Nhiều năm gần đây, trên thị trường xuất bản xuất hiện khá nhiều sách nghệ thuật, đa dạng về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, đây vẫn là một thị trường mới cần sự khai mở và đầu tư có hệ thống để có những bước phát triển đột phá, góp phần nâng cao thẩm mỹ, mỹ cảm cho công chúng Việt Nam.


Sách nghệ thuật: Cần một chiến thuật dài hạn

LINH NGUYỄN

Nở rộ dòng sách nghệ thuật

Cách đây chừng 10 đến 15 năm, đi tìm một cuốn sách nghệ thuật ở các hiệu sách rất khó. Trên thị trường chỉ có một số đầu sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, nhưng xuất bản nhỏ lẻ với các đề tài đơn giản như "Những thành phố Việt Nam" (Nghệ thuật kiến trúc), bộ "Danh nhân", "Nghệ thuật tạo hình thế giới", "Nghệ thuật Việt Nam"...

Thời đó, muốn tìm một cuốn sách về họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng thế giới rất khó. Tôi đã từng phải đến quầy sách cũ của ông Dư ở phố Bà Triệu để mua bộ sách về cuộc đời các nhạc sĩ, họa sĩ, sách cũ từ những năm 70 - 80 của thế kỷ trước đã từng xuất bản và bị đứt đoạn. Nhưng gần đây, dòng sách nghệ thuật đã được các nhà sách chú trọng và xuất bản, với những bản in đẹp và trang trọng. Có thể nói, mở đầu cho hướng đi này chính là nhà sách Đông A.

Người sáng lập nhà sách là một họa sĩ, anh Trần Đại Thắng, có lẽ vì thế nên anh luôn chú trọng và tôn vinh cái đẹp. Đầu tiên là những cuốn sách có minh họa, chú trọng mỹ thuật và nội dung, nhà sách Đông A đã gây chú ý với bạn đọc bởi dòng sách được làm kỹ lưỡng và cầu kỳ, từ nội dung đến hình thức. Gần đây, Đông A cho ra đời những cuốn sách nghệ thuật như "Câu chuyện nghệ thuật", bộ sách về cuộc đời của các họa sĩ nổi tiếng như Daily, Van Gogh, Picasso.., sách nhiếp ảnh, mỹ thuật...

"Đây là một dòng sách được phổ biến ở nước ngoài nhưng lại chưa phát triển ở Việt Nam, điều này liên quan đến nhu cầu thưởng thức của độc giả. Những năm gần đây, đời sống dân trí được nâng cao, chúng ta quan tâm nhiều hơn đến sách nghệ thuật. Tuy nhiên, dòng sách này chi phí sản xuất cao, giá thành cao nên vẫn chưa dễ tiếp cận với đại chúng", họa sĩ Trần Đại Thắng chia sẻ.

Ngoài Đông A thì Nhã Nam và mới đây là Omega Plus vào cuộc đã tạo nên sự đa dạng cho dòng sách nghệ thuật và bắt đầu định hình một dòng sách rõ nét trên thị trường. Bà Trần Hoài Phương, Giám đốc Omega Plus chia sẻ: bà ấp ủ dự án này từ 3 năm nay. Manh nha từ 2017, nhưng phải từ 2018 trở đi, với các sách "Leonardo da Vinci", "Michenlangelo: Sáu kiệt tác cuộc đời", "Câu chuyện nghệ thuật"... một tủ sách riêng về nghệ thuật mới ra đời.

Bà cho rằng trong khoảng ba năm trở lại đây, sách mỹ thuật đang phát triển. Sự phát triển kỹ thuật in ấn giúp xuất bản sách mỹ thuật thuận lợi hơn trước. Lớp độc giả mới, văn minh dần hình thành, tìm tới dòng sách phát triển văn hóa. Tủ sách nghệ thuật ra đời nhằm giới thiệu đến công chúng yêu nghệ thuật tại Việt Nam những ấn phẩm có giá trị nền tảng và hệ thống về kiến thức nghệ thuật: từ lịch sử phát triển, các trường phái, cuộc đời các nghệ sĩ lớn và các tác phẩm của họ.

Bà Phương cho biết, có những tín hiệu vui khi dòng sách này đang dần đi vào đời sống và được đánh giá cao, như cuốn "Leonardo da Vinci" mà Omega Plus phát hành đã đoạt Giải thưởng Sách quốc gia, phát hành hơn 10.000 bản. Cuốn "Câu chuyện nghệ thuật" thành công trên cả ba phương diện: Một công trình giá trị về nội dung, tạo được hiệu ứng trong cộng đồng, có lượng phát hành tốt. Mới đây, Omega Plus xuất bản cuốn "Vẽ gì cũng là tự họa" của họa sĩ Trịnh Lữ và "Picasso - Bức tranh khiến cả thế giới sửng sốt" cũng gây chú ý và được nhiều bạn đọc tìm mua.

Nói về tầm nhìn khi khởi động tủ sách nghệ thuật, đại diện Omega Plus cho biết, tủ sách sẽ được thiết kế với lộ trình dài lâu, nhấn mạnh tính hệ thống, và nỗ lực cân bằng giữa sự bài bản và tính linh hoạt. "Hiện, đây mới chỉ là sản phẩm cho thị trường ngách, phục vụ một nhóm đối tượng cụ thể, không quá rộng. Nhưng hy vọng trong tương lai, sách nghệ thuật sẽ trở thành một sản phẩm đại chúng, một nhu cầu phổ biến của xã hội".

Cần phát triển có hệ thống

Hiện nay, đang rộ lên phong trào làm sách đẹp, sách nghệ thuật nhưng chưa thực sự chú trọng nội dung, bản quyền hoặc sách nghệ thuật nhưng ít tính nghệ thuật, thiếu ý tưởng rõ ràng. Tuy nhiên, điều đó cũng có những tín hiệu tốt cho thấy các đơn vị làm sách đã quan tâm đến dòng sách này, tạo nên thị trường cạnh tranh cho dòng sách nghệ thuật.

Thực tế, trên thế giới, sách nghệ thuật ra đời từ rất sớm và được xuất bản có hệ thống. Họ có hẳn những nhà xuất bản chuyên về sách nghệ thuật như Art Books, Tate Publishing, ACC Art Books... cho ra đời những ấn phẩm giá trị về đủ các lĩnh vực thời trang, nhiếp ảnh, kiến trúc, ẩm thực, du lịch... Đó là những "bà đỡ" làm cầu nối cho các nghệ sĩ tài năng đến gần hơn với công chúng. Và sách cũng là cầu nối tri thức để nâng cao hiểu biết, thẩm mỹ của người đọc.

Ngoài ra, hằng năm, ở các nước phát triển còn có các hội chợ dành cho sách nghệ thuật thu hút đông đảo công chúng đến mua sách và thưởng lãm như Hội chợ sách nghệ thuật ở New York, ở Berlin... Có thể nói, thị trường sách nghệ thuật trên thế giới đã định hình, có phân khúc rõ ràng. Cùng với sự phát triển của xã hội và nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần ngày càng cao, tiềm năng của dòng sách này không hề nhỏ.

Còn ở Việt Nam, tuy có những tín hiệu tích cực của dòng sách nghệ thuật nhưng nhìn chung, các đơn vị đang tập trung làm từng cuốn riêng lẻ mà chưa chú ý đến tính hệ thống. Một tủ  sách cần cân bằng giữa phương Đông và phương Tây, có cả lý luận và thực tiễn, giới thiệu cả nghệ thuật trong và ngoài nước là điều cần thiết phải làm.

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ: "Trong một thời gian dài, những đầu sách về nghệ thuật nói chung và mỹ thuật nói riêng rất ít được xuất bản ở Việt Nam. Chúng ta không hề cập nhật những biến chuyển của nghệ thuật thế giới, đặc biệt là mảng lý thuyết. Điều này cũng gây khó khăn cho những người làm nghệ thuật và sau đó là công chúng".

Anh cho rằng, sự ra đời của dòng sách này sẽ giúp những nghệ sĩ thực hành cùng cộng đồng thưởng thức nâng cao trình độ hiểu biết và cảm thụ nghệ thuật. Tuy nhiên, anh cũng cho rằng, hiện nay còn rất nhiều khoảng trống về sách mỹ thuật Việt Nam, nhất là mảng sách về nghệ thuật Đông Dương và nghệ thuật đương đại. Chúng ta cần một đội ngũ nghiên cứu, phê bình mỹ thuật để góp phần phát triển dòng sách này ở Việt Nam.

"Vai trò của dòng sách nghệ thuật rất quan trọng, nó góp phần nâng cao nhận thức, thẩm mỹ của người dân, nó sẽ song hành cùng nghệ thuật nước nhà, vì thế, chúng ta cần có những chiến lược phát triển mạnh mẽ hơn nếu muốn kích hoạt đời sống văn hóa, thẩm mỹ của người dân", họa sĩ Nguyễn Thế Sơn khẳng định.

Ai cũng hiểu, sách đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống. Mỹ thuật, nhiếp ảnh Việt Nam đang có những bước phát triển mới mẻ, đi liền với nó là đời sống kinh tế, xã hội cũng có những chuyển biến tích cực. Nhưng để kích hoạt nền mỹ thuật nước nhà, để nó phát triển mạnh mẽ và bền vững, có một thị trường thực sự, chúng ta cần nâng cao thẩm mỹ, mỹ cảm cho công chúng.

Thị hiếu thẩm mỹ của công chúng hiện nay còn thấp, nếu không nói là quá thấp. Một phần, sách đóng vai trò quan trọng, vì chúng ta thiếu hẳn một mảng sách nghệ thuật lâu nay. Điều căn bản vẫn nằm ở vấn đề giáo dục thẩm mỹ cho công chúng. Trong đó, sách nghệ thuật đóng vai trò quan trọng là cầu nối để đưa kiến thức đến với họ. Muốn có một nền nghệ thuật phát triển mạnh mẽ, chúng ta cần có những công chúng yêu nghệ thuật và hiểu biết nghệ thuật một cách thấu đáo, bài bản. Do đó, rất cần một chiến lược phát triển để dòng sách nghệ thuật phát triển có hệ thống và không bị "đứt gánh giữa đường".

 

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An