Nhạc sĩ Cung Tiến được công chúng cố đô tưởng nhớ qua đêm nhạc ‘Hạc vàng tung cánh’ vào 19h tối nay 18/12 tại Nhà hát Bến Xuân ở xứ Huế.


Nhạc sĩ Cung Tiến, tên thật Cung Thúc Tiến, sinh ngày 27/11/1938 tại Hà Nội và mất ngày 10/5/2022 tại Mỹ. Nhạc sĩ Cung Tiến theo gia đình vào định cư ở Sài Gòn từ năm 1952. Ở tuổi 15, nhạc sĩ Cung Tiến đã sáng tác hai ca khúc nổi tiếng “Hoài cảm” và “Thu vàng”.

Nhạc sĩ Cung Tiến kết hôn với bà Nguyễn Thụy Hữu, là một người bạn cùng du học Úc với ông. Con trai duy nhất của vợ chồng nhạc sĩ Cung Tiến được đặt tên Cung Thúc Đăng Quang.

Đêm nhạc “Hạc vàng tung cánh” là chương trình đầu tiên tưởng nhớ nhạc sĩ Cung Tiến tại Việt Nam, sau khi ông qua đời. Vì sao sự kiện này không diễn ra ở những trung tâm ca nhạc sôi động hơn như Hà Nội hay TP.HCM? Rất đơn giản, vì ở Huế có ba người bạn thân thiết của nhạc sĩ Cung Tiến là nghệ sĩ Bích Liên, nghệ sĩ Camille Huyền và nhạc sĩ Trần Đại Phước.

Ngoài giới thiệu lại những ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Cung Tiến, đêm nhạc “Hạc vàng tung cánh” cũng trình diễn những ca khúc tương đối ít xuất hiện hơn của nhạc sĩ Cung Tiến như “Khói hồ bay”, “Vết chim bay”, “Lệ đá xanh”...

Bên cạnh hai ca khúc “Hoài cảm” và “Thu vàng”, nhạc sĩ Cung Tiến cũng tự viết lời một số ca khúc như “Hương xưa”, “Nguyệt cầm” hoặc “Mắt biếc”. Tuy nhiên, một trong những nét độc đáo của âm nhạc Cung Tiến chính là những ca khúc phổ thơ. Nhạc sĩ Cung Tiến chọn những bài thơ rất khó phổ nhạc để chuyển thành ca khúc như “Đi núi” của Xuân Diệu, “Thuở làm thơ yêu em” của Trần Dạ Từ hoặc “Vang vang trời vào xuân” của Thanh Tâm Tuyền.

Trong đêm nhạc “Hạc vàng tung cánh” ở Nhà hát Bến Xuân, có hai ca khúc của nhạc sĩ Cung Tiến mang dấu vết riêng biệt là “Kẻ ở” và “Hoàng hạc lâu”. Không chỉ ít người hát, “Kẻ ở” và “Hoàng hạc lâu” còn có câu chuyện dan díu giữa thi ca và âm nhạc.

Ca khúc “Kẻ ở” ban đầu được nhạc sĩ Cung Tiến đặt tên là “Mai chị về”, phổ từ bài thơ “Dặm về” không rõ tác giả. Ban đầu, nhiều người khẳng định bài thơ “Dặm về” của Quang Dũng, nhưng sau đó mới phát hiện tác giả “Dặm về” là Nguyễn Đình Tiên. Bài thơ “Dặm về” ra đời năm 1945, khi tác giả Nguyễn Đình Tiên ở tuổi 21.

Số phận long đong của bài thơ “Dặm về” đã đi vào âm nhạc Cung Tiến với nỗi lòng “Kẻ ở” lưu luyến: “Mai chị về em gửi gì không/ Mai chị về nhớ má em hồng/ Đường đi không gió lòng sao lạnh/ Bụi vướng ngang đầu, mong nhớ mong/ Quê chị về xa tít dặm xa/ Rừng thu chiều xao xác canh gà/ Sương buông khắp lối đường muôn ngả/ Ngựa lạc cành hoang, qua lướt qua”.

Ca khúc “Hoàng hạc lâu” được nhạc sĩ Cung Tiến viết với bản dịch của Vũ Hoàng Chương. Dù chỉ 8 câu thơ, nhưng Thôi Hiệu đã tạo dựng một “Hoàng hạc lâu” bất hủ: “Vàng tung cánh hạc đi đi mãi/ Trắng một màu mây vạn vạn đời”.

Viết ca khúc “Hoàng hạc lâu” vào năm 1976, nhạc sĩ Cung Tiến cho rằng đây không phải ca khúc phổ thông, mà là ca khúc nghệ thuật. Nhạc sĩ Cung Tiến lý giải: “Ca khúc phổ thông (popular music) thường thường người ta viết giai điệu chứ không có hòa âm, người trình diễn đệm đàn theo lối nào cũng được, tùy tiện. Ca khúc nghệ thuật là ca khúc dùng bản văn một bài thơ có phẩm chất cao để viết nên phần giai điệu, xong rồi phải có phần hòa âm để làm bối cảnh cho ca khúc đó”

Đêm nhạc “Hạc vàng tung cánh” khai diễn lúc 19h tối 18/12 tại Nhà hát Bến Xuân nằm ở số 51 Văn Thánh, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhát Bến Xuân là công trình mang phong cách kiến trúc Cung đình Huế, với những họa tiết trang trí cổ điển như thời Nguyễn.

                                        PHẠM TUẤN