Chính các Tổng Biên tập
cũng thừa khôn ngoan để hiểu rằng, những loại tin bài vuốt ve người giàu, mơn
trớn kẻ mạnh và bám đuôi thị hiếu đang từng ngày giết chết những nhà báo đúng
nghĩa!
CUỘC CHUYỂN NHỊP NHỌC NHẰN CỦA BÁO CHÍ
LÊ THIẾU NHƠN
Đại dịch Covid-19 đã cuốn
trôi hy vọng cuối cùng cho sự cầm cự của thị trường báo in trong kỷ nguyên
internet. Hệ thống phát hành vốn đã manh mún lại bị đứt gãy trong những ngày
tháng ứng phó virus corona, thì gần như không thể phục hồi. Báo in, nếu chưa
thúc thủ hoàn toàn, cũng đành chấp nhận tồn tại như một bộ phận khiêm tốn của một
cơ quan báo chí. Bạn đọc ở đâu thì báo chí ở đấy, khiến mỗi phóng viên loay
hoay theo dòng chảy mạng xã hội. Và Tổng Biên tập – người đứng đầu mỗi cơ quan
báo chí phải hứng chịu nhiều thử thách cam go của người đứng mũi chịu sào.
Với cơ chế đặc thù Việt
Nam, Tổng Biên tập từng là một vị trí nửa hành chính nửa chuyên môn. Thế nhưng,
bây giờ, nếu chỉ trông cậy vào cái ghế Tổng Biên tập để thụ hưởng chút đặc quyền
đặc lợi về lương bổng thì e chừng không còn phù hợp nữa. Bởi lẽ, khi Facebook
đã trở thành một thế lực, thì cái uy Tổng Biên tập cũng chỉ dọa dẫm được doanh
nghiệp nhỏ và quan chức huyện. Khi nội dung và quảng cáo đã xóa nhòa ranh giới
trên mỗi trang báo, thì Tổng Biên tập trở thành một nghề, vừa căng thẳng vừa nhọc
nhằn, luôn luôn tìm kiếm và đưa ra những ý tưởng sáng tạo để nhận được sự đồng
hành của nhà tài trợ.
Mới đây, Nhà xuất bản
Trẻ tốn khá nhiều công sức để thực hiện một cuốn sách có tên gọi “Tổng Biên tập
– Chuyện người trong cuộc”, như một sự tổng kết đời sống báo chí Việt Nam trước
khi Facebook xuất hiện. Đọc cuốn sách, công chúng thấy được sự tâm huyết và sự
dấn thân của những Tổng Biên tập lừng lẫy một thời như Hữu Thọ, Phan Quang, Hà
Đăng, Hữu Ước, Tạ Ngọc Tấn, Đào Nguyên Cát, Võ Như Lanh, Lê Văn Nuôi, Nam Đồng,
Nguyễn Thế Thanh, Lý Tiến Dũng, Nguyễn Thị Hằng Nga, Mai Sông Bé, Dương Xuân
Nam, Thang Đức Thắng...
Thế nhưng, những Tổng
Biên tập tài danh ấy, nếu đặt vào bối cảnh báo chí đang nỗ lực đa phương tiện
hiện nay, có lẽ họ sẽ có suy tư khác. Bởi lẽ, chỗ dựa “chính thống” của báo chí
đã lung lay trước sức lan tỏa khủng khiếp của mạng xã hội. Một Tổng Biên tập chỉ
ngồi rung đùi trong phòng máy lạnh để hò hét ra oai với cấp dưới, mà không biết
tranh thủ trò chuyện với các nhãn hàng và nhạy bén thực hiện các dự án, thì tờ
báo tập tức chới với bên miệng vực thẳm tàn lụi.
Chưa bao giờ làm Tổng
Biên tập khó khăn như bây giờ, vì áp lực tuyên truyền và áp lực thu nhập của mỗi
tờ báo, đang xé tung những mô thức tác nghiệp truyền thống. Tất cả mọi giấy tờ
chứng minh tư cách nhà báo không còn khả năng bảo chứng cho mỗi sản phẩm báo
chí. Có một sự thật không thể nào phủ nhận, là nhiều nhà báo đã hứng thú xuất
hiện trên Facebook và Youtube hơn là xuất hiện trên trang báo và trên ti vi. Vấn
đề nan giải của Tổng Biên tập là làm sao dung hòa hai xu hướng, một bên với những
nhà báo hành nghề bằng “cái đầu lạnh” và “trái tim nóng”, một bên với những nhà
báo hành nghề bằng “phương tiện công nghệ” và “thuật toán câu view”. Chính các
Tổng Biên tập cũng thừa khôn ngoan để hiểu rằng, những loại tin bài vuốt ve người
giàu, mơn trớn kẻ mạnh và bám đuôi thị hiếu đang từng ngày giết chết những nhà
báo đúng nghĩa!
Hiệp hội báo chí thế
giới WAN sau khi sáp nhập Hiệp hội xuất bản thế giới IFRA để thành cái tên
chung WAN – IFRA, vẫn liên tục đưa ra khuyến cáo cho các Tổng Biên tập, rằng “nội
dung là vua”. Thế nhưng, vị “vua” kia thèm vị chua hay vị đắng, không dễ dàng nắm
bắt để chiều chuộng theo một công thức hợp lý và khoa học. Báo chí cạnh tranh
gay gắt, phủ nhận cả nguyên tắc cơ bản giữa “báo” và “chí”. Báo ngày lấn sang đề
tài báo tuần, báo tuần lấn sang đề tài báo tháng, cứ thế mà nháo nhào mạnh được
yếu thua cho đến lúc cái điện thoại thông minh và mạng xã hội chiếm lĩnh mọi mặt
đời sống.
Các nhà báo lao theo
“nội dung” mơ hồ, bỗng dưng trở thành những đối tượng “nghiện view” tội nghiệp.
Nếu không có cơ hội dựa dẫm vào một nguồn tài chính nào, thì các Tổng Biên tập
nao núng sẵn sàng ban hành mệnh lệnh hành động sốt ruột “hãy sốc và sốc hơn nữa,
hãy sex và sex hơn nữa, hãy sến và sến hơn nữa”.
Kinh tế báo chí trước
Covid-19 đã chật vật, mà sau Covid-19 càng thêm chật vật. Muốn tránh nguy cơ
nhà báo phải đóng vai chuyên viên PR thời vụ hoặc chuyên viên quảng cáo hạng
hai, báo
chí chẳng còn con đường khác, ngoài
việc xây dựng tính chuyên nghiệp bằng phép cộng thông tin chuyên biệt và
góc nhìn chuyên sâu. Bài toán thông
tin chuyên biệt có thể được giải quyết bằng một thị trường ngách, còn góc nhìn
chuyên sâu mới thực sự là nỗi lo dài hạn. Góc nhìn chuyên sâu không thể có ở những
người chẳng đặng đừng phải chọn nghề báo để mưu sinh.
Mặt khác, khái niệm
“đa phương tiện” nảy sinh những nhà báo tay năm tay mười, vừa đạo diễn, vừa
quay phim, vừa chụp ảnh, vừa viết bài, vừa uốn lượn xã giao, vừa đàm phán tài
chính... Những sản phẩm báo chí theo tiêu chí thật nhanh và thật nhiều, khiến cá
tính sáng tạo của mỗi nhà báo bị bào mòn và phong cách sáng tạo của mỗi nhà báo
cũng bị phai nhạt. Không còn ai rảnh rỗi phân định ngôn ngữ báo viết và ngôn ngữ
báo nói, ngôn ngữ báo mạng và ngôn ngữ báo hình. Hình ảnh những nhà báo hăm hở
đi và viết, dần dần chìm trong quá khứ huy hoàng, như những hồi ức lộng lẫy và xót
xa. Chỉ còn những bài báo na ná nhau, được viết bằng giọng điệu đong đưa và
toan tính.
Một cứu cánh đang được
chờ đợi của báo chí là sự phát triển loại hình báo điện tử có thu phí. Bạn đọc
thay thì ung dung truy cập miễn phí, thì phải trả tiền để được tiếp cận những
bài báo chất lượng cao. Nhiều tập đoàn truyền thông lớn trên thế giới đã khéo
léo áp dụng và thu được kết quả khá khả quan. Tuy nhiên, vài tờ báo ở Việt Nam
tiên phong thể nghiệm xu hướng tiến bộ kia, cũng chưa dám khẳng định đủ sức lấy
“thu” bù “chi” mà không cần triển khai vài “tiểu xảo” linh động.
Báo chí Việt Nam được
xác lập giá trị “diễn đàn xã hội” chứ không phải “sản phẩm tiêu dùng”. Trừ vài
tờ báo vẫn ổn định nhờ cơ chế bao cấp, thì những tờ báo từng làm mưa làm gió
trên thị trường cũng không còn khả năng duy trì số lượng phát hành để nuôi
“quân”. Sau hai năm chống chọi Covid-19, hàng loạt tờ báo hoặc đình bản hẳn, hoặc
co cụm lại. Nhân lực đích thực của nghề báo cứ mỏng dần và yếu dần, còn các loại
“kền kền” mượn danh nhà báo để “đánh đấm” tứ tung thì nảy nở, để lâu lâu lại có
vụ nhà báo bị bắt giữ vì hành vi tống tiền cá nhân và doanh nghiệp.
Lướt qua đại dịch
Covid-19 là một cuộc chuyển nhịp nhọc nhằn của báo chí Việt Nam. Thẳng thắn mà
nói với nhau, thì còn bao nhiêu thương hiệu hào hứng đăng quảng cáo trên báo
chí vì hiệu quả truyền thông, hay chỉ vì quan hệ nể nang? Những “hợp đồng truyền
thông” ngỡ là sự cộng sinh sòng phẳng, lại có màu sắc ám ảnh của sợi dây thòng
lọng đầy ngọt ngào và man trá, đang thít chặt vuông đất hẹp vốn dành cho những
thể loại báo chí đắc ý như “phóng sự” hoặc “điều tra”.
Điều
đáng ái ngại nhất mà báo chí Việt Nam đang đối diện ở thập niên thứ hai của thế
kỷ 21, không phải sự suy giảm kinh tế báo chí, mà là sự thưa vắng những cây bút
có bản lĩnh. Các giải thưởng báo
chí vẫn rất rộn ràng, nhưng có bao nhiêu bài báo xứng đáng để công chúng đọc lại?
Dù muốn dù không, cũng phải chân thành mà nhắc nhở ngọn lửa đam mê nghề báo
đang chập chờn trước cơn bão danh lợi.
Nếu không có sự đào tạo
và sự đãi ngộ tương thích, thì tương lai báo chí Việt Nam sẽ khủng hoảng thiếu
những cây bút được bạn đọc tin cậy. Hơn nữa, các cây bút sẽ rút khỏi làng báo
khi có sân chơi khác để phô diễn và để phục vụ. Hiện nay, báo chí Mỹ đã nhen
nhóm ngành
công nghiệp tin tức dưới dạng độc
giả đăng
ký trả tiền để
nhận bài viết của các nhà báo mà họ ưa
chuộng được gửi thẳng vào hòm thư điện tử. Các nền tảng của Substack, Revue, Lede hoặc
TinyLetter đang “tái
định nghĩa ngành xuất bản” theo
phương pháp “xây dựng một nền kinh tế truyền thông trao quyền tự
chủ cho các nhà báo”.