Có thể người đọc diễn văn cũng thấy mình đọc nhiều sáo
ngữ nhưng vẫn chọn cách đọc vì lo nói hớ. Nhiều người ngoài đời rất sắc sảo, lợi
khẩu, nhưng khi trả lời trên truyền hình vẫn cần một màn hình nhắc chữ. Thế là
mắt chăm chăm vào chữ, miệng đọc như người máy.
VĂN MẪU VÀ KARAOKE
TẢ TỪ
Thời 4.0 thôi thúc các phụ huynh nô nức tìm lớp học kỹ
năng hùng biện cho con. Nếu như các lớp kỹ năng thông thường có học phí
khoảng 300.000 đồng một buổi thì học hùng biện thường cao hơn. Có những khóa đặc
biệt cần trả khoảng một triệu đồng một buổi. Xem ra các phụ huynh nhận thức sâu
sắc rằng, không nói giỏi thì đời con mình sẽ thất bại.
Trương Nghi là nhà du thuyết nổi tiếng, có lần bị vu
oan trộm ngọc, phải lĩnh hình phạt trăm roi. Vợ ông than rằng, đấy nếu không biết
hùng biện thì đâu có cái nhục này. Trương Nghi há miệng hỏi: Lưỡi ta còn không?
Vợ bảo: Còn nguyên. Trương bảo: Còn lưỡi là còn làm nên cơ nghiệp. Quả nhiên,
chỉ với cái lưỡi của mình, Trương Nghi giúp nhà Tần xưng bá thiên hạ.
Ngày nay, các du thuyết gia thành công thường gọi là
nhà ngoại giao, doanh nhân… còn những anh thất bại sẽ gọi là hạng trảm phong
(chém gió).
Tác giả cuốn “Homo Sapiens” cho rằng loài người tiến
hóa được là nhờ năng lực tưởng tượng. Thí dụ, tưởng tượng ra tiền, công
việc, mô hình trị quốc, tôn giáo. Phương tiện chuyển tải tưởng tượng chính là
ngôn ngữ. Người tưởng tượng kém chỉ có thể quy tụ được vài người hoặc vài chục
người đi theo. Người tưởng tượng có tầm thì tập hợp hàng vạn, triệu người không
mấy khó khăn. Kỹ năng nói chính là kỹ năng hàng đầu của việc thu phục nhân tâm,
thống nhất ý chí. Những nền văn minh và những đế chế vĩ đại được sinh ra đều nhờ
tưởng tượng cả.
Trở lại các cuộc thi hùng biện thì thấy các hùng biện
gia trẻ thường thuộc làu văn bản rồi ra sức cao giọng phát thanh, trong khi
không thực sự hiểu nội dung.
Hùng biện không chỉ nói một chiều mà có thể tranh biện
đa chiều. Diễn thuyết giỏi là giải quyết được các câu hỏi đa chiều, thỏa mãn
người nghe và khiến người nghe hành động. Chỉ khi người nói có tâm, hiểu vấn đề
như gan ruột thì câu chữ mới có thái độ và sự hấp dẫn sẽ xuất hiện, khiến
người nghe "uống" từng lời.
Những người hát karaoke luôn dán mắt vào màn hình, vì
nếu không có chữ thì họ không thể hát nổi.
Một nhà tu hành vui tính nói rằng người tụng kinh mà
không hiểu nội dung thì chẳng khác nào hát karaoke. Bệnh này cũng phổ biến
trong giới ca sĩ. Không ít ca sĩ chỉ dùng thanh đới và khẩu hình của mình như một
cái loa. Câu hát chỉ thấy chữ và nốt nhạc mỹ miều chứ không thấy đời sống có
cung bậc của trái tim. “Bệnh karaoke" và văn mẫu có thể chỉ là một. Khá
nhiều cuộc họp mà mọi phát biểu vẫn lặp đi lặp lại những khuôn sáo ngôn ngữ,
còn người nghe chỉ chờ ngắt đoạn để vỗ tay. Công thức rất rõ, quá khứ thì
oanh liệt, hiện tại thì vẻ vang, tương lai thì rực rỡ. Chỉ cần điền vào chỗ trống
tên đơn vị là hoàn tất.
Có thể người đọc diễn văn cũng thấy mình đọc nhiều sáo
ngữ nhưng vẫn chọn cách đọc vì lo nói hớ. Nhiều người ngoài đời rất sắc sảo, lợi
khẩu, nhưng khi trả lời trên truyền hình vẫn cần một màn hình nhắc chữ. Thế là
mắt chăm chăm vào chữ, miệng đọc như người máy.
Trước đây, để thảo diễn văn, rất cần một thư ký thạo
việc; nhưng thời 4.0 thì không cần. Chỉ cần vào Google, có thể tìm thấy hàng chục
đầu sách văn mẫu diễn văn, hội nghị do các nhà xuất bản quen thuộc chịu trách
nhiệm.
Nếu lười mua sách thì cũng có thể tải xuống vô số văn
mẫu bản mềm. Văn mẫu “bày binh bố trận" các sáo ngữ và để dấu ba chấm cho
đơn vị điền thông tin vào. Những ngôn ngữ sáng choang quen thuộc được tập hợp đều
có mặt. Nếu bí từ vựng thì ứng dụng cẩm nang văn vần:
“Tăng cường, đẩy mạnh nâng cao/ Phát huy, đột
phá, phần nào, nói chung/ Quyết liệt, vượt bậc, vô cùng/ Nồng nhiệt, thay mặt,
không ngừng, đi sâu/ Muốn xem văn mẫu ra sao/ Được phép, nhấn mạnh, dẫn đầu,
vươn lên…".
Văn dạng này khiến người nghe ngủ gật. Thỉnh thoảng ai
đó phát biểu không cầm giấy thì hội trường như bừng tỉnh.
Tại láng giềng Trung Quốc, khoảng chục năm nay, việc
chống “nói rông nói dài, nói giả" đã là tâm điểm của dư luận. Họ yêu cầu
quan chức nói "ngắn gọn, thực tế, mới mẻ".
Đôi khi nghe trên VTV1 có ai đó nói rất gọn và hay,
nhìn xem thì đó là một bác nông dân kể về công việc của mình. Đời sống có đủ vẻ
đẹp riêng, không cần ai vẽ vời gì thêm. Chớ lo người nghe không nhận ra vẻ đẹp ấy.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo khẳng định,
"Cần loại bỏ xúc động theo mẫu, tưởng tượng theo khuôn và tình cảm theo
quy định. Làm được như thế mới giải phóng được con người".
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói rằng, "Cầm giấy
đọc ê a, tôi nghĩ rằng người dân sẽ chán và rất nhàm. Chính chúng tôi khi nghe
những bài đọc đến lúc chủ tọa đã nói là ngắt đi rồi nhưng vẫn tiếp tục đọc tiếp
cũng thấy buồn ngủ".
Ông Vân nói, "Chúng ta gọi là thảo luận, nhưng mà
đến lúc vào thảo luận thì mỗi người lấy tờ giấy đọc một hướng khác nhau… Ở nghị
trường chỉ có tranh luận để sáng tỏ các quyết định lập pháp, nhưng phiên thảo
luận, nhất là kinh tế - xã hội thì mỗi người đi một hướng".
Nếu các tư lệnh ngành hiểu tường tận, theo dõi công việc
của mình thì đâu phải cầm bất kỳ tờ giấy nào. Hy vọng, "bệnh karaoke"
trong phát biểu sẽ ngày càng thuyên giảm, để lời nói có thể chạm được vào trái
tim người nghe.
Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng