Thật kỳ lạ là những chuyển động khác nhau của cuộc đời
không đẩy họ đến đường cùng mà lại mở ra cho họ một cửa sống khác. Do đó, khi
tưởng chừng sẽ vụn vỡ, tan nát sau những xô đập trầm luân của cuộc đời thì lại
là lúc họ tìm ra giá trị cuộc đời trao tặng.
NGUYÊN NGỌC dọc đường, theo những phận người
TÔ VÂN
Lịch sử được viết nên bởi những người anh hùng, và được
ghi lại bởi những sử gia. Không có chỗ cho thường dân, ngay cả người đã cứu vua
Lê Lợi thoát khỏi vó ngựa truy sát của giặc Minh, cũng chỉ được người đời sau
biết đến dưới cái tên mượn “ông Hầu”, “bà Hầu”… Nhưng có gì lạ đâu. Lẽ thường, ức
vạn khuôn mặt trong đám đông, thoắt đấy rồi tan vào hư không, có khi chẳng cần
đến thời gian mà tất cả đã thành ra khuất lấp. Ngay Phạm Đình Hổ cũng không khỏi
cảm thấy u hoài, cất lời cảm thán “Nào những người ngựa xe nghênh ngang, áo mũ
xúng xính, ngang nhiên tự đắc ở đời mà chớp mắt đã biến đi đâu mất cả, kể biết
bao nhiêu!”.
Nhưng lịch sử và những gì thuộc về quá vãng đâu chỉ
gói gọn trong những trang sách, lịch sử còn nằm ngay trong chính những phận đời
vô danh bé mọn mà người ta có thể bắt gặp ở bất cứ nơi nào. Như thể hạt cát
trong sa mạc, tuy chẳng có cách nào mang lại cho cái vùng đất mênh mông đã sinh
ra nó một đột biến lớn lao về quy mô nhưng theo cách của mình, mỗi hạt cát vẫn
đủ sức kể câu chuyện về những khoảnh khắc sa mạc cựa mình mà hình thành một nơi
chốn thừa mứa sự khắc nghiệt và chỉ dung nạp những kẻ có sức sống, sức chịu đựng
bền bỉ, mãnh liệt. Cuộc đời của những chứng nhân “quần chúng” ấy, do đó không
chỉ sinh ra để tạo ra khung nền cho vầng hào quang của các bậc anh hùng nổi tiếng
thêm phần rực rỡ, mà còn là những hình khối, mảng màu sống động tạo dựng nên cuộc
sống này. Dường như, môi trường càng nhiều thử thách, gian truân, con người
càng dễ trở nên đẹp đẽ, cuốn hút. Liệu ai có thể cưỡng lại được sức hấp dẫn đời
thực ấy?
Dĩ nhiên, với một người đi nhiều, thấy nhiều và nghĩ
nhiều như nhà văn Nguyên Ngọc, những phận đời nhỏ bé ấy ẩn chứa biết bao nhiêu
những câu hỏi về phận Người. Họ thuộc về những tầng nấc xã hội hoàn toàn khác
nhau và sống trong những khung cảnh hoàn toàn khác nhau, góp phần tạo nên một bức
tranh được phân tầng thành những tầng lớp lớp vô cùng đa dạng. Có lẽ, ở ngoài đời
thực, nhẹ như bấc và đơn sơ như cây cỏ, họ tản mát và lẩn quất ở đâu đó trong
những góc khuất riêng lẻ, cùng lắm cũng chỉ đem lại một vài tiếng thở dài cho
người biết chuyện. Nhưng khi đặt những cái tên ấy cạnh nhau, người ta mới chợt
cảm thấy bàng hoàng. Bao nhiêu cuộc đời, bấy nhiêu số phận lạ lùng.
Những con người sống động ấy là một mảnh nhỏ về lịch sử
một vùng đất, một biến cố nào đó nơi họ gắn bó cả đời người như Châu Tường Anh,
một trong số không nhiều những người thuộc lớp giao thời Đông – Tây ở phố Hội (Châu
công tử, quý tộc Hội An thời vang bóng); chị Liễu, chị Sâm, chị X, chị Thúy…
thuộc lứa những người phụ nữ lớn lên và trưởng thành từ Hội An những năm 1950;
Thào Mỹ, Sùng Chóa Vàng, Lùng Sùng Páo… là chứng nhân về sự sống và cái chết ở
Hà Giang trong những năm 1960 (Trở lại Mèo Vạc); Hai Phốc, Hắc Hổ, Nghĩa… – những
người con lang bạt của vùng đất còn hoang sơ ở Cà Mau, Kiên Hải… (Lan man miền
Tây)…
Trong chuỗi thời gian tuyến tính được găm lại nơi miền
nhớ của nhà văn Nguyên Ngọc, mỗi người trong số họ là một phương trình riêng biệt
được dựng nên bằng nhiều biến số chứa đựng bao nỗi niềm: buồn tủi, vui sướng, hạnh
phúc, bất hạnh, day dứt, dằn vặt, chán chường, hy vọng… Ở đây, giữa những không
gian mà nhà văn Nguyên Ngọc lập ra, họ hiện lên với những dáng dấp khác biệt lạ
thường. Những Thào Mỹ, Sùng Chóa Vàng, Lùng Sùng Páo… “đẹp rất lạ, cuốn hút vô
cùng” bởi sống và yêu hết mình với một chất nghệ sĩ được hun đúc bằng “ngọn lửa
khát khao chừng không thể, không hề tắt”; chị Liễu, chị Sâm, chị X, chị Thúy…
xinh đẹp, “được học hành đàng hoàng, là lớp nữ trí thức phố Hội” mà dưới cái
nhìn của ông đều là “những con người vác cây thánh giá Chúa đã trao, mỗi người
một cây, kẻ nặng người nhẹ” nhưng “gánh chịu lặng lẽ, kiên gan, càng kiên gan
vì rất lặng lẽ”…; Châu Tường Anh thuộc “một lớp quý tộc chập chờn giữa hai thời
đại”, “một lớp quý tộc văn hóa như thế, có thể nhỏ thôi, có thể nghèo… như là
cái lõi vàng ròng của đời sống tinh thần và văn hóa chung”; Hai Phốc, Hắc Hổ,
Nghĩa và cả những người bạn không tên hào sảng, vô lo sống trong “cái chốn tự
nhiên hoang dã mà tuyệt đối còn trong veo này, con người tự sống, tự tồn tại,
và đứng vững trước mọi thử thách, hòa hợp đến cùng với trời đất, với rừng và biển
cả”…
Ở trong chính lãnh địa huy hoàng của mình, những con
người ấy đã chọn cho mình một cách sống, một cách tồn tại không theo khuôn mẫu
hay quy tắc thông thường nào, bất kể hoàn cảnh xuất thân. Đôi khi sự tồn tại của
họ cũng như sự hội tụ của nhiều yếu tố ngẫu nhiên. “Trên thế gian này, còn có một
số nơi được bỏ quên như vậy, để con người có thể hoàn toàn sống tự nhiên cùng đất
bùn và biển cả”, “để con người đã nhỡ vấy bẩn vì cuộc đời trăm mối có thể tìm đến
để làm lại cùng nhau một cuộc sống khác… cho trở lại tinh khôi”. Đất trời bao
la, đủ sức dung nạp mọi kiếp người.
Thật kỳ lạ là những chuyển động khác nhau của cuộc đời
không đẩy họ đến đường cùng mà lại mở ra cho họ một cửa sống khác. Do đó, khi
tưởng chừng sẽ vụn vỡ, tan nát sau những xô đập trầm luân của cuộc đời thì lại
là lúc họ tìm ra giá trị cuộc đời trao tặng. Người ta thấy ở họ bóng dáng nghĩ
suy mặc tưởng hiếm thấy ở những con người quen sống hồn nhiên, chân chất, hoặc
giả chỉ muốn loại đi những điều phức tạp để được sống chảy trôi, nhẹ nhõm, tự
do như dòng nước. Đó là cách một người chị phố Hội “từ chối mọi đề nghị, mọi bố
trí, mọi chính sách” để được “lặng lẽ ở lại với rừng, với chồng, với con. Chị
đã từng đi tìm cái chết. Chị đã tìm được sự sống. Và con người. Cả một nhân loại…
Chị có đủ rồi. Chị hạnh phúc”.
Ở góc độ này, suy nghĩ của con người vô danh như chị X
đã chạm đến nỗi niềm chung của vạn người, thậm chí cả người mà tên tuổi đã ghi
vào lịch sử như bác sĩ Đặng Thùy Trâm (Siêu lý của tình yêu). Trong cái nhìn của
Nguyên Ngọc, đó là một con người “đầy khao khát, cuộc sống, tình yêu đối với cô
không bao giờ là đủ, là vừa”, và hơn thế là “một khối mâu thuẫn mênh mông bất
khả kháng và cũng hầu như hoàn toàn không có khả năng giải quyết của con người”.
Sợi dây gắn kết những nhân vật lịch sử như bác sĩ Đặng Thùy Trâm với những người
khác chính là niềm khao khát đẹp đẽ phổ quát: mơ ước được sống một cách hạnh
phúc, yên bình.
Nhưng con người là một sinh vật quá đỗi lạ lùng. Dường
như trong suốt quá trình tồn tại ồn ào của mình, sinh vật ấy vẫn luôn nghĩ về
những điều tột đích bởi không bao giờ cam chịu những gì đã được sắp đặt sẵn hoặc
bằng lòng với gì mình có. Có lẽ vì vậy, người ta có cảm giác trong mỗi dòng mà
ông ghi lại về những nhân vật trong lịch sử hay những nhân vật mà Nguyên Ngọc
đã gặp trong đời đều cuồn cuộn những suy tư trong tâm tưởng. “Lì Mí Pó ngồi lặng
rất lâu. Những gì đang trào lên trong anh mà khiến đôi mắt của người kỹ sư nông
nghiệp H’mông sinh ra trên đất đá khắc nghiệt này, hơn nửa đời người trằn trọc
với quê hương này, mỗi năm đi bộ, nhịn bữa trưa, hàng ba bốn nghìn cây số khắp
núi non này, đôi mắt nhỏ, dài ấy đột nhiên ánh rực lên”. Nỗi niềm của Lì Mí Pó
miên man quanh sự tồn tại của “bốn vạn hai dân, mười một dân tộc, chín mươi phần
trăm người H’mông” ở giữa “những nương đá lởm chởm, tầng tầng lớp lớp sâu hút
bên bờ sông Nho Quế thăm thẳm, cao ngất tận đỉnh Mã Pi Lèng cao vòi vọi”. Dẫu tự
biết rằng đổi thay cần đến với vùng đất hùng vĩ này nằm ngoài tầm với của những
người như Lì Mí Pó nhưng không ai ngốc nghếch đến độ tự tước bỏ hay loại đi cả
quyền được suy tưởng ấy. Bởi xét cho cùng, theo lý giải của Nguyên Ngọc, “người
đi nhiều là người nghĩ nhiều”. Do đó, phẩm chất tốt đẹp phổ quát của con người
còn nằm ở chính sức mạnh tư duy, sức mạnh khiến “Con Người tự cắn xé đến muốn
nát chính thân mình, trong quá trình đau khổ biết bao để có được một cuộc sống
làm người cho ra Người” (Con rồng đá Chi Nhị).
Câu chuyện về những con người mà nhà văn Nguyên Ngọc từng
gặp gỡ, thù tạc trên những vùng đất ông từng qua là những “nguyên liệu” quá đủ
cho những cuốn tiểu thuyết mang dáng dấp sử thi. Rút cục, ông không chọn con đường
đó. Bởi không phải bao giờ những phương tiện biểu đạt tinh tế của nghệ thuật
cũng có thể lột tả được trọn vẹn hiện thực sống động chăng? Không ai rõ điều đó
hơn chính ông. Nhưng lý do là gì thì cuối cùng, bằng một con đường khác, những
con người ấy đã hiện diện, đẹp đẽ và ám ảnh, trong những trang viết giàu suy tư
nhất của Nguyên Ngọc…
Trong những ngày này, ở tuổi ngoài 90, nhà văn Nguyên
Ngọc sống giản dị và hồn nhiên như cây cỏ ở rìa Hội An, cái đô thị bé tí ngày một
chật chội, đông đúc bởi lượng khách du lịch từ nhiều vùng đất khác nhau đổ đến.
Ông sống không quá xa phố thị để tránh cảm giác lạc lõng giữa cuộc sống chảy
trôi náo nhiệt, cũng không quá gần nó để không bị ảnh hưởng ồn ã của đám đông
thưởng ngoạn làm xáo động tâm tưởng. Vừa đủ để cảm nhận được hơi ấm nhộn nhạo của
sự sống hiện đại và vừa đủ để tập trung vào công việc yêu thích nhất của mình.
Viết lách, lao động miệt mài, mỗi ngày chừng vài tiếng đồng hồ.
Cuộc gặp gỡ mới đây giữa nhà văn Nguyên Ngọc với ông
Văn Thành của Tia Sáng ở ngôi nhà nhỏ ven Hội An, nơi hai người lính
già trò chuyện vu vơ về thế sự, về những tờ báo mà họ dự phần… Trong cuộc trò
chuyện ấy, Nguyên Ngọc kể rằng, ông viết về những ngày làm báo của mình, ở Văn
nghệ, tờ tuần báo trở thành hiện tượng xuất bản ở Việt Nam vào cuối những năm
1980 khi đăng tải những bài gai góc như Cái đêm hôm ấy đêm gì của nhà
văn Phùng Gia Lộc hay góp phần giới thiệu những gương mặt mới cho văn đàn Việt
Nam như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… Sự đổi mới và những số phận xoay xung
quanh sự chuyển đổi của một tờ báo trong bối cảnh thời kỳ Đổi mới như vậy ắt hẳn
chưa được nói hết trong những trang viết trước đây của ông. Hoặc giả ông chưa
thực sự bằng lòng với chúng?
Dường như, sự trải nghiệm và suy ngẫm theo thời gian của
người đã chứng kiến vạn sự ở đời sẽ đủ để kể lại tất cả những điều đó. Có lẽ,
cái thấu kính có khả năng thu giữ trong lòng những chi tiết sắc sảo mà tỉ mỉ
trên từng tế bào của sự sống ở nhà văn Nguyên Ngọc sẽ phục dựng được đủ cả một
giai đoạn đáng nhớ của văn đàn Việt Nam và những tác động lên đời sống xã hội của
nó. Không ai có thể bị lãng quên, khi đã dự phần vào sự phát triển này…
Điều này khiến người ta không khỏi nhớ đến cách cây kế
sữa Scotland lọt vào thế giới những câu chuyện thần tiên của Andersen. Sau khi
bày tỏ băn khoăn với tia nắng cuối ngày “Liệu người ta có cho tôi vào một chậu
hoa hay một khung ảnh không?”, nó nhận được hồi đáp từ tia nắng trước khi tắt hẳn
“Người ta sẽ cho anh vào một truyện ngắn!”…
Cuộc đời và số phận, ngay cả của những người vô danh,
sẽ không bao giờ bị lãng quên, khi đã lọt vào trái tim người cầm bút.