Cái quý nhất đối với mỗi người là cuộc sống.
Nó chỉ được trao cho bạn một lần. Vậy phải sống như thế nào để không phải hối
tiếc vì những năm tháng sống không mục tiêu,vô vị; để không phải xấu hổ, ngượng
ngập vì quá khứ vụn vặt, nhạt nhòa...
Vì sao Thép Đã Tôi Thế Đấy vẫn được in hàng
triệu bản ở Mỹ và Trung Quốc?
(Báo Văn Học – Nga)
Nikolai Ostrovsky,người đã viết cuốn tiểu
thuyết đình đám “Thép đã tôi như thế đấy”,sinh ngày 29 tháng 9 năm 1904.
Thật ngạc nhiên khi chúng ta ở Nga đã từ bỏ
di sản văn hóa của mình một cách dễ dàng như thế đấy. Và chúng ta đã làm điều
này, như tuân theo một quy luật bởi sự thay đổi tình hình chính trị: Những người
Bolshevik tấn công vào năm 1917, lật đổ Sa hoàng, cố gắng hủy bỏ Chúa. Những
nhà dân chủ mới xuất hiện đầu những năm 1990- dồn dập ném những lời nguyền rủa
nhằm vào Liên Xô, và các cựu lãnh đạo Komsomol nhanh chóng thay giày. Cả một thời
buổi dễ dàng bị từ chối, dễ dàng bị loại bỏ và dễ dàng đánh mất những gì cần được
bảo tồn. Các tác phẩm của Ostrovsky là một ví dụ điển hình của sự chuyển đổi
này.
Nhưng ở bên ngoài nước Nga, mọi thứ có khác
đi một chút. Có một sự lựa chọn cẩn thận hơn, khi tác phẩm này, tác phẩm khác,
nhân vật nọ nhân vật kia được xem xét kỹ càng, cẩn trọng hơn dựa trên nhu cầu
và nhiệm vụ của quốc gia đó trong từng thời kỳ cụ thể.
Do đó, tác phẩm của Nikolai Ostrovsky
“Thép đã tôi như thế đấy” được đọc ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc; mặc dù với một
cách tiếp cận khác nhau. Ở nước Trung Hoa, "Thép đã tôi thế đấy ”luôn chiếm
vị thế được sùng bái.Trên toàn thế giới, tổng lượng phát hành tiểu thuyết của
Ostrovsky là hơn 75 triệu bản.
Trong khi đó, ở nước Nga, cuốn sách này đã
bị loại bỏ khỏi chương trình giảng dạy của nhà trường, kể ngay cả khi còn thời Xô
Viết (năm 1989). Mặc dù sách được coi phương tiện “ thượng thặng” trong bối cảnh
tuyên truyền của Liên Xô - như một tuyên ngôn ý thức hệ, tôn vinh đảng, giáo dục
về hình mẫu con người Xô Viết mới..v.v. Dĩ nhiên, cách đọc và cách hiểu tiểu
thuyết "Thép đã tôi thế đấy" như vậy phạm nhiều sai lầm.
Đúng vậy, từ quan điểm của cấu trúc văn bản,
tác phẩm của Ostrovsky khó có thể được xếp vào hàng những ví dụ điển hình nhất
của văn xuôi thế giới. Hơn nữa, cuốn tiểu thuyết này được viết ra với một nhiệt
huyết không đồng đều. Xưa kia, từng là một trụ cột của phản văn hóa, William
Burroughs đã sử dụng cái gọi là phương pháp cắt ghép,văn bản được soạn thảo như
một sự cắt dán của các đoạn văn ngẫu nhiên. Ostrovsky, tất nhiên, không thực
hành bất cứ điều gì như vậy, nhưng khi đọc tiểu thuyết của ông cảm giác ấy đôi
khi cũng xuất hiện. Cứ như thể một đoạn trích từ một tờ rơi tuyên truyền được
viết một có mục đích được dán vào những đoạn trích từ những tác phẩm hay nhất của
Gorky hoặc Alexei Tolstoy. Cũng cần nói luôn, việc biên tập và kiểm duyệt đã
làm hết cường độ - nguyên bản của Ostrovsky đến tay người đọc đã được sửa đổi rất
nhiều.
Tuy nhiên, đối với sự vĩ đại của tác phẩm,
không nhất thiết nó phải được viết hoàn hảo, tuyệt vời. Nó cũng có thể gây ấn
tượng với các phẩm chất khác. Có bao nhiêu cuốn tiểu thuyết tôn vinh hệ tư tưởng
Xô Viết ra đời trước và sau Ostrovsky? Có bao nhiêu người đã được đặt hàng để
viết ra thứ văn chương tuyên ngôn? Con số có thể lên tới hàng trăm, có thể là hàng
nghìn. Trong khi đó, cuốn tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy” có thể coi là
tác phẩm sử thi đứng đầu bảng, và nó đã được viết từ trái tim - trái tim ấy thuộc
về một con người dũng cảm, tràn đầy niềm tin. Điều này giải thích tại sao tình
yêu của người đọc đối với cuốn tiểu thuyết không hề được áp đặt từ cấp trên,
theo lệnh của đảng, mà đến từ tấm lòng người, từ sức hút của bản thân tác phẩm.
Triết gia Nietzsche đã nói: "Ai viết
bằng máu, bằng các câu chuyện đời thường, người ấy không muốn tác phẩm của họ được
đọc, mà phải được học thuộc lòng". “Thép đã tôi thế đấy” được viết bằng
máu, bằng những câu chuyện cuộc đời, bằng nước mắt, nỗi đau, niềm tin và cả sự
tuyệt vọng, nhưng trên hết,nó được viết ra bởi một giấc mơ. Bởi vì người dân
Liên Xô có ước mơ của riêng họ, nhưng thật không may, giấc mơ ấy đã không thành
hiện thực. Giấc mơ ấy bị nhấn chìm, và sau đó bị chôn vùi dưới gót giày của những
kẻ thô tục, thô bỉ.
Và, cũng nói luôn, hệ tư tưởng Xô Viết đã
phủ nhận tôn giáo bằng cách thực hành chủ nghĩa vô thần khoa học. Tuy nhiên, làm
nền cho cuốn tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" chắc chắn là một ý tưởng
tôn giáo khác- không còn nghi ngờ gì- về tinh thần hy sinh bản thân, về việc chiến
thắng những nhu cầu xác thịt. Và về cả một tinh thần khuất phục một tinh thần
khác. Đây là ý tưởng của một người cuồng tín, thật lòng tin tưởng điều đang
theo đuổi, sẵn sàng hy sinh hy sinh bản thân vì lòng tin ấy. Vậy thật là xuẩn
ngốc khi coi tiểu thuyết của Ostrovsky thuần túy như một đòn kích động của Liên
Xô. Rốt cuộc, chúng ta đang đối phó với một thứ văn chương gần như tôn giáo khi
thứ văn học đó, cùng với những phương tiện khác, đã giúp chúng ta chiến thắng
trong những cuộc chiến tranh khủng khiếp nhất.
Ostrovsky tốt nghiệp một trường giáo xứ,
sau đó học hai năm ở Shepetovka, và hai năm nữa ở bậc tiểu học. Đó là tất cả vốn
học vấn của ông. Từ năm mười một tuổi, ông đã làm nghề đốt lò, sau đó là một người
thợ rèn, tiếp sau nữa là một thợ phụ. Tham gia chiến đấu trong thời kỳ Nội chiến,
mặc dù dữ liệu về mức độ tham gia của ông không giống nhau. Bị tàn phế vào năm
1927, ông theo học hàm thụ tại Đại học Cộng sản mang tên một lãnh tụ Nga-Xô Viết-Sverdlov.
Cuối năm 1932, Ostrovsky, nằm liệt giường,
gần như liệt hoàn toàn, mù nửa người, bắt đầu viết cuốn “Thép đã tôi như thế đấy”
bằng bút chì. Bạn hãy tưởng tượng điều này đi! Một người mang bệnh nan y, rõ
ràng đang sống những ngày cuối cùng của đời mình, sống một cách vật lộn với các
nỗi đau và viết sách bằng một cây bút chì! Mọi thứ đều ở đó đấy: lòng dũng cảm,
sự tuyệt vọng và nỗi đau, và niềm tin vào sức mạnh của những gì đang viết ra,
niềm tin vào lý tưởng. Thật đáng kinh ngạc!
Tôi đã nói rằng cuốn tiểu thuyết "Thép
đã tôi thế đấy” được đọc ở Mỹ. Rõ ràng, họ đọc nó chủ yếu như một văn bản về tâm
lý mang lại sức mạnh để tiến về phía trước, vượt qua mọi trở ngại, thách thức.
Và trong nhân vật Paven Korsaghin, tất nhiên, có rất nhiều điều từ chính
Nikolai Ostrovsky. Vậy tại sao sau này, những người đồng hương Nga của chúng
tôi đến thăm các huấn luyện viên, các anh hề, các nhà tâm lý học, đến với mọi
thông tin nhảm nhí,lang băm trên mạng xã hội để tìm ra sự hỗ trợ và động lực, mà
thực tế họ chỉ nhận được những chiếc ví đã được rửa sạch, rỗng không? Trong khi
đó, chỉ cần đọc " Thép đã tôi thế đấy" của Ostrovsky là có đủ mọi thứ.
Ostrovsky còn làm một điều quan trọng khác - ông đã tạo ra cho văn học một nhân
vật rực lửa, kiên định, chiến thắng. Xưa kia nhiều người không muốn hiểu điều
này, còn bây giờ hình như đã muộn. Vâng, chúng tôi đã được thông báo trên các
phương tiện truyền thông những gì xa lạ, không ích lợi,bị bóp méo; nhảm nhí, tầm
thường.
Không có nhân vật trong văn học, trong điện
ảnh cũng vậy.Và không có lý tưởng nữa. Cái cũ thì đã lùi quá xa, còn cái mới- đợi
lâu quá rồi, chưa định hình.
Và tôi muốn kết thúc những dòng viết này bằng
chính câu nói nổi tiếng nhất của Pavel Coorsaghin trong cuốn tiểu thuyết: “Cái
quý nhất đối với mỗi người là cuộc sống. Nó chỉ được trao cho bạn một lần. Vậy phải
sống như thế nào để không phải hối tiếc vì những năm tháng sống không mục tiêu,vô
vị; để không phải xấu hổ, ngượng ngập vì quá khứ vụn vặt, nhạt nhòa; để rồi khi
chết đi, anh có thể nói: cả cuộc đời và tất cả sức lực của ta, ta đã cống hiến
cho điều đẹp nhất trên thế gian này- cuộc đấu tranh để giải phóng nhân loại”.
Nikolai Ostrovsky qua đời ở tuổi 32, dũng
cảm chấp nhận cái chết.
TÔ HOÀNG (chuyển ngữ)