Hai bút ký của
nhà văn Nguyễn Tam Mỹ đăng trên báo Văn nghệ và Đất Quảng đã gây
tiếng vang, nhưng
cũng khiến anh nếm mùi búa rìu quan lại.
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ: Hương vị đất Quảng
ĐOÀN TUẤN
Gặp Nguyễn Tam Mỹ, dường như ai cũng nhận ra anh là
“người của văn chương”. Dáng người mảnh khảnh. Gương mặt cương nghị. Ánh mắt
tinh nhanh. Giờ anh thêm bộ râu nên càng mang dáng vẻ của một người ưu thời mẫn
thế. Đặc biệt, anh sinh ra và lớn lên ở đất Quảng, mảnh đất “chưa mưa đã thấm”
đã hun đúc nên tính cách con người nơi này không bao giờ chấp nhận một cái gì
duy nhất, luôn tìm thấy những ngã rẽ khác mạnh hơn, hợp lý hơn.
Vừa tốt nghiệp trường phổ thông trung học, Nguyễn
Tam Mỹ có giấy gọi nhập ngũ. Dù gia đình anh đã có hai người đang ở lính, Nguyễn
Tam Mỹ vẫn vui vẻ lên đường. Bà mẹ thương anh nhất. Vì anh là người con yếu đuối,
lại có bệnh thấp khớp. Nhưng tuổi trẻ sá gì. Nguyễn Tam Mỹ cùng đồng đội sang
chiến đấu ở chiến trường Campuchia, tỉnh Stung Treng. Tinh thần cùng ý chí của
những người lính chiến thấm vào anh sâu đậm. Sau 5 năm ở chiến trường, anh được
giải ngũ. Nguyễn Tam Mỹ lại cắp sách đi học, thỏa nỗi ước ao cháy bỏng bao năm
ròng. Tốt nghiệp khoa Văn Đại học Huế, anh về quê nhà, làm báo.
Quê hương đất Quảng của anh là một vùng đất mà lịch sử
chiến tranh, cách mạng dày lên ngút trời. Làm sao kể hết những vỉa, những tầng
lịch sử và con người quê hương? Ai là người cất lên tiếng nói của quá khứ đang
lặng im? Những câu hỏi đau đáu trong tâm can người lính trở về. Đặc biệt, thời
điểm đó, đất nước, quê hương sau những cơn đau thời bao cấp kiệt quệ, bắt đầu
chuyển sang thời kỳ đổi mới. Bao thứ manh nha, trắng đen lẫn lộn. Những người
ngay thẳng chỉ có một đường đi. Những kẻ lưu manh luôn có trăm phương ngàn kế.
Thói cơ hội, tham vọng quyền lực được ngụy trang bằng những lời có cánh sặc sỡ.
Trong khi đó, người dân, dù cần cù và nhẫn nại đến
đâu, cũng vẫn trong cảnh giật gấu vá vai. Ý thức của một người lính cầm bút đã
thúc giục Nguyễn Tam Mỹ viết liền hai bút ký “Hoàng hôn quê ngoại” và “Tiếng
chim không báo điềm lành”. Anh nhớ đến tiếng chim “te…te…huých” đầy nguy hiểm
trong những cánh rừng Đông Bắc Campuchia. Nhưng bây giờ, tiếng chim hung tợn đó
đang hút máu quê hương anh, đồng bào anh. Hai bút ký đăng trên báo Văn nghệ và
Đất Quảng đã gây tiếng vang. Nhưng cũng khiến anh nếm mùi búa rìu quan lại.
May sao, Nguyễn Tam Mỹ được những nhà văn tử tế lên tiếng
bảo vệ. Nhà thơ Thanh Quế luôn đứng bên anh, sẵn sàng mất chức Tổng biên tập tạp
chí Đất Quảng. Nhà thơ Thanh Thảo còn làm tặng Nguyễn Tam Mỹ một bài thơ rất mạnh
mẽ: “Đừng trách con chim hít cô/ con chim chỉ rên lên vì đói/ trên quê hương
mình hôm nay/ những con chim nào báo dữ?/ những con chim nào rỉa vào lưng mẹ/
rút rỉa/ những con chim nào ăn hết lúa/ móng chân đạp qua rỗ nát mái trường?/
những con chim nào mang danh “thần ưng”/ bỗng mờ mắt trước miếng mồi béo bở/ những
con quạ nhuộm lông giọng khàn khàn dễ sợ/ những con chim chào mào ngật ngưỡng
ngông nghênh/ và những gã bói cá đỏ đỏ xanh xanh /đứng rình mãi mâm cơm của mẹ
/mâm cơm chỉ có khoai và muối /cá thiệt lặn từ khuya cá gỗ cũng không còn/ ta
là bầy chim nhỏ đáng thương/ cứ hót mãi khúc ngọt ngào ngớ ngẩn/ cú khép nép
trước những loài hung hãn/ cứ ba hoa ròng một giọng chích chòe / có khi nào ta
nín lặng lắng nghe / những lặng thầm sau lũy tre mờ tỏ/ mờ tỏ tiếng chim “hít
cô” nức nở/ khóc những gì không thể hét lên / nếu còn thanh nhiên ca hát hồn
nhiên/ ta sẽ hóa thành con-chim-báo-dữ”. Trong cuộc đấu tranh chống cái ác đầy
quyền lực, những nhà văn chân chính cần được sự ủng hộ của đồng nghiệp, bạn bè
lương thiện.
Những lần về Tam Kỳ, ngồi cà phê với các đồng đội
và bạn bè Quảng Nam, tôi đã được nghe nhiều chuyện về anh. Toàn chuyện hấp dẫn.
Nhân vật nào trong truyện khiến họ hình dung người nào ngoài đời. Đọc vanh
vách. Từ tên thật đến tính cách. Bạn đọc kể với sự khoái chí đầy vui sướng. Bởi
câu chuyện và các nhân vật tha hóa, bất lương ở ngay quê hương họ.
Đó là tiểu thuyết “Sấp ngửa bàn tay” (NXB Hội Nhà văn
- 2008). Tiểu thuyết gồm hai tập. Tập một có tên “Hai ông một bà”. Nhà văn kể
chuyện vùng quê Tây Quang khi cuộc chiến tranh chống Mỹ bước vào giai đoạn ác
liệt (1965), các nhân vật như Huỳnh Xấp, Bành Phước Tân… là lãnh đạo ở địa
phương. Cậy thế, họ hủ hóa rồi trút nợ cho nhau. Mâu thuẫn phát sinh, tìm
cách hạ bệ nhau. Sau ngày hòa bình thống nhất họ biến vùng quê Tây Quang thành
mảnh đất “quần ngư tranh thực”, lôi bè kết cánh đánh nhau triền miên khiến người
dân khổ cực lầm than.
Tập hai có tên “Sấp ngửa bàn tay” anh viết về một kẻ
cơ hội mang tên Vách Vênh. Gã cơ hội này khi ngoi lên đỉnh cao quyền lực ở Tây
Quang, không những tham lam vô độ mà còn đam mê gái gú, biến nữ nhân viên dưới
quyền thành đồ chơi. Đám tay chân của gã theo đóm ăn tàn, tham nhũng vặt, hành
dân đủ điều để họ phải nôn tiền ra khi có việc đến chốn công đường. Khi mọi
chuyện bục ra, cấp trên vội vã điều Vách Vênh lên tỉnh, nạn tranh quyền đoạt lợi
ở vùng quê Tây Quang mới dần lắng xuống. Bạn đọc cảm phục sự dũng cảm của Nguyễn
Tam Mỹ, một nhà văn đã thay họ, nói lên những nỗi đau trong lương tâm người dân
bình thường.
Tiếp tục mạch cảm hứng viết để làm sạch lại quê hương,
năm 2018, Nguyễn Tam Mỹ cho ra mắt tiểu thuyết “Tứ trụ kình thiên” (NXB Hội
Nhà văn) gây rúng động xứ Quảng. Tập một có nhan đề “Bão cát”. Nội dung kể
về tỉnh Địa Thiên Quang được tái lập sau một thời gian dài hợp tỉnh. Do duy ý
chí nên cấp trên không chọn người tài mà chọn người có lý lịch đỏ bố trí nắm giữ
các đầu ngành. Họ hình thành bốn phe nhóm Sơn Quang, Bắc Quang, Lộc Quang và
Nam Quang để tàn phá vùng quê biển kiếm ăn, gây nên thảm cảnh bão
cát.
Tập hai nhan đề “Bão rừng”. Khi vùng ven biển không
còn gì kiếm chác, họ lại tàn phá vùng núi với việc khai thác gỗ lậu, bán bãi
đào đãi vàng sa khoáng, ngăn sông làm thủy điện gây nên cảnh bão rừng khiến
vùng núi Địa Thiên Quang tan hoang, người dân sống trong cảnh khổ nghèo cùng cực.
Người dân vùng hạ du cũng chẳng được yên, mùa mưa thủy điện xả lũ vô tội vạ,
nhà, vật nuôi trôi theo con nước. Anh đang viết tập ba, mang tên “Bão lửa”. Tập
này nói về luật nhân quả báo ứng linh nghiệm. Những ông quan tham bị cách hết
các chức vụ, tham nhũng quyền lực bất thành, con cái buộc phải bỏ ghế ra ngoài
xã hội kiếm sống. Ông quan Cù Lê Anh về hưu, vợ chết, bản thân mắc bệnh ung thư
dù tiền nhiều như núi vẫn không chữa khỏi, cứ sống lắt lay. Ông quan Cầm Sơn Quế
cuối đời bị hư thận, bị tiểu đường phải cưa chân, sống trong cô đơn vì quanh
năm không có một ai đến thăm hỏi.
Không những viết những câu chuyện đương đại của quê
hương, Nguyễn Tam Mỹ còn ngược dòng thời gian, khám phá những trang sử còn chưa
được biết đến của vùng đất khốc liệt này. Năm 2014, anh ra mắt truyện ký-tiểu
thuyết “Máu và tội ác” (Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam xuất bản). Đó là câu
chuyện đầy bi thương ở đất Quảng. Sau khi Hiệp định Geneve -1954 được ký kết,
tên Nguyễn Đình Thiệp cầm đầu tổ chức Quốc Dân đảng ở Quảng Nam kéo lên ba xã
vùng tây bắc Tiên Phước (Sơn Cẩm Hà) lập chiến khu Nam Ngãi Bình Kỳ, tự xưng Tổng
Tư lệnh với chủ trương: “Đả Cộng bài Ngô”.
Bọn chúng sinh hoạt đảng theo tổ tam tam, chi bộ, đảng
bộ, ăn mặc giống bộ đội hồi kháng chiến chống Pháp. Vì thế người dân Sơn Cẩm Hà
lầm tưởng nên ủng hộ nhiệt tình. Nhưng sau một thời gian ngắn, bọn chúng hiện
nguyên hình là một đảng phái phản động lãnh đạo đội quân ô hợp không khác gì thổ
phỉ. Chúng thủ tiêu những người tham gia kháng chiến bằng cách bỏ bao tời đeo
đá thả xuống sông Tiên, thảm sát tập thể gần 500 người tại các hầm heo Gò Vàng,
Đồng Trại…
Khi thấy Nguyễn Đình Thiệp “làm cỏ” Cộng sản xong ở
Sơn Cẩm Hà, đầu năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm yêu cầu Nguyễn Đình Thiệp đầu
hàng vô điều kiện. Để đoái công chuộc tội, trước khi ra hàng, Nguyễn Đình Thiệp
đã cho quân lính tàn sát nhiều gia đình kháng chiến. Khi chính quyền Ngô Đình
Diệm tiếp quản Sơn Cẩm Hà, dân chúng đã phẫn uất dùng dao gậy đập chết nhiều
tên Quốc Dân đảng đầu sỏ. Tiếp đà thắng lợi, dân chúng vùng lên đánh Mỹ -ngụy.
Vùng Sơn Cẩm Hà trở thành căn cứ địa của Tỉnh ủy Quảng Nam cho đến ngày giải
phóng (ngày 10-3-1975). Vụ thảm sát Sơn Cẩm Hà là một trong năm vụ thảm sát đẫm
máu nhất ở Quảng Nam trong thế kỷ XX (sau vụ Chợ Được, Chiên Đàn, Cây Cốc, Duy
Trinh). Cho đến nay, “Máu và tội ác” là cuốn sách duy nhất viết về
sự kiện bi thương này.
Không những tả xung hữu đột, khai thác những câu chuyện
trên chính quê hương, Nguyễn Tam Mỹ còn quan tâm đến vùng đất Stung Treng -
vùng ký ức đời lính không thể phai mờ. Anh đã xuất bản hai tiểu thuyết “Dưới
tán rừng thốt nốt” (NXB Đà Nẵng -2018) và “Chinh chiến nơi miền đất
lạ (NXB Đà Nẵng - 2021). Những trang anh viết vô cùng sinh động, hấp dẫn. Chuyện
vợ chồng khỉ cãi nhau khi khỉ mẹ làm rơi đứa con xuống dòng nước lũ; chuyện người
bạn cùng xã Tiên Sơn hy sinh khi bị nước cuốn trôi trên sông Sê Kông; chuyện
anh Vinh hy sinh khi vừa về đến đơn vị, bị những con kền kền rỉa hết thịt; chuyện
bốn cô gái Khmer ở Phum Xre Kasan tiễn anh về nước bằng một chuyến du
thuyền trên sông Mê Kông… Những trang viết đầy cảm xúc, lấy trọn niềm tin của bạn
đọc.
Nhà văn tài hoa của xứ Quảng còn chinh phục bạn đọc ở
nhiều thể loại khác. Bút ký, truyện ngắn, thơ thiếu nhi…và thơ trào phúng. Anh
tự nhận mình là hậu duệ của Tú Mỡ. Anh làm thơ trào phúng thật nhanh, ngỡ như lấy
cái bật lửa trong túi ra châm thuốc. Thời buổi bao chuyện nực cười của các quan
tham. Cứ nhắc đến quan chức, dân chúng nghĩ ngay đến chuyện tham nhũng và phát
ngôn ngô nghê. Nắm được hai lỗ hổng này, Nguyễn Tam Mỹ làm thơ trào phúng không
bao giờ biết mệt. Được bạn bè khích lệ , anh in thành sách. Chơi thôi. Để tặng
nhau là chính. Phải chăng đấy là một cách sống của người Quảng Nam như nhà thơ
Lê Minh Quốc từng viết? Tôi rất thích bài anh “Tự trào”: “Kỷ Hợi đến Kỷ Hợi /
Hoa giáp được một vòng / Đã là người cao tuổi /Râu ria dài lòng thòng /Trời cho
còn sống khỏe / Tào lao hoài cũng vui / Chọc ngoáy chơi. Lắm kẻ / Mặt sa sầm tối
thui / Học theo cụ Đồ Chiểu / Dùng bút đâm quan tham / Và những tên gian đểu /
Và cái xấu nảy mầm / Làm chàng Đông Ki Sốt / Giữa thời buổi nhiễu nhương / Liệu
có ngày bị hốt? / Liệu có chuốc tai ương?/ Hê hê. Thì mặc kệ / Thân lươn
đâu xá gì!/ Cứ tào lao như thế / Tú Mỡ gọi. Là đi…”.
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng