Biên kịch Việt cũng có tình trạng lười sáng tạo, sao chép nơi này một chút, nơi kia một chút rồi “xào nấu” lại. Những tác phẩm không bám vào đời sống xã hội thường thiếu chân thật, không thuyết phục được khán giả.


THỰC TRẠNG NGHỀ BIÊN KỊCH ĐIỆN ẢNH VIỆT

BÙI HỒNG GẤM

Tính từ năm 2019 đến hết năm 2021, những phim ăn khách của điện ảnh Việt Nam là: "Hai Phượng" (2019) - biên kịch Nguyễn Trường Nhân, Lê Văn Kiệt; "Cua lại vợ bầu" (2019) - biên kịch Nhất Trung; "Tiệc trăng máu" (2020) -phim remake (làm lại) phiên bản của Hàn Quốc; "Gái già lắm chiêu 3" (2020) - biên kịch Nam Cito, Bảo Nhân; "Bố già" (2021) - biên kịch Trấn Thành; "Lật mặt 48h" (2021) - biên kịch Lý Hải. Những tác giả này đều là nhà biên kịch "tay ngang", không được đào tạo bài bản nhưng lại có những kịch bản tốt.

Vậy, câu hỏi đặt ra là thực trạng sáng tác của những nhà biên kịch Việt hiện nay ra sao và tác phẩm của họ chất lượng thế nào?

Biên kịch là người giữ vai trò viết nên một phim điện ảnh hoặc truyền hìnhtrên mặt giấy cho đội ngũ sản xuất dựa vào đó để xây dựng nên những thước phim trên màn ảnh. Nếu xem một bộ phim như một tòa nhà thì biên kịch sẽ đảm nhiệm vai trò thiết kế bản vẽ cho nhà thầu thi công. Như vậy có thể thấy, vai trò của biên kịch đối với một bộ phim là rất quan trọng, “có bột mới gột nên hồ”.

Lực lượng làm công tác biên kịch hiện nay ở nước ta tập trung ở ba nhóm chính: Nhóm những người là nhà văn, nhà báo gắn bó với nghiệp viết lâu năm. Họ có kinh nghiệm sáng tác, vốn sống phong phú nhưng lại không bắt kịp thực tế cuộc sống. Câu chuyện của họ là kết quả của trí tưởng tượng nên thiên về hư cấu, mang dấu ấn của tác giả chứ không phải là câu chuyện chung của thời đại. Vì vậy, kịch bản của nhóm biên kịch này nhiều nhưng để làm thành phim lại ít hoặc nếu có sử dụng được thì đạo diễn phải tốn rất nhiều công sức để chỉnh sửa.

Nhóm thứ hai là các đạo diễn, diễn viên... những người hoạt động lâu năm trong nghề. Họ khai thác kinh nghiệm của bản thân và tự viết kịch bản rồi tham gia vào một số công tác trong quá trình làm phim (đạo diễn, nhà sản xuất...). Số lượng kịch bản của nhóm này không nhiều và không thể khẳng định 100% rằng nếu đạo diễn, nhà sản xuất tự viết kịch bản thì phim sẽ tốt nhưng nó sẽ khiến quá trình làm phim thuận lợi hơn.

Nhóm còn lại là những tác giả trẻ được thuê để viết theo đơn đặt hàng trên cơ sở đề cương và ngân hàng dữ liệu đã có sẵn. Thành phần này chỉ đơn giản là chế tác theo yêu cầu. Đạo diễn - biên kịch Nông Huyền Sơn cho rằng phim Việt đang khủng hoảng biên kịch, tác giả kịch bản nhiều, kịch bản viết ra cũng không ít nhưng về chất lượng thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hàng năm trung bình có khoảng 40 phim Việt Nam ra rạp nhưng số lượng kịch bản Việt chỉ chiếm khoảng 1/4, còn lại là phim làm lại, lấy ý tưởng hoặc cảm hứng từ kịch bản của Hàn Quốc, Thái Lan...

Hiện tượng thiếu kịch bản hay, thiếu những gương mặt biên kịch xuất sắc trong những năm gần đây của điện ảnh Việt đang là thực trạng đáng lo ngại. Có thể nêu ra một vài lý do như sau: Từ phía nhà sản xuất - viết một kịch bản phụ thuộc vào việc có bán được cho đơn vị bỏ tiền ra làm phim hay không. Áp lực về doanh thu khiến gần đây các nhà sản xuất lựa chọn phương án remake lại từ những phim ăn khách của nước ngoài hoặc chuyển thể từ những tác phẩm văn học nổi tiếng (như trường hợp của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh). Bởi họ sẽ tận dụng được một lượng khán giả có sẵn của phim và tiểu thuyết gốc. Thêm nữa nếu mua lại kịch bản của Hàn Quốc thì phim sẽ được ưu tiên giờ chiếu trên hệ thống rạp của Lotte và CGV. Đây là hai yếu tố tác động trực tiếp đến doanh thu của phim. Bên cạnh đó, đôi khi chi phí mua lại kịch bản cũ của các quốc gia khác còn rẻ hơn đầu tư vào một kịch bản mới. Tất cả những yếu tố này được các nhà sản xuất tính toán rất kỹ càng trước khi quyết định đầu tư vào bất kỳ một kịch bản điện ảnh nào.

Từ những đạo diễn tự viết kịch bản - Để thuận lợi cho việc triển khai kịch bản, một số đạo diễn đã tự viết kịch bản phim của mình như: Đặng Nhật Minh, Phạm Nhuệ Giang, Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Charlie Nguyễn và gần đây là Lý Hải, Bảo Nhân, Nam Cito… bởi với vai trò là đạo diễn, họ nắm được cấu trúc của phim, và họ luôn biết phải biến câu chuyện trên giấy thành hình ảnh như thế nào cho hiệu quả nhất. Vô hình chung, lực lượng biên kịch lại đứng trước nguy cơ cạnh tranh không nhỏ từ những đạo diễn có thể tự viết được kịch bản này.

Nguyên nhân tiếp theo do chính thực lực của các nhà biên kịch. Điện ảnh Việt Nam đã từng có những thế hệ biên kịch vàng như các nhà biên kịch: Hoàng Tích Chỉ, Bành Châu, Bành Bảo, Lê Phương… đến thế hệ tiếp theo là những tên tuổi như: Bành Mai Phương, Đoàn Tuấn, Trịnh Thanh Nhã, Nguyễn Quang Lập… Sau thế hệ này nổi lên một số tên như: Nguyễn Thu Dung, Đặng Thu Hà, Nguyễn Anh Dũng, Bùi Kim Qui… nhưng để đạt đến tài năng và có những tác phẩm để đời như các thế hệ đi trước thì họ vẫn cần phải cố gắng học hỏi và cống hiến rất nhiều.

Một số nhận định khách quan cho rằng nhiều biên kịch Việt thiếu vốn sống, ít trải nghiệm nên các câu chuyện kể của họ xa rời thực tế, kịch bản sáng tác đi vào lối mòn, thiếu sáng tạo. Đó là lý do vì sao không ít phim dành cho người trẻ nhưng lại bị người trẻ quay lưng, không tìm được sự đồng cảm. “Biên kịch Việt cũng có tình trạng lười sáng tạo, sao chép nơi này một chút, nơi kia một chút rồi “xào nấu” lại. Những tác phẩm không bám vào đời sống xã hội thường thiếu chân thật, không thuyết phục được khán giả. Thêm vào đó, cái khó của biên kịch Việt còn là vấn đề kinh phí đầu tư hạn chế từ phía nhà sản xuất, nhà đài. Biên kịch luôn phải tự kiềm chế sáng tạo vì biết có đưa vào thì nhà sản xuất cũng yêu cầu cắt hoặc điều chỉnh do tốn nhiều kinh phí” - biên kịch Thanh Hương bày tỏ.

Con người đã vậy, còn sản phẩm sáng tạo của họ thì sao? Người viết đã có cuộc trò chuyện với một số nhà biên kịch trẻ hiện nay. Họ đều khẳng định rằng rất mong muốn có một kịch bản điện ảnh được nhà sản xuất mua để làm phim. Nhưng bán được kịch bản là rất khó bởi bài toán kinh tế của các nhà sản xuất đưa ra giữa việc mua kịch bản mới và chọn làm lại phim của các nước khác như đã nói ở trên. Bên cạnh đó, rất nhiều kịch bản gặp khó khăn trong khâu thẩm định và kiểm duyệt của các cấp quản lý. Vấn đề ở đây không chỉ nằm ở tài năng của các nhà biên kịch mà còn nằm ở quan điểm về nghệ thuật và thẩm mĩ của những người làm công tác tư vấn quản lý và cấp phép sản xuất.

Về đào tạo hiện nay chỉ có hai đơn vị đào tạo biên kịch ở trình độ cử nhân là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh. Vài năm gần đây, quỹ Ford của Hoa Kỳ đã liên kết với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn mở ra lớp đào tạo về biên kịch và phê bình điện ảnh. Sinh viên học tập tại đây sẽ được giảng dạy bởi những chuyên gia hoạt động trong ngành điện ảnh, truyền thông của cả Việt Nam và nước ngoài. Nhưng dự án này cũng chỉ hoạt động được vài năm.

Bên cạnh những cơ sở đào tạo chính thống kể trên còn có nhiều những lớp đào tạo biên kịch ngắn hạn của các công ty truyền thông, các trung tâm nghệ thuật của tư nhân. Lực lượng giảng dạy tại các đơn vị này đang có sự mất cân bằng giữa giảng dạy và sáng tác. Các giảng viên trẻ nằm trong biên chế chỉ chú tâm vào việc đọc tài liệu, nghiên cứu phục vụ cho giảng dạy chứ chưa có nhiều tác phẩm được làm thành phim. Do đó bản thân họ cũng đang thiếu những kinh nghiệm sáng tác thực tế. Những giảng viên được mời tham gia thỉnh giảng phần lớn là những nhà biên kịch có tên tuổi, tuy có nhiều kinh nghiệm thực tế nhưng phần lớn họ đều được đào tạo từ các nước xã hội chủ nghĩa nên về mảng lý thuyết đã không còn phù hợp với những trào lưu sáng tác mới.

Đã có rất nhiều sinh viên có năng khiếu văn chương, chọn theo học biên kịch nhưng khi ra trường, họ không gắn bó với nghề, không có sự khát khao được làm nghề mà chỉ vì kế sinh nhai họ chuyển sang sáng tác kịch bản phim truyền hình, phim sitcom, phim quảng cáo… Rất nhiều người trong số họ khát khao có một kịch bản được làm thành phim điện ảnh nhưng kịch bản viết ra được nhà sản xuất đặt mua rồi nộp hội đồng thẩm định, chờ ý kiến của hội đồng để sửa lại rồi mới được cấp phép sản xuất. Sau đó lại sửa lại theo ý của nhà sản xuất và đạo diễn để dễ thu hút khán giả nhưng không vi phạm đến những yêu cầu mà hội đồng thẩm định đã đưa ra trước đó…

Chỉ một vòng luẩn quẩn đó thôi đã thấy sự nhọc nhằn trong lao động của những nhà biên kịch. Bản thân họ cũng muốn có một kịch bản mang dấu ấn cá nhân, vừa thể hiện được tài năng của người viết, vừa giữ được tâm thế độc lập không bị chi phối bởi những yếu tố câu khách rẻ tiền. Nhưng người giữ vai trò quyết định ở đây lại chính là những nhà sản xuất - những doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận.

Thị trường phim Việt đang rất cần những kịch bản tốt, những nhà biên kịch xuất sắc nhưng cũng đang thực sự cần những nhà quản lý quan tâm và nắm bắt nhu cầu của thị trường để có sự hài hòa trong kiểm duyệt và tư vấn sáng tác. Và còn cần hơn nữa những nhà sản xuất có tâm và có tầm để điện ảnh Việt Nam có được những tác phẩm đáp ứng được cả tính nghệ thuật và thương mại.

 

 

Nguồn: Văn Nghệ Công An