào của rừng cũng có chủ riêng.

Đó còn là hành trình ra những cù lao với những nông dân chân chất thiện lành. Là vùng Trà Vinh với những cây sao cao vút, thẳng tắp, còn mỗi khu phố thì tăm tắp như lối bàn cờ. Những tối nơi đó bàng hoàng tỉnh giấc như thể đang ở vương quốc Phù Nam huyền thoại một lần sống dậy.

Ngược về miền Trung, Nguyên Ngọc dẫn dắt người đọc về quê hương mình, với sông Trường Giang và vùng Hội An rất nhiều nhân tài. Ở Mỹ Sơn, ông cũng họa nên những “cây tháp” Chăm, nơi những mạch vữa là thứ nhựa cây liên kết với nhau, cắm sâu vào đất dễ đến hàng nghìn năm nay để mà nuôi dưỡng cũng như giao hòa cả thân thể chúng.

Về với Tây Nguyên và làng Ba Na như cá gặp nước, Nguyên Ngọc sau Các bạn tôi ở trên ấy thì ở Dọc đường cũng kịp buông ra tiếng thở dài, vì rừng của làng, vì đất của làng… giờ đây đang dần bớt đi một cách từ từ. Bởi rằng làng là cao nhất, và bất cứ người nào, cây rừng nào, mảnh đất nào cũng được che chở, và là một phần cơ thể của ngôi làng lớn, nên giờ đây họ dần trở thành những người xa lạ với chính ngôi làng và cơ thể mình. Tuy là một tiếng thở dài, thế nhưng ông cũng không quên cho thấy đời sống đã từng rực rỡ cũng như sống động nơi mảnh đất này.

Dọc đường là tập ghi chép vô cùng đầy đủ mà cũng cá nhân, để thông qua đó ta thấy một nhà văn vẫn luôn bận lòng với sự phát triển, không chỉ của riêng văn chương, nghệ thuật; mà lớn hơn còn là đất nước, quốc gia. Tự nhận là người ham sống, hơn bao giờ hết tập sách này đã thể hiện một Nguyên Ngọc sáng rõ, suy tư và luôn vận động không ngừng.

 

Nguồn: Văn Nghệ Quân Đội