Lê Lựu có việc gì mời Trần Đăng Khoa cũng đến, đến rất sớm tiếp đón khách khứa cho ông anh. Trần Đăng Khoa bắt tay khách, nói mấy câu rất tinh quái khiến khách dù phong bì chẳng có cũng hớn ha hớn hở.


LÊ LỰU VÀ TRẦN ĐĂNG KHOA

PHÙNG VĂN KHAI

 

Nhà văn Lê Lựu và người em "thần đồng" - nhà thơ Trần Đăng Khoa có không ít lần tranh cãi văn chương với nhau. Họ có thể không khai khẩu trực tiếp hoặc bút chiến như các nhà phê bình thường làm mà có một phương cách riêng khá lạ lùng: Họ khai tâm cho nhau...

 Nhà văn Lê Lựu, người con Hưng Yên ưu tú trong các sáng tác văn xuôi. Cuộc đời ông là một tấm gương của nghiệp viết: luôn chiến đấu trước cái xấu, cái ác một cách mạnh mẽ và độc đáo; chiến đấu trước sự trì trệ trong tiến trình phát triển của xã hội...

 Cuộc chiến đấu này rất gian khổ, đòi hỏi một đức hy sinh bền bỉ, đôi khi thua thiệt và cả sự thị phi trước những người, những thế lực xấu xa. Đã có lúc các nhà văn núng thế, bất lực trước bao nhiêu thói tật đầy dẫy xung quanh mình. Những thói tật xấu xa ấy còn được tiếp tay bởi không ít thế lực với động cơ trục lợi từ mồ hôi xương máu của nhân dân. Tuy nhiên, phải khẳng định, ở đâu và bất cứ khi nào, thói đạo đức giả, lối sống lệch lạc, hay việc điều hành xã hội một cách hình thức, nhân dân còn chịu đói khổ và dốt nát thì hiển nhiên các nhà văn sẽ còn phải đảm đương cái nhiệm vụ rất nặng nề này. Lê Lựu cũng không khác. Nó đòi hỏi ngòi bút của nhà văn đưa ra phải sắc bén và hữu lý.

Thời gian gần đây, nhà văn Lê Lựu đột nhiên quay sang gây dựng và tổ chức thành công Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam. Một mô hình mới mẻ, năng động và đã trở thành bức thiết với mỗi người Việt Nam yêu nước. Mục đích trung tâm là đánh thức, khơi dậy và bồi dưỡng thêm phần Văn hóa - một thế mạnh tiềm ẩn trong mỗi con người Việt Nam Văn hiến, hiếu học và trượng nghĩa. Nó rất trắc trở và gian nan! Có những lúc sóng gió nổi lên rất dữ dội, kể cả là sóng ngầm chĩa vào ông, muốn quật ông ngã xuống. Nhà văn Lê Lựu, bằng một cái tâm minh định, một tấm lòng son sắt, thuỷ chung, cộng với một trí tuệ mẫn tiệp đã xuất sắc từng bước vượt qua tất thảy. Ông như cây cột cái xây dựng lên Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam với những hoạt động rất hiệu quả, hữu ích trong những năm qua. 

Trung tâm Văn hoá Doanh nhân Việt Nam thực chất là một tổ chức doanh nghiệp khá đặc biệt và vị giám đốc khả kính, nhà văn Lê Lựu cũng đặc biệt không kém.

 Rất băn khoăn khi đặt bút viết về nhà văn Lê Lựu. Bởi lẽ, ông quá nổi tiếng. Cũng bởi lẽ như tôi biết, thực lòng ông không muốn anh em bạn bè hoặc học trò như tôi viết về cá nhân ông. Viết về công việc của ông, của Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam do ông làm giám đốc thì ông hoan nghênh. Còn bảo: “Trung tâm của tớ hoạt động hiệu quả thế mà các cậu chả chịu tuyên truyền gì cả, lại đi vẽ rắn thêm chân. Hay là định phá hoại tớ. Rõ thật là!”.

 Một hôm, gần đây thôi, một nhà văn trẻ bảo tôi: “Ông ạ, bác Lựu nhà mình ấy mà, thực ra là mới nổi tiếng, nổi tiếng qua cuốn sách và các buổi nói chuyện của nhà văn sau lần đi Mỹ. Hai quốc gia từng có quá khứ nhiều chiều với nhau nên ai đi đi về về cái thời điểm nhạy cảm ấy thì nổi tiếng. Sau đó người ta mới đi tìm sách của cái ông nhà văn này, mới ồ lên: “Ơ, Mở rừng, Thời xa vắng, Sóng ở đáy sông, Hai nhà, Chuyện làng Cuội... sao nó hay thế, văn hay đã đành, vấn đề hay, cuộc đời lắm, thấm lắm, thính lắm!…”. Thế đấy, xã hội ở ta có lúc, có nơi rất lạ kỳ, viết lách đã mấy chục năm, tác phẩm đã dày dặn, đã kiên định, đã chính trị, đã văn hóa, đã nhân dân mà không ai để ý đến.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu, bậc đàn anh của Lê Lựu rất tin tưởng tài văn Lê Lựu. Ông từng khẳng định văn nghiệp Lê Lựu sẽ rực rỡ nhưng lại chẳng ai tin. Ngay cả Nguyễn Minh Châu, lúc đương thời, trong những sáng tác về cuối đời, ông đã có một sự biến chuyển rất mạnh mẽ, rất khác ông trước đó. Đã có lúc, người ta còn cố làm ra không hiểu ông hoặc hiểu chệch đi. Do đó, sự bùng phát của Lê Lựu dẫn đến sự nổi tiếng như một sự lạ với chính bản thân Lê Lựu vậy.

 Nhà văn Lê Lựu có cậu “em trai” thần đồng, đó là nhà thơ Trần Đăng Khoa. Đã có không ít dạo, nhiều người tốn rất nhiều giấy mực về hai anh em nhà này. Đặc biệt, những dịp báo Tết thì dường như không báo nào “thần đồng” và bậc đàn anh không xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Họ mang đến những thú vị đậm đà “tiêu ớt giấm tỏi” cho người đọc. Phải nói rằng, ngoại trừ những cống hiến và thành công trong sáng tác thơ văn thì Lê Lựu và Trần Đăng Khoa chắc chắn là hai nhà báo có hạng.

 Trần Đăng Khoa viết báo hóm hỉnh, sâu sắc, nhiều khi không kém gì thơ của anh. Những nhận xét của Trần Đăng Khoa trong các bài báo hoặc trả lời phỏng vấn báo chí là cái nhìn đôi lúc chỉ “thần đồng” mới có. Ví dụ như trong một cuộc trò chuyện được truyền hình trực tiếp đêm cuối năm, “thần đồng” cứ ngồi lỉm dỉm như lẫn vào những cây đa cây đề hoặc các nhân vật “ngôi sao” ở các lĩnh vực khác nhau. Đến Khoa nói thì ai ngờ ông lại có ước muốn rất “tầm vóc” quốc tế: xuất khẩu trí tuệ. Trần Đăng Khoa bảo, nước ta bây giờ nên chú trọng đến công tác xuất khẩu trí tuệ, vì chỉ một mẫu của trí tuệ được xuất khẩu đúng với vị trí của nó thôi đã bằng bao nhiêu tấn lúa gạo mồ hôi mồ kê của bà con cô bác nhà mình rồi. Khoa nói với vẻ mặt rất nghiêm và có vẻ hơi buồn, một cái buồn cố hữu nơi “thần đồng” chăng? 

Lúc ấy lại nhớ cái lần tôi “thỉnh” anh tới nói chuyện với các sĩ quan trẻ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh về thời kỳ anh ở Trường Sa. Hôm ấy, anh nói rất hay về hình dáng bản đồ Việt Nam như in từ dáng hình của những bà mẹ lam làm, hy sinh và hy sinh, gian nan và gian nan, giông bão mà kiên trinh bất khuất vô cùng. Mọi người đã lặng đi khi nghe anh nói. Cả các cấp lãnh đạo lúc đó cũng lặng đi. Thần đồng Trần Đăng Khoa có những lúc thăng hoa như vậy. Như có một vị thần linh nào nấp sẵn mà mách nước cho anh.

Nhà văn Lê Lựu và người em "thần đồng" - nhà thơ Trần Đăng Khoa có không ít lần tranh cãi văn chương với nhau. Họ có thể không khai khẩu trực tiếp hoặc bút chiến như các nhà phê bình thường làm mà có một phương cách riêng khá lạ lùng: Họ khai tâm cho nhau. Không phải lúc nào họ cũng đồng thuận, vì một lẽ dĩ nhiên là cả hai đều bướng bỉnh có hạng. Tuy nhiên, trong thâm tâm, hẳn nhiên hai vị “tiểu bồ tát” này chắc là luôn bái phục nhau về nghề nghiệp, về các sáng tác hoặc về đời sống chẳng hạn, nhưng trên các kênh thông tin thì chưa chắc. Nhiều người tưởng bở: ơ hay, hai cái nhà bố này tài đến nỗi nào, tác phẩm đến nỗi nào mà cứ choang nhau tối tăm như thế. Lại còn moi móc những ngoại hình chum vại, tóc xoăn mũi lõ, ăn mặc, giầy tất lôi thôi lên mặt báo thì còn ra thể thống gì!

 Thực ra là hai vị ấy rất thương yêu, rất đoàn kết, nhất trí với nhau. Lê Lựu rất thương yêu, đoàn kết với Trần Đăng Khoa vì họ đều là nông dân đặc hạng. Không nông dân làm sao thơ Khoa chỉ những hương sen, hương súng, hương bưởi, hương cam, hương lúa, hương may; rồi thì dế mèn, giun đất, cánh cam, muồm muỗm; cao xa hơn thì sông núi, ruộng đồng; cao vời vợi thì trăng sao, vũ trụ... Đó cũng chỉ là cái nhìn hồn nhiên lương thiện của anh nông dân bờ bãi sông Hồng.

 Lê Lựu cũng vậy. Vẫn là những bến sông cá mú, bãi đay, bãi sậy, hoa nhãn, hoa dâu; và đặc biệt là những con người, những người nông dân bảo thủ, khờ khạo, nhút nhát, lam lũ, sống và chết trên cánh đồng làng mình. Khi có giặc giã thì cuốn đi chấp nhận hy sinh, chấp nhận thua thiệt chứ nào một ai tính toán mơ đến ngày được đeo huân huy chương về làng, làm cán bộ to, là trung tá, đại tá. Rồi hết giặc, ai còn sống lại về, lại lam lũ như thế, có khi còn bi kịch hơn thế là đằng khác. Mà cũng từ đó, những tác phẩm của nhà văn mới ra đời

Có thể nói thẳng ra rằng, Lê Lựu chép nguyên chuyện đời sống của nhân dân quê ông, có không ít đoạn từ chính cuộc đời nhà văn ra trang giấy cũng không có gì sai cả. Trần Đăng Khoa cũng thế. Họ cứ đua nhau chép đời sống của nhân dân ra. Có chỗ tích cực, có chỗ vân vi và có cả những tiêu cực ở đời sống này mà các nhà thơ, nhà văn dũng cảm đưa vào. Chính vì thế, họ cũng bị “tuýt còi” như ai. Cơ mà nông dân thì không sợ gì. Nói như Lê Lựu: điếc không sợ súng!

 Ông em “thần đồng” Trần Đăng Khoa hóa ra cũng giúp Lê Lựu đắc lực ra phết. Khi anh em cứ í ới trên báo chí thông tin như vậy, nghiễm nhiên Lê Lựu giảm thiểu được chi phí tuyên truyền. Dùng được Trần Đăng Khoa làm tuyên truyền, quảng cáo thì cho dù hàng hóa có ế sặc ra đấy nhưng người đời vẫn nhòm ngó, hoan nghênh. Lê Lựu có việc gì mời Trần Đăng Khoa cũng đến, đến rất sớm tiếp đón khách khứa cho ông anh. Khoa bắt tay khách, nói mấy câu rất tinh quái khiến khách dù phong bì chẳng có cũng hớn ha hớn hở. Có khi Khoa chưa chắc thuộc tên, nhớ mặt khách là ai, làm gì. Đại loại với những người viết trẻ, Khoa thường nói: chú, thím viết rất hay, rất khỏe, anh đọc rất thích. Với các bạn đồng niên đồng môn Khoa cũng khen. Các bậc bề trên thì anh chúc mừng sức khỏe chẳng hạn, nên cảm thấy... rất tuyệt là vậy!