Sự gượng ép, thiếu tự nhiên, thiếu kiến thức, thiếu trải nghiệm, không chỉ thể hiện trong một ca khúc cụ thể nào, cũng không chỉ ở trên truyền hình.


VẮNG BÓNG TƯ DUY

HỒ ANH THÁI

Tình cờ thấy trên mạng có đoạn trích từ một chương trình trò chơi của truyền hình. Người dẫn chương trình đưa ra câu đố: Trong bài hát Hà Nội mười hai mùa hoa của nhạc sĩ Giáng Son, hoa xoan nở vào tháng mấy?

Có người trả lời là tháng ba. Người thì nói mùa xuân.

Câu trả lời như vậy là đúng, hoa xoan nở vào mùa xuân.

Nhưng người dẫn chương trình khẳng định: Sai. Không chính xác.

Vừa lúc có người thuộc lời bài hát kia, bèn hát lên: Trở về tuổi thơ hoa xoan tháng tám.

Đáp án: Chính xác.

***

Nhưng đáp án “chính xác” của người dẫn lại là không chính xác. Không đúng. Hoàn toàn không.

Tháng tám nắng rám trái bưởi. Nếu hoa xoan mà trụ được từ tháng ba đến lúc ấy thì tàn héo khô quắt.

Nhạc sĩ không có kiến thức dân gian. Nhạc sĩ cũng không thuộc thơ đấy thôi:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy (Mưa xuân, Nguyễn Bính) Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời (Chiều xuân, Anh Thơ)

Cũng không cần thơ phú cho xa xôi, nhạc sĩ cũng chưa nghe bài hát Hoa xoan đêm hội của đồng nghiệp Đặng Nguyễn:

Đêm trong khuôn viên chùa im tiếng chuông Em đi lang thang chỉ nghe lạnh về Một nhành hoa xoan bỗng rơi Chợt nghe đông vỡ làm xuân vội tàn…

Cái bịa của các nghệ sĩ, rất nhiều khi bay bổng đáng yêu. Nhưng cái bịa trong bài Hà Nội mười hai mùa hoa thật gượng ép khiên cưỡng.

Không ai dựa vào tác phẩm nghệ thuật để thu nhận kiến thức. Nhưng kiến thức sai trong tác phẩm nghệ thuật cho người ta biết trình độ và độ trải nghiệm của tác giả. Càng đáng ngại khi cái sai trong tác phẩm lại cứ véo von lên nịnh tai một bộ phận công chúng.

Tin rằng từ một trường hợp như thế này, người đọc có thể nối dài danh sách những câu những bài những công trình nghệ thuật đầy rẫy cái sai, không chỉ làm khó chịu mà còn tức cười.

Nói thế này, thế nào cũng có người chống chế: Hoa xoan trong bài là dâu da xoan. Nghe nói nhạc sĩ, rồi một ca sĩ nào đó, đã tự sửa lời, “hoa xoan” thành “dâu da xoan”. Đấy cũng chỉ là một cách vụng chèo mà không khéo chống. Dù sao thì bài gốc đã lan truyền rồi.

Dù biện hộ thế nào đi nữa thì hoa xoan mùa xuân mới là hình ảnh thi vị của thơ ca nhạc họa. Dù xoan hay dâu da xoan thì tháng tám cũng ra quả hoặc quả đã khô. Chỉ còn lại sự sáo rỗng viển vông trong bài ca.

***

Nhân cái chuyện đố vui có thưởng này, lại nhớ một câu đố vui đã thành kinh điển. Nó bắt đầu từ một câu chuyện. Một ông tướng cầm quân ra trận và chiến thắng trở về. Nhà vua ban thưởng và trong lời khen ngợi có kèm theo một ý: Nhà ngươi đã mất một cánh tay trong chiến trận, khá khen, nhưng nếu ngươi mất cả hai cánh tay thì ta còn ban thưởng nhiều gấp bội. Nghe vua nói đến đó, viên tướng bèn rút phắt kiếm ra, chém đứt nốt cánh tay còn lại của mình. Câu đố đưa ra là: Vậy sau đó nhà vua có thưởng thêm cho viên tướng hay không?

Người trả lời rằng có, lập luận: Vua sẽ thưởng, bởi đã hứa, và bởi viên tướng đã chứng tỏ thêm lòng dũng cảm, bởi sự hy sinh gấp đôi.

Người bảo rằng không, lập luận: Vua chỉ thưởng cho cánh tay bị mất vì chiến đấu chứ không phải tự gây thương tích như vậy.

Câu hỏi này gây ra tranh luận sôi nổi. Cho đến khi một tiếng nói cất lên.

Đó là câu hỏi ngược trở lại người hỏi: Nhưng viên tướng phải dùng đến cánh tay nào để chặt nốt cánh tay còn lại của mình?

Thì ra câu hỏi không phải để đòi hỏi kiến thức và trải nghiệm, mà là đòi hỏi sự sáng suốt và tinh nhạy.

***

Trở lại với câu hỏi của người dẫn chương trình trên truyền hình về hoa xoan. Không đặt câu hỏi đúng, tức là hoa xoan nở vào tháng mấy, mà lại đặt câu hỏi rằng hoa xoan nở vào tháng mấy trong bài hát nọ. Người đặt câu hỏi tất nhiên cũng không có kiến thức về hoa xoan. Người trả lời tất nhiên nhắc lại thêm một lần nữa cái sai truyền đạt trong bài hát. Cái sai được nhân lên.

Không có một người nào trong cả đám đông ở trường quay đặt lại câu hỏi phản biện theo kiểu tháng tám ở Hà Nội có còn hoa xoan không.

Lý do cũng đơn giản: đám đông có mặt ở trường quay, và nhiều người xem truyền hình, đã bị dẫn dụ theo kịch bản. Kiểu kịch bản ấy cũng đôi lúc dành phần cho ngẫu hứng, nhưng rốt cuộc bao giờ cũng phải bám sát định hướng. Cả một đám đông công chúng bị thôi miên tập thể, bị tước đoạt hoàn toàn khả năng tư duy. Trong khi bị thao túng, bị dẫn đi trong cái mê cung hội chứng tập thể, không ai có thể bừng thức mà đặt câu hỏi phản biện. Trong trường hợp này là phản biện câu hát, rằng tháng tám không có hoa xoan. Rằng nhạc sĩ đã sa vào sự tối kỵ của nghệ thuật: chỉ vì sự tiện lợi cho mình mà viết những lời gượng ép.

Đấy là một trong nhiều lý do khiến các nhà giáo dục châu Âu và Mỹ khuyến nghị các bậc phụ huynh hạn chế cho con em ôm lấy cái tivi. Nơi ấy người ta dễ bị thôi miên tập thể, đánh mất khả năng tư duy và trí tưởng tượng.

Cũng cần nhắc lại: sự gượng ép, thiếu tự nhiên, thiếu kiến thức, thiếu trải nghiệm, không chỉ thể hiện trong một ca khúc cụ thể nào, cũng không chỉ ở trên truyền hình.