Con người là một sinh vật sống theo quần thể. Nhưng sự phát triển của xã hội loài người lại đòi hỏi những tư duy độc lập - những bộ não dám nghĩ khác và nghĩ mới.


QUẦN THỂ TRÍ THỨC

ĐỨC HOÀNG

Năm 2017, các học giả ở Đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ làm một nghiên cứu trên các thanh niên Việt Nam trở về nước làm việc sau một thời gian học đại học và cao học ở Mỹ. Họ bị "sốc văn hóa" khi quay về quê hương - dù đã dành phần lớn thời gian trưởng thành tại Việt Nam, chỉ trải qua mấy năm ở Mỹ.

"Sốc văn hóa" thường chỉ để nói về hiện tượng một người bước sang một nền văn hóa hoàn toàn mới, phải hứng chịu trải nghiệm hoàn toàn xa lạ từ một cộng đồng mới; còn "sốc văn hóa ngược" là nói về việc người ta sốc khi quay về chính nơi mình đã trưởng thành mà vẫn sốc.

Vậy họ trải qua điều gì? Những vấn đề rất quen mà lạ: họ phải tham gia vào một môi trường làm việc mà các mối giao thiệp quan trọng hơn hiệu suất công việc; họ chịu đựng một áp lực phi thường về việc "phải thành đạt" - thậm chí từ cha mẹ và bạn bè (điều không có ở văn hóa Mỹ); những cô gái nhận ra rằng họ quay trở về một môi trường mà bất bình đẳng giới tính vẫn nặng nề...

Đó là những điều mà hẳn độc giả đều có thể tưởng tượng được. Nhưng trong nghiên cứu của Đại học Nebraska-Lincoln năm 2017, có một biểu hiện "sốc văn hóa ngược" đáng chú ý. Đó là áp lực so sánh ngang hàng. Một đối tượng nghiên cứu khẳng định rằng ngay cả việc cô không biết đi xe máy - vốn chưa bao giờ là một vấn đề tại Mỹ - cũng trở thành một áp lực tại Việt Nam khi so sánh với chúng bạn. Nhiều người khác cùng trải qua cảm giác nặng nề khi bạn bè mình, trong thời gian họ đi nước ngoài học, đã thăng tiến trong công việc và tạo ra áp lực so sánh.

"Con nhà người ta" là một đặc sản của nền văn hóa Á Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tại một số nền văn hóa, người ta có thể khuyến khích nhau nghĩ khác so với đám đông. Tại Việt Nam, nghĩ và sống khác so với đám đông có thể là một cái tội. "Tội" theo nghĩa đen, tức là người ta có thể chịu đựng sự lên án. Trong nghiên cứu của Mỹ, các cựu du học sinh chịu “sốc văn hóa ngược” khi họ bị chỉ trích vì không chịu làm nhà nước, không chịu lấy chồng sau tuổi 30. Và tất nhiên, họ có thể bị lên án vì bất kỳ dấu hiệu "khác người" nào. Bạn có thể tự kể ra các ví dụ.

Người viết từng là một sinh viên Đại học Kiến trúc Hà Nội. 27,5 điểm ba môn. Một trường có tỷ lệ chọi cao và tất nhiên, nhiều triển vọng việc làm. Và bạn, một người Việt Nam, có thể cùng tôi tưởng tượng về năm 2007 đó, khi tôi, còn 2 năm nữa ra trường, tuyên bố muốn bỏ học để theo đuổi nghề viết lách. Bạn hãy tưởng tượng về những cuộc trò chuyện trong gia đình, về những lời gièm pha của xã hội và những chỉ trích mà một thanh niên dám nghĩ thế phải chịu đựng. Tôi không cần kể ra ở đây: bạn tự tưởng tượng được mức độ.

Vấn đề của cái "phổ văn hóa Việt Nam" - thứ đã tạo ra cú sốc ngược dành cho các trí thức từ xa về - là nó không ủng hộ cho tư duy độc lập.

Xã hội phát triển thực tế là nhờ cái mới. Cái mới là cái chưa từng tồn tại. Cái chưa từng tồn tại được tạo ra bởi một lối suy nghĩ khác với đám đông, thậm chí là việc tìm kiếm các tri thức chưa từng được biết đến.

Những vĩ nhân ghi danh vào lịch sử nhân loại nhờ việc nói rằng Trái đất xoay quanh Mặt trời, khẳng định rằng Trái đất quay quanh trục của chính nó, hay tuyên bố mình có thể đưa giọng nói con người vào một cái máy... đều là những thứ từng bị nhạo báng, thậm chí bị phỉ nhổ vì khác người. Nếu họ đã sống mà nhìn vào "con nhà người ta", sống mà phụ thuộc vào cảm xúc và suy nghĩ của cộng đồng, nhân loại đã không có ngày hôm nay.

Việc chúng ta sống mà phụ thuộc vào cảm xúc của đám đông, tạo ra một sức ỳ cho cá nhân và cho cả xã hội. Thói quen này liệu có liên quan gì đến việc Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ bia nhiều nhất thế giới? Có phải là những trí thức Việt Nam dành quá nhiều thời gian để giao đãi, để nói chuyện phiếm, để hòa nhập, để là-một-phần-của-đám-đông; thay vì họ dành thời gian đó để trở thành một-nhân-tố-chưa-từng-có?

Thói quen này liệu có liên quan gì đến những cuộc luận chiến dài đến cả thập kỷ trên mạng? Quốc gia thì tranh luận mãi cái gì là "quốc hoa" rồi bỏ cuộc; các địa phương thì mất cả thập niên không thể thiết kế được cái logo hiện đại; đến trang phục của các cô người mẫu trên sân khấu mãi cũng không biết thế nào là không "phản cảm". Việc chấp nhận những cái mới và khác biệt có vẻ như rất nhọc nhằn ở nhiều lĩnh vực. Cho dù đó là tiền đề cơ bản của sự phát triển.

Ngày nay, ở Việt Nam, do tâm lý "sợ khác người", ta có thể chứng kiến những nan đề không cách nào giải quyết nổi: giáo dục được kêu gọi đổi mới - những phương pháp giáo dục mới lạ, chưa từng được biết đến, ngay khi đưa ra sẽ bị gièm pha đến... mất tích.

Xã hội Việt Nam không chỉ dành những cú sốc cho các du học sinh trở về. Nó có thể dành cho bất kỳ ai "dám" suy nghĩ độc lập những cú sốc. Phổ văn hóa này thử thách và sẵn sàng tiêu diệt những người cực đoan, muốn theo đuổi điều họ tin tưởng.

Và cậu sinh viên Đại học Kiến trúc năm xưa, với cái quyết định bỏ học đầy quyết liệt, sau 15 năm theo nghề viết, lấy vợ, sinh con, xây nhà, gây dựng chỗ đứng, giờ cũng đi uống bia tuần ba lần, tham gia vào những cuộc nói chuyện không đầu không cuối trên bàn nhậu, và xuất hiện ở đủ loại tranh luận trên mạng, vì một nỗi sợ rất cơ bản: nỗi sợ không còn là một phần của đám đông, không phải là một phần của quần thể trí thức. Sau rất nhiều cú sốc, anh ta đã học được rằng "khác người" đáng sợ thế nào.

Anh ta không còn là chàng thanh niên cực đoan của 15 năm trước nữa. Sự cực đoan đó có thể đã tạo ra những tác phẩm - nhưng anh ta sẽ không bao giờ biết đến chúng.

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng