Tôi đọc Đinh Thị Như Thúy và thấy trong dịu dàng người
nữ một sự khác biệt được bộc lộ đến tận cùng, lặp lại nhiều lần những mê đắm,
mê dại, mê mải và sẽ là mê hoang, mê cuồng…
ĐINH THỊ NHƯ THÚY NƠI NGÀY ĐÔNG GIÓ THỔ
(Đọc trường ca
“Nơi ngày đông gió thổi”, của Đinh Thị Như Thúy)
LÊ HOÀI LƯƠNG
Cảm giác đầu tiên đến với tôi khi đọc “Nơi ngày đông
gió thổi” của Đinh Thị Như Thúy là, chị không thể không viết nó!
Gọi tên là gì cũng được: sự bức bối, niềm đắm mê thôi
thúc. Viết cho mình. Như một giải thoát. Như hàm ơn cuộc đời, dù tặng vật nhận
được của hồn là sự bi thiết hay nỗi hân hoan; cả hai, sự bi thiết và nỗi hân
hoan ấy, đều đến tận ngưỡng, và sẽ thật mong manh ranh giới sự sống-cái chết,
trạng huống này.
Ngay cái tên trường ca có xác định địa chỉ - nơi; và
dòng ghi cuối Krông Pắc – Đắc Lắc, tháng 1/2010: nhà thơ viết về vùng đất chị từng
sống nhiều năm, ghi dấu sâu đậm trong thơ lâu nay. Gió Tây nguyên ràn rạt,
thông thốc thổi, mùa hè cuốn tung bụi đỏ, mùa đông buốt giá, gây ấn tượng mạnh
với ai từng đến đất này. Cao nguyên của bạt ngàn dã quỳ, là vương quốc cà phê -
nơi neo gửi giấc mơ lập nghiệp, sinh kế cho bao người làm thuê, mùa vụ. Gió,
lãng mạn và cơ cực, mơ mộng và mãnh liệt, hy vọng mà cuộn xiết qua bao phận người.
Nhưng điều chính yếu: gió thổi từ hồn người đàn bà gắn với miền đất này như định phận - một tâm hồn quá nhạy cảm, tinh tế và xáo động không dứt. Cái nơi là không gian thật kia chỉ ngoại cảnh với những ập òa tác động, còn địa chỉ khởi nguyên cuộc rong ruổi vô hồi của gió, là trong hồn người: cũng cần xác định rằng, cả hai như được lựa chọn cho niềm tương ngộ, vùng đất ấy và hồn thơ ấy!
Chúng ta sẽ không bận tâm về kết cấu của trường ca - với
21 khúc (k) – thực chất là cuộc diễn trình vô hồi của gió qua hồn, khi “cận cảnh”
những đời, lay lắt mà quyến rũ man dại; khi miên man độc thoại, suy tưởng, bối
rối và cả quyết; lúc chìm đắm vào giấc mơ hoang…
Nhà thơ đã bạch hóa ngay từ những dòng đầu: “Mỗi ngọn
gió ào ạt kể một câu chuyện. Những câu chuyện về những con người phiêu lưu mê dại,
tìm thấy nhau ở khát vọng tự do./ Tự do./ Ra đi./ Phiêu lưu./ Mê dại.” (k.1). Và
gió, với thuộc tính tự do vô hạn của mình, vừa thôi thúc, đồng lõa, vừa nhập
vai những kiếm tìm, khát vọng: “Một cảm giác xôn xao kỳ lạ choáng ngợp nàng.
Làm thế nào để không xáo động trong mùa gió. Làm thế nào cưỡng lại khát vọng được
ra đi. Từ ngày xưa mùa gió đã là mùa tuôn dậy của con người. /…/ Người đàn bà hỏi:
Ai là ngọn gió réo rắt vang ngân của ta? Và ta? Có là ngọn gió réo rắt vang
ngân của ai không?” (k.11).
Nếu thích cứ gọi tên gió-nghệ thuật hay gì gì đó, tôi
không quan tâm. Tôi không thấy có bất kỳ thủ pháp nào được lựa chọn: cuộc giao
hòa của gió và hồn là sự “tìm thấy” nhau mấu chốt. Và mọi thứ cứ rung lên; các
câu chuyện cứ vang lên, tung tung tung tung như tiếng gõ các thanh nứa, thinh lặng
vang lên; không cả sắp xếp theo một trình tự nào, nhưng bức thiết, chân thật kỳ
lạ những âm vang.
Ai ngẫm ngợi điều gì sẽ tìm thấy điều ấy - cả hai mặt
- thỏa nguyện và thất vọng. Cái quy luật của tâm hồn này cũng là thứ tự nhiên,
không phải muốn mà thành, không phải rèn mà được. Như các khao khát Tự do, Ra
đi, Phiêu lưu, Mê dại chỉ được sinh ra từ bản ngã mỗi con người. Nó là thứ “văn
hóa” tự thân, không thể học vấn cao mà có. Như chuyện thưởng hoa. Hoa quỳnh,
hoa phù dung chẳng hạn. Nhiều rủ rê ngắm quỳnh nở, ngắm phù dung đổi sắc. Thường
khi, đám đông ồ à ngạc nhiên chút, chụp hình quay phim chút, rồi huyên thuyên
những thứ quan tâm đời sống, đơn giản hoặc phù phiếm, bỏ mặc cái xao động khôn
cùng của hoa đang tội nghiệp lạc lõng với ồn ào tầm thường bùng phát quanh
mình.
Tôi đọc thấy thế này: “Không bao giờ nàng quên những
buổi chiều. Sao những buổi chiều luôn làm nàng âu lo hốt hoảng đến thế? Nàng
nhìn những hoa móng nước rực rỡ trong vườn. Những bông đỏ sậm vàng rực những
bông da cam những bông vàng những dâng lên say đắm. Hoa nở như thể không sao kềm
giữ. Ánh sáng càng nhạt dần theo chiều những bông hoa thẫm màu càng cố rực lên
như tiếc nuối. Nàng dành thời gian ngắm hoa. Nàng rủ mấy người bạn đến uống trà
để khoe hoa. Vì thấy tiếc cho nó. Thấy tội nghiệp những tươi xinh kiêu hãnh đơn
côi không người ngắm càng đơn côi tội nghiệp.
Người đàn bà thở.
Nàng nói: Yêu là yêu. Là làm điều gì đó cho tình yêu.
Là có được vì tình yêu. Là mất mát bởi tình yêu. Nàng nói: Tội nghiệp thay cho
những người tiện thể mà yêu nhau.” (k.18).
Có thể “nàng” thất bại chuyện rủ nhau ngắm hoa. Cũng
như “mất mát” bởi tình yêu, cho tình yêu.
Nhưng không bao giờ “tiện thể” mà yêu nhau!
Người đàn bà vận vào mình sự quá mẫn cảm ấy, chỉ có
cái chết mới là đích cuối những tự do, ra đi, phiêu lưu, mê dại. Chữ cuối của
trường ca là “Và mãi mãi.” (K.21): tâm hồn đã trở nên bất tử!
***
Với cái cách khởi sinh và cuốn trôi khôn cưỡng đến tận
cùng của “Nơi ngày đông gió thổi”, tôi cũng thực nhận về cho mình - không đầu
không cuối - cảm giác thụ hưởng ngập tràn những xáo động tâm tư.
Đinh Thị Như Thúy đã truyền tải niềm đắm mê này, lạ
sao, bằng thứ ngôn ngữ gần gụi và chân xác nhất. Tôi tin rằng, cố gắng lớn của
chị là làm sao nói đúng nhất ý nghĩ, cảm xúc mình - việc không dễ, với thơ. Nỗ
lực này không phải bằng sự tỉnh táo, mà từ chính lòng tự trọng dành cho thơ,
cho cả đời mình: chị chỉ mỗi việc dõi tìm, lý giải chính mình, trong đối diện với
các thế giới, cộng đồng. Dễ hiểu vì sao trước sau chị sáng tác bằng tạng thơ tự
do. Ngay cả các khái niệm gần đây người ta gọi tên: thơ-văn xuôi, văn
xuôi-thơ…, cũng không hề là quan tâm của chị, gọi gì cũng được, hẳn thế. Mọi thứ
tự nó bật tuôn ra thế chứ chẳng phải lựa chọn!
Như đây, viết về hoa dã quỳ:
“Những đồi dã quỳ đẹp đến mức có thể lẩn vào đó mà chết./…/
Ôi. Những dã quỳ hồn nhiên dâng hiến, hồn nhiên tàn lụi. Những dã quỳ tươi tắn,
lúc ngàn hoa nhất loạt nở tràn. Những dã quỳ rời rã rũ rượi trong gió đông. Màu
vàng của dã quỳ luôn là lời thét gào đớn đau câm lặng. Ai người hiểu được nỗi
buồn của hoa?
Người đàn bà cúi mặt vào những bông dã quỳ”. (k.2)
Và:
“Ngoài kia vạt quỳ trỗ hoa muộn ánh lên những vệt
vàng.
Nàng nghĩ: Kỳ diệu thay cho màu hoa ấy. Xuyên qua giá
lạnh để dâng lên. Không quyền lực nào ngăn trở ràng buộc được”. (k.21).
Dễ dàng quá phải không, những câu chữ rất tường minh
điều muốn diễn tả? Nó bình thường với bất kỳ ai, câu chữ ấy. Chỉ hồn hoa-hồn
người là của riêng chị. Những dòng như thế tuyệt không phải sự đồng cảm, liên
tưởng… các kiểu xúc cảm thưởng hoa - hoặc đa cảm đa mang ve vuốt mình buông thở
u hoài mà ngẫm kiếp nhân sinh, hoặc ngạo mạn bộc lộ vai trò chủ tể của mình -
mà là, cuộc hàm ơn tri ngộ trong hân hoan vượt thoát!
Với hoa, với thiên nhiên tuyệt diệu là vậy, còn với
con người, nơi miền đất hứa, nơi cuộc tồn sinh vẫy gọi, những mùa chăm sóc, thu
hoạch cà phê thì sao? Một cao nguyên khát mùa tưới rẫy khi hoa nở trắng; khi
hoa trái mùa, nhọc nhằn và âu lo… Hoa cà phê, trái cà phê chín đỏ cho ai trầm
trồ khi ngang qua miền đất này, còn những ngọn gió của nhà thơ kể câu chuyện
khác, cận cảnh, thấu suốt.
Đây, những người đàn bà cháy lòng với mùa tưới, những
người lao động mùa vụ:
"Những người đàn bà mùa khô đau buốt. Thân thể sực
nức mùi lá rừng mùi ngải cứu. Ngồi trên bực cửa. Buồn bã nhìn ra vườn.
Cà phê đang chín. Trái bầm đỏ như máu ứa. Trên những
nhánh cành xanh xanh.
Đất trong vườn đã khô đi và tơi ra thành bụi dưới những gót chân sần nẻ.
/…/
Người đàn bà thở.
Ra đi là khát khao rồ dại nhất. Cũng là khát khao mãnh
liệt nhất. Của tất cả giống loài. Ở xứ sở này". (k.6).
Và:
"Họ đứng bên nhau tỏa hơi nóng ngùn ngụt sưởi ấm
nhau./ Họ trò chuyện với nhau bằng lời lẽ đôi khi thô bạo, đôi khi tục tĩu./ Họ
táo tợn cấu véo nhau./ Họ hồ hởi thách thức nhau./ Họ quàu quạu trách móc nhau.
/…/
Họ đến với sự dẫn dắt của những cơn gió buồn bã khắc
nghiệt mà ma mị. Để khi mùa cà vãn, họ lại quay về quê hương. Nhưng cái lạnh
kia, màu trái đỏ kia, những đồng tiền dành dụm được kia, những ngột ngạt mù mịt
bụi đất kia mãi ám lấy vô hình trong tâm hồn họ.
/…/
Và vì thế mới có mùa ly hương". (k.7).
Ra đi tìm đất hứa hay ly hương tìm sinh kế, đều trong
nỗi ám ảnh, cuốn hút khôn cưỡng. Như bí ẩn của sự sống.
Nhưng Đinh Thị Như Thúy không viết về hy vọng, thất vọng,
nghề nghiệp…, như các vấn đề đời sống xã hội; trước sau chị chỉ chú tập cho
công việc lý giải những người đàn bà của cao nguyên và mình, trong cuộc tồn
sinh bí ẩn đó. Có thể là sự ngạc nhiên khi cố gắng hiểu “những lý do về sự tồn
tại” của họ (cũng là một phần của mình):
"Mùa tìm kiếm hy vọng, tìm kiếm sự sống, tìm kiếm
những khoảnh khắc phiêu bạt đắm mê, của những con người có vẻ như sinh ra chỉ
biết bán sức lao động của mình để tồn tại như những tội đồ". (k.7).
"Và nàng thấy mủi lòng trước những ngôi nhà dúm
dó trong cái xóm nhỏ này. Những ngôi nhà nhỏ xíu trống hoác, với những áo quần rách
rưới cũ màu vắt dọc dây phơi căng dài trước sân. Nhìn vào áo quần và sự sập xệ
mủn nát của những ngôi nhà, có thể hình dung cuộc sống của những con người sống
ở nơi đây.
/…/
"Thật mơ hồ và lạ lùng cho những lý do về sự tồn
tại của mọi người và mọi vật trong đời sống này?
/…/
Họ thở bên cạnh nàng. Có khi họ lẩn vào nàng.
Như ngày nào nàng lẩn vào dã quỳ ở một góc núi đồi Dak
Song hoang vu lạnh lẽo". (k.16).
Có khi là sự kết thúc, tự kết thúc:
“Một buổi sáng. Những người dân đi thăm rẫy phát hiện
một người trong bọn họ đã chết. Trong tư thế quỳ. Đầu gối chạm sát đất. Hai tay
buông. Cổ thắt nghẹn bởi sợi dây thừng treo vào cành cà phê đầy trái chín.”
(k.13).
Chi tiết có vẻ tả thực, đẹp bạo liệt này sẽ khiến nhiều
người nghi ngờ. Thì xin đọc thêm – trong logic nội tại của mật mã sự sống nhà
thơ muốn khám phá:
"Có gì giống với một người mang những mũi tên,
(mũi tên thứ nhất do người khác bắn, mũi tên thứ hai, thứ ba, thứ n… thường là
do con người tự bắn vào chính bản thân mình), tìm một nơi kín đáo nằm gặm nhấm
vết thương. Rồi cũng chết." (k.13).
Tiến trình này, tự nó, đã có đúc kết, tìm thấy: "Bi
kịch của con người luôn hiện hữu./ Trong sự chuyển đổi trạng thái./ Của chính
tâm trạng con người. (k.3). Rồi: "Trở lại để ra đi. Nắm bắt để buông bỏ.
Tiếng trống cười cợt thúc giục. Nàng biết thế nào rồi cũng sai. Ồ bara bara
bara. Hãy giữ giấc mơ đồi hoang. Và giải lụa này. Trên khuôn mặt người yêu dấu.
Hãy giữ mãi nụ cười khi tất cả bay tung hết". (k.5). Và: "Đứng yên
cũng là một cách thỏa hiệp với cái chết. /…/ Kìa những chim đang nhảy nhót, những
gió đang trôi, những mây đang tan chảy, những hoa đang ném bỏ mùi hương. Có
loài nào đứng yên mà tồn tại? Tất cả đang lên đường cùng thời gian trong giới hạn
của mình. Ra đi cho đi là sống". (k.20).
…
Đã thấy ra đi, cho đi (của hồn) là sống với tự do. Thực
sống. Cuộc phiêu lưu mê dại này cũng không phải là lựa chọn theo nghĩa vật chất,
vật lý: nó đã chạm thấu cái đích đến cuối cùng mà tôi nói trên kia, rằng, chị
không thể không viết những dòng miên man mê hoặc này - lý do để thơ được sinh
ra và tồn tại!
***
Chẳng biết có liên quan gì không, nhưng tôi cứ nêu ra
đây cảm nhận của mình khi đọc “Nơi ngày đông gió thổi”, là: có thật nhiều gặp gỡ
mang lại sự “tìm thấy” cho tôi, một đằng là thơ, một bên là các rọi sáng từ Đạo
sư người Mỹ hướng dẫn thiền định: nhà tâm lý học, thiền sư nổi tiếng thế giới
Jack Kornfield. Xin nêu một vài: “Tiến trình chết và tái sinh này sẽ dẫn ta đến
tự do…”, “Từ sự tự do này, ta có thể mang một trái tim thấu hiểu và bi mẫn vào
một thế giới cần nó rất nhiều.” Và cách giảng giải sáng tỏ những nhầm lẫn dễ thấy
giữa bản ngã, vô ngã, chân ngã: “Khi những phẩm chất của Phật tánh và bản ngã
thiết thân được hợp nhất với sự chứng ngộ sâu sắc về tánh không của bản ngã,
chúng ta có thể khám phá trọn vẹn chân tánh của bản ngã. Chân ngã này vừa vô
song vừa phổ quát, vừa trống rỗng vừa tròn đầy.” (Con Đường Từ Bi, các trang
229, 239, 323 – Như Lôi dịch, Nxb. Đà Nẵng, 2020).
Đạo trình từ trái tim để giải thoát và một tiến trình
hình thành bài thơ (bài thơ không thể không ra đời như trường hợp bài viết đang
đề cập), có gì thật giống nhau. Hãy bỏ qua những thuật ngữ nhà Phật, tôi muốn
hướng đến việc tiếp cận thơ: từ cái chết (của tâm hồn) để được tái sinh, là con
đường tất yếu đến tự do; tự do này sẽ mang trái tim thấu hiểu và bi mẫn đến với
thơ; và khi ấy, thơ vừa tìm thấy cái tôi sâu sắc nhất vừa vượt qua nó, vượt qua
sự mơn man ái kỷ, mà lan tỏa trong đồng cảm khôn cùng!
Đó, đọc “Nơi ngày đông gió thổi” tôi liên tưởng đến một
đạo trình! Và thơ, với lẽ tự nhiên nhất mà cũng gian nan, nghiêm cẩn nhất.
***
Tôi đọc Đinh Thị Như Thúy
và thấy trong dịu dàng người nữ một sự khác biệt được bộc lộ đến tận cùng, lặp
lại nhiều lần những mê đắm, mê dại, mê mải và sẽ là mê hoang, mê cuồng…; những
tìm kiếm lý do để dừng lại, rồi phải ra đi; hoặc là hệ quả của nhau: dừng lại-ra
đi, ra đi-dừng lại, cứ thế đến vô cùng. Cũng vậy, ở tình yêu, vẫn trong cuộc
tìm thấy-biến mất này. Sống tận cùng là gặp sự chết, và chết là để được tái
sinh; vì bản chất của khát tìm là để cho tặng, càng cho tặng càng khát tìm!
Đọc Đinh Thị Như Thúy để thấy, ngay cả với tình, cảm
giác cần có đôi chỉ là sự tự đánh lừa ngọt ngào!
Trong tận cùng cô độc mà chị đau đớn và hạnh phúc tìm
thấy, tôi nghĩ chị cũng đã nói hộ cho nhiều người. Mối quan hệ ta và bạn, và
đám đông, chẳng hạn: “Những người bạn của nàng đang tan chảy và đổi khác dưới
ánh mặt trời./ Người thứ nhất tiếc nuối ném những bông hoa xuống con đường lầm
bụi./ Người thứ hai lưỡng lự chút ít rồi ném./ Người thứ ba thờ ơ ném./ Người
thứ tư ném trong sự phẫn nộ./…/ Họ bước sang bên kia đường ngẩng cao đầu đứng
vào đám đông./ Trông họ giống hệt nhau./ (Họ là bản sao của nhau)./ Trông họ đầy
sức mạnh.// Gió cuồng nộ đau đớn xoáy tròn trên họ. (k.11).
Trong lời bạt cuối sách có tên: “Trong khu vườn của
người đàn bà tên Thúy” - một bài viết rất sâu sắc về thơ, về trường ca này, nhà
thơ Nguyễn Quang Thiều nêu nhận xét xác đáng: “Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn
tranh cãi nhau về sứ mệnh hay sự có ích của thơ ca. Và hầu hết chúng ta lầm lẫn.
Thơ ca không có nghĩa vụ tạo ra những sự
kiện xã hội, chính trị hay tham gia vào các sự kiện đó mà thơ ca chỉ làm ra những
sự kiện tâm hồn.”
Tôi thực sự đã nghĩ vậy, ít nhất khi đọc Đinh Thị Như
Thúy những tập thơ trước, đến giờ, “Nơi ngày đông gió thổi”. Tôi tin thơ vốn vô
tính. Chẳng “vị” gì cả, nghệ thuật hay nhân sinh. Thuộc tính của thơ, là sự giải
thoát (cho chính người thơ): nhà thơ nữ này trong cuộc tìm kiếm, gọi tên những
thúc bách vô hồi của tâm hồn mình, đã chạm thấu những thẳm sâu chung nhất của hồn
người - lý do đầu tiên mà cũng là cuối cùng thơ có mặt trong đời sống.
***
Khó thể viết một bài viết mạch lạc về “Nơi ngày đông
gió thổi”, tôi chỉ lan man những cảm nhận của mình. Qua các câu chuyện của
“Gió”, tôi gặp những khát thèm, những day dưa không dứt, “những bồn chồn lo âu
bất ổn”, những tự vấn, độc thoại cuống quýt: Em đã tìm đến mệt để không nhận ra
được cả chính mình /…/ Làm thế nào để em dần mất đi mà không ai nhận biết./ Làm
thế nào để em đi qua mà không lưu lại dấu vết nào. (k.14); Có gì để vang
lên?/…/ Có gì mà vang lên? (k.17); Cái chết quyến rũ như một ân huệ cuối cùng,
một giải thoát cuối cùng, và thật sự/…/ Vết thương ta tự rạch nát tự chọc ngoáy
và không muốn chữa lành. Ta chịu đựng đau đớn một cách phi lý bí ẩn và không chịu
bất cứ sự hóa giải nào (k.18);…
Xin trích dẫn một đoạn dài, cách nhà thơ biểu đạt hòa
quyện nhau, nhập vai, phân thân các hình tượng trữ tình - lối biểu đạt khá nhiều
trong trường ca, tự do mà xoắn bện, gấp gáp, bức thiết:
"Kìa đất trời đang điên dại trong hạnh phúc được
yêu. Kìa mùa màng sinh sôi tuôn dậy. Trong những chuyển động bền bỉ dịu dàng mà
vô cùng mãnh liệt. Của gió. Của nắng. Của cây lá. Của bụi đất. Và của những
buông thả không ngại ngần.
/…/
Một khát khao buồn bã dâng lên.
Nàng thở.
/…/
Nàng thì thầm:
Mùa thay lá anh ạ. Rừng cao su vàng xuộm. Đẹp nao nức.
…
Nhưng buồn.
*
Nàng thì thầm:
Em ngồi bên anh. Chúng ta yên lặng nghe thời gian đi
qua.
…
Cuộc sống nàng thật nhiều lo toan. Em ước những điều tốt
đẹp.
…
Anh thấy không?
…
Sự sống. Hơi thở. Những mỏi mệt. Và nỗi khát khao của
em?
/…/
Tất cả đang kêu gọi thương yêu trong một lẽ công bằng
nào đó.
…
Không còn nữa sao? Anh?
…
Cho những công bằng?
…
(k.8).
***
Trong một chia sẻ trên trang cá nhân, nhà thơ Lê Vĩnh
Tài có nêu nhận định: “Trường ca này là tập thơ thứ năm của Thúy, một gia tài
thách thức bất kỳ một nhà thơ nào.” Tôi nghĩ, anh rất thận trọng và chuẩn mực
khi viết mấy chữ này. Thời “lạm phát” thơ, rồi đâu đâu cũng nhiễu loạn những
khen vống lên, bơm thổi nhau, nên thấy thật vui khi đọc được lời bạn thơ khen tặng
nhau chân thành, bản lĩnh như vậy.
Làm văn chương, vọng một tri âm, đã là hạnh phúc.
Còn tôi, khi đọc “Nơi ngày đông gió thổi” của Đinh Thị
Như Thúy, đã được thụ hưởng một vẻ đẹp mong manh và ám rợn, vẻ đẹp siêu thực. Có
thể rồi như ánh hồi quang, khoảnh khắc sẽ tan biến đi; nhưng nó đã thật ánh
lên.
Tôi nghe ra hơi thở của nàng, làn hương của nàng trong
trùng trùng nhọc nhằn còn vương trên cây lá, hương hoa; dõi theo ánh mắt người
đàn bà cuối cuộc kiếm tìm và nhìn thấy từ tít xa tín hiệu dẫn dụ đầy mê hoặc:
“Người đàn bà đó đã ngồi xuống xõa bung mái tóc và duỗi
dài đôi chân như thể vừa đi qua một chặng đường xa xôi.
Nàng dõi cái nhìn xuống tít xa cuối những đợt cỏ xô
như sóng. Mùa này những lau trắng ven đồi cứ quẫy lên ngời ngợi.” (k.20).
1/6/2022