Để tin tưởng và hướng đạo thanh
niên, bà Ngô Thị Minh, thứ trưởng Bộ GD & ĐT đề xuất nên dùng dòng khẩu hiệu
“tin giao tạo cổ”.
NÓI NHANH VỀ HIỆN TƯỢNG NÓI TẮT NGÂY NGÔ
ĐẶNG HUY GIANG
Thời Hà Nội mới tiếp quản, ở phố
Tràng Tiền có một nơi chuyên giết bò, dê, gà để cung cấp thực phẩm cho thủ đô. Dân
gian ghép mấy từ bò, dê, gà lại thành bô-đê-ga. Rồi địa điểm này gọi mãi thành
quen, tự dưng thành “cửa hàng Bô-đê-ga” lúc nào không hay, nghe rất Pháp. Cái
tên này còn tồn tại mãi đến bây giờ và trở thành một thương hiệu hẳn hoi.
Thời bao cấp, mọi thứ gần như đều
được bán phân phối qua một hệ thống nhằng nhịt sổ và tem phiếu. Nào là sổ gạo,
sổ mua hàng. Nào là tem gạo, tem mua hàng. Nào là phiếu vải, phiếu đường, phiếu
thịt...Trong “lĩnh vực” phiếu thịt có phiếu thịt bán cho cán bộ, phiếu thịt bán
cho nhân dân, phiếu thịt bán cho trẻ em...Hồi ấy, không ít cửa hàng bán thực phẩm
treo dòng chữ viết tắt, mới đọc lên đã thấy hãi: “Ở đây bán thịt trẻ em”. Nếu một
người nước ngoài nào đó biết tiếng Việt, đọc lên, chắc càng hãi hơn.
Ở Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng
hợp Hà Nội từng có một Tổ mang tên “cổ-cận-dân”, ghép từ “văn học cổ đại”, “văn
học cận đại”, “văn học dân gian”. Không hiểu sao, hồi là sinh viên của trường
này, mỗi khi đọc “cổ cận dân”, tôi cứ nghĩ đến... cổ cánh gà.
Năm 1982, trước khi tốt nghiệp đại
học. Sinh viên K23 phải trải qua một
khoa huấn luyện sĩ quan dự bị. Sinh viên khoa Ngữ văn chúng tôi được đào tạo
nhanh ở ngành “phòng hoá”. Nói đầy đủ là “phòng chống chất độc hoá học”. Không
chỉ nói tắt về “phòng hoá”, mà người ta còn nói tắt về một số phương tiện
“phòng hoá” nữa. Ví dụ: “Máy trinh độc 1 lỗ”, “máy trinh độc 2 lỗ”. Nói đầy đủ
là “máy trinh sát chất độc 1 lỗ”(loại chỉ có một lỗ), “máy trinh sát chất độc 2
lỗ”(loại có hai lỗ). “Trinh độc 1 lỗ”, mới nghe đã thấy...tức cười.
Thời manh nha mở cửa, chuyển sang
cơ chế thị trường, không ít cơ quan thích nói tắt và ưa dùng MEX (xuất nhập khẩu)
ở phần đuôi. Nào là UNIMEX, HOAKIMEX...Riêng HOKIMEX là tên viết tắt theo lối
Tây của Công ty xuất nhập khẩu quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nghe vậy, nhà thơ Yên
Thao - tác giả bài thơ “Nhà tôi” nổi tiếng
thời chống Pháp, đã được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc thành ca khúc “Chuyện giàn
thiên lý”, lúc ấy là Trưởng ban Bạn đọc Báo Hà Nội mới, hài hước bảo: Cứ đà này
thì nên viết tắt Bách hoá tổng hợp thành Ba hoa tô hô, cho tiện!
Mới đây thôi, ngày 10 tháng 1 năm
2023, nhiều báo đưa tin: Để tin tưởng và hướng đạo thanh niên, bà Ngô Thị Minh,
thứ trưởng Bộ GD & ĐT đề xuất nên dùng dòng khẩu hiệu “tin giao tạo cổ”.
Tôi phải đọc dòng giải thích: “Tin” là
tin thanh niên, “giao” là giao nhiệm vụ cho thanh niên, “tạo” là tạo điều kiện
cho thanh niên, còn “cổ” là cổ vũ cho thanh niên phát triển, mới hiểu. Đọc “tin
giao tạo cổ”, tôi thấy sợ cho lối nói tắt rối rắm, bất cập và không giống ai của
bà thứ trưởng.
Ấy vậy mà không hiểu sao, trước đó đã rất lâu
(2004, cách nay đã gần hai thập kỷ), đã có một nhà thơ làm thơ về sự này (xin
phép không được nêu tên tập thơ và tên tác giả). Bằng chứng là trong một tập
thơ mới xuất bản vào quý 4 năm 2022 qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã có bài thơ
(nguyên văn):
TIN GIAO TẠO CỔ
Kính tặng đoàn cơ sở cơ quan
Tin sức thanh niên đầy nghị lực
Giao việc làm quen khẳng định mình
Tạo nhiều thuận lợi, chăm vun đắp
Cổ vũ thành công – lửa nhiệt tình.
26 - 3 - 2004
Viết đến đây, tôi lại nhớ mấy lời ca từ
ngây ngô trong một bài hát mà tôi không còn nhớ tên nhạc sĩ từ thời xa lắm:
Sáng hôm nay
Anh tôi vác cuốc
Vác cuốc ra
nông trường
Anh cuốc như
thế này
Như thế này là
như thế kia...
Sáng hôm nay
Anh tôi vác
búa
Vác búa ra
công trường
Anh búa như thế
này
Như thế này là
như thế kia...