Các quốc gia nhờ đại dịch Covid-19 mà hết cao ngạo trong điều hành, lộ rõ những lỗ hổng nguy hiểm trong y tế, trong tổ chức kinh tế, trong an sinh xã hội, nghe thấu lòng dân hơn, biết sợ hơn khi ban hành chính sách.


NHỮNG GHI CHÉP VỘI VÀNG

NGUYỄN QUANG VINH

Năm ngoái thôi, lúc này, cả nước vẫn hoang tàn trong dịch giã. Những ghi chép vội vàng này níu giữ lại những cảm xúc khó quên trong những tháng ngày khó quên ấy của tôi và mọi người.

NGỬA MẶT THẤY TRỜI XANH

Nếu chúng ta, chính quyền và người dân không biết thay đổi, chúng ta sẽ chết theo dịch chứ không phải chết vì dịch. Các nước đã nhận ra điều đó và hôm qua, Thủ tướng chính phủ cũng đã nói về điều đó, phải chung sống với dịch (ở đây là Covid-19) và không thể tuyệt đối xóa sạch nó. Sống chung trong điều kiện miễn dịch cộng đồng với độ phủ vacxin cao nhất cùng với đó là thực hiện các quy định phòng dịch (5K), cùng với đó là nâng cấp, tăng cường ở mức cao tuyến bệnh viện điều trị. Chúng ta đã mất quá nhiều tháng ngày để chạy theo dịch, xã hội náo loạn, sức dân, sức lực quốc gia hao mòn, “chết” ngay khi chưa mắc dịch là cái chết theo dịch.

Vài lời mở đầu thế để tôi viết điều tôi đang nghĩ…

Rất nhiều lần nằm bên bờ biển, đếm sóng, ngửa mặt thấy trời xanh, rồi tự hỏi: Vì sao tạo hóa sinh ra vũ trụ, sinh ra trái đất này, sinh ra con người, vừa nâng niu con người vừa hành hạ con người? Tại sao con người có mặt ở trái đất này, ban đầu là tay trắng, ban đầu là không, không y tế, không học vấn, không nhà cửa, không lương thực, rồi vẫn sống, vẫn được nuôi dưỡng bằng chính cây cỏ, bằng chính muông thú, sinh vật, rồi lại bệnh tật, lại chết vì chính cây cỏ, chính muông thú, chính sinh vật? Vì sao có gà vịt heo bò lại có rắn độc, rết độc? Vì sao có rau muống, rau cải, diếp cá, mồng tơi, ngải cứu, tía tô bổ dưỡng nuôi người lại có lá ngón giết được người? Vì sao có gió mát, trăng thanh, trời xanh, biển lặng để con người yêu nhau, sinh con đẻ cái lại có bão, lũ, giông tố, sấm sét để giết hại con người? Vì sao có ô xy để thở, có nước sạch để uống, có biển để làm muối, có cây rừng để làm nhà lại có sâu bệnh, có dịch dã cúm mùa, dịch hạch, bạch hầu, lao để hại người?

Và hôm nay là Covid.

Trăm năm rồi mới có 1 thảm họa khủng khiếp như vậy đối với con người trên trái đất. Và cũng như xưa, con người sau những ngày tháng nỗ lực diệt trừ, như xưa, lại phải tìm cách sống chung hòa thuận, đồng hành với nó, thuận theo nó như đã từng thuận theo bao thứ dịch bệnh khác, bao thứ biến động thiên nhiên khác dù cố gắng tạo ra vacxin, tạo ra các loại thuốc chữa, nhưng không thể tuyệt giao với dịch bệnh, đau ốm, cái chết?

Tạo hóa - Người đã tính toán hết rồi sao. Có sinh có diệt, có âm có dương, có cao có thấp, có sống có chết, cố nảy mầm có hủy hoại, vậy là tốt hay xấu, công bằng hay bất công? Đáng trách mắng tạo hóa hay cúi đầu chấp thuận một quy luật sinh tử của vũ trụ, đáng hoan hỉ hay phẫn nộ?

Con người ở trái đất đã sai trong hành vi và trả giá? Hay chính tạo hóa tạo cho con người những điểm dừng, những động thái nhắc nhở, những barie ngăn chặn để con người giảm đi sự tham lam, ham hố, ấu trĩ, phá hoại cuộc sống này, trái đất này bằng chính những phát minh, bằng chính những cú nhảy vọt công nghệ, nuôi con người sống trong điều kiện hiện đại, đủ đầy bao nhiêu thì cũng làm tổn thương trái đất bấy nhiêu, nên tạo hóa cần thỉnh thoảng đánh đòn, trừng phạt, nhắc nhở, hờn giận, ghìm lại sự quẫy phá của con người do sự hiếu thắng và tính ích kỷ, bằng sự bon chen và lòng tham?

Coi như 2 năm dịch Covid toàn cầu, cả triệu người đã chết, các quốc gia suy kiệt tài chính, ngưng trệ hoạt động, đứt gãy sản xuất lưu thông, từng cá thể hoang mang, kiệt sức và lo sợ.

Nhưng 2 năm qua, tạo hóa đã dành lại cho trái đất rất nhiều thứ: Không khí trong lành hơn, khói bụi của hoạt động công nghiệp giảm xuống, khói bụi trên đường giao thông giảm xuống, trái đất gần như được nghỉ ngơi, được ngủ ngon, được yên lành hơn. Tạo hóa đã dừng con người lại, đẩy con người đi chậm lại, sống chậm lại, giành lấy cho trái đất một không gian trong trẻo, một bầu trời xanh biếc, thúc đẩy cây cối nảy mầm nhanh hơn, màu xanh phủ thêm, nước trong sạch thêm, biển sinh nở cá tôm, giữ chặt con người trong không gian của nhà mình, nơi ở của mình, giữ cho đêm đúng là đêm, không chói sáng, ồn ả…

Nhiều gia đình nhờ vậy mà biết thêm những bứa cơm gia đình ngày 3 bữa, nhiều phụ nữ buộc phải vào bếp, đàn ông buộc phải làm việc nhà, cuộc sống bê tha vì rượu, vì nhậu nhẹt, hút xách, quan hệ bừa bãi cũng nhờ thế mà giảm bớt hoặc triệt hạ xuống mức thấp. Những ngôi nhà ấm hơn vì tiếng cười, ấm hơn bởi cả tiếng cãi cọ cần thiết nên có trong mỗi căn nhà, ấm hơn bởi sự sum vầy, và trong khó khăn, biết quý từng cọng rau, miếng cá, chút nước mắm, biết tiết kiệm và biết tính toán, biết kìm hãm sự phung phí, biết mặn ngọt, biết nóng lạnh, biết sâu sắc hơn hai chữ tổ ấm.

Các quốc gia nhờ vậy mà hết cao ngạo trong điều hành, lộ rõ những lỗ hổng nguy hiểm trong y tế, trong tổ chức kinh tế, trong an sinh xã hội, nghe thấu lòng dân hơn, biết sợ hơn khi ban hành chính sách, quy định, bởi vì nếu sai thì nhìn thấy rõ, rất rõ sự bế tắc xã hội, là cái chết, là sự phẫn nộ của dân chúng, thận trọng và giảm đi sự kiêu hãnh chức vụ, biết lo lắng và thổn thức, biết cả trách nhiệm của chính mình với dân chúng, là lúc, số phận của mỗi người trước dịch là ngang bằng, cái chết công bằng cho tất cả nếu dính dịch.

Cứ coi 2 năm chống dịch như là phút giải lao cần thiết giữa hai hiệp bóng, coi như vậy cho yên lòng, để kịp lấy lại sức lực, kịp nhận ra giải pháp, cách thức điều hành, kịp nhận ra sự bất lực trước dịch để cùng đi tới một cuộc sống chung hòa thuận, coi như ai làm việc đó, dịch cứ dịch, lẽo đẽo theo chân con người, còn con người thì nhanh chóng trang bị thêm vacxin, thêm thuốc bệnh, thêm phương tiện phòng tránh, cả hai đi cùng nhau, né nhau, hạn chế gây sự nhau, ai đuối sức thì dừng lại, và cuộc sống cứ thế đi, cứ thế đi, cứ thế đi…

HÃY THA THỨ CHO NHAU

Chính là từ câu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thôi “Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau” để xin nương vào mà viết bài này.

Nhưng phải vòng về thăm tuổi thơ đã.

Bắt đầu là ngày 5/8/1964, khi đó tôi 5 tuổi, quê nhà vùi trong bom đạn của máy bay Mỹ mà sau này chúng tôi học mới biết đó là việc Mỹ tạo cớ trả đũa của cái gọi là “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”.

Bắt đầu từ lúc đó, quê nhà từ ngạc nhiên, ngỡ ngàng, hoảng sợ đến căm thù, khi ngày đêm cứ bom, bom, bom, nhà tôi chỉ cách cửa sông Gianh, phà Gianh vài cây số - nơi có trận địa pháo binh, có hải đội Hải quân thường trực bắn máy bay Mỹ.

Bắt đầu từ ngày đó, Quảng Bình trở thành tọa độ lửa.

Lần đầu tiên phải làm hầm, đào hào tránh bom, tiếp nữa là làm nhà hầm để ở, bệnh xá, trường học, kho hàng, hội trường tất cả được ủn vào cát, trốn trong cát tránh bom.

Lần đầu tiên biết thế nào là nhà cháy, xác chết bom đạn; Lần đầu tiên nhìn thấy máy bay thả pháo sáng, sáng rực đất trời... Lần đầu tiên dân quân được cấp súng tiểu liên, súng CKC, được huấn luyện để bắn máy bay. Bắn mãi không trúng chiếc nào. Chỉ huy dân quân hô anh em trèo cao lên trên động cát, trên thân cau, trên cây mít, lên cây phi lao, lên cả nóc nhà, chỗ nào cao nhất thì trèo lên để bắn máy bay vì nghĩ, như thế gần máy bay hơn.

Lần đầu tiên có một loại bom thả xuống sông, xuống đường, xuống phà mà cứ hễ gặp vật gì sắt thép là phát nổ, chết nhiều, xe cháy nhiều, ca nô cháy nhiều, rồi mới nghe nói là bom từ trường có cảm ứng với sắt thép, để từ đó tìm cách phá bom.

Lần đầu tiên, xe pháo của bộ đội kéo trên cát, giấu quân ở đâu thì bị máy bay đánh phá ở đó, bộ đội pháo hy sinh nhiều lắm, sau mới nhận ra, có máy bay trinh sát chụp ảnh nhìn thấy, bám theo vết xe pháo lăn bánh, để rồi nghĩ ra cách, xe pháo đi tới đâu thì gạt cát, hoàn nguyên, xóa dấu vết.

Lần đầu tiên bệnh viện phải làm sâu trong lòng cát, phẫu thuật ngày đêm vì quá nhiều thương vong, không điện, không máy nổ, đèn phẩu thuật là lấy ánh sáng từ đèn xe đạp do một thanh niên khỏe đạp xe lấy đèn hàng tiếng, hoặc đèn măng xông, hoặc đèn pin, kệ, miễn là sáng, và phẫu thuật, mỗi đêm cắt chân, cắt tay thương binh có, dân thường có, trẻ em, người lớn có, không thuốc mê, chỉ là que đũa tre cắm qua miệng để đau thì khỏi cắn vào lưỡi, có những đêm chân tay bị gãy, bị mảnh bom chém cắt ra do phẫu thuật đựng đầy xô rồi mang chôn trên cát.

Lần đầu tiên biết bom Napan là như thế nào, nhà cháy, người chết cháy mà dân quân, bà con xách nước hất vào không hết lửa, rồi mới biết đó là bom hóa học, và phải dùng đất, dùng cát chữa cháy mới thành.

Lần đầu tiên bến phà Gianh tổ chức truy điệu sống, biết đến từ “ truy điệu sống” cho công nhân lái ca nô, biết đi là chết 9 sống 1 để phá bom giải phóng luồng lạch.

Trong vài năm đầu tiên của cuộc chiến tranh, mọi thứ đều LẦN ĐẦU TIÊN, mọi thứ đều bắt đầu, làm rồi sai, rồi thất bại, thất bại trong ứng phó ngày đó luôn đi liền với máu, với cái chết, với tan nát trong mưa bom bão đạn. Không ai dạy cho ai bài học đầu tiên ấy, bài học đến thì phải tự dạy, tự học với nhau, sai lại sửa lại sai lại sửa, để sống, để chiến đấu với không quân Mỹ, để vẫn đội bom đội đạn nhưng an toàn hơn, đỡ thương vong hơn.

Ngày đó, nhân dân, cán bộ, cấp to, cấp nhỏ, bộ đội hay dân quân, tất cả chỉ một chữ thôi; PHẢI THẮNG. Không còn lựa chọn. Thắng để sống. Thắng để yên bình. Thắng để hòa bình nhanh nhất có thể, để giấy báo tử từ chiến trường về ít nhất có thể, để đoàn tụ.

Và hôm nay, đại dịch Covid này, trăm năm mới có, ta và thế giới đều bắt đầu LẦN ĐẦU TIÊN đối phó với nó, chiến đấu với nó, và PHẢI THẮNG, thắng theo nghĩa gần là dập được dịch, thắng theo nghĩa xa là sống chung trong an toàn, nhưng phải thắng, không còn lựa chọn.

Lần đầu tiên, khi phát hiện ra F0, cả xã, cả huyện, cả phố náo loạn, truy vết, bế vào cách ly, truy hỏi lịch trình, báo chí thì đăng lịch trình, dân tình săm soi, mỉa mai, chửi bới theo lịch trình nếu đó là cán bộ, nếu đó là quan chức. Mỗi F0 được báo chí và dư luận xã hội đối xử như tội phạm.

Lần đầu tiên, sau F0 là F1 cũng thế, còi hụ, tiếng chân dân phòng hùng hục chạy, tiếng quát mắng, bóng công an, cả nhà, cả xã hoảng loạn, khóc, hét, co rúm lại như đi bắt kẻ trốn tù, rồi ủn lên xe, cách ly, mất hút.

Lần đầu tiên phát hiện F0 và coi nó là con bệnh, tống ngay vào bệnh viện, được tuyên truyền như là cái chết đã ở phía trước, hết đường sống, F0 rời nhà như ra nghĩa địa, nước mắt, gào khóc…

Lần đầu tiên, đội ngũ y tế mang áo quần bảo hộ ngay từ vòng ngoài, và với nhiều quy định nghiêm ngặt, nóng, ngạt thở, cường độ làm việc bằng 200, 300, 500%, ngả xuống, đổ xuống, bất lực.

Lần đầu tiên chỉ đạo chống dịch đúng như chống giặc, mệnh lệnh, hô hào, khẩu hiệu, ca khúc, băng rôn, cờ đỏ, xuất quân…và hát, như thể làm vậy dịch sẽ nhanh tan, bóng dáng quan chức nhiều hơn bóng áo blouse y tế.

Rồi bùng dịch. Bùng dữ dội. Tất cả lúng túng, lúng túng từ dân đến cấp lãnh đạo, bối rối ra văn bản rồi thu hồi rồi ra văn bản lại thu hồi, hoảng loạn.

Người dân bắt đầu đối phó, tôi và bạn bắt đầu quẫy, dẫy, cố thoát ra khỏi vòng cách ly, giãn cách, phong tỏa, tìm mọi cách vi phạm, để tự do, để không bị tù túng. Chúng ta, tôi và bạn sai nhiều, sai vì ý thức kém, vì chủ quan, sai vì cả nhận thức chưa tới, mỉa mai quy định chống dịch, bằng thói quen, bằng cả sự ích kỷ, chúng ta, tôi và bạn xem thường quy định chống dịch, xem thường 5K, tranh thủ mọi cách để tụ tập, để kiếm sống, khi bị giãn cách, bị phong tỏa thì gào lên rất to, to hơn thực tế, kêu khổ, kêu cứu, tìm mọi cách để thoát ra nhanh sự trói buộc.

Cán bộ chính quyền bắt đầu gồng lên với quyền lực, với mệnh lệnh, dùng phong trào để chống dịch, dùng sức người để chống dịch, dùng cách ly, truy vết, phun thuốc khử trùng để chống dịch mà bỏ qua việc duy nhất đúng là tìm mua vacxin cho cộng đồng.

Nhưng dịch là thứ như vô hình, không cảm xúc, không sợ hãi, cứ thế xâm lấn, giết chết hàng ngàn người, làm cả xã hội quay cuồng, bất an, sợ hãi, hoảng loạn.

LẦN ĐẦU TIÊN thì vậy thôi, thế giới còn thế thì ta không hơn được, không thành số 1 chống dịch được, lại phải trở lại quy trình khoa học dịch tễ, tiêm vacxin, nâng cấp cơ sở điều trị, sàng lọc F0, F1, giãn cách phong tỏa trong sự nỗ lực an sinh xã hội…

Dần dần từng bước một, cả nước điềm tĩnh hơn, người dân cũng điềm tĩnh hơn, các quyết sách bắt đầu xuất phát từ thực tiễn, từ nghe ngóng góp ý, điều chỉnh mềm dẻo nương theo tình hình, vacxin nhập về, mua về, xin về để hôm nay, chỉ trong thời gian cực ngắn đã tiêm cho một số lượng lớn, dù so với thế giới còn ít ỏi nhưng với tốc độ trong nước thế là quá đáng trân trọng. Điểm nóng Sài Gòn cũng đã phủ vacxin hơn 50%.

LẦN ĐẦU TIÊN với nhiều bài học, nhiều cái sai, dân cũng sai nhiều về ý thức, thái độ, chính quyền cũng sai nhiều về phương pháp chống dịch.

Chúng ta tha thứ cho nhau.

Khi chúng ta biết tha thứ cho nhau thì cuộc đời sẽ tha thứ cho chúng ta.

Tiếp tục những tháng ngày phía trước, rõ đường đi rồi, chỉ vài ba tháng nữa, vacxin phủ rộng, cấp điều trị tăng cường, mọi việc sẽ ổn thôi.

Tha thứ lúc này làm nên sức mạnh và sự đồng lòng chống dịch.

Tha thứ để đoàn kết, để đồng lòng, để hợp sức.

Vậy đó.

AI NẮM TAY? AI ĐƯA TIỄN? AI ĐƯỢC NHÌN AI?

Trong đời sống mỗi người, tôi và bạn, đều không ít lần phải chia tay li biệt người thân của mình. Qua một đời người như thế, đã bao lần chúng ta nắm tay vĩnh biệt người yêu thương, đã bao lần chúng ta cúi lặng đi theo những cỗ quan tài về huyệt mộ, đã bao lần chúng ta ngắm nhìn trong nỗi đau thắt tim gan gương mặt người yêu thương trước khi nắp quan tài đóng lại.

Hồi còn bé, có một đơn vị pháo binh ở Ba Đồn hy sinh do bị lộ trận địa, máy bay liên tục ném bom hủy diệt. Tôi không nhớ là hy sinh bao nhiêu người, nhưng nhiều. Đa số là các chú quê ngoài Bắc vào. Họ hy sinh, địa phương khâm liệm tử tế và chu đáo. Nhưng mọi người cứ nhìn nhau, cứ nhìn nhau, cứ nhìn nhau, như đang thiếu cái gì đó rất quan trọng. Không gian đêm trên cát vắng lặng, ánh pháo sáng soi rõ những liệt sĩ nằm trên cát chuẩn bị đưa vào quan tài chôn cất. Yên lặng. Các anh, các chị dân quân lầm lũi khâm liệm, phun rượu lên tay chân rồi lau chùi cho các chú bộ đội bằng rượu để thay quần áo mới. Yên lặng. Yên lặng tới mức khiến một chị kêu lên: Trời ơi, không có tiếng khóc thì làm sao thành đám ma, làm sao đưa tang, làm sao hạ huyệt. Bộ đội ở xa tới làm nhiệm vụ không bà con thân thích ở đây. Làm sao có tiếng khóc? Chủ tịch phụ nữ thị trấn ờ lên tiếng to, đúng rồi, đúng rồi, đúng rồi…Thế là chủ tịch phụ nữ kêu chị em tới, kêu thanh niên tới. Chị này làm mẹ anh này. Cô này làm em gái chú này. Anh này làm cha chú này. Mỗi người một liệt sĩ. Mỗi người tự làm thành viên gia đình liệt sĩ, khóc, cho họ ấm lòng ra đi có người thân, có quê nhà bên cạnh. Ai cũng kêu tên họ, và khóc, và khóc, và vật vã, kể lể, thương xót, hứa hẹn. Bỗng thành đám ma lớn, đêm cát thành đêm khóc, lúc đầu chỉ là khóc vờ nhưng rồi không hiểu sao ai cũng òa lên khóc thật, nước mắt đầm đìa. Và trong không gian đó, các quan tài được nâng lên trên vai đồng đội, trên vai dân quân, đi về huyệt trong nghĩa trang liệt sĩ.

Phà Gianh trong chiến tranh là cửa tử. Tới khi máy bay ném bom từ trường thì tình hình còn khủng khiếp hơn. Nếu không phá được bom từ trường, cứ thế cho phà chở xe qua sông thì bom từ trường trên sông bắt gặp sắt thép sẽ nổ, đã từng như vậy, máu đã loang đỏ nhiều trên bến phà này. Rồi người ta nghĩ ra cách dùng ca nô chạy tốc độ cao để kích nổ bom. Nhưng đó là một hành động “lấy liều mạng làm căn bản” vì vô cùng nguy hiểm. Nhưng nguy hiểm cũng phải hành động để cứu xe, cứu từng đoàn xe vào mặt trận. Và anh công nhân lái ca nô trẻ Võ Xuân Khuể xung phong đầu tiên. Ai cũng biết việc lái ca nô kích nổ bom thì 99% là chết. Vì thế đơn vị làm lễ truy điệu. Mũ cối lật ngửa, đặt một nải chuối, đặt một bát cơm, đặt một ống bơ để cắm hương. Cả đơn vị thắp hương truy điệu sống Võ Xuân Khuể. Anh Khuể và anh em trong tổ cảm tử đi một vòng, nắm tay từng anh em trong đơn vị trong im lặng. Ai cũng mím chặt môi lại cho khỏi bật khóc. Một “liệt sĩ” bắt tay đồng đội mình lần cuối. Thật khủng khiếp nhưng thật ấm lòng. Vì ít ra, trước khi hy sinh, họ còn nắm tay, ngắm nhìn đồng đội lần cuối. Và anh Khuể đã trải qua nhiều lần được truy điệu sống như thế. Tổ cảm tử của anh dần hy sinh hết. Ngày hòa bình chỉ còn anh Khuể sống với hàng chục mảnh bom găm vào người. Anh được phong anh hùng. Tôi thân với anh. Mỗi lần hỏi chuyện đó, anh uống cốc rượu và cười, chết rứa là may đó, chết mà còn nhìn thấy anh em, nắm tay anh em là may mắn đó chú ạ.

Nếu coi việc nắm tay trước khi người thương yêu ra đi là may mắn thì tôi rất may mắn. Tôi đã nắm tay mạ tôi, nắm tay ba tôi trước khi hai người nhắm mắt. Tôi đã nắm được tay vợ tôi trước khi cô ấy ra đi. Những cái nắm tay ấy ám ảnh cả đời, như một hành trang trĩu nặng tình thương yêu, như cảm thấy, lúc nào cũng có họ đang nắm tay mình, mỗi khi mình vui quá cũng như có bàn tay níu lại, khi mình buồn quá, cũng như có bàn tay nắm lấy kéo lên, đứng thẳng. Cái nắm tay với người thương yêu ấy trở thành một dấu ấn đậm sâu trong tim đi theo suốt cuộc đời.

Bây giờ là dịch dã.

Ngàn cái chết thương tâm cô độc. Không người thân bên mình. Không nhìn thấy người thân. Không ai được nắm tay. Một tiếng khóc cũng không có. Rồi cũng chỉ nhìn thấy tro cốt mang về. Nghĩ thế thôi mà buồn tê tái.

Họ, những người tử vong vì dịch, chắc thèm khát vô cùng được nhìn thấy người thân, được người thân nắm tay vĩnh biệt, nhưng không có, căn phòng lạnh toát ấy, sự lây nhiễm của dịch bệnh đã ngăn chặn mọi giao tiếp.

Cái mơ ước đáng ra không cần mơ ước, nắm tay từ biệt người thân yêu, đã không thể thực hiện, để rồi là tro cốt, lặng ngắt, cay đắng.

Biết thế để hiểu, dính vào dịch bệnh Covid nó khủng khiếp ở mức nào.

Biết thế để từng người, từng người, từng người, không cần đến chính quyền ra quy định, dựng chốt, phong tỏa, tự mình thôi phải tìm cách thoát dịch bằng những khuyến cáo về dịch tể của y tế, ai cũng đồng lòng nghiêm cẩn phòng dịch thì cái chết sẽ khó tới, chỉ thế thôi là cuộc sống bắt đầu yên ổn.

Chỉ thế thôi, nếu bạn muốn nắm được tay người yêu thương khi họ đi xa.

Chỉ thế thôi, nếu bạn còn muốn khóc trong phút giây li biệt cuối cùng…

 

Nguồn: Văn Nghệ