Từ lòng ngưỡng mộ của bản thân mình, tôi đã tìm hiểu
thêm về cuộc đời ông Sáu Dân, trước khi quyết định viết trường ca “Dạ, tôi là Sáu Dân”. Người làm thơ, chỉ viết được khi mình đã
thật yêu.
Tôi viết trường ca 'Dạ, tôi là Sáu Dân'
THANH THẢO
Khi mới đọc cái đầu đề trường ca “Dạ, tôi là Sáu Dân” trên bản thảo của tôi, có người bạn
đã lo lắng hỏi: “Sao anh lại viết “Dạ, tôi là Sáu Dân”?
Tôi cười, mời bạn đọc tiếp 4 câu đề từ của trường ca
này:
“Dạ, tôi là Sáu Dân
Là tôi thưa với nghĩa ân tình người
Tôi thưa với nhân dân tôi
Thưa cùng đất nước muôn đời Việt Nam”
Người bạn ấy đọc xong gật gù: Em hiểu rồi anh ạ!
Chỉ với 4 câu mộc mạc, tôi nghĩ, đã nói được phần đáng
yêu đáng kính nhất trong phẩm chất, tính cách, tâm hồn một người lãnh đạo từng
tham gia Khởi nghĩa Nam kỳ 1940 như ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt.
Tôi nghĩ, khi lễ phép “Thưa” với nhân dân mình, với đất
nước mình như ông Sáu Dân, và không quên “Thưa” với “Nghĩa ân tình người”, thì
con người ấy đã hiện lên như một CON NGƯỜI viết hoa rồi.
Trong đời, tôi chỉ có cơ may tình cờ gặp con người ấy
một lần duy nhất, và chỉ trong 15 giây. Đó là cuộc gặp tình cờ giữa rừng chiến
khu Tây Ninh, năm 1974, khi tôi và nhà văn Lưu Kiểng Xuân bạn tôi đi chơi ở một
“cứ” khác trở về “B6 Tuyên truyền Binh vận”. Tôi và anh Tư Xuân đã gặp ông Võ Văn Kiệt khi
ông đi xe đạp cùng đoàn cận vệ trở về ngôi nhà sàn ven sông Vàm Cỏ Đông của
ông. Ông Sáu Dân khi thấy hai chúng tôi, đã dừng xe đạp, xuống xe và bắt tay
hai thằng lính lang thang là tôi và anh Tư Xuân, sau đó lại lên xe đạp tiếp. Tất
cả chỉ diễn ra trong khoảng 15 giây.
Cuộc gặp gỡ tình cờ ấy đã để lại trong tôi những chấn
động, những suy nghĩ, và tôi thấy, người xuống xe đạp bắt tay mình là người rất
tử tế. Lúc ấy, tôi chỉ là người lính, dù làm báo (Đài phát thanh) nhưng vẫn là
lính thôi, có gì đâu. Lúc ấy, tôi đã biết ông Sáu Dân, còn có thể, ông chưa biết
tôi. Cử chỉ thân ái của ông với hai chúng tôi đã khiến tôi cảm động và suy
nghĩ. Và, tôi cũng không ngờ, sau 40 năm, tôi lại viết được một trường ca về
ông Sáu Dân.
Khi ông Võ Văn Kiệt qua đời ngày 11.6.2008, tôi đã viết
trên Báo Thanh Niên một bài tưởng niệm ông, nhan đề “Tiếc thương ông Sáu vì Dân”.
Trong bài ấy có đoạn thế này:
“Tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt
đặt bí danh hoạt động cách mạng của mình là “Sáu Dân”. Có thể, ý nghĩa ban đầu
của bí danh này đã có khi ông Kiệt nghĩ mình “Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà
chiến đấu” như mọi chiến sĩ cách mạng khác. Nhưng, về sau, qua suốt cuộc đời hoạt
động cách mạng rồi xây dựng bảo vệ đất nước, trải bao thăng trầm của thế cuộc,
bao đau thương mình và gia đình mình từng trải cùng nhân dân, bao chiêm nghiệm
về lẽ biến lẽ thường trong đời sống, ông Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy trong cái tên
bí danh “Sáu Dân” giản dị của mình mang nặng một lý tưởng: vì Dân.
Đó là lý tưởng có từ thời các vua Trần, có từ thời
Nguyễn Trãi, có trong thơ Nguyễn Du, thơ Cao Bá Quát, đặc biệt là trong thơ văn
Nguyễn Đình Chiểu, có trong những lời kêu gọi thống thiết cháy lòng của Phan Bội
Châu, Phan Chu Trinh. Và có trong tư tưởng, hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là một truyền thống của chủ nghĩa yêu nước Việt
Nam: yêu nước luôn gắn liền với yêu dân, đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc
chính là để cho nhân dân được tự do, hạnh phúc, để “Đồng bào ta ai cũng có cơm
ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, như Bác Hồ hằng tâm niệm”.
Từ lòng ngưỡng mộ của bản thân mình, tôi đã tìm hiểu
thêm về cuộc đời ông Sáu Dân, trước khi quyết định viết trường ca “Dạ, tôi là Sáu Dân”. Người làm thơ, chỉ viết được khi mình đã
thật yêu. Và toàn bộ trường ca này là sự thổ lộ của nhân vật chính - ông Sáu
Dân:
“Vợ con tôi giờ này ở đâu
Đáy sông nước êm hay nước xiết
Lục bình trôi mải miết
Hồn vợ con tôi nương náu nơi nào
Nửa khuya buồn một tiếng quốc kêu
Sao con tàu lại tên Thuận Phong
Sao vợ con tôi lại ngồi con tàu đó
“Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng
Về sông ăn cá về đồng ăn cua”
Bây giờ ăn gì cũng vậy thôi
Đâu còn vui nữa”
Ông Sáu đã mất vợ và hai con nhỏ của mình ngay trên
sông Sài Gòn do bom Mỹ. Mở đầu trường ca bằng một bi kịch thảm khốc của gia
đình ông Sáu, tác giả muốn nói gì qua độc thoại của chính nhân vật:
“Tôi cũng có những 0 giờ của mình, nào ai biết
Tôi cũng có những phút giây thảm thiết
Nào ai hay
Cuộc đời tôi không là diễn văn dài
Hay điếu văn ấn tượng
Tôi không muốn khi đứng lên nằm xuống
Lại có người tụng ca
Cuộc đời tôi bùn với đất chan hòa”
Người tự nói ra những điều đau khổ ấy, thực sự là con
người lớn lao, dù những lời thổ lộ là hết sức riêng tư, hết sức khiêm nhường. Cả
trường ca có rất nhiều những đoạn thổ lộ như vậy của ông Sáu Dân. Tôi muốn người
đọc chia sẻ mọi vui buồn, kể cả đau thương đau khổ với nhân vật chính của trường
ca này, đúng như tính cách mộc mạc của ông Sáu Dân.
Dạ, tôi là Sáu Dân là bản trường ca về một nhân vật
chính, do nhân vật ấy tự thổ lộ qua độc thoại, không có bất cứ những lời chữ
hay đoạn thơ nào người viết cố tình dùng uyển ngữ, viết cho hay cho đẹp. Những
gì căn cốt đều được nói ra như nó có, không cần những câu thơ tuyệt cú, vì cuộc
đời của mỗi con người đều hiện lên với những câu thơ bình thường như vậy. Một
nhà thơ bạn tôi đã gọi đó là “thơ - ngoài thơ”. Đúng như thế.
Có những đoạn trong trường ca này, khi viết xong, đọc
lại, tôi muốn khóc. Nhưng tôi không thay đổi:
“Tôi đi làm cách mạng từ cuộc đời buồn của mình
Cuộc đời thằng thiếu niên ở đợ
Ngày mới sinh được cõng khắp làng
Bú chực sữa những bà mẹ nông dân
Tôi lớn lên nhờ dòng sữa ấy
Ơn huệ này trọn kiếp chẳng hề quên
Nhìn con ngựa bằng đất nung
Tôi cứ muốn nó vui lên một chút
Ngựa Chàm ơi, mày đừng buồn thế nữa
Mắt yêu thương lấp lánh nghĩa tình
Hãy thay đổi đời này. Nếu có thể
Rồi vân vi kể chuyện đời mình”
Đúng là ông Sáu Dân - Võ Văn Kiệt - Phan Văn Hòa (cũng
là một người đó) đã “vân vi kể chuyện đời mình” trong suốt bản trường ca này:
“Đừng nghĩ bản thân mình nhiều quá
Mà biết sẻ chia với tấm lòng
“Để làm gì em có biết không?
Để gió cuốn đi
Để gió cuốn đi…” (nhạc Trịnh Công Sơn)
Tôi yêu người nhạc sĩ ấy
Người cho tôi nếm trải
Mình có thể đứng lên từ một khúc nhạc buồn
Người cho tôi chiếc lá
Xanh như là giọt lệ tuôn
Tôi đã thiệt thòi nhiều thứ
Cho tôi một phút lắng lòng
Thế giới này quả thật mênh mông
Cuộc đời còn thơ ca và âm nhạc”
Đó là một người lãnh đạo biết sẻ chia với nhân dân
mình, với những người cùng khổ, những người yếu thế, những người bị đời bỏ lại
phía sau./.