Đọc “Đất trời từng giấc chiêm bao”, ta bắt gặp một Nguyễn Vĩnh Bảo bản lĩnh: “Như tôi vẫn là tôi như nhất/ Ở chính nơi tôi mãi mãi thuộc về”. Nơi mãi mãi thuộc về ấy là mẹ, là quê hương, là tình yêu… 

                            

ĐẤT TRỜI TỪNG GIẤC CHIÊM BAO

ĐẶNG HUY GIANG

     Sau “Hai phía một đời sông” ra mắt 2021, chỉ một năm sau, Nguyễn Vĩnh Bảo cho ra mắt bạn đọc một tập thơ mới nữa: “Đất trời từng giấc chiêm bao” và được ấn hành qua Nhà xuất bản Hội Nhà Văn.

“Đất trời từng giấc chiêm bao” là một cái tên thật gợi, thật hay, thật thơ và cũng là tên một bài thơ đáng nhớ, với hàm ý: Mọi sự ở đời đều có chung một sợi dây hệ lụy, tựa như không có cái này thì chẳng có cái kia và có khi chính cái kia lại là kết cục hoặc là nguồn gốc phái sinh của cái này. Nguyên văn bài thơ đáng nhớ này như sau:

Không có bùn hỏi có sen

Không có trắng biết rằng đen thế nào?

 

Không có thấp chẳng có cao

Không nghiêng ngả biết làm sao thăng bằng?

 

Không chết sao biết giối giăng

Hoa lụi là vậy, sao băng thế nào?

 

Đất trời từng giấc chiêm bao…

    Theo tôi, “Đất trời từng giấc chiêm bao” là bài thơ chốt của tập thơ này, là gợi ý cho việc đặt tên tập thơ này.

    Ngoài hàm ý trên, người viết còn mang tâm thức “không phân biệt” nữa. Từ tâm thức này, “Đất trời từng giấc chiêm bao” còn có một bài thơ nữa và mở rộng thêm với ý: Trong thế giới tự nhiên và giữa đất trời này, vạn vật đều bình đẳng không hơn - kém, không cao - thấp, không sang - hèn, không vàng - thau, tất cả đều tự nhiên nhi nhiên và đáng được trân trọng như nhau, có một vị trí hoặc vai trò như nhau, như thể đã được thượng đế lập trình, mặc định vậy. Đó là “Mây trắng và cỏ xanh”:

Mây cứ bay, cứ bay

Cỏ cứ mọc, cứ mọc

 

Mây thì ở trên trời

Cỏ thì ở dưới đất

 

Mây không bay, mây không là mây

Cỏ không mọc, cỏ không là cỏ

 

Chẳng cao cũng chẳng thấp

Mây trắng và cỏ xanh…

     Điều quan trọng được rút ra từ tứ thơ này nằm ở hai câu: “Mây không bay, mây không là mây/ Cỏ không mọc, cỏ không là cỏ”.

     Người nghĩ được như thế và đến thế, chắc chắn là không nhiều và không thuộc về số đông. Rõ ràng, chất khái quát đã được đẩy lên ở một tầm nấc đáng kể.

    Tôi coi đây là bước chuyển đáng mừng, về mặt nhận biết lẫn tư duy. Và nếu có nói: Thơ Nguyễn Vĩnh Bảo đang có sự thay đổi về chất, cũng không có gì là quá đáng.

   Ngoài “bước chuyển” trên, Nguyễn Vĩnh Bảo còn là người nhậy bén và cập nhật trước đời sống này và trong đời sống này. Anh luôn có ý thức “nạp” cảm xúc, “nạp” trải nghiệm, theo đòi hỏi tự thân mà người làm thơ nào cũng thấy cần thiết và cũng thấy cần phải có. Tức là “cần” và “đủ”. Anh cùng lúc vừa hướng ngoại, vừa hướng nội, vừa hướng ra ngoài xã hội, vừa hướng vào trong bản thân mình, mà viết. Một vệt bài viết về dịch covid 19 và những gì liên quan đến covid 19 đã minh chứng và được ghi nhận cái một phần và cái toàn phần của ý thức đó. Có thể kể tên: “Mất - còn”, “Đâu đâu cũng covid”, “Giữa hai lần khẩu trang”, “Ngay trên tổ quốc mình”, “Thời covid”, “Tiêm vắc xim”, “Thích nghi”.

   Anh nhận ra được “những mong manh mất - còn” của đại dịch (“Mất - còn”), cái nguy hiểm của đại dịch (“Cuộc chiến tranh vô hình/ Không bom rơi đạn lạc/ Kẻ thù không lộ mặt/ Bao nguy cơ tiềm tàng” - “Đâu đâu cũng covid”), cái bi kịch của đại dịch (“Người chết không đám tang” - “Đâu đâu cũng covid”)…Sau khi “Ta nghĩ ta: Nạn nhân/ Người nghĩ ta thủ phạm” (“Giữa hai lần khẩu trang”) và ngược lại, trong khi “thời covid chỉ chừa hai con mắt”, “phải phòng ngừa cả hơi thở của nhau” thì con người ta “vẫn phải sống, vẫn phải đi” (“Thời covid”)…nhà thơ của chúng ta đã thấm sự “bình thường mới” và đem cái sự “bình thường mới” ấy vào thơ. Và tôi dám chắc, ít có người nào gọi tên “bình thường mới” vừa nhanh, vừa đúng, vừa trúng, vừa chuẩn và vừa chí lý như Nguyễn Vĩnh Bảo trong “Thích nghi”:

Thói quen mới trong trật tự mới

Thói quen mới trong bình thường mới

 

Bình thường mới theo ta đi mãi

Sống cũng có nghĩa là chấp nhận thích nghi.



     Song hành với vệt thơ trên, Nguyễn Vĩnh Bảo còn có một vệt thơ nữa, ít nhất qua 4 bài: “Mã Tốc”, “Người ấy và hoa ấy”, “Những trống canh” và “Trang Chu”. Ấy là vệt thơ tuy khai thác chất liệu từ lịch sử, được truyền cảm hứng từ lịch sử, nhưng đã được soi chiếu dưới con mắt của người hiện đại, cách nghĩ, cách cảm của người hiện đại, tuy gián tiếp mà gần gũi, đầy chia sẻ của người hiện đại. Đó là là Mã Tốc nói là làm rất khác xa nhau: “Tham quân/ Tham trận/ Khác xa nhau”. Đó là tình yêu của Thôi Hiệu thật đắm đuối, chân thành, có trước có sau: “Đào vẫn đào năm ngoái/ Còn người năm ngoái đâu?”. Đó là Trang Chu luôn thấm đẫm tinh thần: “Từ đời đến đạo, xa xôi lắm/ Nào biết có ai để một ngày”. Đó là Nguyễn Du - tác giả “Truyện Kiều”:

Việc đạo việc đời muôn thuở sóng đôi

Mặn như máu và trong như nước mắt

Đã đi qua muôn vàn được mất

Để lại những trang Kiều đầy ắp những trống canh…

     Tạo ra những trống canh hay làm đầy những trống canh để ngẫm nghĩ và thao thức về thân phận, về số phận con người, phải chăng là biệt tài của Nguyễn Du và thành công lớn nhất của “Truyện Kiều”, đồng thời là phát hiện mới của nhà thơ Nguyễn Vĩnh Bảo?

     Đọc “Đất trời từng giấc chiêm bao”, ta bắt gặp một Nguyễn Vĩnh Bảo bản lĩnh: “Như tôi vẫn là tôi như nhất/ Ở chính nơi tôi mãi mãi thuộc về” (“Nơi mãi mãi thuộc về”). Nơi mãi mãi thuộc về ấy là mẹ, là quê hương, là tình yêu…Anh luôn hướng về mẹ, về quê hương trong thương cảm và biết ơn: “Cả đời thất lạc mùa xuân/ Con thương mẹ lắm ngàn lần…mẹ ơi!” (“Mẹ tôi”). Anh cũng nhận ra rằng, dù không tìm ra được chim trên đỉnh núi, cá dưới đáy biển, mặt trời trong đêm, vầng trăng trong ngày, nhưng người mà anh yêu thật gần gũi, thân quen và đáng yêu đến mức không ngừng, không nghỉ, luôn tươi mới, như không bắt đầu và không kết thúc. Có lúc anh muốn “ồ” lên trong một liên tưởng độc đáo:

Không ngờ em như chiếc đồng hồ nhích từng bước kim giây

Vẽ bao nhiêu vòng tròn ngày, vòng tròn đêm…mải miết

Em ở ngay trước mặt

Anh chẳng bao giờ phải tìm kiếm đâu xa.

                 Phố Khuất Duy Tiến đêm mồng 7 tháng 7 năm 2022