CHỢT NHỚ LÂU QUÊN VỀ NHÀ VĂN NHẬT
TUẤN
(Nhân giỗ lần thứ 7 của nhà văn Nhật Tuấn)
TÔ HOÀNG
TRƯỚC HẾT LÀ CÁM ƠN ÔNG HỮU THỈNH...
Còn nhớ rõ, Nhật Tuấn mất, nơi nào đứng ra
tổ chức đây, cũng là chuyện nâng lên đặt xuống: Hội Nhà văn VN, Hội Nhà văn TP
Hồ Chí Minh, hay Nhà Xuất bản Văn học -nơi anh công tác? Rồi tổ chức tang lễ ở
đâu?
Cuối cùng con trai Nhật Tuấn và gia đình
lo liệu hết. Còn nhà tang lễ cũng gia đình bỏ tiền thuê theo dịch vụ. Nhanh, gọn,
hết bàn bạc, cân nhắc!
Nhật Tuấn mất đâu được một hôm, khuya muộn,
tôi bỗng nhận được cú phôn của ông Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam từ Hà Nội gọi vào:
-Này, ông viết điếu văn cho Nhật Tuấn nhé?
Nguyễn Trí
Huân sẽ đọc.
- Trời, -tôi thốt lên! Ngoài Hà Nội ông
hay Nguyễn Trí Huân, ai vào thì viết
luôn. Hoặc trong Sài Gòn
cũng có nhiều người am tường về văn chương, cuộc đời Nhật Tuấn, ông gọi điện nhờ
họ. Tư cách văn chương của tôi cũng phết, phẩy thôi...
Hữu Thỉnh
giọng nhẹ nhàng, nhưng dứt khoát:
- Ông viết đi! Ông thân với hắn, ông sẽ
công bằng với hắn... Trưa hôm tang lễ, Nguyễn Trí Huân sẽ bay vào đọc.
Gã Hữu Thỉnh này cũng lạ thật đấy! Hàng hai, ba
năm không phôn, không gặp, cũng không có gì để bàn bạc chung; nhưng thỉnh thoảng
hay chơi quả... quyết đoán. Ví như gọi mình đi dự Hội nghị văn học nước ngoài
vì mình có tham gia dịch dọc; cho mình đi sang Nga vì mình có tiểu thuyết viết về Nga. Trí nhớ tốt, có sức
bao quát để không quên bạn bè xưa cũ, có tình nghĩa là một chuyện; mà hình như
gã Hữu Thỉnh
còn có tài ma xó chính hiệu nữa!
Dĩ nhiên tôi vui vẻ nhận lời. Cũng là người
cầm bút, xưa nay tôi vẫn thường yêu quý, trân trọng, trước hết là người có thật
tài. Xét về phương diện văn xuôi, không còn gì bàn cãi nữa, Nhật Tuấn thuộc top ten đếm được trên đầu
ngón tay những cây viết có tài thực sự. Xét về con người, gã là một nghệ sỹ thứ
thiệt. Ham vui, ham gái, quảng giao, tềnh toàng, không thâm thù, không hại ai,
không ham công danh chức tước; không nâng bi...
Còn những gì xưa nay thiên hạ xầm xì, thôi
mặc ý kiến ngược xuôi, là người viết có tâm thì phải đau xót với những mất mát,
tổn hại mà cả triệu triệu người gánh chịu; phải phẫn nỗ, bất bình với những điều
ngang trái, bất công, sự chà đạp lên lẽ phải, rẻ rúng máu xương đồng bào đồng
chí...
Nghĩ vậy, tôi ngồi vào viết và viết rất
nhanh bài điếu văn cho Nhật Tuấn.
Viết xong, bỗng xuất hiện hai nỗi e ngại
khác: Dĩ nhiên, Phó Chủ tịch Hội
Nhà văn Việt Nam Nguyễn Trí Huân sẽ đọc, tức sẽ duyệt.
Nếu ông bạn này đòi gạch bỏ đoạn này, đoạn kia; thêm thắt dòng này dòng khác
cũng tự ái chứ?
Cũng có người mách bảo: Hôm tang lễ sẽ có
nhiều "các chiến hữu dân chủ" tham dự đấy. Và hình như họ phong thanh
biết Hữu Thỉnh phân công ông viết, họ phấp phỏng liệu ông có nặng nhẹ gì với Nhật
Tuấn không?
Nguyễn Trí Huân vào Sài Gòn, ở Nhà khách trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Tôi
tìm tới đưa Huân đọc, chờ đợi. Chừng 3 phút đọc xong, Huân nói ngay:
- Tốt anh ạ! Tôi chỉ thêm những kính thưa,
kính gửi thôi...
Buổi lễ tang diễn ra rất đông đủ bạn hữu,
đồng nghiệp, những ai thương yêu sách, thương yêu con người Nhật Tuấn. Dĩ nhiên
là cũng khá đủ "các chiến hữu dân chủ ".
Lễ tang kết thúc. Ngay buổi tối hôm ấy tôi
lại nhận được một cú điện thoại khá bất ngờ. Lần này không phải của Hữu Thỉnh.
- Ông có thể gmail cho bọn tôi bài điếu
văn ấy để sáng mai đưa lên trang
"Văn Việt" được không?
Tôi đáp:
-Rất sẵn sàng! Và bấm máy và chuyển bài điếu
văn này ngay. Và cũng ngay sáng hôm sau bài điếu được in trên “Văn Việt”
ĐIẾU VĂN ĐỌC TRANG TANG LỄ NHÀ VĂN NHẬT TUẤN
Bạn hữu văn chương của nhà văn Nhật Tuấn tại
Tp Hồ Chí Minh cho hay, vào những ngày đầu tháng 9 vừa qua,ông cho sửa sang
gian bếp, chỉnh trang dàn hoa giấy trước hiên nhà, tu chỉnh lại cái bể bơi tại
nơi ông đang cư ngụ thuộc huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Cũng khoảng thời
gian đó, lần đầu tiên, ông khoe trên trang Facebook bức ảnh thằng cháu đích
tôn; ảnh đứa con trai, con gái đang sống, làm việc ở nước ngoài. Biết tính lãng
tử của ông, có người xì xầm: “điềm” gì đây? Số đông cho rằng, đến tuổi ấy, ông
thu vén nơi ăn chốn ở cho tiện nghi hơn; ông nhớ nhiều về con về cháu cũng là
chuyện thường tình..
Rất bất ngờ, sáng sớm ngày 7 tháng 10, tin
dữ truyền nhau: ông đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 18 giờ ngày 6 tháng 10 tại
Bệnh Viện Thống Nhất!
Nhà văn Nhật Tuấn họ Bùi, sinh tại Hà Nội
ngày 7 tháng 9 năm 1942. Thời trai trẻ, ông công tác tại ngành giao thông, từng
làm công nhân mở đường, lính trinh sát công binh, sau về làm tại Phòng Kỹ thuật
Viện Thiết kế Bộ Giao thông.
Những truyện ngắn đầu tiên, ông viết trong
những năm 1977-1978. Vào thời điểm ấy lớp nhà văn thường được gọi là “thế hệ chống
Mỹ” đã tập hợp đội ngũ như Đỗ Chu, Lê Lựu, Phạm Tiến Duật, Triệu Bôn, Nguyễn Khắc
Phục, Lưu Quang Vũ…Những nhà văn viết về lao động quên mình, sự hy sinh thầm lặng
ở hậu phương đã đĩnh đạc những cây bút: Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Thân, Lý
Biên Cương… Với vài ba truyện ngắn đầu tiên Nhật Tuấn đã dóng hàng bằng vai phải
lứa trong đội ngũ kể trên..
Không qua khóa ngữ văn dài ngày ở một trường
đại học nào; không qua các lớp đào tạo người viết tập trung, cũng không có thày
thợ kèm cặp, nhưng ngay từ những sáng tác đầu đời, ngòi bút Nhật Tuấn đã biểu
hiện sự vững vàng, chắc chắn trong cấu trúc, trong giọng điệu kể chuyện, trong
lựa lọc chữ nghĩa…Bạn bè văn chương và người yêu văn học nhận ngay ra điều ấy.
Chỉ có thể giải thích sự chững chạc này bởi năng lực tự học; bởi trình độ thẩm
mỹ tự tích tụ, bởi sự hiểu biết cuộc sống.. Và hơn cả bởi tài năng thiên bẩm ở
ông.
Những truyện ngắn đánh dấu giai đoạn đầu sự
nghiệp văn chương của nhà văn, được
gom lại trong hai tập “Trang 17” và “Con chim biết chọn hạt” đều là những tác
phẩm ấm áp tình người, giàu chất thơ, bộc lộ một cái nhìn trong sáng, tin yêu,
đó đây biểu hiện nỗi buồn, sự bùi ngùi, sót sa cho thân phận con người, của một
trái tim dễ rung cảm.
Về Nhà xuất bản Văn học làm công tác Biên
tập không bao lâu, nhà văn xin chuyển vào Chi nhánh phía Nam.Mảnh đất mới, những
mẫu người mới, lại đúng vào những năm tháng đất nước mạnh dạn rút chân ra khỏi
cơ chế quan liêu bao cấp; dò dẫm những bước đầu tiên trong cánh rừng lạ của cơ
chế thị trường. Phải chăng những yếu tố khách quan ấy khiến nhà văn lao vào
lĩnh vực tiểu thuyết, rồi ông viết, ông cho xuất bản như một người đàn bà mắn đẻ.
“ Bận rộn”, “Mô hình và thực thể”, “ Lửa lạnh”, “ Biển bờ”, “Tín hiệu của con
người”, “ Đi về nơi hoang dã”, “ Niềm vui trần thế’, “ Những mảnh tình đã vỡ”,
“ Tặng phẩm cho em”, “ Một cái chết thong thả”...
Nhân vật trong các cuốn tiểu thuyết này là
lớp người trung lưu trong xã hội, phần đông là tầng lớp trí thức- những người
như ông, giống ông, tâm trạng và những thăng trầm của họ ông tường tận.Đề tài
và chất liệu ông lựa lọc không phải là những diễn biến lịch sử, những vấn đề
“nóng” về phương diện chính trị, những xung đột xã hội gay gắt… Nhà văn tựa như
thiên về lắng nghe tiếng rì rầm của đời thường; những đụng độ, va chạm giữa dục
vọng thường tình giữa con người với nhau; giữa con người với những diễn tiến xã
hội xẩy ra ở xung quanh.
Cứ thế, nhà văn Nhật Tuấn thủng thẳng, nhẩn
nha trên hướng đi đã chọn; bám sát, không buông rời đích đến lâu bền của văn
chương: Đó là cuộc vật lộn của con người trong mưu sinh, trong ước muốn vươn tới
những giá trị chân thiện mỹ giữa biết bao trái ngang của cuộc đời trần tục;
trong những ảo tưởng bị lừa lọc và những tự huyễn do mình gây ra.cho chính
mình.
Trong từng ấy cuốn tiểu thuyết, bạn hữu cầm
bút và giới đam mê văn chương đánh giá cao hơn cả là cuốn “Đi về nơi hoang dã”.
Tác phẩm này được in ấn đàng hoàng; đã đến tay cả chục vạn bạn đọc. Ngay từ dạo
đó, trên báo chí địa phương và trung ương đã có bài viết phê bình, giới thiệu
sách. Lẽ đương nhiên, giống như bất cứ cuốn sách nào đánh động được dư luận xã
hội đều có lời khen và tiếng chê. Sách kể về một đoàn khảo sát địa chất. Trong
một lần lạc rừng, gặp trăm ngàn thử thách cam go, dữ dội, mỗi thành viên trong
đoàn đều phơi bày ra hết cái TÔI bấy lâu nay được che đậy, cất dấu kỹ càng.
Với bút pháp thiên về xu hướng tượng
trưng, với sức khái quát hóa cao, với sự “cứng tay” của một cây bút đã tích tụ
được nhiều kinh nghiệm bằng vài ngàn trang viết, ” Đi về nơi hoang dã” vẫn đạt
tới độ sắc nhọn khi lên án những gì là trái tự nhiên, khô cứng, giáo điều; là
tiếng nói mạnh mẽ, triệt để trong việc “ vĩnh biệt những ngày buồn”.
Xin vĩnh biệt một tài năng, một tấm lòng
dành cho văn chương. Chúng ta sẽ đọc lại tất cả những trang sách của ông. Để ghi
nhận trong suốt mấy chục năm theo đuổi nghiệp cầm bút, mọi niềm vui, nỗi buồn;
mọi vật vã, trở trăn của ông đều gắn liền với những hy vọng, thất vọng của đồng
bào mình; gắn liền với những trồi trụt, thăng trầm của non sông, đất nước này..
Xin vĩnh biệt một nhà văn chuyên nghiệp đã
miệt mài, cần mẫn, không mệt mỏi trong việc tìm kiếm đề tài; săn đuổi con chữ;
minh mẫn, tinh tường để nhìn ra cái đích cần đến của những giá trị văn chương
đích thực. Hình như tính chuyên nghiệp nơi ông còn là ở chỗ ông luôn luôn chỉ
biết lấy trang viết là nơi gửi gấm, ký thác tâm trạng vui buồn; bấu víu vào văn
chương để an ủi, xoa dịu những mất mát,những tổn thương mà ông gặp phải trong
cuộc đời.
Sau hết, xin vĩnh biệt không chỉ một đồng
nghiệp cầm bút mà còn là một người bạn hết sức gần gụi, thân thương, gắn kết với
mỗi người chúng tôi rất nhiều kỷ niệm…
Từ đáy lòng chúng tôi chia sẻ tổn thất
không gì bù đắp nổi đối với thân nhnhững người ruột thịt trong gia đình nhà
văn!
Xin dành một phút tưởng nhớ đến nhà văn Nhật
Tuấn!