Bộ phim gia đình đa thể loại Khi trăng tròn của Narges Abyar đã trở thành tác phẩm hồi tưởng sáng giá tại Liên hoan phim Hồi giáo Kazan lần thứ 18 vừa được tổ chức tháng 9/2022. Báo "Văn hóa" của Nga đã trò chuyện với nữ diễn viên Fereshte Sadre Orafay, người đóng vai mẹ của nhân vật nam trong phim.


@Bà có thích thành phố Kazan không?

F.S ORAFAY: Các bạn có một thành phố rất đẹp. Tôi sống ở Tehran, một khu vực miền núi có độ cao chênh lệch lớn, nhưng ở đây mọi thứ đều bằng phẳng, ngăn nắp và đường phố sạch sẽ, thật dễ chịu.

@ Khi được yêu cầu hóa thân vào vai một người mẹ mất con, bà có cảm thấy kinh hãi hay hào hứng với một vai diễn mạnh mẽ như vậy?

F.S ORAFAY: Cảm xúc lẫn lộn nhưng rất mạnh - câu chuyện được viết rất hay, rất xúc động. Kịch bản của Narges Abyar phản ánh toàn bộ trải nghiệm của những người thân yêu đã chọn con đường cực đoan, và tôi nhận ra rằng bộ phim này sẽ có ý nghĩa và tác động lớn đến người xem.

@ Câu chuyện trong phim vừa mang ý nghĩa xã hội vừa mang ý nghĩa tượng trưng: chúng ta thấy câu chuyện về những gia đình không có cha - những người thừa kế buộc phải tự mình kiếm quyền hành, tự chịu trách nhiệm về số phận của người thân, gánh vác quá nhiều ...

F.S ORAFAY: Một phần là như vậy. Trong thế giới hiện đại, nhiều gia đình khá tử tế sống nhưng không có cha, số vụ ly hôn ngày càng nhiều, uy quyền của các thế hệ lớn tuổi ngày càng giảm, nhưng nguy hiểm chính là chủ nghĩa cực đoan, áp đặt chính mình thông qua tôn giáo. Niềm tin được gửi xuống từ trên cao để chúng ta học cách kính trọng cha mẹ và hàng xóm, yêu thương và sống hòa bình. Có rất nhiều sách thiêng liêng - kinh Koran, Kinh thánh, Avesta - nhưng không có sách dạy chúng ta phải lấy trộm của người khác,phải ăn cắp, phải chém giết nhau! Tuy nhiên, có người luôn giành chiến thắng để biến mọi thứ có lợi cho mình. Các nhóm cực đoan phát sinh chủ yếu từ thực tế là các tín đồ của họ mong muốn quyền lực và sự thỏa mãn, nạn nhân của họ thường là những người theo một đức tin khác.

@ Tôn giáo thường trở thành công cụ để chiếm đoạt quyền lực và tài sản, nhưng cũng có một khía cạnh khác. Gia đình trong phim của bà gồm những người ở vùng Balochistan bị chia cắt, không cảm thấy ở bất cứ đâu là nhà của mình, và chủ nghĩa khủng bố với giọng ly khai phát sinh không phải vì ham muốn quyền lực, mà bởi vì ai đó chỉ đơn giản là không có nơi nào để sinh sống ...

F.S ORAFAY: Tôi không đồng ý; người Balochistan của chúng tôi sống ở Iran, và các hành động khủng bố đang diễn ra ở biên giới Pakistan. Anh trai của nhân vật không trở về nhà chính xác vì anh ta sẽ bị cơ quan an ninh Iran bắt giữ.

@ Bà không xác nhận suy nghĩ của tôi. Hành động chính phát triển ở vùng xám biên cương, người anh mạnh mẽ thu hút người em vào mặt tối ...

F.S ORAFAY: Tính kịch nằm ở chiều sâu của sự suy sụp: một người đàn ông rất mực yêu thương người phụ nữ của mình và tìm kiếm cô ấy trong một thời gian dài ... chuyện gì đã xảy ra với anh ta, anh ta bị tẩy não như thế nào để nhân vật từ người chồng chung thủy đã biến thành kẻ sát nhân? Tương tự xảy ra với đám thanh niên thất nghiệp, và thật không may, người Balochis rất nghèo - họ không có nước uống, không được học hành tử tế, không có việc làm ... Xã hội phải tạo điều kiện để được bận rộn, nếu không thanh niên sẽ bị các nhóm khủng bố tài trợ tốt chiêu mộ. Bộ phim cho thấy cách anh trai của nhân vật đã tuyển dụng các chàng trai trẻ như thế nào: - anh ta trao cho họ vũ khí, có nghĩa là sức mạnh, và tiến hành tuyên truyền rằng anh ta đang trích dẫn kinh Koran theo đúng nghĩa đen. Các tín đồ của anh ta tin chắc rằng họ không vi phạm luật thiêng liêng.



@ Điều khủng khiếp nhất được thể hiện trên một bình diện khác - chúng ta thấy một người dấn thân vào con đường bạo lực bị tàn phá tâm hồn như thế nào ... Một người Iran đóng vai Baluchistan có khó không?

F.S ORAFAY: Vâng, chúng tôi đã diễn tập rất nhiều với phương ngữ để có được giọng phù hợp. Hai mươi ngày trước khi quay phim, tôi đã đến Baloch, mặc trang phục truyền thống, dạo quanh chợ, nói chuyện với mọi người, ghé vào thăm họ, học cách họ ăn bốc, kết bạn với những người hàng xóm.

@ Bà thuộc trường phái diễn xuất nào, bà có thường xuyên đi diễn không?

F.S ORAFAY: Từ năm mười hai tuổi tôi đã theo học tại các nhóm kịch, sau đó tôi học nghề diễn viên múa rối, từ năm mười tám tuổi tôi đã làm việc cho trẻ em, đóng phim và bây giờ trên truyền hình tôi dẫn chương trình nổi tiếng dành cho đám trẻ ít tuổi nhất. Tuổi trẻ của tôi rơi vào thời điểm cách mạng, tất cả các trường sân khấu bị đóng cửa trong hai năm, và để không lãng phí thời gian, tôi bắt đầu dấn thân vào sân khấu múa rối. Tôi không có bằng đại học ...

@ Bà có dễ dàng tìm thấy ngôn ngữ chung với các đạo diễn không, có gì khác biệt giữa việc làm việc với đạo diễn Asghar Farhadi xuất sắc trong bộ phim "Anh hùng"- bộ phim gần đây đã được công chiếu tại nước chúng tôi và hợp tác với đạo diễn Narges Abyar?

F.S ORAFAY: Cái chính trong công việc là ở một kịch bản chắc, hình ảnh hấp dẫn. Tôi phải tin tưởng rằng nhân vật của tôi bằng cách nào đó sẽ đẩy câu chuyện về phía trước. Ngay cả khi họ đưa ra một vai lớn mà tôi không nhìn thấy phần kết bộ phim của mình, điều đó có nghĩa là sự tham gia của tôi không có ý nghĩa gì. Điều đáng kể là một tình tiết nhỏ xíu nhưng mang lại giá trị lớn cho bộ phim, và tôi luôn luôn nhận những lời mời như vậy. Tất nhiên, thật vinh dự và vui mừng khi được làm việc với một người nổi tiếng như ông Farhadi. Tôi cũng yêu thích các đạo diễn mới vào nghề, tôi xem kỹ các bộ phim trước của họ, đánh giá phong cách, góc nhìn của họ về mọi thứ, và tôi tìm cách để có thể giúp họ đạt được hiệu quả mong muốn với sự tham gia của mình.

Vì vậy, tôi đã may mắn được sắm vai chính trong “ Quả bong bóng trắng”- bộ phim đầu tiên của Jafar Panahi theo kịch bản của một tác giả rất tuyệt vời.

@ Một tác phẩm kinh điển sống động! Chắc bà bước ra trường quay với một vai diễn đã được chuẩn bị kỹ chứ?

F.S ORAFAY: Vâng, điều quan trọng nhất là sự chuẩn bị. Đây có lẽ là lý do tôi thường đóng phim phản ánh các vấn đề xã hội. Trong bộ phim “Khi trăng tròn”, điều đặc biệt quan trọng là phải nhận ra quy mô của những bất hạnh ập đến với nhân vật nữ chính của tôi, và cách cô ấy cố gắng chống lại nó, bảo vệ tổ ấm của mình, cách cô ấy chịu đựng và vượt lên qua cái chết của những đứa con của mình. Tình mẫu tử không có giới hạn, và đó là lý do tại sao nhân vật nữ chính của tôi đã giúp đỡ con dâu và cháu của mình rất nhiều. Phụ nữ thường phải cứu những đứa trẻ khi đàn ông xông vào bắn giết nhau. Mất đàn ông, đàn bà còn lại một mình đối mặt với chiến tranh. Dường như chúng tôi mong muốn một điều khác, nhưng mọi người vẫn thường ảnh hưởng đến số phận của chúng tôi, và nữ nhân vật của tôi hiểu rằng cuộc chiến khủng bố có thể cướp đi đứa con trai đáng yêu nhất của cô ấy, người yêu của chàng trai, và những con của họ. Chàng trai này được sinh ra là để dành cho một cuộc sống bình yên. Nỗi đau đớn của người mẹ là ở chỗ bà ta mẹ hiểu rõ điều đó, nhưng không thể làm gì được- đấy là nỗi cay đắng và đau đớn vô cùng.

@ Nhờ cảm xúc mà bà chuyển tải, khán giả đồng cảm tuyệt đối với tất cả những người tham gia vào tấn bi kịch, và đó là chủ nghĩa nhân văn cội gốc của điện ảnh Iran được thể hiện, được nhìn thấy mỗi người trong ánh sáng ban phước ban sơ. Cái nhìn này dựa trên điều gì - Hồi giáo Islam hay nền tảng sâu xa của văn hóa dân tộc?

F.S ORAFAY: Đơn giản là người Iran chúng tôi đã thân thiện và tôn trọng lẫn nhau từ thời xa xưa. Trong chúng tôi cũng có những người theo đạo Thiên chúa, người Zoroastrian, người theo đạo Hồi, nhưng không có bất hòa.

@ Trong những bộ phim Nga hay châu Âu nào, bà nhận ra mình, cảm thấy một lần nữa cần phải hòa mình vào bầu không khí của họ?

F.S ORAFAY: Lâu rồi tôi không xem phim nước ngoài, nhưng các đạo diễn Nga, trước hết là Parajanov, có ảnh hưởng lớn đến chúng tôi. Thời trẻ tôi thường đi xem phim của các bạn. Lịch sử của nước Nga, nền văn hóa của các bạn, đặc biệt là văn học và điện ảnh, đã ảnh hưởng rất nhiều đến chúng tôi, chúng tôi chắc chắn phải hợp tác, chia sẻ kiến ​​thức và kinh nghiệm. Tôi muốn chúc chúng ta hòa bình, hữu nghị, tình yêu và tất cả các cuộc chiến tranh phải kết thúc càng sớm càng tốt.

TÔ HOÀNG chuyển ngữ