Nhà thơ nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký, một huyền thoại sống về nghị lực vượt khó của người Việt Nam, vừa qua đời ở tuổi 75 vào lúc 2h sáng 28/9 tại TP.HCM.
Nguyễn Ngọc Ký mãi mãi là một nhân vật không thể nào
quên của người Việt Nam biết cách chiến thắng số phận để vươn lên. Thậm chí, hành trình phi thường của Nguyễn Ngọc
Ký cũng trở thành một huyền thoại cho những ai dám can đảm đương đầu với nghịch
cảnh trên thế giới.
Nguyễn Ngọc Ký sinh ngày 28/6/1947 tại Hải Thanh, Hải
Hậu, Nam Định. Khi lên 4 tuổi, Nguyễn Ngọc Ký bị sốt bại liệt và chấp nhận sự
khiếm khuyết,
mà sau này ông bộc bạch đầy tha thiết “Tôi sẽ chẳng bao giờ quên quãng thời
gian ngắn ngủi đáng yêu ấy, những ngày đôi tay của tôi còn lành lặn. Bây giờ nhớ
lại, tôi ước gì được sống lại, dù chỉ đôi phút”.
Thế nhưng, đôi tay bại liệt thì Nguyễn Ngọc Ký dùng đôi
chân để viết những trang sử khác cho định mệnh cá nhân. Ông tập cầm nắm mọi thứ bằng chân,
và đến trường như bao người cùng thế hệ. Năm 1963, Nguyễn Ngọc Ký nhận giải thưởng
trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc,
và được Bác Hồ tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh.
Năm 1966, Nguyễn Ngọc Ký vào giảng đường khoa Ngữ Văn
của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1970, Nguyễn Ngọc Ký về dạy học tại quê
nhà Nam Định, và phát hành cuốn tự truyện “Tôi đi học” gây xúc động sâu sắc cho
độc giả khắp nơi.
Năm 1992, Nguyễn Ngọc Ký được trao danh hiệu Nhà giáo Ưu
tú. Năm 1994, ông chuyển vào công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Gò
Vấp, TPHCM cho đến ngày nghỉ hưu.
Ngoài cuốn tự truyện “Tôi đi học”, Nguyễn Ngọc Ký còn
có hai cuốn tự truyện “Tôi học đại học” và “Tôi dạy học” truyền cảm hứng tích cực
đến hàng triệu người Việt Nam có khát vọng cống hiến cho cộng đồng.
Bên cạnh vai trò nhà giáo, Nguyễn Ngọc Ký cũng là một
nhà thơ được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Với tinh thần giáo dục của một
nhà giáo nên nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký đặc biệt thành công trong những bài thơ viết
cho thiếu nhi. Trong sách giáo khoa tiểu học, Nguyễn Ngọc Ký có hai bài thơ được
đưa vào giảng dạy.
Thứ nhất là bài thơ “Con đường làng”: “Con đường làng/
Vừa mới đắp/ Đã xanh ngắt/ Hàng phi lao/ Gió xôn xao/ Về đưa võng/ Chim vui sướng/
Đến chuyền cành/ Bướm từng đàn/ Bay rộn rã
Con đường làng/ Vừa mới đắp/ Xe chở thóc/ Đã hò reo/ Nối đuôi nhau/ Cười khúc
khích
Con đường làng/ Vừa mới đắp/ Em đến lớp/ Mới tinh sương/ Trông thấy đường/ Sao
đẹp thế”.
Thứ hai là bài thơ “Nặn đồ chơi”: Bên thềm gió mát/ Bé
nặn đồ chơi/ Mèo nằm vẫy đuôi/ Tròn xoe đôi mắt/ Đây là quả thị/ Đây là quả na/ Quả này phần
mẹ/ Quả này phần cha/ Đây
chiếc cối nhỏ/ Bé nặn thật tròn/ Biếu bà đấy nhé/ Giã trầu thêm ngon/ Đây là thằng chuột/ Tặng riêng chú mèo/ Mèo
ta thích chí/ Vểnh râu meo meo/ Ngoài
hiên đã nắng/ Bé nặn xong rồi/ Đừng sờ vào đấy/ Bé còn đang phơi”.
Huyền thoại vượt khó Nguyễn
Ngọc Ký cũng có tình duyên khá độc đáo, với hai hiền thê là chị em ruột. Người
vợ đầu tiên Vũ Thị Nhiễu của ông được đích thân nhà thơ Đoàn Văn Cừ (1913-2004)
làm mai mối. Họ có với nhau 3 người con. Năm 2001, bà Vũ Thị Nhiễu qua đời với
di nguyện là em gái mình Vũ Thị Đậu tiếp tục thay chị chăm sóc Nguyễn Ngọc Ký. Sau
khi lo chu toàn hậu sự cho bà Vũ Thị Nhiễu, nhà giáo – nhà thơ Nguyễn Ngọc Ký đã
tục huyền với bà Vũ Thị Đậu và nương tựa nhau hạnh phúc ấm êm.
Gần 10 năm nay, Nguyễn
Ngọc Ký bị suy thận. Bà Vũ Thị Dậu mỗi tuần phải đưa chồng đi chạy thận 3 lần.
Và hôm nay, huyền thoại vượt khó Nguyễn Ngọc Ký đã trút hơi thở cuối cùng. Linh
cữu Nguyễn Ngọc Ký sẽ được đưa về an táng tại quê nhà Nam Định theo mong muốn của
ông lúc sinh thời.
Vĩnh biệt nhà thơ – nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký. Cuộc đời 75 năm của ông, giống như một truyền thuyết cho người Việt Nam, như ông bày tỏ: “Hãy sống, đừng để cho một phút nào của tuổi trẻ trôi đi hoài phí. Không có gì ngày mai không đạt được nếu hôm nay ta biết học hết mình”./.
LÊ THIẾU NHƠN