Minh Chuyên là một trong những người đầu tiên ở nước ta lên tiếng về sự tàn phá của chất độc da cam. Đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, khi bút ký “Đứa con màu da thú” của Minh Chuyên công bố trên báo chí khiến không ít người tưởng là chuyện… siêu tưởng.

NHÀ VĂN VIỆT ĐẦU TIÊN VIẾT VỀ CHẤT ĐỘC DA CAM

LÊ THIẾU NHƠN

 

Nhân dịp thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2022) nhà văn Minh Chuyên có thêm niềm vui là được nhận kỷ lục “người sáng tác các tác phẩm văn học, điện ảnh, truyền hình nhiều nhất Châu Á về đề tài hậu chiến tranh”. Tính đến nay, Minh Chuyên là nhân vật duy nhất có vị trí trong làng văn Việt Nam chỉ bằng những trang viết người thật việc thật sau chiến tranh.

Sau 10 năm cầm súng chiến đấu ở chiến trường Đông Nam bộ, anh bộ đội Nguyễn Minh Chuyên xin giải ngũ, trở lại theo đuổi nghề cầm bút mà anh ước mơ thuở nhỏ.  Minh Chuyên đã viết truyện ngắn đầu tiên “Bức thư mật” khi còn ngồi ghế nhà trường, nhưng cuộc kháng chiến giục giã ông xếp lại chữ nghĩa để lên đường giành lấy độc lập cho non sông. Năm 1976, chàng trai 28 tuổi của thôn Thọ Lộc, xã Minh Khai, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình quay về quê cũ làm báo địa phương.

Có bút mực trong tay rồi, Minh Chuyên lang thang khắp nơi tác nghiệp và bất chợt nhận ra, trong trái tim mình vẫn day dứt khôn nguôi về những đồng đội dưới khói lửa dạo nào. Từ chút may mắn vượt qua mờ mịt chiến tranh và trở về vẫn còn nguyên vẹn hình hài, ông quặn thắt khi chứng kiến những người lính năm xưa đang lầm lũi hòa nhập đời thường với không ít thua thiệt. Những ngày sau khi đất nước thống nhất, khó khăn chồng chất, ông tự thắp lên ngọn lửa quyết tâm để ban ngày đạp xe đi tìm tư liệu, ban đêm hý hoáy viết bên ngọn đèn dầu nho nhỏ trong một xóm lao động nghèo. Lần lượt, từng bài bút ký của Minh Chuyên xuất hiện lay động xúc cảm người đương thời, như “Má Giáo”, “Nghị lực”, “Chiến tranh đã đi qua”, “Quãng đời huyền thoại”, “Nỗi oan trần thế”…

Nhiều người đã đọc những bút ký thấm đẫm nhân văn và bùi ngùi thân phận của Minh Chuyên, đều bất giác muốn biết, ngoài ánh đèn khuya khoắt mỗi đêm tĩnh mịch hắt bóng ông lên tường, thì còn điều gì níu giữ ông với từng bản thảo nhọc nhằn? Minh Chuyên hồi tưởng: “Có bút ký mình phải mất mấy tháng ròng rã tìm kiếm thông tin này, tìm gặp nhân vật kia, rồi ngồi cặm cụi viết giữa bao nhiêu thiếu thốn thời bao cấp, mình chỉ có một niềm tin duy nhất: ở xứ sở bất khuất và ân nghĩa của chúng ta, không có quyền để ai bị lãng quên sau cuộc chiến!”.

Điểm lại những trang bút ký nồng nã chất sống của mình, Minh Chuyên đánh giá: “Nếu xét tính tương thân tương ái thì mình chọn “Người không cô đơn”, nếu xét yếu tố tác động xã hội thì mình chọn “Vào chùa gặp lại”, còn xét về tinh thần và trách nhiệm người cầm bút thì mình chọn “Thủ tục làm người còn sống”!”. Ba bút ký mà ông tự hào, đều gây xôn xao dư luận một thời.

 “Người không cô đơn” viết về anh thương binh Nguyễn Đình Thúc bị tâm thần trôi dạt trong sự đùm bọc chở che của biết bao người. “Vào chùa gặp lại” viết về những nữ chiến sĩ sau chiến tranh bị thương tật phải nương náu chốn cửa Phật. Còn “Thủ tục làm người còn sống” viết về anh bộ đội Trần Quyết Định, vì lạc đơn vị ở chiến trường Campuchia nên có sự nhầm lẫn biến anh trở thành… liệt sĩ, và Trần Quyết Định phải bôn ba chứng minh sự tồn tại của bản thân trên cõi đời.

Chính “Thủ tục làm người còn sống” của Trần Quyết Định cũng khiến tác giả Minh Chuyên điêu đứng ngược xuôi hơn một năm ròng. Là người viết, Minh Chuyên phải điều trần trước 6 cuộc họp tại Hà Nội và Hải Phòng. Ông nhớ lại: “Mình bị áp lực tinh thần dữ dội. Người ta nói mình bịa chuyện, người ta nói mình đưa chi tiết không thật…”.  Gay cấn và phức tạp. Cũng may, bút ký “Thủ tục làm người còn sống” in trên Báo Văn Nghệ tháng 3/1988, thì dẫu hơi muộn, đến ngày 27/7/2007, anh lính Trần Quyết Định lêu bêu đã nhận được sổ thương binh.

Chuyển sang làm biên kịch – đạo diễn phim tư liệu cho Đài Truyền hình Việt Nam từ năm 1997, Minh Chuyên gặt hái những thành quả mới với hàng loạt giải thưởng cho các tác phẩm “Chiếc cũi trần gian”, “Vết thương không mảnh đạn”, “Chuyện ở rừng thiêng”, “Người mẹ huyền thoại”, “Bác học nông dân”, “Tiến sĩ muối”, “Anh và tôi, ai là cộng sản hơn”… nhưng nổi bật nhất phải kể đến “Cha con người lính”, đoạt Cúp vàng Liên hoan phim quốc tế Bình Nhưỡng, tháng 9/2006.

“Cha con người lính” là bộ phim tài liệu phản ánh nỗi đau của ba thế hệ trong một gia đình người lính Việt Nam bị chất độc da cam của Mỹ hủy diệt dai dẳng. Không phải tình cờ Minh Chuyên có sự đột phá với “Cha con người lính”, mà đề tài chất độc da cam đã đeo bám anh suốt trong chặng đường dài cầm bút.

Có lẽ nhà văn Minh Chuyên là một trong những người đầu tiên ở nước ta lên tiếng về sự tàn phá của chất độc da cam. Đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, khi bút ký “Đứa con màu da thú” của Minh Chuyên công bố trên báo chí khiến không ít người tưởng là chuyện… siêu tưởng. Thế nhưng, với một chút kiến thức chắt chiu được từ quân y và với sự nhạy cảm của nhà văn, ông vẫn kiên trì chứng minh có cái di họa chiến tranh khủng khiếp ấy bằng những trang viết tiếp theo như “Nước mắt làng”, “Đứa con người lính”, “Mười lần sinh tử”… 

Minh Chuyên không văn vẻ tài hoa, nhưng sao người đọc run tay khi giở lần từng trang viết của ông? Chính sự cảm thông của nhà văn đã làm đầy lên trắc ẩn, giúp mỗi dòng chữ đều lấp lánh niềm xao xác khôn nguôi, nỗi buồn thương bất tận. Minh Chuyên trải lòng ông lên trang viết để kêu giùm những nạn nhân chất độc da cam sự đớn đau rất gần tuyệt vọng. Minh Chuyên bảo: “Mình chỉ viết loanh quanh ở Thái Bình thôi mà đã kinh hãi như thế. Trên cả nước thì còn không biết bao nhiêu mảnh hồn nghiệt ngã vì chất độc da cam nữa!”. 

 Từ đâu khiến nhà văn Minh Chuyên bật dậy những trang viết về chất độc da cam? Đôi mắt khắc khoải của Minh Chuyên như nhòa đi, giọng ông chùng hẳn xuống: “Từ nỗi đau quá lớn của đồng đội mình. Một người lính nhập ngũ cùng đợt với mình năm xưa đã bị nhiễm chất độc hóa học, hai đứa con của anh đều ra đời với hình thù kỳ quái, không giống người mà cũng không giống thú. Người vợ của anh ấy phát điên bỏ nhà đi lang thang, còn anh ấy suốt ngày nhìn con thất thần. Có một đêm, mình ở lại nhà cùng bạn, nửa khuya anh ấy mê sảng hét lên: “Hãy cứu lấy con tôi. Trời ơi! Tôi là con người, tại sao con tôi lại không là con người? Tôi đi bộ đội, tôi đi cứu người. Các người hãy cứu con tôi với…”. Nghe như luồng điện chạy dọc cơ thể, mình đứng dậy băng đồng về nhà chong đèn ngồi viết. Vừa viết vừa nghe nhức nhối bên tai mình tiếng kêu khốn khổ của bà mẹ sinh ra những cục thịt đỏ hỏn, sinh ra những bó như giun đũa quắn lại với nhau, rồi ngất xỉu trong sự nghiệt ngã không thể chịu đựng. Mình vừa viết vừa khóc! Viết như một món nợ phải trả cho đồng đội mình!”.

 Nhà văn Minh Chuyên vốn kiệm lời, và không mảy may có ý định nói về bản thân. Thậm chí, nếu gặp ông trên đường phố tấp nập những người thành thị ngày càng khôn ngoan đã biết làm dáng làm vẻ hơn, thì bức chân dung ông lúc nào cũng bàng bạc như lầm lũi, như lấm láp, như nhẫn nhịn. Thế nhưng, những việc ông làm trong âm thầm cũng đủ khẳng định sự thao thức và tận tụy của ông với cuộc sống mỗi ngày. 

Riêng những trang bút ký viết về chất độc da cam của Minh Chuyên hoàn toàn là những bằng chứng có thể thuyết phục những người thiện chí yêu chuộng lẽ phải trên thế giới, khi nhìn lại di họa chiến tranh đã trút xuống đất nước và con người Việt Nam.

 Về hưu với danh phận đạo diễn cao cấp, nhà văn Minh Chuyên được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2017, với tâm sự: “Nghề văn cũng như bất kể nghề gì, đều cần hai điều, hiệu quả và chất lượng. Ngòi bút bênh vực những số phận bất hạnh, đem đến những giá trị tinh thần, cổ súy con người vượt lên chính mình, đấy là hiệu quả. Ngòi bút tác động đến xã hội, công chúng đón nhận hoặc ngược lại, có thể coi đấy là thành công hay thất bại, đấy là chất lượng. Còn dùng ngòi bút để tự diễn rồi mường tưởng sự cao sang thì đấy là hành động giả dối khó tha thứ nhất!”.