Sắc màu văn hóa các dân tộc Việt được gặp gỡ và cộng hưởng ở Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc vừa khai mạc sáng 18/6 tại Đà Nẵng.


Sắc màu văn hóa các dân tộc đã và đang chứng minh sự đa dạng của đời sống tinh thần của người Việt thời hội nhập. Sắc màu văn hóa giúp người Việt ở miền xuôi và miền ngược đồng cảm và thấu hiểu nhau hơn. Sắc màu văn hóa ấy, một lần nữa được cộng hưởng ở Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc 2022 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Lễ khai mạc Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc vừa diễn ra sáng 18/6 tại Đà Nẵng, với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch – Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – Trần Thanh Lâm...

Nhà văn trẻ H'Xíu H'Mok dân tộc Ê Đê.


Sắc màu văn hóa trên mỗi trang viết, đã giúp 138 đại biểu Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc 2022 có sự gần gũi và trân trọng. Trong đội ngũ những tác giả dưới 35 tuổi của cả nước, các cây bút trẻ dân tộc thiểu số như Vàng A Giang dân tộc Mông ở Lào Cai, Kiều Maily dân tộc Chăm ở Ninh Thuận, H'Xíu H'Mok dân tộc Ê Đê ở Đắk Lắk, Ksor H’Yuên dân tộc Gia Rai ở Gia Lai, Pơloong Plenh dân tộc Ka Tu ở Quảng Nam đã tự tin dự phần vào đời sống sáng tạo bằng cá tính độc đáo của họ.

Bằng sắc màu văn hóa riêng biệt, các cây bút trẻ dân tộc thiểu số góp phần không nhỏ cho văn chương Việt thời hội nhập. Nhà thơ trẻ Kiều Maily tâm niệm: Trong kiếp nhân sinh lăn lóc có nhiều băn khoăn mà tôn giáo huyền nhiệm hay triết học thông thái không thỏa mãn được, khoa học chính xác cũng dừng lại vì những giới hạn đương nhiên. Trong cái mênh mông thẳm sâu ấy văn chương có thể mang lại những kích thích hoặc sẽ là phương tiện đồng hành của cuộc đời một con người. Qua văn chương, người viết cũng như người đọc, có thể bay lượn nhảy múa hoặc trầm tư nhìn ngắm thế gian nhìn người nhìn mình một cách tự do. Như một nét đẹp gì đó từ ngôn ngữ. Gần hơn tí, mà không phải dễ hơn, là văn chương còn có thể soi sáng rất nhiều sự thật chưa được khơi mở trong cõi người, trong thâQn phận người vốn luôn khốn khó.

Nhà thơ trẻ Kiều Maily dân tộc Chăm.


Từng có nhiều nhà văn, nhà thơ dân tộc thiểu số thành danh như Y Phương, Pờ Sảo Mìn, Inrasara, Bàn Tài Đoàn, Lương Quy Nhân, Mã A Lềnh... Bây giờ, các cây bút trẻ dân tộc thiểu số viết tiếp những trang khác, với những gửi gắm khác và những tin yêu khác.

                        Nhà thơ trẻ Pơloong Plenh dân tộc Ka Tu. 

Nhà văn trẻ Ksor H’Yuên chia sẻ: “Với cá nhân tôi, văn chương như một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày, nó giúp tôi cân bằng, điều hòa cảm xúc; là chỗ dựa tinh thần khi đối diện với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Thông qua văn chương chúng ta dễ dàng nhận thấy thực trạng xã hội mà chúng ta đang sống, hình ảnh đa chiều, sống động về cuộc sống thực tại, những bài học đắt giá có thể tự rút ra thông qua nhân vật, từ đó đúc rút nhiều kinh nghiệm hay cho riêng mình trong cuộc sống để tự uốn nắn, khắc phục những khiếm khuyết, phát huy những mặt mạnh đang có.

Văn chương luôn ẩn chứa nhiều thông điệp ý nghĩa, tích cực để hướng con người vươn tới những giá trị sống cao cả, nhân văn, con người khi đến với văn chương cũng vì thế mà có thêm động lực để sống tốt, sống có ích cho xã hội. Nói chung, văn chương là người bạn đồng hành giúp cho chúng ta có cơ hội tự soi lại chính mình, ngẫm lại chính mình liệu đã sống tốt chưa, sống hạnh phúc thực sự hay chưa”.

                                              TUY HÒA