Thành ngữ Hán Việt “vô tửu bất thành lễ” (không có rượu không
thành lễ) xuất hiện trong văn hóa Đại Việt có lẽ từ thời Nho giáo đã hưng thịnh.
RƯỢU – SỨ GIẢ KẾT NỐI
NGUYỄN THANH
Hiểu theo lối chiết tự chữ Hán thì chữ “tửu” là chữ hội
ý kiêm hình thanh gồm bộ “thủy” nghĩa là nước và chữ “dậu” chỉ những gì liên
quan đến rượu. Chữ “dậu” theo nghĩa tượng hình là hình cái bình bên trong chứa
rượu quá nửa. Chữ “dậu” có trong mặt trong chữ “tỉnh” (tỉnh táo) và cả trong chữ
“túy” (say). Nghĩa là rượu có thể làm người tỉnh táo (nếu uống ít) lại có thể
làm người ta say (uống nhiều).
Không hẹn mà gặp, ngạn ngữ phương Tây có câu: “Chén đầu
ta uống rượu, chén hai rượu uống rượu, chén ba rượu uống ta”. Chữ “dậu” có cả
trong chữ “thù” (nâng chén đáp lại lời mời) và chữ “tạc” (nâng chén mời người)...
Các vị tao nhân mặc khách xưa thường mượn rượu để thêm nồng nàn thi hứng, để
giao đãi bạn bè hoặc để giải sầu...
Cụ Nguyễn Trãi có câu: “Nhất hồ bạch tửu tiêu trần lự”
(Một bầu rượu trắng tiêu tan nỗi lo buồn trần tục). Trong các thư tịch cổ thấy
nhiều sách đã nói về rượu. “Lĩnh Nam chích quái” khẳng định từ xa xưa dân ta đã
biết “lấy vỏ cây làm áo, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cá tôm làm mắm,...”. Nhiều
sách viết rượu có trước thời Hùng Vương, được làm từ gạo. Hầu hết các sách đều
thống nhất trong việc sử dụng (mục đích) rượu vào việc tế lễ. Có sách thuật lại
truyện Vua Lý Thái Tổ đi tuần đến nơi thấy cảnh sông núi tươi đẹp, cảm xúc, liền
lấy rượu khấn rằng: “Nơi này cảnh đẹp, nếu có thần linh hạo khí thì xin nhận rượu
của Trẫm”. Quả nhiên đêm ấy vua nằm mộng thấy vị thần xưng vốn là Lý Phục
Man... Như vậy, cha ông ta đã biết chế tác rượu, chủ yếu dùng vào việc tế lễ trời
đất, tổ tiên và các nghi lễ quan trọng khác.
Thành ngữ Hán Việt “vô tửu bất thành lễ” (không có rượu không
thành lễ) xuất hiện trong văn hóa Đại Việt có lẽ từ thời Nho giáo đã hưng thịnh.
Vì nguyên thủy câu này có từ rất lâu bên Trung Hoa cổ đại, trước cả thời Khổng
Tử. Dùng rượu vào việc tế lễ, có thể coi câu của Chu Văn Vương là tiêu biểu:“Tế
tự thì dùng rượu. Trời xuống mệnh cho dân biết nấu rượu chỉ là dùng vào việc tế
tự lớn”.
Có thể xuất phát từ tính chưng cất của rượu chiết xuất
từ gạo kết hợp với thứ men lá đặc biệt, mà gạo ngày xưa rất quý, gọi là “ngọc
thực”, nên dần dần qua tiếp biến văn hóa, rượu được coi là linh hồn của trời đất
vũ trụ, xứng đáng làm sứ giả để “kết nối” các vị thần thánh siêu nhiên với con
người trần tục. Có sách còn chỉ ra rượu có đủ cả Tinh - Khí - Thần, là tinh chất
từ gạo nếp (tinh), hơi rượu tỏa trong không khí (khí), làm cho thần thái vui vẻ
(thần)... Như dòng chảy nhẹ nhàng, sâu lắng, hình tượng rượu ngấm dần vào phong
tục rồi biểu hiện ra những nét văn hóa rất sinh động. Trước hết là để cúng ông
bà tổ tiên: “Rượu ngon chắt để bàn thờ...”. Rượu thể hiện tấm lòng thành trong
sáng, thảo thơm (như rượu) mong muốn tổ tiên thưởng thức thứ lễ vật tinh túy của
trời đất mà phù hộ độ trì cho con cháu.
Rượu không thể thiếu trong chuyện cưới hỏi hôn nhân.
Cùng với cau trầu, rượu là lễ vật bắt buộc. Có bài ca dao: “Anh có thương em
thì lo một buồng cau cho tốt, một hũ rượu cho đầy/ Đặt lên bàn thượng, hạ xuống
bàn xây/ Chàng đứng đó, thiếp đứng đây/ Lẽ mô thầy với mẹ lại không kết nghĩa
sum vầy cho con?”. Trước khi về nhà chồng, người con gái phải mời rượu cha mẹ đẻ:
“Rượu lưu ly chân quỳ tay rót/ Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh”. Ở ngoài đời
không có loại rượu nào tên “lưu ly”, ở đây hiểu là giờ phút thiêng liêng, cha mẹ
uống chén rượu mừng chia tay con thành “gia thất”. Trong lễ hợp cẩn (lễ cuối của
đêm tân hôn) hai vợ chồng uống chung một chén rượu đào và ăn chung một đĩa cơm
nếp. Rượu đào là rượu ngon, màu hồng. Màu hồng là màu của hôn nhân, hạnh phúc.
Ý nghĩa của lễ này cũng dễ hiểu: cầu mong đôi vợ chồng suốt đời hạnh phúc, say
nhau như say rượu và dính nhau như dính... cơm nếp!
Rượu không thể thiếu trong ngày Tết. Là thứ để con người
gần gũi hơn, vui vẻ, phấn chấn nồng nàn hơn. Tận xa xưa đã có tục lấy rượu là
phần thưởng trong các cuộc vui ngày Tết. Theo sách “Tuỳ thư” (trong bộ “Địa lý
chí” của Trung Quốc) thì ngoài dùng rượu vào việc tế lễ tổ tiên, người Việt (thời
Bắc thuộc) còn dùng vào các trò vui “chơi đu, ném còn, hát múa, kéo co. Bên nào
được cuộc thì uống rượu,…”.
Là thứ thiêng liêng, dân dã mà sang trọng, rượu không
thể thiếu với tất cả mọi người, không kể sang hèn. Với bậc quân tử thì phải
sành “Cầm kì thi họa/tửu”, cùng “bầu rượu túi thơ” để “dọc trời đất dọc ngang
ngang dọc” (Nguyễn Công Trứ). Hình tượng “bầu rượu” là có thật, rượu được rót
vào vỏ quả bầu khô nhỏ, rất tiện cho việc đeo/mang trên người. “Túi thơ” cũng
là hình ảnh thật, tức túi đựng ống quyển để chép văn, làm thơ...
Rượu là hình tượng quen thuộc trong thơ Nguyễn Trãi:
“Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén”. Uống rượu cũng là uống trăng. Rồi “Túi thơ
bầu rượu quản xình xoàng/ Khỏe dụng đầm hâm mấy dặm trường”. Nhờ có “túi thơ bầu
rượu” tức nhờ nghệ thuật con người mới thêm ấm áp (đầm hâm), thêm sức lực trên
đường đời xa. Không còn là rượu thông thường mà là một ẩn dụ chỉ nghệ thuật, thứ
nghệ thuật giúp đời, giúp người. Lại có câu thơ đầy ảo mộng: “Nguyệt mãn Bình
Than tửu mãn thuyền” (Trăng chiếu đầy sông Bình Than, rượu chở đầy thuyền).
Sông nước hay sông trăng, thuyền rượu hay thuyền trăng? Một cái đẹp thoát tục!
Vượt qua thơ của người trần để trở thành thơ của người tiên!?
Trong “Truyện Kiều” thì có cả một “thế giới” rượu có
chung đặc điểm là không nhân vật nào “quá chén”, trừ Hồ Tôn Hiến “mặt sắt”. Chỉ
là “chén xuân”, “chén hà”, “chén đồng”, “chén mồi”, “chén mừng”, “chén quan
hà”, “chén quỳnh”, “chén thề”, “chén vàng”, “chén cúc dở say”, “chén đầy”,
“chén vơi”, “chén xuân tàng tàng”... Rượu trong “Truyện Kiều” như chất keo gắn
nối và gắn kết các nhân vật, cũng là một phương tiện để thể hiện con người và
các mối quan hệ của nhân vật.
Vị quan Doanh điền sứ - nhà thơ ngông Nguyễn Công Trứ
say rượu một cách rất “tình”: “Còn trời, còn nước, còn non/ Còn cô bán rượu anh
còn say sưa”. Ở thời hiện đại, nhà thơ Trần Huyền Trân mượn rượu tâm sự với Tản
Đà, gan ruột, khắc khoải, đau mà nồng: “Rồi lên ta uống với nhau/ Rót đau lòng ấy
vào đau lòng này…”.
Như vậy rượu là hình tượng văn hóa tích cực đáng được
nghiên cứu, tìm hiểu.
Nhưng viết nhiều hơn lại là sự phê phán cái sự “say rượu”.
Ca dao châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay: “Ở đời chẳng biết sợ ai/ Sợ thằng say rượu
nói dai tối ngày”. Dân gian răn người ta: “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa/ Sang đâu đến
kẻ say sưa tối ngày”. Trong văn học viết thì thật nhiều với những tấm gương xấu
do say rượu dẫn đến hậu quả khôn lường.
“Đại Việt sử ký toàn thư” chê Hùng Vương say rượu đến
nỗi bị mất nước. Vì “không sửa sang võ bị, chỉ ham ăn uống vui chơi”, khi giặc
kéo đến “hãy còn say mềm chưa tỉnh”. “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”
phê phán Đỗ Thích là kẻ giết vua, lợi dụng “nhà vua đêm ăn yến, say rượu, nằm ở
trong sân cung cấm” mà giết đi. Lời phê phán còn hướng đến cả vua không giữ
nghiêm kỷ cương. Nhiều sách mỉa mai vua Lý Huệ Tông mắc bệnh tật vì do “uống rượu
ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh”. Ở thời Trần, vua Trần Anh Tông từng say rượu
xương bồ nên suýt bị Thượng hoàng truất ngôi. Rồi các vua hám rượu như Dương Nhật
Lễ “rượu chè dâm dật”. Vua Lê Uy Mục bịlên án nặng nhất. Sách “Toàn thư” phê
“Vua nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm,”…
Thời Hồng Đức có tập thơ Nôm “Thập giới cô hồn quốc ngữ
văn” (Mười bài văn răn các cô hồn) phê phán những kẻ ăn chơi (đãng tử) đàng điếm
vô độ: “Ăn cà cuống lầm phải bọ hung/ Uống rượu thiêu lạt bằng nước lã”. Rượu
thiêu là loại rượu ngon, nặng, có thể đốt cháy được, thế mà kẻ “đãng tử” uống
như uống nước lã... Câu đầu là sự mỉa kín đáo: vì say sưa nên dốt nát đến mức
không phân biệt được “cà cuống”, “bọ hung”...
Các tôn giáo lớn thường cấm rượu. Phật giáo cho rằng
rượu là nguyên nhân gây nên nhiều tội lỗi. Ngày hội bóng đá (World Cup) tổ chức
tại Qatar vừa rồi cũng cấm tiệt rượu bia vì đạo Hồi cấm rượu. Nhưng chẳng vì thế
mà thấy sự cuồng nhiệt kém đi so với các kỳ World Cup trước!
Nhưng ngày nay thì ở nước ta đang có tình trạng báo động:
mỗi năm tiêu thụ hàng tỷ lít bia. “Văn hóa rượu bia” đang là một trở lực cho
phát triển!
Rượu là hiện tượng văn hóa nên phải điều chỉnh, tác động
bằng văn hóa. Mà với văn hóa thì giáo dục bằng cách nêu gương là tốt nhất. Người
làm gương trước hết, ở mỗi gia đình là các bậc phụ huynh; ở cơ quan Nhà nước,
doanh nghiệp là vị đứng đầu...
Nguồn: Văn Nghệ Công An