Đạo diễn Trần Văn Thủy, tác phẩm bộ phim tài liệu ‘Hà Nội trong mắt ai’, vừa được trao Giải thưởng lớn ‘Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội’ năm 2022.
Đạo diễn Trần Văn Thủy
năm nay 82 tuổi. Trong những bộ phim tài liệu của đạo diễn Trần Văn Thủy, thì
“Hà Nội trong mắt ai” là tác phẩm có tiếng vang sâu rộng với xã hội. Được sản
xuất năm 1982, bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” cũng gặp không ít trắc trở
và thị phi. Thế nhưng, tiền hung hậu cát, sau đó “Hà Nội trong mắt ai” được
trao tặng Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 1988.
Bộ phim tài liệu “Hà
Nội trong mắt ai” trở thành dấu son để ban tổ chức giải thưởng “Bùi Xuân Phái –
Vì tình yêu Hà Nội” vinh danh đạo diễn Trần Văn Thủy ở hạng mục giải thưởng lớn:
“40
năm sau “Hà
Nội trong mắt ai”,
chúng tôi vẫn trăn trở đi tìm giá trị của Hà Nội hiển thị trong đôi mắt của mỗi
người, dù là người Việt Nam hay người nước ngoài, để kịp thời phát hiện tôn vinh
những con người đã tận tụy cống hiến cho Thủ đô bằng những tác phẩm, ý tưởng,
việc làm, thậm chí bằng cả cuộc đời và sự nghiệp của mình”.
Đón nhận giải thưởng
“Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội” năm 2022, đạo diễn Trần Văn Thủy phát biểu:
“Sự
cố gắng của tôi trong cuộc đời làm phim, đến thời điểm này tiếp tục được ghi nhận
khiến tôi rất cảm động. Điều tôi muốn gửi gắm ở đây chính là việc mỗi
chúng ta hãy hun đúc tình cảm và cả trách nhiệm nơi mình sinh sống bằng những
việc làm thiết thực”.
Đạo diễn Trần Văn Thủy
sinh ra và lớn lên ở Hải Hậu, Nam Định. Sau thời gian làm phóng viên chiến trường
đã được đào tạo điện ảnh ở Nga, đạo diễn Trần Văn Thủy gắn bó vui buồn với mảnh
đất ngàn năm văn hiến. Ngoài bộ phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai”, đạo diễn
Trần Văn Thủy còn có một số bộ phim tài liệu được yêu thích như “Phản
bội”, “Chuyện tử tế”, “Tiếng
vĩ cầm ở Mỹ Lai”,
“Mạn đàm về người Man Di hiện đại” gồm 4 tập, “Thầy mù xem voi” gồm hai phần “Chuyện đồng
bào” và “Chuyện vặt xứ người”...
Là một trong những đạo
diễn phim tài liệu lừng lẫy nhất Việt Nam, đạo diễn Trần Văn Thủy đúc kết kinh
nghiệm: “Cái xứ mình có quá nhiều chuyện hay, không phải
đóng diễn, bịa đặt. Tôi vẫn thường nói với các học trò của tôi rằng, cái dở nhất
của người làm phim tài liệu chúng ta là cuộc đời vốn thật thì ta làm thành giả.
Bình thường cuộc đời rất hồn nhiên, ta mang phương tiện, máy móc… đến, hô bật
đèn lên, bấm máy đi… thế là tất cả mọi thứ “chết cứng” hết cả lại, nó không thật
nữa”.
Năm 2001, đạo diễn Trần
Văn Thủy được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Qua tuổi cổ lai hy, đạo diễn
Trần Văn Thủy vẫn luôn thao thức cho cộng đồng: “Yêu nước không phải
là đặc quyền của bất cứ ai. Đặc biệt không được ban phát cho người này yêu nước
và người kia không được yêu nước”.
Đạo diễn Trần Văn Thủy
cũng là tác giả của nhiều cuốn sách như “Nếu đi hết biển”, “Chuyện nghề của Thủy”,
“Trong đống tro tàn”... Ông bày tỏ ưu tư: “Phải chăng nền giáo dục của
ta hiện nay sản sinh ra những con người không dám nói sự thật, không có chính
kiến, hắt nước theo mưa, nước chảy bèo trôi… Người ta không dám nói điều khác với
ý kiến của cấp trên. Nếu như toàn dân được nói những điều mình nghĩ, mình cho
là phải thì chúng ta càng có nhiều lựa chọn. Tôi chỉ có ước mơ duy nhất là đất
nước mình trở thành một đất nước mà trong đó gồm những con người nghĩ gì nói nấy.
Tất nhiên, ở những cương vị khác nhau thì những điều nghĩ và nói ấy nó sẽ có những
giá trị nhất định. Nhưng tuyệt đối, đừng coi thường dân chúng”.
Đạo diễn Trần Văn Thủy
có một người con trai cũng nổi tiếng không kém cha là họa sĩ Trần Nhật Thăng
(sinh năm 1972).
PHẠM TUẤN