Ngay cả các nhà phê bình điện ảnh, các nhà báo giới thiệu phim cũng mặc nhiên cho rằng phim là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn, khi đánh giá thành công hay thất bại của bộ phim họ thường gán cho thành công hay thất bại của đạo diễn.


PHIM CỦA AI?

NGUYỄN QUANG LẬP

Lâu nay tại các liên hoan phim khi nhắc tên một bộ phim người ta thường nói phim này là của đạo diễn kia khiến nhiều người nhầm tưởng phim là của đạo diễn thật. Ngay cả các nhà phê bình điện ảnh, các nhà báo giới thiệu phim cũng mặc nhiên cho rằng phim là tác phẩm điện ảnh của đạo diễn, khi đánh giá thành công hay thất bại của bộ phim họ thường gán cho thành công hay thất bại của đạo diễn. Đến lượt các đạo diễn cũng ngộ nhận luôn phim là của họ, chính họ là cha đẻ của bộ phim, không ai khác.

Vậy phim có phải của đạo diễn không? Hoàn toàn không, cả phương diện chủ sở hữu tác phẩm lẫn tư cách tác giả của bộ phim.

Về phương diện chủ sở hữu thì phim là của nhà sản xuất. Nhà sản xuất bỏ tiền ra thuê nhà biên kịch viết kịch bản, thuê đạo diễn làm phim. Khi phim ra đời, nhà sản xuất toàn quyền sử dụng phim trong mọi hoạt động kinh doanh và quảng bá, biên kịch và đạo diễn chỉ được một cái quyền duy nhất là quyền hưởng nhuận bút. Cũng như ta xây một cái nhà, chẳng ai bảo đó là nhà của nhà thiết kế hay của nhà xây dựng cả.

Xét về phương diện tác giả thì phim là của một tập thể tác giả, cho dù vai trò của đạo diễn là rất lớn, công sức anh ta bỏ ra cũng rất lớn, có thể nói là lớn nhất, thì anh ta cũng chỉ là một trong các tác giả của bộ phim mà thôi.  Điều đó giải thích vì sao vừa có giải phim vừa có giải cho đạo diễn, và rất nhiều khi phim được giải vàng trong khi đạo diễn chẳng được giải gì sất. Nhìn sang các công trình kiến trúc, kiến trúc sư là tác giả của công trình dù nhiều khi anh ta vẽ nó chỉ trong một đêm, trong khi tổng công trình sư có thể đổ môi sôi nước mắt cả chục năm nhưng tư cách tác giả của anh ta vẫn là zero.

Vì sao còn tồn động quan niệm phim là của đạo diễn? Điều này có liên quan đến lịch sử điện ảnh. Từ cuối thế kỉ 19 đầu thế kỉ 20, đạo diễn là thống soái. Thời kì đầu nhà sản xuất chính là đạo diễn, về sau nhà sản xuất chỉ là người bỏ tiền ra cho đạo diễn làm phim, họ là nhà đầu tư chứ không là ông chủ. Kịch bản lúc đầu chỉ là những vạch đầu dòng chủ yếu cung cấp ý tưởng và những gợi ý cho đạo diễn, mọi thứ đều do đạo diễn sáng tác tại trận.

Về sau kịch bản được viết ra hoàn chỉnh nhưng đó chỉ là kịch bản văn học, nhà biên kịch chỉ cung cấp câu chuyện, nhân vật và các chất liệu văn học cho đạo diễn chế tạo thành tác phẩm điện ảnh. Cho đến thập niên 70 thế kỉ 20 do nhà biên kịch chỉ sáng tác kịch bản văn học nên vai trò của họ rất mờ nhạt, các nhà biên kịch không thể sánh với các đạo diễn. Vì vậy gọi phim là của đạo diễn tuy không đúng lắm nhưng được mọi người mặc nhiên thừa nhận.

Ngày nay khác rồi. Khi mà nhà sản xuất thực sự là ông chủ, can thiệp vào mọi khâu của sản xuất phim, anh ta quyết định kịch bản, trực tiếp thuê quay phim, thuê nhạc sĩ, thậm chí quyết định luôn cả diễn viên thì đạo diễn đã rời ngôi thống soái, vai trò này thuộc về nhà sản xuất. Kịch bản bây giờ cũng đã khác, nhà biên kịch viết kịch bản điện ảnh chứ không phải kịch bản văn học. Kịch bản điện ảnh thực sự là bộ phim trên giấy, và nhà sản xuất yêu cầu đạo diễn làm phim đúng theo kịch bản đã phê duyệt. Khi đó vai trò đạo diễn bất quá vai trò của một tổng công trình sư trong các công trình kiến trúc. Đó là một sự thật!

Vì vậy ngày nay khi nghe người ta nói phim này là của đạo diễn kia thì nên hiểu đạo diễn chỉ là người đại diện của bộ phim chứ không phải bộ phim là của anh ta, đó cũng là cách tôn vinh các đạo diễn, lối tôn vinh hữu danh vô thực. Sự thật này sẽ làm các đạo diễn nổi khùng, nhưng biết làm thế nào khi đó là sự thật!