Bà “Gánh gánh gồng gồng” là bà Nguyễn Thị Xuân Phượng,
năm nay 93 tuổi (sinh năm 1929), bà chủ phòng tranh Lotus nổi tiếng ở TP Hồ Chí
Minh, tác giả hồi ký “Gánh gánh gồng gồng”, cuốn sách đã được cả hai tổ chức là
Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh trao giải cao nhất về văn
xuôi năm 2020.
VÀI NGÀY VỚI BÀ GÁNH GÁNH GỒNG GỒNG
HOÀI NAM
Tôi được gặp bà lần đầu tiên vào thượng tuần tháng Ba
năm 2022, tại Sài Gòn. Nhưng trước đó, có thể nói, tôi đã gặp bà qua hồi ký
“Gánh gánh gồng gồng”. Sau khi đọc xong, với biết bao xúc động và kính nể người
phụ nữ xưng Tôi trong cuốn sách này, tôi quyết định phải Nam tiến bằng được để
thấy bà, bằng xương bằng thịt, người đã chia sẻ một tình thế lựa chọn viết hồi
ký rất hy hữu ở cái tuổi 90: “Tháng 7 năm 1989, tôi gặp mẹ mình và các em tại
sân bay Charles de Gaulle Paris. Gia đình đã bay từ Mỹ sang thăm vì tôi chưa có
thị thực vào Mỹ. Chúng tôi cười cười khóc khóc trong niềm vui đoàn viên.
Trong một bữa cơm trưa, bỗng mẹ tôi chống đũa nhìn
tôi: “Con ơi, sao con theo họ làm chi để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất
tổ con ơi”... Tôi không trả lời mẹ ngay hôm ấy nhưng cũng từ đấy nảy ra ý
định phải kể lại đời mình. Tôi mong muốn gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những
gì tôi đã trải qua. Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh,
tôi quyết định viết lại đời tôi”. Và đó, hồi ký này, là một cái viết ghê gớm, đầy
hấp dẫn.
Ghê gớm và đầy hấp dẫn, bởi đó là cái viết về cuộc đời
một người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ bị cuốn vào dòng thác lũ lịch sử cuồng nộ chảy
vắt qua hai thế kỷ. Bị cuốn vào nhưng vẫn sống vững, và vẫn thành công lớn. Người
phụ nữ ấy từng đi theo Cách mạng lên chiến khu Việt Bắc năm mười sáu tuổi, làm
y tá quân đội, làm nhân viên chế tạo thuốc nổ, làm báo, từng đẻ rơi đứa con đầu
lòng trên sông Lô thời kháng Pháp. Người phụ nữ ấy từng làm cán bộ văn hóa đối
ngoại, phiên dịch viên tiếng Pháp cực “xuya” thời kháng Mỹ tại Hà Nội, từng ra
tận tuyến lửa Vĩnh Linh trong đoàn phim tài liệu “Vĩ tuyến 17, chiến tranh nhân
dân” của đạo diễn nổi tiếng thế giới Joris Ivens, sau đấy chính bà cũng trở
thành một phóng viên chiến trường thời chống Mỹ, một đạo diễn phim tài liệu dày
dạn.
Người phụ nữ ấy từng cùng nhân dân Hà Nội, nhân dân cả
nước sống khốn khó suốt những tháng ngày bao cấp và hậu chiến đói xanh da vàng
mắt trước khi vào TP Hồ Chí Minh mở phòng tranh Lotus, một trong những phòng
tranh tư nhân đầu tiên thời đất nước thực hiện đổi mới, mở cửa. Sau đó là liên
tục các cuộc triển lãm tranh Việt Nam, chủ yếu của các họa sĩ trẻ, ở khắp nơi
trên thế giới suốt ba mươi năm qua (1991 - 2021) mà bà tổ chức hoàn toàn bằng
tiền túi của mình, với một ý nghĩ cháy bỏng: phải góp phần làm cho thế giới biết
đến hội họa Việt Nam, vì đó là văn hóa Việt Nam, và phải khiến cho họ càng thêm
yêu quý, trân trọng nó.
Ghê gớm và hấp dẫn, bởi đó là cái “viết lại đời tôi” của
một lão bà 90 tuổi, mà văn phong chuẩn xác, đơn giản và đầy tinh tế. Một ý cần nhấn
mạnh: viết hồi ký, đa phần người viết sẽ chọn lối tự sự biên niên sử, và ra sức
trút vào trang sách tất cả những gì mình còn nhớ được từ những phần đời đã trải,
cứ như thể mình sẽ bị lỗ nặng nếu để sót cái gì chưa kể. Nhiều cuốn hồi ký rất
dài, rất dày và đọc rất mệt, chính là vì thế. Nhưng “Gánh gánh gồng gồng” của
bà Xuân Phượng thì không như thế.
Đó đều là những chi tiết rất thật, nhưng được chọn lọc,
nên rất đắt, nhiều chi tiết như những “a ếch đốt” thú vị và có sức khái quát
cao. Hơn nữa, như một người kể chuyện lành nghề, bà Xuân Phượng không để câu
chuyện đời mình trôi tuột theo dòng thời gian biên niên sử đều đều, mà ở nhiều
điểm nhấn, bà tạt ngang để kể chuyện khác, hoặc nhảy gấp tới để nói những chuyện
mãi mấy chục năm sau mới xảy ra. Kể, “viết lại đời tôi” theo cách ấy, tôi nghĩ,
cũng là điều không dễ thấy đối với ngay cả những nhà văn chuyên nghiệp.
Về tác phẩm thì như thế. Trở lại với việc tôi được gặp
bà Xuân Phượng tại Sài Gòn. Số là, tôi rất muốn làm một cái gì đó về bà, dù chỉ
là một phim ngắn. Nên trước khi đi khoảng một tháng tôi đã chủ động liên lạc với
bà, và kể từ đó, ngày nào hai bà cháu cũng í ới “chém gió với nhau” (chữ của
bà) đủ chuyện qua messenger. Đến khi bà cháu gặp nhau tại phòng tranh Lotus 100
Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì đã quý mến thân mật như là cố nhân tự thuở nào.
Cứ nhìn cái cảnh bà ngồi giữa mọi người, mái tóc trắng
phau, đôi mắt hóm hỉnh, miệng cười nói rất tươi, những nếp nhăn trên mặt chỉ giống
như món đồ trang sức mà thời gian dành tặng bà, thì mới thấy bà Xuân Phượng đúng
là tâm điểm có sức thu hút rất lạ. Mọi người thích gặp và trò chuyện với bà vì
nhiều lẽ: khâm phục một người phụ nữ bản lĩnh, kiên cường, giỏi giang, đầy ý
chí vươn lên; yêu quý một tấm lòng trung thực, nhân hậu, biết lắng nghe và biết
chia sẻ với người khác; một người biết suy nghĩ rất thực tế nhưng lại cũng rất
rộng lượng, hào hiệp, đầy tinh thần “anh Hai Nam bộ” trong ứng xử.
Nhưng vẫn còn một lý do khác nữa: bà Xuân Phượng, đó
là cả một kho chuyện đời, chuyện làng văn nghệ ngồn ngộn, dường như không vơi cạn,
do đó những gì bà kể trong hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” mới chỉ là một phần nhỏ
mà thôi. Phần lớn, thì bà ... “xuất bản miệng”. Mà khi bà “xuất bản miệng” thì
những câu chuyện ấy lại được tẩm ướp bằng ngữ khí, bằng cảm thán, bằng ngắt nghỉ
nhấn nhá, được chắp cánh bằng điệu bộ tay chân, bằng ánh mắt điệu cười, nên
chúng hấp dẫn người nghe vô cùng.
Bà kể chuyện chồng bà, Đại tá pháo binh Quân đội Nhân
dân Việt Nam Nguyễn Phước Hoàng, dòng hoàng tộc Huế, người tham gia trận đánh
trên đồi A1 chiến trường Điện Biên Phủ, cựu Chủ nhiệm bộ môn Thủy khí động lực
học của Đại học Bách khoa Hà Nội: “Khi bà mở phòng tranh kinh doanh, ông ấy
không đồng ý, bảo đấy là kinh tế tư nhân, tư bản bóc lột. Bà kệ không nói gì.
Có một hôm ông ấy đưa bà một tờ giấy gấp tư, mở ra thì thấy viết: “Phượng ơi, từ
ngày Phượng đi vào con đường buôn bán, con đường đến thư viện đã mỗi lúc một xa
hơn với Phượng”. Trời đất, mình đọc sách còn nhiều hơn ông ấy, có ngày nào
không đọc, vậy mà nói con đường đến thư viện mỗi lúc một xa hơn. Mấy lão già
gàn lãng mạn. Không chấp”. Bà vừa kể mà vừa cười chảy nước mắt.
Rồi bà kể chuyện kinh doanh phòng tranh Lotus: cả một
kho dật sự tích lũy suốt 30 năm. Ai đã đọc hồi ký “Gánh gánh gồng gồng” hẳn còn
nhớ họa sĩ Trương Đình Hào, người mà bà Xuân Phượng đã phải cất công về tận Bắc
Giang để lôi ra từ một căn nhà nát, mua toàn bộ những bức tranh ông vẽ mà không
một ai mua, thậm chí không một ai biết đến. Mua tranh, rồi đưa Trương Đình Hào
cùng các tác phẩm của ông đi triển lãm nhiều lần ở nước ngoài, làm thay đổi
toàn bộ cuộc đời nghệ thuật của người họa sĩ.
Trong “Gánh gánh gồng gồng” bà Xuân Phượng chỉ nhắc một
trường hợp này, nhưng trong thực tế thì nhiều lắm. Bà kể, có người thì bà tìm đến,
có người lại tìm đến bà. Thường thì họ là những sinh viên vừa ra trường, những
họa sĩ vô danh, và họ đói khát thiếu thốn theo nghĩa đen. Tất nhiên là bà giúp
đỡ họ. Và nếu thấy tranh của họ có cá tính hoặc có sự hứa hẹn phát triển theo
hướng tốt, thì bà mua, rồi góp ý khuyến khích để họ tiếp tục sáng tác, rồi tổ
chức mở triển lãm cho họ ở cả trong nước và trên thế giới.
Cứ dần dần như thế, những họa sĩ ấy nay đều đã trở
thành những họa sĩ sáng giá, những tên tuổi bán tranh rất tốt trên thị trường mỹ
thuật đương đại. Tốt đến nỗi, rốt cuộc họ không bán cho bà Lotus nữa, mà bán
cho những người khác, những người sẵn sàng mua tranh với giá cao hơn giá mà bà
có thể mua. Bà bảo, đó là sự nghiệt ngã tất yếu của cái nghề phòng tranh này,
mà đã làm nghề thì phải biết chấp nhận. “Không phải bà không có đủ tiền để mua
tranh của họ với cái giá đó. Nhưng mắc gì phải chạy theo? Tiền ấy bà dành để tiếp
tục... nuôi những đứa khác”.
Tôi mất ba ngày để thực hiện tiền kỳ bộ phim ngắn về
bà Xuân Phượng. Ba ngày bà cháu bên nhau, nhưng đã có biết bao câu chuyện và biết
bao ấn tượng về bà mà tôi thâu nhận. Tôi trở về Hà Nội trong một chuyến bay
đêm. Sáng hôm sau mở điện thoại đọc thấy tin nhắn của bà: “Con về an toàn
không? Con vào có mấy hôm, lại mải công việc nên thực ra bà cháu cũng không nói
được gì nhiều lắm. Lần sau con vào dài ngày hơn, thư thả, mình sẽ chém gió với
nhau nhiều hơn nhé. Bà cũng không còn nhiều thời gian nữa con ạ”.
Chỉ vậy thôi mà thấy xốn xang trong trí tưởng tôi, rất
thực, hình ảnh một bà Xuân Phượng lúc nào cũng lịch lãm, tươi cười, hóm hỉnh,
hào sảng, và đầy sức sống, dù đã ngoại cửu tuần, dù đã ''gánh gánh gồng gồng''
đi xuyên hai thế kỷ vô cùng gian lao.
Nguồn: Văn Nghệ Công
An