Là người không có được sức khỏe tốt, Nhị Ca đã làm việc
cật lực. Những bộ sách dịch dày hàng nghìn trang, nhiều nghìn trang bản thảo từ
chiến trường của cánh nhà văn gửi ra đều được Nhị Ca khẩn trương cho ra lò với
tinh thần của một đấu sĩ tiết kiệm từng giây khắc trên văn đài.
Nhà phê bình Nhị Ca, từ phóng viên chiến trường đến dịch giả hàn lâm
PHÙNG VĂN KHAI
Có thể nhiều người biết Nhị Ca chính là người dịch các
kiệt tác Anna Karenina của Lev Tolstoy; Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo
nhưng ít ai biết ông từng nhiều năm làm phóng viên chiến trường từ đầu cuộc
kháng chiến chống Pháp cho các báo Bắc Sơn; Vệ Quốc quân cho đến khi chuyển về Văn
nghệ quân đội công tác một mạch tới lúc nghỉ.
Với bản tính lịch lãm, bặt thiệp, Nhị Ca là một gương
mặt phê bình hiếm hoi rất được giới sáng tác nể trọng. Ông viết ít nhưng tinh tế
và đã góp phần tạo ra những tiếng nói quyết định trong giới phê bình văn học
nghệ thuật thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ cho tới thời Đổi mới. Chính ông là người
đầu tiên và suốt hành trình sau này sưu tầm, giới thiệu và khẳng định tài văn
Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi.
Khi Nguyễn Thi in truyện ngắn Im lặng đã từng gây ra
những dư luận trái chiều bởi không khí văn học lúc đó luôn hướng về ca ngợi hân
hoan thì Nguyễn Thi đã bằng tác phẩm Im lặng sớm đặt ra những khác biệt, thậm
chí là ý hướng ngược chiều đã tạo sóng dư luận. Bằng con mắt tinh tế và trái
tim mẫn cảm đặc biệt với văn học, Nhị Ca đã khẳng định không chỉ Im lặng mà
toàn bộ văn nghiệp của Nguyễn Thi cho đến bây giờ vẫn rất xác đáng.
Nhà phê bình Nhị Ca đã dành một khoảng thời gian dài,
tâm huyết với Nguyễn Thi. Khi biên soạn Nguyễn Thi - Gương mặt còn lại, ông đã
rất công phu, coi tác phẩm của Nguyễn Thi thậm chí còn hơn con đẻ của mình. Có
những lúc sự bênh vực của Nhị Ca như là tâm thư gửi tới giới lãnh đạo văn nghệ,
với cách mạng, với Đảng thật da diết. Ông viết: “Chúng tôi sống với nhau từ những
ngày đầu khi Nguyễn Ngọc Tấn mới về Văn nghệ quân đội. Biết hiểu nhau một phần
từ những ngày ấy. Nhưng cuộc sống và những trang viết ở chiến trường mới thật sự
xác định tính cách một con người, và đóng góp về văn học với tư cách một nhà
văn. Nguyễn Trọng Oánh có nhận xét: ‘Im lặng là một nét đặc biệt của Nguyễn
Thi: im lặng mà viết, im lặng mà đọc sách, im lặng mà quan sát, im lặng mà suy
nghĩ, im lặng để rất ít nói về mình’. Nhưng tác phẩm, chỉ có tác phẩm mới biện
minh được cho anh, mới cho chúng ta hiểu đúng về con người thật của Nguyễn Ngọc
Tấn.
Mặc dầu tất cả những vướng mắt cá nhân, nhiều lúc gay
gắt đến vô nghĩa lý nhưng trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi vẫn
luôn trong sáng, lạc quan, nồng hậu tình người. Với cách mạng, với Đảng, với
nhân dân anh không bao giờ, không phút nào dao động niềm tin và suy giảm lòng
yêu mến. Anh làm việc với một cường độ cao, một năng suất cao và đạt hiệu quả
nghệ thuật cao. Những năm cuối đời, ba cuốn tiểu thuyết được triển khai đồng thời.
Chưa có tác phẩm nào đi hết đề cương. Với những chương mở đầu, có phần là phác
thảo. Nhưng đã thấy ngồn ngộn một cuộc sống thật khác thường, đã thấy không khí
xã hội miền Nam những năm đen tối mà chứa đầy giông bão, thế lực thống trị tàn
bạo vừa thiết lập quyền hành, nhưng ai cũng biết, đó là thứ tồn tại tạm thời và
cũng vì tạm thời, chỉ vì là tạm thời, nên cuộc đấu tranh thật là quyết liệt, mạnh
mẽ, mãnh liệt, bởi một bên muốn biến thành vĩnh viễn cái tạm thời và một bên chỉ
chấp nhận nó là tạm thời mà thôi và bằng mọi cách sớm thanh toán nó.
Chất lượng, bản lĩnh, sức mạnh nghệ thuật hiện thức đặc
biệt của Nguyễn Thi đã làm cho tác phẩm của anh có một sức bao trùm, sức gợi cảm,
sức động viên lớn”.
Những dòng vừa như tâm thư cũng là khẳng định văn tài,
sự liên tài, con mắt xanh với một tài văn sớm ngã xuống nơi chiến trường trong
Tết Mậu Thân năm 1968 vô cùng ác liệt.
Phải chăng từng ở chiến trường, từng vào sinh ra tử
trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp mà Nhị Ca rất am hiểu và đồng hành với
văn tài - liệt sĩ Nguyễn Thi? Chuyện kể rằng, chính Nhị Ca chứ không phải ai
khác đã sớm dự cảm về sự hy sinh oanh liệt của Nguyễn Thi. Từng thân thiết với
Nguyễn Thi, Nhị Ca rất hiểu cá tính của bạn mình. Trước khi Nguyễn Thi đi B đã
là những ngày rất căng thẳng vì Nguyễn Thi nằng nặc xin vào chiến trường giữa
lúc đạn bom mù mịt. Lãnh đạo Văn nghệ quân đội khi ấy đã rất phân vân không muốn
để các tài năng phải trực diện nơi hòm tên mũi đạn. Nhưng tâm can của những người
như Nguyễn Thi không sao chịu đựng nổi khi phải ở nơi an toàn mà viết về bom đạn.
Để có được Người mẹ cầm súng với hình tượng chị Út Tịch anh hùng còn cái nai quần
cũng đánh nếu không vào chiến trường làm sao có được. Chính những trang bản thảo
của Nguyễn Thi đều được Nhị Ca đọc đầu tiên và biên tập kỹ lưỡng. Những trang
văn tươi xanh đầy khí thế chiến đấu ấy đã góp phần làm nên chiến thắng, góp phần
sớm có ngày toàn thắng thống nhất non sông.
Nhị Ca tên khai sinh là Chử Đức Kính. Ông sinh ngày 18
tháng 7 năm 1926, mất ngày 28 tháng 10 năm 1984 khi chưa tròn hoa giáp sáu
mươi. Ông cũng thật kỳ lạ đã tự biết mệnh mình bởi vậy luôn dành mọi thời gian,
tâm huyết cho nghề nghiệp. Ông cũng là người khẳng định nhiều tên tuổi như Nguyễn
Thi, Thu Bồn, Nguyễn Minh Châu từ những trang viết đầu tiên. Chính ông đã nhìn
ra Nguyễn Thi với những gì có thật, phức tạp, rối rắm như mọi cuộc đời thường,
một con người đầy lòng yêu mến đất nước, đặc biệt với vùng đất Nam Bộ thân yêu
và những người thân, đồng đội, đồng nghiệp, bạn bè. Chính ông đã hiểu rất sâu
những khoảnh khắc, ranh giới sống còn của những tài năng khi họ đương độ nhất,
khi họ đã dám đem tính mạng của mình để phụng sự đất nước, phụng sự nhân dân.
Là người không có được sức khỏe tốt, Nhị Ca đã làm việc
cật lực. Những bộ sách dịch dày hàng nghìn trang, nhiều nghìn trang bản thảo từ
chiến trường của cánh nhà văn gửi ra đều được Nhị Ca khẩn trương cho ra lò với
tinh thần của một đấu sĩ tiết kiệm từng giây khắc trên văn đài. Ông đã từng tâm
niệm cuộc sống được làm nên bởi những người cụ thể, không ai sống thay, làm
thay ai được. Cuộc sống là sự liên tục là sự tiếp tục không ngừng nghỉ. Ông
cũng rất hiểu những người tới sau sẽ tiếp nối người đi trước trong cuộc chạy tiếp
sức mang ngọn lửa của cuộc sống tới những đích xa hơn. Ông luôn hy vọng và kỳ vọng
vào thế hệ sau. Ông tin họ như tin chính bản thân mình. Đó là những phẩm chất
hàng đầu của nhà phê bình văn học cũng là nhiệm vụ và nghĩa vụ nhận diện và khẳng
định của giới phê bình.
Khi dịch những kiệt tác như Anna Karenina; Nhà thờ Đức
Bà Paris, nhà phê bình Nhị Ca không chỉ hiểu sâu sắc rằng tầm văn học nghệ thuật
của chúng ta đang ở khu vực nào, phải học tập và phấn đấu những gì mà còn là
đưa ra những thông điệp sâu sắc, chuyên biệt để giới văn bút và đông đảo hơn là
quần chúng nhân dân của một đất nước vừa thoát ách nô lệ hiểu rõ mình hơn, hiểu
rõ văn học xã hội chủ nghĩa đang ở đâu hơn. Bằng vào những công việc lặng thầm
như thế, nhà phê bình Nhị Ca đã có những đóng góp phải nói rằng xuất sắc theo
cách của riêng mình với văn chương nghệ thuật.
Nhà phê bình Nhị Ca quê ở làng Cổ Điển, xã Tứ Hiệp,
huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Vùng đất cổ kính và nhân văn đúng như cái
tên của nó với dòng họ Chử thanh liêm và hiếu học đã như một nền tảng nâng tầm
ngòi bút Nhị Ca. Cái bút danh có phần bí ẩn ấy sau này mãi mãi là một dấu hỏi.
Khi chúng tôi thực hiện bộ phim tài liệu Nhị Ca - Từ cuộc đời vào tác phẩm, đến
ngay như những bạn hữu thân nhất đều chưa hiểu hết bút hiệu của ông. Nhà phê
bình Ngô Thảo và nhà văn Ngô Vĩnh Bình vốn là những tư liệu sống của Văn nghệ
quân đội cũng chỉ biết mỉm cười trước bút danh Nhị Ca. Đó cũng như cuộc đời ông
vậy. Chỉ luôn biết lặng lẽ xanh, lặng lẽ tỏa sáng và làm ấm trái tim đồng nghiệp,
cuộc đời.
Năm tháng thời gian đi qua, những nhà văn mà Nhị Ca khẳng
định tuổi tên đã được Nhà nước đặt tên phố, tên đường, tên trường như Nguyễn
Thi - Nguyễn Ngọc Tấn; Phùng Quán; Vũ Cao; Nguyễn Minh Châu; Xuân Thiều...
Riêng ông - nhà phê bình văn học Nhị Ca dường như lại vô cùng lặng lẽ. Người đời
thường trầm trồ những bản dịch chứ mấy ai nhớ được tên dịch giả Nhị Ca? Thì nào
có hề gì. Cái quan trọng là lương tri con người được đánh thức và bồi đắp mới
là điều cốt tử mà những trang văn ông dịch, biên tập và biên soạn.
Những trang văn
ấy đã như thay Nhị Ca nói lên rất nhiều điều. Đối với ông, cuộc sống phải mở
ra, phải chấp nhận sự đa dạng và phức tạp như nó vốn có. Chẳng thế mà những
trang viết, tâm sự cuối cùng trên giường bệnh vẫn là về văn học, với những con
người thật cụ thể, thật riêng: “Bệnh tật đã không cho phép tôi có thể hoàn thành
tác phẩm với một chất lượng cao hơn, xứng đáng hơn với sự tưởng niệm mà chính
tôi ao ước, dự định. Nhưng dẫu có đủ mọi điều kiện, đem hết sức cố gắng, tác phẩm
của tôi cũng khó có thể là tiếng nói cuối cùng và duy nhất về Nguyễn Ngọc Tấn -
Nguyễn Thi còn tiếp tục sống cuộc đời riêng của nó và vì thế, tác giả cũng như
tác phẩm sẽ còn chịu nhiều sự phán xét, phân tích khác”.