Toàn cầu hóa ngày nay rơi vào tình trạng không có sự quản trị toàn cầu. Kể từ đầu thế kỷ 21, người Mỹ đã rút khỏi 16 thỏa thuận và hiệp ước lớn về kiểm soát vũ khí, khí hậu, kinh tế thế giới, phá hủy WTO, và bây giờ là Bắc Cực.


SỰ PHÂN CHIA THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO TRONG 20 NĂM TỚI?

(Viện sỹ ALEKSANDR DYNKIN- Chủ tịch Viện kinh tế Thế giới và Quan hệ quốc tế IMEMO-RAS trả lời phỏng vấn của báo “Sự thật Thanh niên” –Nga

@ Alexander Alexandrovich, ông đã cảnh báo rằng cần phải chuyển từ nhận thức theo chiều ngang về vị trí của Nga trên thế giới sang nhận thức theo chiều dọc: không gian chung không phải từ Lisbon đến Vladivostok, mà là từ Murmansk đến Thượng Hải. Và thế lưỡng cực mới giả định rằng mỗi cực không phải là một quốc gia, mà là toàn bộ các nhóm và liên minh. Làm thế nào những cực này có thể được xác định?

DYNKIN: Hoàn toàn đơn giản. Cực đầu tiên đó là Nga và Trung quốc, cũng như một loạt nước rất ủng hộ đường lối chính trị đối lập, phản đối các biện pháp trừng phạt chống lại Nga. Trong số các quốc gia lớn nhất có thể được xếp vào cực này, tôi sẽ kể tới Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Việt Nam. Và ở cực đối lập thứ hai là các nước NATO cộng với Nhật Bản và liên minh chính trị-quân sự mới AUKUS.

@ Không thể có một không gian chung với châu Âu, trước hết bởi lẽ phương Tây được cấu trúc theo hệ thống phân cấp chiều dọc nghiêm ngặt nhất, với Hoa Kỳ là nước đứng đầu. Có thể nào trong cực mới, tất cả các quốc gia sẽ thực sự bình đẳng và tôn trọng chủ quyền và bản sắc của nhau?

DYNKIN: Nga đã từng có ý định rành rõ trở thành một phần của phương Tây, gia nhập các cấu trúc phương Tây, điều này xẩy ra vào những năm 1990, một phần vào đầu những năm 2000. Nhưng với một điều kiện: giữ vững chủ quyền quốc gia trong vấn đề an ninh và quốc phòng. Và hóa ra điều này là một tình thế tiến thoái lưỡng nan bất khả thi: hoặc bạn phải từ bỏ chủ quyền của mình hoặc là không. Giới tinh hoa chính trị của chúng ta không hiểu ngay ra điều này, và khi họ hiểu ra, thì tất nhiên, lựa chọn là: không tham gia. Nếu nói về cực đối lập mới nổi lên, thì sẽ không có một hệ thống phân cấp rõ ràng như vậy, bởi vì nó mâu thuẫn với mong muốn duy trì chủ quyền của các quốc gia này.

Chính vì thế,ở đây, tất nhiên, có thể nói về cơn ác mộng của các nhà hoạch định chiến lược Mỹ - sự răn đe kép của Nga và Trung Quốc. Thậm chí 4-5 năm trước họ đã viết về nó một cách công khai. Ngày nay, chính sách vụng về của Mỹ đã dẫn đến điều này. Cốt lõi của cực đối lập này, tất nhiên, sẽ là Nga và Trung Quốc, nhưng với các mối quan hệ khá nhiều mặt, trong số đó có các vấn đề an ninh, cực này có thêm một nhóm nước khác, bao gồm cả các nước CSTO.

@ Rõ ràng phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ, sẽ cố gắng duy trì vị thế độc tôn của mình trên toàn thế giới bằng mọi cách, kể cả vũ lực. Liệu sức mạnh kinh tế của Trung Quốc và sức mạnh quân sự của Nga có đủ để chống lại một cực khác, nếu xảy ra một cuộc xung đột quân sự công khai?

DYNKIN: Tôi hy vọng rằng sẽ không đẩy tới mức này, bởi vì có hai quốc gia trên thế giới có thể tiêu diệt lẫn nhau trong vòng 20 phút, đó là Nga và Mỹ. Khái niệm răn đe hạt nhân vẫn còn, và hiện tại chưa ai thể hiện ý định phá hủy nó. Nó nằm ở chỗ, mỗi bên đều không có mối kích hoạt để thực hiện đòn đánh hủy diệt đầu tiên, và điều đó trở nên bất khả thi - một cuộc tấn công trả đũa sẽ luôn đáp ứng kịp thời kẻ khơi mào. Với sự tương quan sấp sỉ về vũ khí chiến lược giữa Nga và Hoa Kỳ, cộng với sức mạnh kinh tế của Trung Quốc, điều này là sự cản trở khá đủ.

@ Điều gì sẽ thay thế chủ nghĩa toàn cầu được xây dựng dựa trên sự thống trị bởi các quy tắc của phương Tây?

DYNKIN: Toàn cầu hóa được đo bằng các dòng chẩy của hàng hóa, của vốn liếng, của con người và thông tin. Dòng hàng hóa và vốn sau đại dịch nhìn chung đã trở lại mức trước đại dịch. Dòng người và thông tin vẫn chưa hồi phục. Và đây phần lớn là dấu hiệu cho thấy thể chế quản trị toàn cầu đã bị phá hủy. Có nghĩa là, toàn cầu hóa ngày nay rơi vào tình trạng không có sự quản trị toàn cầu. Kể từ đầu thế kỷ 21, người Mỹ đã rút khỏi 16 thỏa thuận và hiệp ước lớn về kiểm soát vũ khí, khí hậu, kinh tế thế giới, phá hủy WTO, và bây giờ là Bắc Cực. Họ nghĩ rằng họ là kẻ mạnh nhất và, theo Darwin, họ sẽ là người chiến thắng, chính vì thế họ không cần những thể chế này. Nhưng các vấn đề toàn cầu thực ra vẫn chưa đi đến đâu - đại dịch, khí hậu, khử cacbon, di cư.

Người Trung Quốc nói về điều này rất nhiều, chính vì thế các cực đối lập phương Tây sẽ hình thành các công cụ quản trị toàn cầu của riêng mình, bao gồm SCO, BRICS, EurAsEC và tất cả các thể chế mới khác. Một số lượng lớn các quốc gia mong muốn tham gia BRICS và SCO, do đó sẽ tạo ra tính hai mặt của các công cụ quản trị toàn cầu.

@ Thế còn các tổ chức quốc tế hiện có, chẳng hạn như Liên hợp quốc,theo như tôi thấy, thường đóng vai trò chủ yếu vì lợi ích của phương Tây?

DYNKIN: Theo tôi, một tổ chức như LHQ nên được bảo tồn. Trong một bài diễn văn đọc gần đây, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga, ông Sergei Lavrov, đã nói về sự cần thiết phải mở rộng tư cách thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nhưng với sự dè dặt ông đi tới kết luận thành viên như Đức và Nhật Bản, vốn sẽ không mang lại bất kỳ giá trị gia tăng nào cho Hội đồng Bảo an, vì khác với Ấn Độ và Brazil, không thể nói họ có chủ quyền đầy đủ.

@ Trung Quốc và Nga là hạt nhân của cực mới. Vậy có thể nói cụ thể gì về vai trò chơi xây dựng một trật tự thế giới mới của Ấn Độ, các nước Trung Đông , Thổ Nhĩ kỳ.Liệu họ sẽ có thể tham gia vào công việc này?

DYNKIN: Về các nhà lãnh đạo của các quốc gia này, các chuyên gia thường thích sử dụng kèm theo hai tiếng "đa cực". Theo tôi, đằng sau cách hai tiếng ấy ẩn chứa quan điểm trung lập với việc thiện cảm giành nhiều cho cực này hay cực kia, tùy thuộc vào lợi ích dân tộc hiện tại của họ. Tôi nghĩ rằng tình trạng này sẽ còn tiếp tục trong một khoảng thời gian nữa. Sau đó, sẽ bắt đầu diễn ra một số chia rẽ sâu sắc hơn,điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào lập trường của Hoa Kỳ: nếu Mỹ tăng áp lực lên các quốc gia trung lập, nói một cách tương đối, thì tất nhiên, ưu tiên chủ quyền sẽ phải đắt giá hơn, nếu không họ sẽ xích lại gần Nga và Trung Quốc.

@ Tức là cái lợi “ngồi hai ghế” sớm muộn gì cũng sẽ mất, và diễn biến sự việc sẽ buộc họ phải nghiêng về một bên?

DYNKIN: Nói chung là thế. Nhưng không thể rút ra những điểm tương đồng giữa cuôc Chiến tranh Lạnh hiện tại và cuộc Chiến tranh Lạnh của nửa sau thế kỷ 20. Theo quan điểm của tôi, cuộc chiến tranh lạnh đang diễn ra sẽ không đối xứng. Cần phải thấy và hiểu rõ điều này, bởi trong Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, quan hệ kinh tế giữa Liên Xô và Mỹ trên thực tế không tồn tại, Trung Quốc vẫn là một nước kém phát triển. Ngày nay bức tranh đã khác. Đúng vậy, Mỹ đã rời khỏi 10 đối tác thương mại hàng đầu của Nga, nhưng Trung Quốc vẫn có sự phụ thuộc lẫn nhau rất mạnh mẽ với Mỹ và châu Âu.

Chỉ cần nói rằng tổng cán cân thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ với châu Âu là một nghìn tỷ rưỡi đô la. Người Trung Quốc đang giảm quy mô nắm giữ trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ, nhưng họ đang làm điều đó một cách suôn sẻ. Nếu gần đây chúng là 1,2 nghìn tỷ đô la, thì theo dữ liệu một tháng trước, chúng đã trở thành 925 tỷ đô la. Ngưỡng tâm lý của một nghìn tỷ đã được giảm xuống, nhưng việc Trung Quốc ngay lập tức rút khỏi tài sản của Mỹ sẽ gây ra sự bất ổn trong hệ thống tài chính của cả Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Đối với việc trao đổi thương mại cũng vậy. Vì thế, sẽ có bất đối xứng. Trung Quốc rõ ràng buộc phải đối đầu về công nghệ với Hoa Kỳ, nước này đang tăng cường đối đầu về ý thức hệ với Mỹ, đặc biệt là sau Đại hội lần thứ 20 của ĐCSTQ, nhưng đây sẽ không phải là sự lặp lại một cách mù quáng của Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, khi có hai cuộc chiến rõ ràng. Cấu hình sẽ phức tạp hơn.

@ Và xét về thời gian thì đó là một thời kỳ đủ dài?

DYNKIN: Tôi nghĩ cũng phải 10-20 năm nữa. Quá trình liên kết SCO, BRICS đó sẽ là những một cuộc thương thảo lâu dài, mỗi người đều có lợi ích của mình, đây là một công việc rất khó mà nền tảng ngoại giao của chúng ta phải làm bằng chính nội lực của mình.

@ Tại đại hội “Biên giới của Nhà nước Liên minh” mới diễn ra ở Kaliningrad vừa qua, ông có đề nghị thành lập diễn đàn “Nền tảng Baltic”, lấy Diễn đàn Kinh tế St.Petersburg làm khuôn mẫu. Tại sao cần phải có một quảng trường mới và nó sẽ cho phép chúng ta giải quyết những nhiệm vụ nào?

DYNKIN: Giờ đây, các nước vùng Baltic đang cư xử ngang ngược nhất với Nga. Phần Lan, vốn giữ thái độ trung lập trong một thời gian dài, đã quyết định gia nhập NATO, giống như Thụy Điển. Những cái đầu nóng nhất ở các nước Baltic đang bắt đầu tuyên bố rằng biển Baltic là biển của NATO. Điều này cần phải được chống lại. Chúng ta có lợi ích lớn ở Baltic, trước hết là ở Kaliningrad, và các cảng biển ở Ust-Luga và St. Petersburg. Cần phải tạo ra một đường lối thể hiện rằng Nga vẫn có lợi ích trong khu vực này và đường lối ấy sẽ trở thành công cụ “quyền lực mềm” của chúng ta.

Vậy trước hết, cần phải chọn lấy các chủ đề mà tất cả các nước vùng Baltic cùng quan tâm, chẳng hạn như sinh thái học. Hoặc hãy nhớ lại,đã có rất nhiều lời đồn đại rằng dưới đáy biển Baltic có cả một kho đạn dược bị Đức bỏ lại trong cuộc rút lui hồi chiến tranh. Bây giờ không ai nói chuyện ấy, mọi người đã quên. Cần phải nêu ra những chủ đề như vậy, chúng có thể gây nên phản ứng xã hội mạnh mẽ. Những người có suy nghĩ thực tế ở các nước vùng Baltic trước tiên có thể trực tuyến tham gia thảo luận về những vấn đề này và sau đó đến trang diễn đàn này ở Kaliningrad.

@ Có nghĩa là, cần thiết phải chống lại những âm mưu của các quốc gia vùng Baltic nhằm đóng sập lại cánh cửa sổ nhìn sang châu Âu mà Peter Đại đế I đã mở ra cho chúng ta?

DYNKIN: Tất nhiên rồi. Nói chung ra, người phương Tây đang dự định thiết lập một hàng rào bảo vệ chống lại Nga ở đó, điều này là không thể chấp nhận được.

TÔ HOÀNG chuyển ngữ