Trương Chính bắt đầu viết văn từ năm 20 tuổi. Nhưng trước năm đó, ông đọc rất nhiều. Chủ yếu đọc văn xuôi, nhiều nhất do Tự lực văn đoàn xuất bản. Và ông viết. Mục đích viết là để tranh luận với những tác giả có những ý kiến khác mình.


Nhà nghiên cứu văn học Trương Chính - Lặng lẽ theo đuổi những bóng hình xưa

ĐOÀN TUẤN

Ông Trương Chính tên thật là Bùi Trương Chính, sinh năm 1916 tại Can Lộc, Hà Tĩnh. Ông là người làm văn chương thuần túy, là một con chiên ngoan đạo của  nhà thờ văn học. Thời ông lớn lên, xã hội đang chuyển mình từ nửa phong kiến sang nửa thực dân.

Những quan điểm cũ về xã hội, gia đình bị rạn nứt. Những quan điểm mới được dư luận tiếp nhận trong sự háo hức và nghi hoặc. Xã hội Việt Nam chuyển mình mạnh về nhiều mặt, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa. Tân nhạc xuất hiện, cất lên tiếng lòng lớp trẻ. Mỹ thuật, sân khấu chuyển từ dân tộc đến hiện đại. Và nổi bật nhất là văn học với sự xuất hiện và bùng lên của phong trào Thơ mới, Tự lực văn đoàn…

Sống trong bối cảnh sinh động ấy, chàng thanh niên Bùi Trương Chính đã tiếp thu và tán thưởng những luồng gió dân chủ mới. Nhưng anh không viết văn mà dấn thân vào một lĩnh vực ít người dám làm: phê bình văn học. Sáng tác thì chỉ cần cây bút, quyển vở cùng óc quan sát và kinh nghiệm thực tế. Còn phê bình? Ít ra anh cần có kiến thức từ cổ chí kim, từ dân gian đến hiện đại, cả trong nước và nước ngoài… Trong chàng trai Bùi Trương Chính đã sớm hội tụ đủ những yếu tố cần thiết ấy.

Ông bắt đầu viết văn từ năm 20 tuổi. Nhưng trước năm đó, ông đọc rất nhiều. Chủ yếu đọc văn xuôi, nhiều nhất do Tự lực văn đoàn xuất bản. Và ông viết. Mục đích viết là để tranh luận với những tác giả có những ý kiến khác mình. Viết để đấy. Không đăng báo nào. Bởi ông còn quá trẻ. Mới ngoài 20. Nhưng sau đó, tập hợp lại. Số lượng bài và trang viết được tương đối nhiều, ông cho in thành sách. Tên sách là “Dưới mắt tôi” (1939). Hầu như tất cả dư luận khi ấy và cả sau này đều có ý chung. Họ coi tên sách có vẻ ngạo mạn quá. Nhưng tính cách ông thế. Người Nghệ Tĩnh luôn thẳng thắn. Tiếp xúc với người Nghệ Tĩnh lúc đầu rất khó chịu. Nhưng sau này lại thấy họ sống rất có hậu.

Hơn nữa, hành trang của nhà phê bình trẻ Trương Chính khi đó là nhiều bồ sách chữ Hán và tiếng Pháp. Những kiến thức của hai nền văn học lớn đó đã yểm trợ cho ông trong việc bày tỏ ý kiến riêng hết sức trong sáng của một tấm lòng ngay thẳng và dũng cảm trong lĩnh vực vô cùng phức tạp và nhiều đố kỵ.  Nhưng thử lý giải: Đọc sách thì phải để dưới mắt, dưới ngọn đèn. Chả nhẽ để trên? Và  "dưới mắt" cũng bình thường. "Mắt" ở đây không chỉ có nghĩa cụ thể là mắt đọc, mắt nhìn, còn có nghĩa là góc nhìn, là quan điểm. Còn "tôi" thì sao? Chả nhẽ tôi trình bày (lại) chính kiến của người khác? Tôi chỉ có ý thích và quan điểm trình bày chính kiến của tôi.

Hơn nữa, làm phê bình hồi ấy, tác giả đâu có đứng trong hội hay đoàn thể nào? Tác giả viết, thể hiện theo quan điểm làm nghệ thuật, trước hết, thỏa mãn chính bản thân mình. Đó chính là cái mà các nhà phê bình, các nghệ sĩ của ta hiện nay đang  thiếu nhất.  Vậy có gì mà ngạo mạn? Từ xưa đến nay, ít thấy ai dám đứng ra bảo vệ tên sách của ông Trương Chính. Khi ông viết bài, không khí dân chủ của Thời kỳ mặt trận dân chủ đang lên. Ông sống trong bầu không khí tự do, đặc biệt là sự tự do nội tâm. Khi sách ra, bầu không khí ấy vẫn còn đọng lại. Viết văn mà viết theo mệnh lệnh của người khác đâu còn gì là văn nữa.

Nhưng ông không chỉ viết phê bình văn xuôi. Ông dự định in cuốn nữa về phê bình thơ. Thơ Mới đàng hoàng. Nhưng người khác đã làm. Ông kể: “Định soạn thảo tập II về các nhà thơ, nhưng sau khi Hoài Thanh ra cuốn Thi nhân Việt Nam (1942) thì tôi không tiếp tục nữa, mà viết tập “Những bông hoa dại” về dân ca, ca dao Việt Nam đăng trên báo Bạn đường của Lê Hữu Kiều (Nam Mộc), năm 1942 thì in thành sách”. Trong thời gian ấy, ông  có soạn cuốn “Nghệ thuật tiểu thuyết”, cuối năm 1944 gửi đến nhà in. In chưa xong thì Cách mạng bùng nổ. Mất bản thảo.  Với những thành tựu đầu tiên ấy, ông  được nhà văn Vũ Ngọc Phan xếp vào hàng ngũ các nhà phê bình trong bộ “Nhà văn hiện đại” và  năm 1948 được Hội Văn nghệ Việt Nam cấp thẻ hội viên. Năm 1962, ông  được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Vào năm 2016, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, nhà sách Tao Đàn tái bản “Dưới mắt tôi”. Trước đó, vào năm 1997, khi Nhà xuất bản Văn học in cho ông 2 tập “Tuyển tập Trương Chính” cũng trích mấy bài trong cuốn sách đầu đời của ông. Đọc lại, vẫn cảm phục nhiều ý kiến xác đáng. Chẳng hạn ông viết về tập truyện ngắn “Tối tăm” của Nhất Linh: "Sở dĩ cả bọn người ấy (nông dân) bị đẩy vào những cảnh khổ nhục như thế là vì không ai đánh thức giấc ngủ của họ, không ai gợi cho họ những mong ước khác, không ai vẽ cho họ những cảnh đời khác, cũng giản dị, cũng tầm thường, nhưng đẹp đẽ và tươi sáng biết bao. Bổn phận của ta là phải soi sáng những óc cổ hủ, ngu dốt. Nhà nghệ sĩ không có quyền đứng ngoài xã hội, ẩn trong tháp ngà để hưởng hạnh phúc mình một cách ích kỷ và khốn nạn".

Hoặc khi ông phê bình tiểu thuyết “Một chiến sĩ” của Trương Tửu: "Tôi thích văn chương tranh đấu. Tôi đặt nó trên văn chương tâm lý, vì tôi thấy là văn chương cũng là một khí giới mầu nhiệm để cải tạo xã hội. Nhưng tôi không thiên vị. Đành rằng nghệ thuật phải phụng sự nhân sinh, nhưng nghệ thuật phải cho ra hồn nghệ thuật đã. Nếu nghệ thuật kém cỏi thì những tư tưởng rất hay của tác giả cũng không có một ảnh hưởng nào hết". Thời gian đã chứng minh lời nhận định hết sức sâu sắc của nhà phê bình trẻ.

Việc viết văn của ông tạm bị gián đoạn trong thời gian dài. Ông kể tiếp: "Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), tôi làm việc ở Bộ Giao thông Công chính nằm trong An toàn khu Việt Bắc, cách biệt với giới văn học, nên không viết được gì. Lúc rảnh tôi học chữ Hán và văn bạch thoại nhằm mục đích sau này sẽ dịch Lỗ Tấn mà nhà văn Đặng Thai Mai đã giới thiệu và dịch một số truyện khá hấp dẫn đăng trên tạp chí Thanh Nghị (năm 1943-1944)".

"Văn bạch thoại" là gì? Nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Nguyễn Hải Hoành giải thích bằng việc so sánh với văn "văn ngôn": "Văn văn ngôn  là hình thức văn viết trong Hán ngữ cổ, từng được người Trung Quốc sử dụng trong suốt thời gian hàng nghìn năm, trước năm 1919. Thời đó chưa có từ "văn văn ngôn"; từ này chỉ xuất hiện khi nổ ra phong trào "Ngũ Tứ" (4-5-1919). Trong phong trào "Ngũ Tứ" những người thuộc phái "Tân Thanh niên" ủng hộ việc xây dựng nền văn hóa mới (Tân Văn hóa) gọi hình thức văn viết thời xưa là "văn văn ngôn", đối lập với "văn bạch thoại" - hình thức văn viết gắn liền với văn nói (khẩu ngữ), còn gọi là văn Hán ngữ hiện đại… Văn Văn ngôn hiện nay ta thấy đều đã được các chuyên gia cổ văn bổ sung dấu ngắt câu, xuống dòng cho dễ hiểu. Văn văn ngôn thời xưa vốn không có dấu ngắt câu, không xuống dòng, toàn bộ bài văn, cuốn sách viết trong một dòng. Vì các lý do trên, loại văn này rất khó hiểu, khó học, khó viết, khó dùng". Ngoài vốn tiếng Việt phong phú, nhà phê bình Trương Chính còn thông thạo ba ngoại ngữ. Điều đó cắt nghĩa vì sao sau này ông dịch Lỗ Tấn hay đến vậy.

Vào năm 1952, ông được Nhà nước cử sang Trung Quốc học Trung văn. Tốt nghiệp, ông được giữ lại ở Khu học xá Trung ương dịch sách giáo dục học.  Khu học xá Trung ương  là gì? Tại sao đặt ở Trung Quốc? Sau chiến thắng biên giới 1950, khu giải phóng của ta nối thông với nước bạn Trung Quốc. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang một giai đoạn mới, thuận lợi hơn. Được sự giúp đỡ của nước bạn, ngày 1-10-1951, Chính phủ ta thành lập Khu học xá Trung ương đặt nhờ tại trung tâm "Dục tài học hiệu" ở thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Mục đích là  đưa cán bộ giáo viên, học sinh sang giảng dạy và học tập, nhằm đào tạo cán bộ lâu dài cho đất nước, phục vụ cho nền giáo dục mới của nước nhà.

Đến năm 1956, ông Trương Chính về nước. Ông được Bộ Giáo dục điều động đến làm việc ở Ban Tu thư soạn sách giáo khoa theo chương trình mới. Do đó ông lại có cơ hội tiếp tục viết văn. Ông cùng với các chuyện gia văn học như Lê Thước, Vũ Đình Liên, Huỳnh Lý… thành lập nhóm Lê Quý Đôn. Nhóm đã biên soạn bộ “Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam” gồm 3 tập, xuất bản vào năm 1957. Dưới sự hướng dẫn của cụ Lê Thước, ông sưu tầm tài liệu và nghiên cứu di sản văn học của cha ông, từ thế kỷ X đến thế kỷ XX. Những bài viết của ông về Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Phan Huy Ích, Bùi Huy Bích, Nguyễn Du, Phạm Đình Hồ, Nguyễn Án, Nguyễn Công Trứ, Ngô Đức Kế… là những bài viết hết sức công phu và mẫu mực về cấu trúc, sâu sắc về nội dung với nhiều phát hiện rất đáng ghi nhận. Chẳng hạn, về Nguyễn Công Trứ, ông ca ngợi tài năng nhìn đất hoang ra đất vàng, khả năng huy động quần chúng cải tạo bùn lầy thành ruộng đồng, làng mạc trù phú của vị quan văn võ song toàn.

Cũng chính trong thời gian này, vì tình yêu với nhà văn vĩ đại Lỗ Tấn mà ông thầm yêu quý từ những năm tháng ở rừng Việt Bắc có điều kiện đơm hoa kết trái. Ông dịch một mạch các tập “Gào thét”, “Bàng hoàng”, “Chuyện cũ viết lại và tạp văn” (3 tập ) của Lỗ Tấn. Năm 1961, những tập sách trên của Lỗ Tấn được các nhà xuất bản Văn hóa và Văn học ấn hành. Sau đó, Nhà xuất bản Văn hóa còn đặt ông viết riêng một cuốn về Lỗ Tấn trong “Tủ sách Danh nhân”. Ông nhận thấy quan điểm về văn học của Lỗ Tấn rất gần gũi và cần thiết đối với bạn đọc Việt Nam. Ông là chuyên gia hàng đầu của nước ta về Lỗ Tấn.

Trong thời gian suốt hai mươi năm, ông giảng dạy văn học Trung Quốc ở trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm từ 1959 đến 1979 thì nghỉ hưu. Ông đã cùng tổ bộ môn biên soạn Giáo trình văn học Trung Quốc. Chưa thỏa chí, ông tập trung dịch một số tác phẩm văn học Trung Quốc thời Ngũ Tứ như “Nửa đêm” của Mao Thuẫn, “Tường lạc đà” của Lão Xá, “Ông Giáo Chi” của Diệp Thánh Đào (cùng dịch với Đức Siêu)… Nhận thấy các bản dịch của ông tương đối tốt, các nhà xuất bản đã đề nghị ông dịch một số tác phẩm văn học của Triều Tiên, Nhật Bản, Đức, Nga… (qua bản tiếng Trung). Ông đã dịch “Gia đình Butdenbruccủa Thomas Mann” (cùng dịch với Hồng Dân Hoa) và cuốn “Làm gì?” của Nikolay Chernyshevsky (cùng dịch với Vũ Lộc)…

Về văn học hiện đại, những bài viết của ông về Tự lực văn đoàn, về kịch  và tiểu thuyết giai đoạn 1930-1945, về Vũ Trọng Phụng, về Nguyễn Tuân… luôn chứa đựng những ý kiến thiết thực, độc đáo. Chẳng hạn, về tiểu thuyết 1930-1945, ông nhận xét: "Các nhà văn lớp này đều phỏng theo cách hành văn của Pháp. Câu ngắn gọn, cần thiết để diễn tả tình ý. Xa rồi âm điệu đều đều của lối văn biền ngẫu, và cũng xa rồi những tràng chữ Hán Việt nặng nề, kềnh càng một cách vô ích, không thích hợp chút nào với văn tiểu thuyết… Trong các nhà văn trẻ, cái lối kể chuyện vẫn còn thịnh hành. Có khi họ chú ý câu chuyện hơn là xây dựng nhân vật…".

Thiết nghĩ, đó là cách cảm của một nhà phê bình đứng trong nghề nhìn ra chứ không phải như đa số đứng từ ngoài nhìn vào và tán. Và cuối đời, ông khiêm nhường tâm sự: "Nhìn lại công việc của mình theo đuổi trong 60 năm qua, tôi vẫn vừa vui vừa buồn: vui vì được làm đúng sơ năng sở thích của mình, buồn vì mình suốt đời đi tìm hình bóng và tâm sự của người xưa qua những chồng sách dày bụi, chẳng hay có tìm được nét nào đúng nét nào không và có mang lại lợi ích gì cho ai không. Dù sao, ngoài thú vui ấy, tôi không hề có thú vui nào khác".

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng