Ở tác
phẩm Phạm Duy Nghĩa, người đọc sẽ gặp những cuộc đời, những thân
phận bị xô đẩy, bị thử thách, phải diễn những vai diễn trên sân khấu đời...
nhưng khi hạ màn, lúc trang sách khép lại cũng là lúc người đọc nhận ra những
giá trị nhân văn, nhân bản mà tác phẩm truyền tải.
Nhà văn Phạm Duy Nghĩa - Hài văn lần bước
dặm dài đường văn
NGUYỄN PHÚ
“Cuối năm ấy cây đào đâm những nụ hoa đầu tiên. Nó thuộc
giống đào Mèo nên hoa màu đỏ thẫm. Bao năm rồi, ngày Tết tôi ít đi chơi, thích ở
nhà uống rượu bên hoa đào. Tôi ngồi hàng giờ dưới cây, mặc cho người đời bàn
tán. Bao giờ tôi cũng rót mời hoa một chén. Khi linh hồn ngấm men, khi gió xuân
hây hẩy thầm thì, tôi lại thấy hiện lên lãng đãng trong hoa nét má nồng nàn, thắm
đỏ. Tôi biết người con gái lại về”. Đây là một đoạn trích mang vẻ đẹp lãng mạn,
đậm phong vị cổ xưa trong truyện ngắn “Hoa đào xứ tuyết” của Phạm Duy Nghĩa.
Truyện ngắn này, nhà văn sáng tác khi còn ở vùng núi đồi
Lào Cai, tôi đã đọc nhiều lần, mỗi lẫn đọc, tôi lại tự hỏi phải chăng thầy
giáo, văn nhân Phạm Duy Nghĩa đã bước vào trang sách để thành thi sĩ họ Hoàng,
người suốt đời nuối tiếc, suốt đời đi tìm vẻ đẹp trinh khiết, hoàn hảo của giai
nhân? Hay ngược lại, thi sĩ từ những trang sách kia bước ra cõi nhân gian, nhập
vào văn nhân họ Phạm nên nửa cuộc đời anh vẫn chênh vênh kiếm tìm hồng nhan tri
kỉ, một mình lặng lẽ hài văn trên dặm dài đường văn đầy hấp lực nhưng cũng thật
nhiều khổ ải, cô đơn?
Hơn mười năm trước, trong lúc trò chuyện “điểm huyệt”
các nhà văn thế hệ 7X, khi tôi bầu chọn Phạm Duy Nghĩa ở vị trí rất trang trọng
thì cô bạn tôi, một tín đồ của văn học Việt Nam đương đại, quả quyết rằng cô
không thích, hoàn toàn không thích văn Phạm Duy Nghĩa! Lý do cô đưa ra là: “Văn
anh ấy đầy ác cảm, cay nghiệt với phụ nữ!”, rồi cô dẫn hàng loạt các nhân vật nữ
“bị” Phạm Duy Nghĩa biến thành những người đàn bà nông cạn, ti tiện, mưu mẹo,
sa đọa, phóng đãng... Tôi chỉ cười, không tranh luận với cô lúc ấy.
Về nhà, tôi tìm đọc thêm các tác phẩm của Phạm Duy
Nghĩa. Và quả đúng là hình ảnh những người đàn bà xấu xa, “lệch chuẩn” mọc lên
khá nhiều trong các truyện ngắn của anh. Đó là Huyền, Thủy - hai người đàn bà
lười học tập, làm việc, sẵn sàng dùng “vốn tự có” để được nâng đỡ, được “qua cầu”
(Hai con đường). Đó là Liên - người đàn bà thành đạt, nhà cao cửa rộng, chồng
giỏi con ngoan nhưng khi đi công tác vẫn sẵn sàng lên giường cùng bạn học cũ.
Thì ra, cái tính dâm của Liên từ thời sinh viên qua bao năm vẫn không thể chữa
được (Lá bạch đàn).
Đó là nữ thi sĩ trẻ Bế Linh Lan, một hiện tượng thơ trẻ
mới nổi trên văn đàn, được ví như “vầng trăng trinh bạch nhú mầm”, nhưng thực
chất cô nàng chỉ làm xiếc chữ với những câu thơ rối rắm, ngô nghê, vô nghĩa.
Linh Lan được tung hô bởi cô đã hiến thân cho không biết bao người đàn ông để đổi
lấy sự ve vuốt, tụng ca (Đường về xa lắm). Đó còn là Thắm, cave xóm núi, làm vợ
khắp thế gian (Trên đồi lập lòe ánh lửa), là bà lớn, vợ một ông to, vào “mùa bội
thu” “hỉ hả ngồi đếm phong bì trong khiết như một đóa hoa ngàn”, mỗi khi chồng
vắng nhà là lao ngay đến nhà nghỉ để “gặm xương mút thịt” gã thuộc cấp của chồng
trong những bữa tiệc mây mưa long trời lở đất (Người đổi mặt)...vv.
Nhưng ở một thái cực khác, qua tác phẩm của Phạm Duy
Nghĩa tôi càng nhận ra vẻ đẹp phụ nữ mỗi lúc thêm phát lộ dưới ngòi bút tài hoa
của anh. Họ được đặt vào nhiều cảnh huống khác nhau, nhưng họ luôn giữ được
thiên tính nữ, trong trẻo, đoan trang, đẹp đẽ.
Độc giả nào đọc truyện ngắn “Thương nhớ Lèng Hồ” hẳn
không thể quên vẻ đẹp thanh thuần, trong lành như suối nguồn, sự thơ ngây đến tội
nghiệp của hai cô bé vùng cao Dơ và Dua. Nhân vật Vui (Trên đảo) xứng đáng được
tấn phong “tiết hạnh khả phong” thời hiện đại bởi phẩm tiết của người đàn bà vốn
rất mong manh, song dù hoàn cảnh trớ trêu, cám dỗ và đe dọa, tấn công vây bủa vẫn
không thể khuất phục được Vui - người phụ nữ chính chuyên mẫu mực. Nơi rừng sâu
núi thẳm, chẳng lo điều tiếng, thi thoảng những khát khao bản năng đàn bà lại
trỗi dậy làm khổ Thuận, nhưng chị cố dìm lòng, không thể sa chân vào cái hố nhục
cảm để rồi chôn vùi danh dự.
Và nếu như nhiều người có tâm lý nghi ngờ, lo ngại về
lối sống của không ít cô gái trẻ hiện nay, thì khi “gặp” nhân vật Hà, người yêu
của Kiên (Cơn mưa hoa mận trắng) hẳn họ sẽ phải suy nghĩ thấu đáo, khách quan
hơn. Bởi cô gái ấy từ thể xác đến tâm hồn đẹp như một bông mận tinh khiết,
“thơm ngát như một tiên đồng”, ở cô toát lên vẻ đẹp “sáng trong và thánh thiện
- thánh thiện đến mức trước cô, không người đàn ông nào dám làm một việc tầm thường,
dù chỉ là trong ý nghĩ”... Ở những nhân vật nữ như thế, người đọc thấy một tình
yêu dạt dào, sự bao dung, trân trọng và cả sự ngưỡng mộ của nhà văn với những
gì tốt đẹp ở nữ giới.
Nhưng đọc tác phẩm của Phạm Duy Nghĩa không chỉ có vậy,
người đọc còn gặp nhiều loại nhân vật rất cá tính, ở những cảnh huống, không
gian khác nhau, điều đó chứng tỏ sự đa dạng và nội lực dồi dào của nhà văn. Ở đấy
người đọc sẽ gặp những cuộc đời, những thân phận bị xô đẩy, bị thử thách, phải
diễn những vai diễn trên sân khấu đời... nhưng khi hạ màn, lúc trang sách khép
lại cũng là lúc người đọc nhận ra những giá trị nhân văn, nhân bản mà tác phẩm
truyền tải. Tôi cũng rất thích bức tranh thiên nhiên miền núi nguyên lành, tươi
xanh, đẹp lấp lánh, kì ảo trong các sáng tác của Phạm Duy Nghĩa, thiên nhiên ấy
mang đậm dấu ấn, cá tính sáng tạo của nhà văn.
Một lần ngồi với Phạm Duy Nghĩa “giữa chùa Văn”, anh bảo:
“Theo mình thì Phú cứ ở Hà Giang, có khi lại dễ dàng viết hơn. Như mình bây giờ
dường như cạn vốn mất rồi...”. Đó là khoảng thời gian tôi còn công tác trên
vùng biên giới cực Bắc và có lẽ đó là giai đoạn mà Nghĩa đang gặp nhiều áp lực,
nhiều trăn trở về hướng đi mới, chặng sáng tạo mới của mình. Tôi đồ rằng đã có
thật nhiều những phút giây Phạm Duy Nghĩa luyến nhớ về vùng núi rừng tươi xanh,
khoáng đạt của anh. Nỗi nhớ ấy là nỗi nhớ của một người tình xa một người tình.
Và tôi cũng hiểu hơn vì sao nhiều lúc anh là người lặng lẽ và cô đơn trước ồn ã
phố phường.
Có một khoảng thời gian khá dài, tôi ít về Hà Nội nên
hiếm khi gặp Phạm Duy Nghĩa. Tôi cũng như nhiều độc giả, bạn viết từng yêu mến
văn chương Phạm Duy Nghĩa thực sự mong chờ những tác phẩm tiếp theo của anh sau
cái đỉnh “Cơn mưa hoa mận trắng”, nhưng phải mất mấy năm, Nghĩa mới xuất hiện
trở lại. Và trong khoảng dăm năm trở lại đây, mỗi năm anh công bố chừng vài ba
truyện, song nó đủ làm người đọc ngỡ ngàng, thêm yêu mến tác phẩm của anh.
Mùa thu này, trong một buổi sáng trời thanh nắng vàng,
với những cơn gió nhẹ mang khí lạnh từ đỉnh núi Ba Vì tràn xuống lòng thị xã,
tôi đã xong (thực ra là đọc lại) tập truyện “Người bay trong gió xanh” (phát
hành tháng 9/2022), tác phẩm mới nhất của Phạm Duy Nghĩa. Cảm nhận của tôi là
truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa theo thời gian càng tạo được sức hút với độc giả bởi
vẫn trên cái nền thiên nhiên miền núi lung linh, kì vĩ nhưng chất ma mị, huyễn
tưởng, phi lý ngày càng đậm đặc, hơn nữa tác giả lại khéo léo cài cắm những vấn
đề nóng hổi của xã hội đương đại. Vì lẽ đó, nhiều truyện có sức nặng bởi sự
dung chứa tính thời đại và nhân loại.
Đọc đến con chữ cuối cùng của tập truyện “Người bay
trong gió xanh”, tôi chợt nghĩ đến những người leo núi tuyết. Phạm Duy Nghĩa
cũng vậy, anh vẫn đang miệt mài, từng bước leo lên những cái đỉnh mới của thể
loại truyện ngắn. Phía trước thăm thẳm, nhưng phía sau, trên những cái đỉnh
Nghĩa từng chạm đến đã lưu dấu chân anh, được xác lập “made by Phạm Duy Nghĩa”.
Và chắc chắn nó sẽ được lưu rất lâu trong bộ nhớ của bạn đọc.
Nguồn: Văn Nghệ Công An