Nhà văn Phạm Ngọc Tiến cho rằng; "Khi anh không dám mở miệng, anh im lặng vì sợ liên lụy,
sợ mất đi bổng lộc… thì đừng nói đến tác phẩm làm gì. Nhà văn đang đứng bên lề
cuộc sống".
NGHĨ VỀ “TIẾNG NÓI NHÀ VĂN”
PHẠM NGỌC TIẾN
Mỗi khi cầm tờ báo Văn nghệ - cơ quan ngôn luận của Hội
Nhà văn Việt Nam - số mới phát hành, tôi thường tìm đọc mục Tiếng nói nhà văn
trước tiên. Đọc để biết nhà văn chúng ta nói gì trước những sự việc, hiện tượng
trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị… trong nước và quốc tế mà dư
luận đang quan tâm, bởi nó liên quan ảnh hưởng thiết thực đến cuộc sống của
nhân dân và nhân loại.
Cũng vì thế mà cứ những lúc cuộc sống có những biến cố
xảy ra, bao giờ tôi cũng nghĩ đến các nhà văn trước tiên. Chẳng hạn có một đám
cháy lớn. Một đám cháy, lẽ ra cần phải huy động cứu hỏa và họ chính là người tất
cả cần nhất trong tình huống đó. Nhưng không, cứu hỏa đến với đám cháy là việc
tất nhiên. Họ sẽ sử dụng chuyên môn của họ dập tắt đám cháy. Một việc quá đỗi
bình thường. Còn các nhà văn thì tôi nghĩ nếu họ gặp đám cháy ấy họ sẽ làm gì?
Vâng, nếu gặp một đám cháy thì các nhà văn sẽ làm gì?
Câu hỏi ấy cứ xoay đi trở lại nhiều lần trong tôi. Sứ mạng của họ không phải để
dập lửa. Luận theo lô-gic thông thường, họ sẽ quan sát đám cháy, suy nghĩ rồi
miêu tả nó. Những hậu quả, bài học rút ra từ rất nhiều góc độ. Thậm chí là họ
diễn giải tâm lý đám cháy trong nhiều chiều. Tất nhiên điều này có ích cho
không chỉ nhà văn. Nhưng tôi biết sẽ có không ít nhà văn bình thản đứng nhìn
đám cháy và lặng lẽ bước đi. Cái đám cháy ấy hoặc không đủ để tác động đến cảm
xúc của họ hoặc nó chẳng liên quan gì. Tóm lại là họ bước qua đám cháy bằng sự
im lặng. Một sự im lặng được gọi theo cách rất cũ kỹ ấy là “vô cảm”. Sự vô cảm
cố hữu của đám đông trước những gì bất thường xảy ra của đời sống vốn đã không
còn là sự lạ ở ngày hôm nay.
Lần ngược lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, các nhà
văn của chúng ta luôn bám sát đời sống cùng những biến cố của đất nước. Đó là
những cuộc chiến tranh giữ nước trường kỳ và khốc liệt. Những tác phẩm được viết
ra bằng chính máu của nhà văn. Đó cũng là những sai lầm khó tránh ở mỗi thời kỳ
và chính nhà văn lên tiếng. Không ít người đã phải trả giá bằng sinh mạng chính
trị, thậm chí bằng cả sự nghiệp của mình, nhưng sự dấn thân của họ thật sự là
những điều xã hội cần.
Tôi có may mắn quen biết một số nhà văn của những thời
kỳ này. Họ thực sự là những nhân cách lớn. Thế hệ những nhà văn tham gia chiến
tranh, họ là những người lính thực thụ và tác phẩm của họ xuất hiện trong tâm
thế của người trong cuộc. Đọc tác phẩm viết về chiến tranh nếu của một ai đó
không trong cuộc sẽ thấy sự hời hợt giả tạo. Ở chiều ngược lại, những trang viết
khét lẹt khói súng, ta sẽ nhận được sự thuyết phục, chia sẻ và cảm nhận nhiều
điều của chiến tranh mang tới để thấy được cái giá của hòa bình lớn lao mức nào
và chiến tranh tàn khốc ra sao. Để rồi nhận chân giá trị sự sống và vì thế thêm
yêu cuộc đời mà ta may mắn có mặt.
Tôi nói những điều trên từ đúc kết của chính mình. Những
trang văn của các thế hệ đàn anh đã giúp cho tôi những hiểu biết về đời sống, về
chiến tranh, về chân lý và lớn hơn là một tình yêu cuộc sống. Có lẽ tôi trở
thành nhà văn phần nhiều cũng là nhờ ở điều này. Và tôi nhận thức được rằng: chẳng
có sứ mạng to tát nặng nề nào dành cho nhà văn cả! Giản đơn chỉ là anh hãy sống
và viết từ chính thu nhận đời sống. Vậy thôi. Hãy là người trong cuộc.
Xã hội của chúng ta hiện nay đang ở trong một giai đoạn
có quá nhiều biến động và khó khăn. Công cuộc đổi mới hơn 30 năm đã có không ít
thành tựu làm thay đổi diện mạo xã hội và đời sống người dân. Nhưng hơn bao giờ
hết, chúng ta đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Tình hình chính trị
cũng như kinh tế của thế giới luôn trong tình trạng khủng hoảng, có những tác động
nhiều mặt đến đất nước chúng ta. Trong khu vực luôn căng thẳng vì những tranh
chấp lãnh thổ, lãnh hải… tạo ra sự khó lường với những quốc gia có chung biển
Đông. Hiểm họa ngoại xâm luôn hiển hiện thường trực đối với biển đảo của đất nước.
Kinh tế trong nước gặp vô vàn khó khăn. Bộ máy quản lý bộc lộ những khiếm khuyết
hệ thống…
Và phải thẳng thắn thừa nhận một bộ phận không nhỏ đội
ngũ lãnh đạo yếu kém, tham nhũng gây nên sự trì trệ trên nhiều lĩnh vực. Môi
trường sau những sai lầm từ những quyết sách của những cán bộ có thẩm quyền đã
kéo theo bao hệ lụy, thậm chí là hủy diệt môi trường mà vụ Formosa năm 2014 là
một điển hình. Niềm tin của nhân dân sút giảm. Mâu thuẫn giầu nghèo phân chia
các giai tầng xã hội… Nhiều lắm! Có thể nói đất nước chúng ta đang đứng trước
những nguy cơ tiềm tàng thù trong, giặc ngoài. Văn học có những gì trong giai
đoạn nước sôi lửa bỏng này và nhà văn chúng ta đang đứng ở đâu?
Cũng phải thừa nhận vẫn còn có rất nhiều tác phẩm đề cập
đến những vấn đề của đất nước hôm nay. Không ít nhà văn miệt mài theo đuổi những
giá trị của quá khứ thông qua những trang viết tái hiện các cuộc chiến. Nhiều
nhà văn viết về những mảng nóng xã hội. Nhưng tại sao lại hiếm hoi những
tác phẩm được công chúng đón nhận? Mới đây, một phóng viên nữ hỏi tôi: Tại sao
trong những biến cố của đất nước hiếm thấy nhà văn các anh lên tiếng? Có phải
nhà văn cần sự lắng đọng của thời gian để nghiền ngẫm mới phát biểu được bằng
tác phẩm. Tôi chưa kịp trả lời thì nữ phóng viên cũng là một nhà thơ này kết luận:
Ngụy biện thôi, khi anh không dám mở miệng trước lâm nguy dân tộc thì mặc nhiên
anh đã đứng ngoài cuộc, đứng ngoài số phận nhân dân.
Hãy khoan bàn đến tác phẩm bởi rõ ràng câu hỏi nhà văn
chúng ta đang đứng ở đâu lại là điều tiên quyết. Tôi làm việc trong những căn
phòng máy lạnh. Di chuyển bằng những phương tiện đầy đủ tiện nghi, thu nhập khá
và dứt khoát không nằm trong số đông nghèo khó. Các nhà văn khác cũng vậy. Nếu
có ai đó bần hàn thì đó chỉ là cá biệt của sự lười biếng và bất tài. Nhà văn sống
sung túc và được xã hội chiều chuộng. Danh xưng nhà văn giúp chúng ta dễ dàng
có vị thế. Khi có chủ trương dự án bauxite Tây Nguyên, đứng trước những bất cập
của dự án nhiều nhà khoa học, nhân sĩ, trí thức… đã phân tích lên tiếng kêu gọi
sự thận trọng của dự án. Lúc đó có bao nhiêu nhà văn lên tiếng? Thậm chí đến cả
ký vào bản kiến nghị cho dừng dự án mà tôi cũng không ký. Điều gì vậy?
Cho tôi được nói thẳng ra là chúng ta im lặng bởi
chúng ta sợ hãi. Nữ nhà báo nói rất trúng căn bệnh sợ hãi của nhà văn. Khi anh
không dám mở miệng, anh im lặng vì sợ liên lụy, sợ mất đi bổng lộc… thì đừng
nói đến tác phẩm làm gì. Nhà văn đang đứng bên lề cuộc sống. Câu trả lời là vậy.
Đã đứng bên lề cuộc sống thì sao phản ánh được những gì của cuộc sống diễn ra?
Tất nhiên không phải tất cả nhà văn như thế. Vẫn có những
nhà văn dũng cảm xông xáo bất chấp mọi hiểm nguy để bám sát hiện thực đời sống đưa
vào tác phẩm. Đến đây chắc chắn sẽ có không ít nhà văn phản đối thậm chí dè bỉu
lên án tôi. Vâng, tôi biết mình chỉ là một nhà văn bình thường, là loại nhà văn
số đông chứ không phải số ít nhà văn tài năng đặt được dấu ấn vào văn học.
Nhưng chả nhẽ vì thế mà tôi không có quyền nói ra? Tôi nói những điều này nhưng
thực chất cũng như tâm sự với chính mình…
Trở lại với đám cháy. Sự im lặng của nhà văn nghĩa là
cái đám cháy ấy sẽ không được nhà văn khả dĩ tìm ra được phương cách ngăn chặn
để nó đừng xảy đến tương tự trong tương lai, điều mà công chúng cần ở văn học.
Khi nhà văn im lặng trước an nguy đất nước thì cái trách nhiệm công dân nhà văn
sẽ chẳng còn tác dụng nếu không muốn nói một cách cực đoan là nó đã bị chối bỏ
bằng sự vô dụng.
Sự vô cảm của nhà văn suy cho cùng cũng là hệ lụy
chung của xã hội nhưng nó gây ra di chứng nhiều hơn. Dĩ nhiên đó cũng chính là
nguyên nhân thiếu vắng những tác phẩm để đời như đã từng trong quá khứ. Tôi
nghĩ đã đến lúc nhà văn cần lên tiếng mạnh mẽ để bước đi cùng nhịp với đời sống.
Để những đám cháy đừng xảy ra. Hy vọng sẽ là thế!
Nguồn: Văn Nghệ