Theo những đánh giá khác nhau, thuộc sở hữu của Nữ Hoàng là 430 hay 468 hay 500 triệu USD bằng tiền, không kể tới nhiều hiện vật giá trị khác.Nhưng đó chỉ là số tiền có thể đếm được. Trên thực chất tài sản của Elizabeth II ước tính khoảng 28 tỷ USD.


KHO BÁU ĐỂ LẠI CỦA NỮ HOÀNG ANH SẼ THUỘC VỀ AI?

Mỗi khi một người giàu có và nổi tiếng qua đời, các nhà báo bắt đầu đồn thổi về di sản của ông, của bà ấy. Trong trường hợp của Nữ hoàng Elizabeth II, mọi thứ đã được tính toán và sắp xếp một cách tổng thể từ đã lâu, khi bà vẫn còn khỏe mạnh. Theo những đánh giá khác nhau, thuộc sở hữu của Nữ Hoàng là 430 hay 468 hay 500 triệu USD bằng tiền, không kể tới nhiều hiện vật giá trị khác.Nhưng đó chỉ là số tiền có thể đếm được. Trên thực chất tài sản của Elizabeth II ước tính khoảng 28 tỷ USD.

Riêng Cung điện Buckingham ước tính khoảng 4,9 tỷ, Kensington - là 630 triệu. Và có rất nhiều công trình kiến ​​trúc khác, và cả đất đai, sông ngòi, rừng cây ...

Theo tạp chí “Forbes”, chỉ trong một đám cưới của Hoàng tử William và Kate Middleton,đã chi tới một tỷ rưỡi đô la vào nền kinh tế đất nước. Nhìn chung, trước đại dịch, chế độ quân chủ đã mang về cho nước Anh khoảng 2,7 tỷ đô la mỗi năm. Chủ yếu là do sự cuốn hút của khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan Tháp London,

Cung điện Buckingham và có cơ hội được nhìn thấy vị quốc vương còn sống, ít nhất là từ xa, đây vẫn là một trong những điểm thu hút quan trọng nhất của Anh. Phải nói ngay, phần lớn số tiền này nộp vào nền kinh tế, và không rơi vào tay hoàng gia.Cũng lại nói ngay, Hoàng gia Anh sở hữu đất đai, dinh thự và các vật dụng có giá trị khác, nhưng không có quyền bán chúng cho bất kỳ ai. Nữ hoàng (hoặc, như bây giờ, là nhà vua) chỉ là người chính thức cai quản những tài sản đó.

Trong số những báu vật mà Nữ hoàng II sở hữu như vậy mà không có quyền bán, có rất nhiều tác phẩm nghệ thuật. 7600 bức tranh - nhiều hơn ba lần so với trong Phòng trưng bày Quốc gia của London- bảo tàng nghệ thuật nổi tiếng nhất của Anh! Đây là chưa kể 2.000 bức tranh nhỏ, 500.000 bản khắc và bản vẽ, và 450.000 bức ảnh. “Và chưa tính đến đồ nội thất, đồ gốm sứ, đồng hồ, vũ khí và áo giáp cổ đại, tài liệu lưu trữ, sách, và tất nhiên, Kho bạc Hoàng gia. Đây là một trong những bộ sưu tập hoàng gia châu Âu vĩ đại cuối cùng còn nguyên vẹn và thể hiện thị hiếu của các bậc quân vương trong hơn 500 năm qua.

HAI CARAVAGGIO VÀ BA RUBENS

Elizabeth II không phải là một người sành hội họa (người ta nói rằng bà “thích nghệ thuật vẽ ngựa”). Trong suốt thời gian trị vì của bà, bộ sưu tập hầu như không được bổ sung. Vì vậy, chỉ có khoảng ba chục bức tranh, chủ yếu là chân dung, và hai trong số đó là các họa sĩ vẽ chính bà. (Đúng, mẹ của Elizabeth rất thích trường phái Ấn tượng và đã mua một số bức tranh của Sisley và Monet).

Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó, những gì Elizabeth II đã làm còn quan trọng hơn việc mua những bức tranh mới: bà mở bộ sưu tập cho mọi người. Bây giờ bộ sưu tập ấy được trưng bày trong một số cung điện cùng một lúc. Ví dụ, Cung điện Buckingham có các phòng đặc biệt, nơi thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm theo chủ đề này hay chủ đề khác.

Một trong số cuộc triển lãm ấy, được tổ chức cách đây vài năm, dành riêng cho thời đại của Charles II - những sự kiện ấn tượng nhất trong lịch sử của bộ sưu tập gắn liền với tên tuổi của ông. Cha của ông-Charles I, là chủ nhân của một trong những bộ sưu tập tranh hoành tráng nhất trong lịch sử nhân loại. Có những tác phẩm của Caravaggio, Velazquez, Raphael, Leonardo da Vinci, Holbein ... Cá nhân ông bảo trợ Van Dyck và các họa sĩ Flemish khác. Nhưng, như bạn đã biết, ông đã bị chặt đầu vào năm 1649, sau cuộc Cách mạng Anh và Nội chiến.

Hơn mười năm sau, trong thời kỳ Khôi phục, Charles II bắt đầu sốt sắng mua lại bộ sưu tập. Than ôi, không phải tất cả mọi thứ đều được trả lại: nhiều kiệt tác đã ổn định ở Tây Ban Nha (và hiện được trưng bày tại Prado). Nhưng mặt khác, người Hà Lan, chẳng hạn, đã tặng Charles II một món quà - 28 bức tranh (bao gồm Veronese, Titian, Lorenzo Lotto) và 12 tác phẩm điêu khắc. 14 bức tranh từ "Món quà Hà Lan" vẫn nằm trong Bộ sưu tập Hoàng gia.

George III và George IV cũng đóng góp vào Bộ sưu tập Hoàng gia (ví dụ, nhờ George III, 40 bức phong cảnh của Canaletto Venetian đã xuất hiện trong bộ sưu tập đó). Nữ hoàng Victoria và chồng là Hoàng tử Albert một lần nữa tỏ ra là những người đam mê sưu tập. Kết quả là, tổ hợp, gần như bị hủy hoại, đã phát triển qua nhiều thế kỷ với một tỷ lệ lớn. ("The Call of Saints Peter and Andrew" và "Boy Peeling Fruit" của Caravaggio. “Bài học âm nhạc” của Vermeer. Sáu bức tranh của Rembrandt, bảy bức tranh của Raphael. Chín bức tranh của Andrea Mantegna trong loạt tranh "Chiến thắng của Caesar", ba bức tranh của Veronese, bốn bức của Titian, năm bức của Tintoretto, 13 bức của Rubens, 26 bức của Van Dyck, 33 bức của Gainsborough, 50 bức của Canaletto. 20 bức vẽ của Michelangelo. 600 bức(!)của Leonardo da Vinci… Hầu hết các bảo tàng trên thế giới ghen tị với điều kể trên.

Tất cả những thứ này có giá bao nhiêu, nếu bạn tính cùng với đồ sứ và vũ khí? Theo ước tính sơ bộ, khoảng 10 tỷ dô la. Nhưng chúng ta phải nhớ rằng không ai bán nó cho bất cứ ai. Tất cả các tác phẩm nghệ thuật được chính thức quản lý bởi tổ chức từ thiện Royal Collection Trust (tiền thu được từ việc bán vé tham dự các cuộc triển lãm được dùng để phục hồi các hiện vật). Nhìn chung, những bức tranh và đồ cổ không thuộc về Charles III bây giờ, chúng là báu vật của quốc gia Anh.

CHIẾC VÒNG CỔ NHẬT BẢN

Đối với những viên kim cương cũng vậy. Các giá trị chính của vương miện Anh nằm trong kho bạc của Tháp Luân Đôn (đây là một nơi tương tự như Quỹ Kim cương của Anh), và chúng sẽ không lọt vào tay ai được, bất kể mong muốn của Charles III. Những viên kim cương như thế chỉ có thể nhấp nháy trên vương miện khi nhà vua đăng quang.

Lấy ví dụ, Cullinan, là viên kim cương lớn nhất thế giới. Khi được phát hiện ở Transvaal vào ngày 26 tháng 1 năm 1905, nó nặng 3.106 carat, tương đương 621,2 gam. Tên được đặt để vinh danh chủ sở hữu của mỏ kim cương ở Nam Phi- Thomas Cullinan. Trong hai năm không thể bán nó cho bất kỳ ai: đơn giản là không có người nào đủ tiền mua. Cuối cùng, Thủ tướng của Transvaal đã mua viên kim cương và tặng nó cho Vua Edward VII thay mặt cho tất cả cư dân của thuộc địa. Thật bất tiện cho nhà vua khi nhận một món quà đắt tiền như vậy, nhưng nhà vua đã bị thuyết phục bởi cá nhân Winston Churchill, người lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thuộc địa. Viên kim cương này sau đó nó biến thành chín viên kim cương nhỏ. Viên lớn nhất, được gọi là "Ngôi sao vĩ đại của châu Phi", nặng 530 carat (106 gram) và được trang trí trên vương trượng của Đế quốc Anh (tuy nhiên, từ đó, nó có thể được lấy ra và đeo như một mặt dây chuyền nếu muốn). Giá của viên kim cương này hiện nay ước tính khoảng 52 triệu đô la. "Cullinan II" ("Ngôi sao thứ hai của châu Phi") được gắn trên vương miện của vua Anh. Những viên kim cương còn lại, nhỏ hơn, được dùng làm đồ trang sức cho phụ nữ trong gia đình hoàng gia.

 Lẽ đương nhiên,Elizabeth II cũng có đồ trang sức thuộc về cá nhân mình - bà đeo chúng không phải tại các sự kiện trang trọng của nhà nước, chẳng hạn như lễ khai mạc Quốc hội hàng năm, mà tại các bữa tiệc và chiêu đãi. Bộ sưu tập Elizabeth gồm 98 trâm cài, 46 vòng cổ, 37 vòng tay, 34 đôi bông tai, 15 nhẫn, 14 đồng hồ và 5 mặt dây chuyền. Hầu hết chúng được làm từ thế kỷ 19 và 20.

Một chiếc vòng cổ bằng kim cương và ngọc trai, được tặng cho Elizabeth II ở Nhật Bản vào những năm 1970. Elizabeth II đã đeo nó nhiều lần (ví dụ như vào sinh nhật lần thứ 70 của Margaret Thatcher năm 1995),rồi bà tặng cho Công nương Diana ... Và đến năm 2021, trong đám tang của Hoàng thân Philip (chồng của Elizabeth II), Kate Middleton đã đeo chiếc vòng này.

Vì vậy, không có khả năng Charles III sẽ lấy nó để bán đi. Thứ nhất, nhà vua, nói một cách nhẹ nhàng, không chết đói. Và thứ hai, chế độ quân chủ Anh cũng hướng đến vẻ đẹp của truyền thống. Và đẹp hơn rất nhiều khi tất cả những đồ trang sức của gia đình vẫn còn mãi là của toàn gia đình.

TÔ HOÀNG chuyển ngữ