Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sau một năm đi xa, đã được đồng nghiệp và bạn bè nhắc nhớ qua buổi tọa đàm tưởng niệm do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức sáng 4/1.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm sinh ngày 16/2/1940 tại Ninh Hiệp,
Gia Lâm, Hà Nội và mất ngày 14/1/2022 tại TP.HCM. Cuộc đời 82 năm của nhà thơ
Nguyễn Vũ Tiềm luôn tận tụy với thi ca và kiên trì với cái đẹp. Những tập thơ
tiêu biểu của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm có thể đến “Thương nhớ tài hoa”, “Người thám
hiểm thời gian”, “Hoài nghi và tin cậy”, “Văn đàn bi tráng”, “Minh triết đất đai”,
“Sương Hồ Tây mây Tháp Bút”, “Phản biện đường chân trời”...
Ghi nhận những đóng góp bền bỉ trên con đường sáng tạo,
Hội Nhà văn TP.HCM đã trao tặng giải thưởng “Cống hiến” năm 2022 cho nhà thơ
Nguyễn Vũ Tiềm. Đồng thời, buổi Tọa đàm tưởng nhớ nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm cũng được
diễn ra sáng 4/1, do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức.
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm luôn được đồng nghiệp và công
chúng gắn với hai chữ “tài hoa”. Bởi lẽ, ông không chỉ sáng lập tạp chí Tài Hoa
Trẻ mà còn có tập thơ “Thương nhớ tài hoa” và biên soạn “Nghìn câu thơ tài hoa
Việt Nam”. Sinh thời, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm thổ lộ: “Tôi đã dành nhiều năm
tháng chiêm ngưỡng các tài hoa văn chương để viết cuốn “Thương nhớ tài hoa”. Tiếp
xúc với 50 tài hoa văn chương đã khuất, tôi được các vị dạy bảo cho nhiều điều.
Bài học vỡ lòng mà tôi nhận được: Sự đóng góp có ý nghĩa nhất của nhà văn với
cuộc đời là tác phẩm, mọi chuyện khác đều phải xếp ở lại phía sau”.
Xuất thân một nhà giáo tại Hà Nội, nhà thơ Nguyễn Vũ
Tiềm chuyển công tác vào Sở Giáo dục Đào tạo TP.HCM cuối năm 1975 rồi quay sang
làm báo. Và ông thực sự có được sự nghiệp văn chương ở phương Nam. Nhà văn Hoàng
Minh Tường đánh giá: “Nguyễn Vũ Tiềm luôn hát lên những câu thơ tài hoa, những
kiếp người tài hoa. Và chính ông, một nhà giáo, một đệ tử đích thực của thi ca,
từ âm thầm khát khao mê đắm khổ luyện với văn chương, đã chạm tới tài hoa”.
Còn nhà thơ Hoàng Hưng cho rằng: “Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm
thong dong trên đường đời và đường văn. Ông tử tế với mọi người và cư xử chừng mực trong mọi quan hệ. Ông
không sốt ruột danh vọng, mà chỉ lặng lẽ viết để đi đến cái đích theo cách riêng
ông. Càng về cuối đời, thơ Nguyễn Vũ Tiềm càng hay”.
Không chỉ làm thơ, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm còn viết phê
bình với hai tập “Đi tìm mật mã thơ” và “Tiếp cận mật mã thơ”. Ngoài ra, nhà thơ
Nguyễn Vũ Tiềm có các tiểu thuyết “Người trong cõi tâm linh”, “Bắc cung hoàng hậu”,
“Người tài hoa khờ dại”, “Bùi Giáng thiên tài tự hủy”...
Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm quan niệm: “Lao động sáng tạo của
nhà văn luôn hướng tới Chân Thiện Mỹ. Ngỡ như trong tầm tay mà mỗi khi đến gần,
đích ấy lại lùi xa. Thách đố hấp dẫn và khắc nghiệt này cuốn hút mọi thế hệ nhà
văn, khiến mỗi người phải tìm cho mình con đường riêng để tiếp cận giá trị muôn
đời không cũ ấy”. Trên thực tế, nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đã nhẫn nại dùng cái
Chân của mình để miệt mài cùng cái Thiện người khác đi đến cái Mỹ.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khẳng định:
“Nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm để lại cho chúng ta hơn 20 tác phẩm đã xuất bản và một
số di cảo chờ xuất bản, bao gồm nhiều thể loại khác nhau. Ở mỗi tác phẩm của
ông, không chấp nhận bất kỳ sự dễ dãi và sự đãi bôi nào. Ông cồn cào và day dứt:
“Trên mưa, còn có nắng/ Dưới sóng, biển bình yên/ Đá lạnh còn giữ lửa/ Tình
phai còn căn duyên?”. Cho nên, sau một năm nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm đi xa, chúng
ta thấy ông vẫn như còn đâu đây. Và có lẽ, nhiều năm sau nữa, chúng ta sẽ thấy
ông vẫn còn đâu đây. Chúng ta sẽ còn đọc lại ông theo nhiều chiều kích mới, như
cách ông lấy một đời tài hoa để thương nhớ tài hoa: “Bạn ở xa, nơi đài vừa báo
bão/ Ly rót rồi, chưa thể đặt lên môi/ Ly lật sẵn, chờ tay ai gõ cửa/ Ly úp đây
- người đã cỏ xanh rồi”.
NNVN