Nhà phê
bình Phùng Gia Thế viết chậm nhưng bay bổng, thanh thoát và
hết sức chí lý từ quan điểm và tri thức của mình. Nhà phê bình Phùng Gia Thế tự tin vào
những gì mình viết ra.
Nhà phê bình Phùng Gia Thế, những song hành đối thoại
PHÙNG VĂN
KHAI
Trong giới nghiên cứu lý luận phê bình văn học, cái
tên Phùng Gia Thế tuy không quá nổi trội nhưng luôn có vị trí vững chắc và giọng
điệu riêng. Với ông, viết phê bình là đồng hành và chia sẻ, là đối thoại và lắng
nghe phía các tác giả, bạn đọc và bạn nghề từ những ý kiến nhỏ nhất, có khi hợp
với mình, có khi bao trùm mình hoặc có khi ngược chiều cũng đều là có ích. Xác
định được như thế, mọi chuyện sẽ thảnh thơi hơn. Viết phê bình để thêm bầu bạn,
nhất là giới sáng tác vốn giàu cá tính đôi khi còn là cá biệt. Đây cũng là phẩm
chất cần có của một nghề nghiệp vốn không dễ dàng nơi trường văn trận bút gian
nan. Phùng Gia Thế đã xuất hiện, đã bước đi và khẳng định đai đẳng của mình, vị
trí riêng có với một ý thức rất rõ ràng cũng là điều đáng khen vậy.
Phải chăng ông cũng là người sáng tác nên dễ bề đồng cảm
và dễ dàng tìm được mật mã trong các tác phẩm văn chương? Truyện ngắn Phùng Gia
Thế nhiều năm liền xuất hiện trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, Báo Văn nghệ... vững
vàng và có cốt cách riêng. Có phải bởi vậy mà ông thuận thảo hơn trong đánh giá
các tác phẩm văn chương? Thẩm định văn chương vốn khôn cùng, để tìm được những
điểm sáng, những hạt vàng siêng nhặt của giới văn bút không phải dễ dàng đâu.
Có nhà phê bình chỉ ưa thích “quất roi cho con ngựa sáng tác lồng lên” mà lấy
làm chí thú liệu có là đúng đắn? Sáng tác cần đồng hành và chia sẻ. Những tác
phẩm lớn luôn có tính độc lập của nó. Những phê bình dù thuận - nghịch không thể
khiến những tác phẩm ấy lao lung. Đó là một sự thật hiển hiện trong văn chương
nghệ thuật.
Phùng Gia Thế viết phê bình rất uyển chuyển. Ông còn rất
biết đặt các tên tiểu luận: Điều kiện hậu hiện đại của văn học Việt Nam; Tính
chất các-na-van trong ngôn ngữ văn xuôi Việt Nam đương đại; Tính bất khả tín,
hàm hồ trong thế giới nghệ thuật văn xuôi Việt Nam đương đại; Tiểu thuyết đương
đại - một cuộc chơi khó; Ngợm hóa nhân vật, loạn hóa xã hội? Liệu có đơn giản
như thế không?; Một thí dụ tiêu cực về tiểu thuyết trẻ; Tiểu thuyết như là sự
hiện hữu những khoảnh khắc thầm kín của tâm trạng; Văn học Việt Nam thời kỳ Đổi
mới: Văn học đang có nhiều cơ hội để phóng thoát...
Đương nhiên, chất
lượng các tiểu luận không thể nào phụ thuộc vào tiêu đề nhưng sự chuyên nghiệp
luôn phải được đặt ra ngay từ các tiêu đề. Không thể có một tiểu luận hay,
thanh thoát, giàu tính văn chương nghệ thuật từ những cái tên ẩu tả. Điều này,
Phùng Gia Thế luôn ý thức rất sâu. Ông viết chậm nhưng bay bổng, thanh thoát và
hết sức chí lý từ quan điểm và tri thức của mình. Phùng Gia Thế tự tin vào những
gì mình viết ra. Các bài viết của ông về các tác giả Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn
Bình Phương, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thân... đều trên nền tảng kiến
thức sâu rộng, dung nạp những cái khác biệt và cái cơ bản là đã chuyển hóa tài
tình chúng bằng ngôn ngữ chắc nịch nhưng cũng rất bay bổng của riêng ông. Nhiều
trang văn phê bình của Phùng Gia Thế đọc không khác gì những trang sáng tác hay
của các nhà văn. Điều này không phải lúc nào cũng thuận lợi cho ông, nhưng ít
ra, trong phê bình rất cần sự thăng hoa như thế.
Nếu như sự giao du của giới phê bình với giới nhà văn
luôn tiềm ẩn những bùng nổ không phải lúc nào cũng theo chiều thuận thì với
riêng Phùng Gia Thế là cá biệt chăng? Các nhà văn mỗi lúc tụ bạ, giao lưu hoặc
đối thoại với ông đều cảm thấy dễ chịu. Nói gì gã họ Phùng cũng tươi cười như
muốn cầu thân với người sáng tác, ai ông cũng coi là viết hay hơn mình, đẹp
giai hơn mình, bồ xinh hơn bồ mình. Cơ mà cái sự nhún nhường ấy rất tự nhiên dễ
chịu chứ không phải khiên cưỡng giả vờ giả tảng gì. Tôi nhiều lúc còn quát
tháo, hoạnh họe, bắt nạt ông em, dạy dỗ vô lối mà Phùng Gia Thế cứ một mực cười
hiền kể cũng lạ lắm thay.
Phùng Gia Thế viết đâu chắc đó. Cuốn tiểu luận - phê
bình “Văn học Việt Nam
sau 1986 - Phê bình đối thoại”
của
ông phản ánh đầy đủ nhất lực bút và lực hút các tinh lực, tinh hoa của ông với
các nhà văn. Nhà phê bình La Khắc Hòa từng rất kỳ vọng vào học trò cưng Phùng
Gia Thế. Tôi thì cho rằng Phùng Gia Thế đã góp phần kéo lại gần gặn và thông hiểu
giữa hai giới sáng tác - phê bình một cách giản dị và thông tuệ. Những bài phê
bình trong tập sách trên đều là những tiểu luận được viết công phu, rất có trách
nhiệm với nền văn học. Đây cũng là một trong những gương mặt có đóng góp hữu
ích về lý luận phê bình sau Đổi mới 1986. Chạm đến vấn đề hậu hiện đại của văn
học Việt Nam, ông nhẹ nhàng nhưng cũng rất kiên quyết chỉ ra: “Không thể mặc
nhiên nói đến thực tiễn hậu hiện đại trong văn học Việt Nam đương đại nếu không
chứng minh được những ‘điều kiện hậu hiện đại’ của nó từ văn hóa. Nói khác đi,
việc chứng thực sự tồn tại của một thực tiễn văn học hậu hiện đại ở Việt Nam chỉ
có cơ sở khi người nghiên cứu chỉ ra được những điều kiện (tiền đề, hoàn cảnh)
hậu hiện đại của nó trong văn hóa. Đây cũng là vấn đề chưa được các nhà nghiên
cứu hậu hiện đại ở nước ta quan tâm thỏa đáng”. Và Phùng Gia Thế cũng thật dụng
công khi dùng đến non nửa tập sách dày gần 400 trang với hàng loạt bài viết rất
sâu sắc về hậu hiện đại trong văn học Việt Nam. Đây cũng là một trong những
đóng góp đáng kể về học thuật của Phùng Gia Thế.
Về trường hợp văn tài Nguyễn Huy Thiệp, đã có nhiều cuộc
cọ bút của giới phê bình văn học nhưng ít ai chỉ ra được một cách bình tĩnh, thỏa
đáng như Phùng Gia Thế: “Trong nhiều truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, chủ thể
kể chuyện được đặt ở ngoài câu chuyện. Hình thức kể ở ngôi thứ ba. Câu chuyện đời
sống được diễn ra ‘tự nhiên’ qua lời của một người kể chuyện ‘vô hình’. Đây là
mô hình tự sự có từ truyền thống. Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, hiển nhiên
không đoạn tuyệt với truyền thống. Song, với sự sáng tạo nhiều mặt của nhà văn,
sự khai thác đời sống vẫn được thực hiện phong phú ngay ở kiểu lựa chọn này”.
Đó cũng là một cách đánh giá cân bằng dưới con mắt nhà
khoa học mà ở đây là nhà phê bình văn học.
Phùng Gia Thế trên cương vị Tiến sĩ (2012), tiếp đó được
công nhận chức danh Phó Giáo sư (2016) với chuyên ngành Lý luận văn học hiện tại
đảm đương chức vụ Chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học
Sư phạm Hà Nội 2, đã có nhiều công trình chủ biên, biên soạn và in ấn chung các
sách tham khảo. Tiêu biểu phải kể đến: Những dấu hiệu của chủ nghĩa hậu hiện đại
trong văn xuôi Việt Nam đương đại (1986-2012), Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội,
2016; Văn học Việt Nam sau 1986 - Phê bình đối thoại, Nxb Văn học, 2016; Văn học
và giới nữ (in chung), Nxb Thế giới, 2016. Đặc biệt, ông đã công bố 32 bài báo
khoa học tại các tạp chí uy tín trong nước và là khách mời thường xuyên của các
cuộc hội thảo chuyên ngành khoa học xã hội nhân văn. Cái tên PGS.TS Phùng Gia
Thế luôn đảm bảo chất lượng của các tham luận trong các hội thảo khoa học mà
ông tham dự.
Nhưng, mọi người thường biết Phùng Gia Thế nhiều nhất ở
lĩnh vực phê bình văn học và sáng tác với thể tài truyện ngắn. Các truyện in
trên Văn nghệ quân đội luôn được đón đọc với một văn phong hóm hỉnh, sâu sắc,
có giọng điệu riêng.
Khi được hỏi rằng hoạt động phê bình văn học (cho một
tác phẩm) gần đây được tiến hành rất đa dạng với nhiều hình thức khác nhau như
họp báo, đăng bài trên báo in, báo mạng, báo hình, tổ chức hội thảo, tọa đàm...
nhưng nhìn chung vẫn chỉ là “câu chuyện của người trong giới” mà chưa thu hút
được đông đảo công chúng; hiện tượng này được lý giải như thế nào và cần có biện
pháp gì để đưa công chúng đến với các hoạt động phê bình học này nói riêng và
văn học nói chung, Phùng Gia Thế thẳng thắn chia sẻ: “Phê bình là hoạt động của
giới chuyên môn. Khác với ‘cái mọi người cùng quan tâm’ trong sáng tác, câu
chuyện phê bình trước hết là câu chuyện của người trong giới. Một người bình
thường có thể rất quan tâm đến vấn đề đặt ra trong một sáng tác văn học nghệ
thuật song lại không quan tâm đến hoạt động phê bình là điều rất bình thường.
Tôi chỉ sợ chính người trong giới thờ ơ với hội thảo, tọa đàm và thậm chí cả phê
bình trên báo chí bởi sự thù tạc, ồn ào và vô bổ của nó mà thôi. Văn hóa thay đổi,
văn hóa đọc cũng thay đổi. Người ta không thích đọc văn bằng xem phim, nghe nhạc
thì cũng không phải điều gì quá bất thường. Lịch sử nghệ thuật đã chứng minh
bao sự thăng trầm trồi sụt của các loại hình của nó. Bạn đọc phổ thông phần lớn
không đến với văn học qua quảng cáo, hội thảo, tọa đàm. Họ đến với tác phẩm là
bởi tác phẩm đó hay. Dĩ nhiên, một tác phẩm hay đối với một bạn đọc thông thường
chưa chắc đã là một tác phẩm hay trong cái nhìn của người nghiên cứu. Thêm nữa,
để công chúng quan tâm đến hoạt động phê bình nói riêng, đến văn học nói chung,
nhà phê bình văn học phải nghiêm túc với chính mình và với công việc của mình”.
Càng gần gũi, trao đổi về sáng tác, về phê bình văn học
với Phùng Gia Thế, chúng tôi càng thấy kiến thức nền tảng của ông, nhất là tấm
lòng đối với văn chương, nhất là văn chương sau dấu mốc Đổi mới 1986, ông đã có
những đóng góp đáng ghi nhận. Vẫn biết rằng văn chương nghệ thuật là biển rộng
vô cùng, song Phùng Gia Thế ở nơi biển rộng ấy đã định hình và định vị một cách
đầy cảm xúc trong lòng bạn đọc và giới văn bút trên cả nước.