Nguyễn Khải coi việc viết văn như cơm ăn nước uống hàng ngày. Ăn sáng xong chưa tới 7 giờ sáng đã ngồi vào bàn, viết một mạch đúng đến lúc kẻng cơm vang lên mới dừng bút.


Nhà văn Nguyễn Khải: Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương

PHÙNG VĂN KHAI

Nhà văn Nguyễn Khải là một trong những nhà văn sớm nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật, ông được trao tặng đợt 2 năm 2000. Đối với giải thưởng, Nguyễn Khải là người không chỉ có duyên mà còn rất xứng tầm với những tác phẩm đích đáng.

Ông nhận Giải thưởng văn học Lê Thanh Nghị (Liên khu III, 1951); Giải thưởng Văn nghệ Việt Nam (1951-1952); Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1982); Giải thưởng Văn học Đông Nam Á (2000), v.v... Ông mất năm 2008 tại thành phố Hồ Chí Minh ở tuổi bảy mươi tám.

Nhắc lại một số dấu mốc thời gian để thấy rằng, Nguyễn Khải là một nhà văn đã đi suốt hành trình văn học của cuộc đời mình một cách xum xuê, liên tục, thẳng thớm, mạch lạc từ tác phẩm tới giải thưởng, từ nhà văn chuyên nghiệp tới Phó tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam. Ông còn là Đại biểu Quốc hội khóa VII.

Người đời biết đến ông từ “Xung đột”, “Mùa lạc”, “Hãy đi xa hơn nữa”, “Người trở về”, “Họ sống và chiến đấu”, “Đường trong mây”, “Ra đảo”, “Chủ tịch huyện”, “Tháng Ba ở Tây Nguyên”, “Gặp gỡ cuối năm”, “Một cõi nhân gian bé tí”, “Cha và các con và...”, “Thượng đế thì cười”... đều là những tác phẩm nổi trội không chỉ của riêng Nguyễn Khải mà còn là của nền văn học cách mạng. Chỉ riêng cái tên Nguyễn Khải thôi cũng đã cho thấy sự bề thế, dày dặn, trùng điệp về tác phẩm của một nhà văn trong đội ngũ các nhà văn quân đội.

Ở Văn nghệ quân đội có nhiều giai thoại về Nguyễn Khải. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình kể, có một thời gian dài, các kỳ thi cấp ba, đại học, đều ra đề về tác phẩm “Mùa lạc” của ông. Khi đó, con trai nhà văn Nguyễn Khải được bạn bè mách nước về xin ý kiến của bố phân tích tác phẩm “Mùa lạc” để các bạn có cơ sở làm bài đạt điểm cao.

Chẳng hiểu Nguyễn Khải phân tích thế nào, mà cậu con trai nhận về điểm 2 với lời phê bình của giáo viên văn: “Lạc đề! Em đã không hiểu ý tác giả”. Ở ta, trong ngành giáo dục, thiếu gì chuyện bi hài, nhưng có lẽ chuyện ông tác giả “Mùa lạc” tự phân tích “Mùa lạc” của chính mình chỉ được giáo viên cấp ba tạm cho 2 điểm thực không còn gì để nói. Giống như một vị giáo sư nằng nặc đòi bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ra khỏi nhà trường cũng kiểu như vậy. Lại đến chuyện một cô giáo trong ngành viết bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” gây xôn xao dư luận đến hôm nay. Ôi giáo dục!

Nếu như ở Văn nghệ quân đội, ông nhà văn nào viết cũng khủng, thì Nguyễn Khải là một khủng long chính hiệu. Ông coi việc viết văn như cơm ăn nước uống hàng ngày. Ăn sáng xong chưa tới 7 giờ sáng đã ngồi vào bàn, viết một mạch đúng đến lúc kẻng cơm vang lên mới dừng bút. Nguyễn Khải không rượu, không hút thuốc, không tụ bạ trà nước như cánh nhà thơ, thành ra mạch viết của ông xuyên ngày đêm, xuyên năm tháng với vô số tác phẩm dày dặn, trang nghiêm, tề tựu thành một tổng tập vô cùng đồ sộ.

Vừa qua, khi cánh trẻ chúng tôi trở lại Hương Ngải, nơi trong các năm 1971, 1972, Văn nghệ quân đội về sơ tán, vẫn gặp những bà cụ trên chín mươi tuổi nhắc về ông Khải với tình cảm rất đặc biệt. Một bà cụ  móm mém nói với cụ bà bên cạnh: “Nhà tôi ngày trước nuôi gia đình ông Nguyễn Khải. Ông Khải cao to lắm, mỗi khi ra vào cổng toàn bị cộc đầu. Cái thằng con ông Khải còn cao hơn bố, cứ lêu đêu như chiếc sào tre mà nghịch ngợm phát khiếp cụ nhỉ? Hôm nào các cụ mời gia đình ông Khải về đây nhé, tôi lại vùi khoai lang đỏ cho ông ấy ăn. Ông ấy viết gì mà khiếp lắm, sụm cả chiếc chõng tre nhà tôi đến mấy lần”.

Năm mươi năm trước, Nguyễn Khải đã là như thế.

Nguyễn Khải luôn có quan điểm rất thẳng thắn, rất sòng phẳng, có phần cay nghiệt về văn chương chữ nghĩa. Ông viết cái gì cũng như triết luận, đặc biệt là những tiểu luận về nghề vừa tưng tửng nhưng cũng hết sức sâu sắc.

 

Ông cho rằng: “Văn chương do con người làm ra để trao tặng cho con người một cách tự do nhất, ít bị ép buộc nhất. Chỉ có văn chương mới tôn trọng mọi giá trị của cá nhân, tôn trọng mọi lựa chọn của cá nhân, kể cả những thành kiến phi lý của họ. Họ có quyền yêu mình hoặc ghét mình, tôn vinh mình hoặc nguyền rủa mình, chả sao cả. Người viết cứ viết người ghét cứ ghét, kể cả cái quyền ném sách vào lửa. Cái mục đích “tải đạo”, “giáo dục” của văn chương không bao giờ lộ liễu, lộ liễu là văn chương tồi. Vả lại, chính người viết cũng không có ý định ấy, họ viết bằng tâm sự thành thật của mình, những trải nghiệm đau đớn của mình, họ viết cho họ trước rồi cho độc giả sau, có khi họ cũng chả nghĩ đến những người sẽ đọc họ, viết mà chơi thôi, viết để giải sầu rồi tự mình ngậm ngùi với mình, ứa lệ với riêng mình.

Chả trách ai cả, chả giận ai cả, cũng chả lên án một ai. Vì không có vật cản nào nảy sinh trong ta khi đọc nên chữ nghĩa của tác phẩm cứ mặc nhiên trôi vào tận những kẽ ngách trong cái tâm sự u uẩn, những khát vọng thầm kín của riêng ta, đọng lại trong ấy, rồi cứ thẩm thấu dần dần vào cái thế giới tinh thần của ta một cách vô thức, giúp ta nhận ra một vùng sáng mới lạ nào đó, gột rửa một vài thành kiến, thay đổi một vài quan niệm, và ta vẫn nghĩ một cách khoan khoái là chính tự ta đã chủ động thay đổi, tuyệt nhiên không theo lời chỉ bảo của một ai cả, của một học thuyết nào cả, hoặc nhập vào một cách bất chợt một phong trào thời thượng nào cả. Bất cứ cái gì xa lạ với bản tính của mình, với thói quen của mình, nói một câu, với những gì làm nên lai lịch của mình, chả sớm thì muộn đều bị đào thải để mình lại được trở về với cái nguyên gốc”.

Bởi vậy, trong tất tật các cuộc trà dư tửu hậu bàn luận văn chương, cả lý thuyết cả thực hành thủ pháp, thi pháp, ít ai sánh được với Nguyễn Khải. Ông lại nói cái gì cũng thấu đến tận cùng. Ngôn từ đã sắc sảo mà cách biểu đạt càng chặt chẽ phong quang khiến không chỉ người nghe, người đọc bình thường mà ngay cả các nhà văn sừng sỏ, các nhà lý luận, nghiên cứu phê bình tai to mặt lớn đều phục Nguyễn Khải. Đó chính là bản lĩnh của ông.

Văn Nguyễn Khải có đặc trưng riêng, đó chính là hơi thở thời đại ta đang sống vừa diễn ra đã lập tức ùa vào trang văn của ông, đầy đặn, sâu sắc, chi tiết, thậm chí từ những con số năm tấn, mười tấn, những con người đắp đê, chạy bão, lấn biển, trồng rừng, những vị quan chức cấp tỉnh, cấp huyện thảy đều hoạt bát sinh động, muôn màu muôn vẻ trong các trang văn của ông. Nếu phải thống kê, phân tích các nhân vật từ tác phẩm Nguyễn Khải, e rằng phải mất vài luận văn Thạc sĩ. Nguyễn Khải cũng là người được các sinh viên đại học, cao học làm vô số khóa luận tốt nghiệp, luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ. Nhất là các tiểu thuyết của ông, càng có độ lùi thời gian, sự quan tâm của các tầng lớp bạn đọc càng mổ xẻ mọi ngóc ngách để thấy toàn diện hơn tầm vóc nhà văn Nguyễn Khải. Ông là một trong những nhà văn hàng đầu của nền văn xuôi cách mạng Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Khải rất xứng đáng được các cấp có thẩm quyền quan tâm đề xuất đặt tên phố, tên đường, mà đến nay vẫn còn chưa thấy? Ở Văn nghệ quân đội, đã có các nhà văn, nhà thơ được đặt tên phố, tên đường, tên trường học. Đó là: Thanh Tịnh, Nguyễn Thi, Phùng Quán, Vũ Cao, Xuân Thiều... Sao chưa thấy tên Nguyễn Khải? Âu cũng là một thiệt thòi với nhà văn đã sớm đạt Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhưng cuộc sống luôn có lý lẽ riêng. Hẳn một người ưa lý lẽ như Nguyễn Khải chắc chắn sẽ hiểu được điều này. Như chính ông, trong quan điểm sáng tác đã từng nói thẳng: “…Tôi chả có cái gì là riêng cả, tôi đâu có quyền tự do lựa chọn. Cái tôi đang có chỉ là một phần rất nhỏ của cái mọi người đều có. Mọi người đều bằng lòng với những cái đang có, đều cảm thấy đầy đủ với những cái đang có, chả lẽ tôi lại nói là tôi không bằng lòng? Vậy tôi muốn cái gì, muốn đi tới đâu, muốn xây dựng hay muốn phá hoại? Chính tôi cũng không thể tự trả lời được là tôi đang muốn cái gì - cũng do tuổi già nên tôi nhìn mọi sự không còn được sáng rõ như những năm còn trẻ. Nên tự nhủ, cái gì đã nhìn chưa rõ thì chớ có đặt bút viết. Sự cẩn thận ấy với tôi đã là một thói quen. Tôi là người của một thời mà. Thời thế cho tôi cũng nhiều mà lấy đi cũng không ít, có được có mất cũng là lẽ công bằng”.

Ôi Nguyễn Khải! Một vị lão trượng trong làng văn luôn sòng phẳng với văn chương, với chính mình. Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương càng làm cho thế hệ chúng tôi thêm kính nhớ về ông.