Có một điều có thể nhắc nhở các nhà làm phim, phim kể chuyện có nhân vật đang còn sống, bởi vậy phải tinh tế khi chọn lựa chi tiết, ngôn ngữ. Ví như, quan hệ giữa Trịnh và ca sĩ Khánh Ly là quan hệ tình bạn cao đẹp.


“EM VÀ TRỊNH VÀ LỜI THANH MINH MUỘN MÀNG

YẾN NHI

Xin lưu ý trước tiên về quan hệ giữa hai lĩnh vực tư liệu và nghệ thuật. Em và Trịnh là bộ phim nghệ thuật chứ không phải là bộ phim tài liệu về cuộc đời Trịnh Công Sơn. Nếu là phim tài liệu thì yêu cầu phải chân thật trăm phần trăm, các sự kiện không được sai sự thật nhưng là tác phẩm nghệ thuật thì tác giả có quyền hư cấu, sáng tạo thêm, bớt. Nhưng cái thêm bớt (sáng tạo - hư cấu) này không phải tùy tiện vô hạn mà phải tuân thủ nguyên tắc không được trái với bản chất nhân vật cũng như hoàn cảnh.

  Đi vào bộ phim “Em và Trịnh” ta thấy, các nhà làm phim/ tác giả không cốt ghi lại những mẫu chuyện cũ về đời Trịnh mà chỉ từ cái hình ảnh người nhạc sĩ muốn gửi gắm nhiều ý nghĩa khác có tính hiện đại của đời sống và nghệ thuật. Cái giá trị “sáng tạo” này mới thực sự thu hút người xem tạo nên ý nghĩa thẩm mỹ của tác phẩm. Nhân vật Trịnh mang cái thông điệp về mối quan hệ người nghệ sĩ và cái đẹp cuộc sống, bao gồm âm nhạc và tình yêu! Thông điệp này biểu hiện trong quan hệ anh và âm nhạc (các ca khúc) , anh và tình yêu (các mối tình)!

Nhiều ý kiến lên tiếng cho là phim không thực với các tình tiết:  nào là lúc đó nhân vật không mặc kiểu áo này, hay Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đưa mình về trước ngõ, Trịnh không theo Dao Ánh nhìn trộm qua khe cửa,  lúc đó nhân vật còn nghèo không chảnh như vậy… Có ý kiến lại bảo  kể về Trịnh sao không đưa nhân vật Lưu Kim Cương  vào mà kể nhiều về Ngô Kha, trong khi đời thực tình thân của Trịnh với vị tướng rất sâu đậm…

Tất cả các ý kiến đó đều có thể giải thích ở cái nguyên tắc mà ban đầu chúng tôi đã nêu lên: phim này là nghệ thuật, tác giả có thể hư cấu những chi tiết không như thật, tùy chủ ý mình muốn nói cái gì mà  tạo tác nên, cũng tùy chủ ý mình mà chọn ai, cái gì . Chỉ có một điều có thể nhắc nhở các nhà làm phim, phim kể chuyện có nhân vật đang còn sống, bởi vậy phải tinh tế khi chọn lựa chi tiết, ngôn ngữ.

 Ví như, quan hệ giữa Trịnh và ca sĩ Khánh Ly là quan hệ tình bạn cao đẹp của hai thân phận truân chuyên, gặp, hiểu và găn bó với nhau bằng “tình bạn” chứ không phải “tình ái”. Quí nhau, thương nhau sâu đậm nhưng khác quan hệ giữa Trịnh và Diễm, Trịnh và Dao Ánh, những quan hệ này không lâu bằng nhưng khắc sâu, hằn rõ  vì đó là tình yêu khác quan hệ Trịnh và Khánh Ly. Chính điều này gây những phê phán, nhận định không lợi cho phim, mặc dầu bao lâu cái “hào quang ái tình” vây bủa quan hệ hai người cũng như các ca khuc làm chúng thêm hấp dẫn, rực rỡ.

  Chúng tôi xin dừng lại nói thêm về mối quan hệ giữa Trịnh và Khánh Ly. Bấy lâu trong cảm nhận của cộng đồng, của những người yêu nhạc Trịnh và giong ca Khánh Ly, đều có một cảm thức mơ hồ về tình yêu, chính cái cảm thức này làm cho giọng ca Khánh Ly khi cất lên những bản nhạc Trịnh có thêm một sưc quyến rũ, mà giai điệu, âm thanh được cộng hưởng. Tiếp nhận điều này các tác giả xây dựng trong phim tình yêu hai người cùng với những tình yêu khác của Trịnh. 

Người xem chấp nhận và giọng ca của nhân vật (người đóng vai Khánh Ly) được đón nhận trong tình cảm đó. Cho đến khi Khánh Ly xuất hiện xác quyết quan hệ giữa cô và Trịnh không là quan hệ tình yêu mà là một quan hệ bằng hữu có tính chất vong niên vì cô xem Trịnh như cha chú (?). Người xem thất vọng vì lời thanh minh muộn màng, vì bao nhiêu năm ca sĩ vẫn lặng im và trong một số bài viết vẫn úp mở không nói rõ về quan hệ này.

Bên cạnh, cái quan trọng làm khó cho các nhà làm phim là những chi tiết những câu nói mà nhà làm phim đưa vào trong mối quan hệ này khác  cái bản chất cao thượng tinh tế của Trịnh! (“thó nhạc Văn Cao”, “ăn chung thìa với ca sĩ”, “âm nhạc bỏ anh rồi”…) Trịnh không là nhân vật hoàn hảo, anh có những nhược điểm nhưng không nên có những chi tiết làm giảm sức hấp dẫn!

 Điểm qua các phim truyện về các nhân vật có tiếng trên thế giới cũng như trong nước thì cái phần “sáng tạo” được chú ý nhiều vì nó làm đẹp thêm cho nhân vật, tạo một hiệu ứng thẩm mỹ sâu đậm với cộng đồng, nhưng nếu không tinh tế nó cũng dễ hạ thấp làm người ta hiểu nhầm nhanh chóng. Đây cũng là phần thể hiện tài năng tác giả. Như tên phim “Em và Trịnh”: cũng phần nào thể hiện dụng ý của tác giả.

“Em” là tình yêu  cũng  như âm nhạc  là những biểu hiện cái đẹp của cuộc đời đi vào đời sống của Trịnh. Và phía ngược lại, âm nhạc, tình yêu của Trịnh cũng góp phần làm đẹp thêm cuộc đời. Cái thông điệp nói rõ mối quan hệ người nghệ sĩ và cái đẹp cuộc đời là điều các nhà làm phim hướng đến. Chắc nhiều người xem thích cái hình ảnh thể hiện quan hệ đó giữa Trịnh với các nhân vật trong phim có thể còn hơn là người thật họ ở ngoài đời!