Xuyên suốt không gian và thời gian “Bửu Sơn Kỳ Hương” là truyện kể về gia tộc người Hoa, vốn là người Minh Hương sang nước ta chưa lâu, những người phản Thanh phục Minh, được các chúa Nguyễn cưu mang, cấp đất cho sinh sống và trở thành một bộ phận tích cực trong xã hội Việt Nam. Bửu sơn kỳ hương


KHẮC HỌA MỘT VÙNG VĂN HÓA

(Đọc tiểu thuyết “Bửu Sơn Kỳ Hương” của Lý Lan, nxb Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2022)

NGUYỄN TRƯỜNG

Lâu nay, nhiều người quan niệm, một cuốn tiểu thuyết hay, trước hết phải mới ở thi pháp, nghĩa là nó mang đến cho độc giả cách thể hiện lạ, chí ít cũng đang là model của thời cuộc mà những người viết trẻ đang hăm hở thực hiện. Nhưng ở tiểu thuyết “Bửu sơn kỳ hương” của Lý Lan thì hình như không phải thế, vẫn bút pháp hiện thực nghiêm ngặt, vẫn cách kể truyền thống, thậm chí không có cả không gian hồi tưởng, không gian hiện tại và quá khứ đan xen nhau, chứ chưa nói kiểu viết hậu hiện đại đang được nhiều người nói đến, như: Mãnh vỡ, trò chơi, phi trung tâm, liên văn bản, nhại, mê lộ, nghịch dị, huyền ảo...

Nhưng đọc “Bửu sơn kỳ hương” vẫn hay, hay ở giọng văn, ở nghệ thuật khắc họa nhân vật, ở chi tiết đắt giá, ở vốn sống, vốn văn hóa của tác giả được thể hiện rất linh hoạt, tài tình.

Bố cục cuốn sách theo thời gian tuyến tính, các nhân vật được xếp làm ba nhóm, nhóm thứ nhất và nhóm thứ hai không mâu thuẫn nhau, thậm chí còn bổ sung cho nhau làm nổi bật tính cách nhân vật. Nhóm thứ nhất là ông Phật Ngồi, Bình, Chị Hai, ông bà Tư, Hà Vinh Long... Nhóm thứ hai là những người Minh Hương như gia đình ông Ứng Xương, ông chủ nhà thuốc Phước Xuân Đường, ông Hòa, Tuấn, Vĩnh Xương, Tịnh...

Nhóm thứ ba phản diện là quan lại triều đình bảo thủ, lạc hậu, là quân Pháp xâm lược, là những kẻ làm tay sai cho thực dân Pháp ...

Bối cảnh câu chuyện xảy ra từ cuối thời vua Gia Long, qua thời Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, một thời kỳ đầy giông bão của lịch sử Việt Nam. Câu chuyện xoay quanh nhân vật huyền thoại, ông Phật Ngồi, sau này trở thành giáo chủ của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, có cách tu theo kiểu người Việt, phù hợp với văn hóa người Việt nên cuốn hút được khá nhiều tín đồ.

 Xuyên suốt không gian và thời gian của truyện là kể về gia tộc người Hoa, vốn là người Minh Hương sang nước ta chưa lâu, những người phản Thanh phục Minh, được các chúa Nguyễn cưu mang, cấp đất cho sinh sống và trở thành một bộ phận tích cực trong xã hội Việt Nam. Sự gặp nhau giữa ông Phật Ngồi và gia tộc người hoa của dòng họ Huỳnh cũng đều làm thuốc cứu người. Giữa lúc Nam bộ đang bị dịch bệnh. Phật Ngồi học thuốc nhờ nhiều năm tu trên núi, kể cả học được một số vị thuốc ở Phước Xuân Đường của ông chủ Tế Xương. Dòng họ Huỳnh từ ông nội đã truyền đời cho ông Ứng Xương, ông Tế Xương, đến đời Vĩnh Xương. Dòng họ Huỳnh cũng chịu nhiều mất mát khi thời cuộc đảo điên.

Cụ Thượng, Tổng trấn thành Gia Định qua đời, đến loạn Lê Văn Khôi. Ông Ứng Xương, với vai trò là lương y vào thành trị bệnh cho quân lính đã bị mắc kẹt trong thành, bị quan quân triều đình đánh thành và chết trong đám loạn quân. Gia đình Ứng Xương cũng bị liên lụy theo, phải trốn tránh sự truy lùng của quan quân triều đình. Thậm chí ông Phật Ngồi cũng bị nhốt tù vì nghi là kẻ phản loạn. Mãi đến thời Thiệu Trị, Cụ thượng (Lê Văn Duyệt) được minh oan, thì vụ án Phước Xuân Đường mới được gỡ bỏ.

Trên cái nền cốt truyện đó, Lý Lan đã kể bằng giọng giàu hình ảnh, đưa người đọc khám phá một vùng đất mới khai mở, từ Châu Đốc, sát biên giới với nước láng giềng Chân Lạp xuôi dòng Cửu Long xuống Sa Đéc, Vĩnh Long, sang sông Vàm Cỏ, sông Bến Nghé, sông Đồng Nai với Cù Lao Phố, Biên Hòa, Đề Ngạn... Người ta sống trong không gian sông nước, đi lại chủ yếu bằng thuyền. Ta gặp những con người nghèo khổ, phóng khoáng, với những căn nhà ở hôm trước, hôm sau dời đi, chỉ cần vài cái đạp là dọn xong. Cảnh sông nước cá tôm nhiều đến dùng tay không cũng bắt được, ăn thoải mái. Sống trên cồn vắng mấy mùa mưa nắng mà vẫn kiếm được cái ăn từ thiên nhiên. Hình như con người nơi đây không mấy quan tâm đến cái ăn, cái mặc vì được thiên nhiên ưu đãi.

Thiên nhiên, xã hội đã tạo nên tính cách con người Nam bộ, trọng người nghĩa khí. Người Minh Hương sang ở chung với những người Việt đã cộng sinh, giúp đỡ nhau, gắn bó với nhau. Chính những người Nam bộ đã làm thay đổi cách sống của người Minh Hương, hình như họ cũng chân thành hơn, phóng khoáng hơn. Họ tựa vào nhau bằng đức tin tôn giáo, bằng tình người, bằng lòng nhân hậu. Trong truyện ta gặp các nhân vật như chị Hai, Bình, ông bà Tư... xoay quanh nhân vật ông Phật Ngồi, họ vừa làm nổi bật ông Phật Ngồi, vừa thể hiện chất hồn nhiên của người dân Nam bộ.

Ông Phật Ngồi, nguyên mẫu là Đạo Lành, sau này được gọi là Phật Thầy Tây An do ông Đoàn Minh Huyên sáng lập. Ông có tài trị bệnh cho dân, có người chữa khỏi, có người không. Người không qua khỏi thì cho là mình nặng kiếp, do không có phước. Người trị khỏi thì cho rằng mình được phật trời phù trợ. Tiếng lành đồn xa, người ta tin theo những lời răn dạy của ông.

Bửu Sơn là núi báu, Kỳ Hương là hương thơm lạ. Noi theo giáo lý nhà phật mà tu sửa con người. Nhưng cụ thể hơn, đạo lấy thuyết tứ ân làm gốc như: Ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo và ân đồng bào nhân loại. Đạo của ông tu theo thuyết vô vi, nghĩa là không chú trọng vào hình thức như thờ tượng phật, không cần ly gia cắt ái, không cần ăn chay, cạo râu, cạo tóc, gõ mõ tụng kinh...Ngay cả khi ông Phật ngồi, chị Hai, Bình bị bỏ rơi trên cồn vắng cả năm trời, Bình vẫn thấy ông Phật ngồi tĩnh tọa, bình thản. Bình thản cả khi chị Hai trong đêm vắng “Chị ngắm gương mặt bị râu tóc phủ kín của người đó. Mặc cho gió thổi râu tóc phất phơ, người đó không hề đưa tay lên vuốt hay buộc lại. Trừ món râu tóc kỳ dị, người đó ngồi bất động như một pho tượng Phật. Chị càng tin đó là Phật sống, vì ngay cả khi chị cầm tay người đó đưa lên ngực mình, chị nhận ra đôi mắt người đó sự thương yêu chứ không phải ham muốn. Cả khi chị say men hay say cái quỷ gì hồi khuya, nằm lăn ra gối đầu lên đùi người đó, mà khi thức giấc ngóc đầu lên nhìn, chị thấy đôi mắt của người đó điềm nhiên nhìn con đò đã lui ra khỏi bãi...” (Trang 31).

Sau này, chính ông Phật Ngồi đã cuốn nhân dân kéo về Bảy Núi để lập làng kháng chiến chống lại quân xâm lược Pháp, đúng theo giáo lý của ông “ Ân đất nước”. Nhân vật giáo phái tu theo kiểu riêng chỉ có ở người Nam bộ, lòng thương dân, lòng yêu nước và cuốn hút người dân đi theo cũng đúng theo kiểu Nam bộ.

Nhân vật Chị Hai cũng rất đặc biệt, chị sống tự do, gặp hoàn cảnh éo le bị dạt sang cồn vắng, chính chị là người đảm đang nhất lo cho ông Phật Ngồi và anh chàng Bình hậu đậu. Chị biết bện dây rừng làm võng, cất chòi cho cả ba người ở, đi hái rau tập tàng về cho cả ba người ăn, chị lo cho họ như lo cho người thân của mình một cách vô tư. Rồi chị có bầu với Bình, trong một trận lũ kinh hoàng, chị bị đẻ rớt từ trên ngọn cây. Thai nhi rớt xuống nước còn mang theo nhau và cuống rốn. Không sợ nguy hiểm, chi nhào xuống nước theo con và bị lũ cuốn đi. May nhờ ông bà Tư, đôi vợ chồng già neo đơn đã cứu vớt được mẹ con chị, cưu mang hai mẹ con với tấm lòng nhân hậu.

Còn anh chàng Bình, người làm công cho Phước Xuân Đường, được ông chủ sai đi theo giúp đỡ Phật thầy, tuy hơi hậu đậu nhưng anh tỏ ra là người thật thà, trung thành với chủ. Chính anh sau này đã theo Phật thầy kéo về Bảy Núi cùng nhân dân kháng chiến chống Pháp.

Những nhân vật người Hoa trong truyện được tác giả xây dựng khá thành công. Họ là những người có tầm nhìn xa, có ơn trả ơn bằng việc trung thành với các chúa Nguyễn khi các chúa Nguyễn cho họ vào sinh sống ở đất Nam bộ. Họ giúp đỡ các chúa Nguyễn ngay cả khi chúa Nguyễn bị thất bại, lúc Nguyễn Ánh chỉ còn vài chục người đi theo.

Chính vì sự trung thành đó họ bị Tây Sơn trả thù, truy sát. Nhưng khi Nguyễn Ánh thành công, lên làm vua, họ lại không ra làm quan, chỉ mở nhà thuốc cứu dân, nhất là khi đại dịch kéo đến, họ dám liều mạng ở trong tâm dịch để cứu chữa cho các nạn nhân vô vụ lợi. Qua ngòi bút của Lý Lan, những người Hoa thật độ lượng, thật quảng giao, trọng nghĩa khí. Có ơn trả ơn, có lỗi tìm cách chuộc lỗi. Khi thực dân Pháp cại trị, mặc dù họ biết tiếng Pháp cũng không ra hợp tác với quân xâm lược.

Cũng có người đã theo ông Đạo Ngồi lên núi kháng chiến chống Pháp. Có lẽ Lý Lan sinh ra, lớn lên trong gia tộc người Hoa nên chị rất rành tính cách, văn hóa người Hoa. Những trang viết của chị có tâm thức người Hoa, nó bàng bạc trong những câu chữ không dễ dẫn ra được, nhưng chị đã thành công khi xây dựng những nhân vật này.

Cuối cùng là nhân vật hiện nay vẫn còn tranh cãi là nên tôn vinh hay lên án đó là Phan Thanh Giản, làm quan qua mấy đời vua nhà Nguyễn, cuối cùng là vua Tự Đức. Ông nhiều lần bị giáng chức rồi lại phục chức. Vua giao trọng trách cho ông sang Pháp đàm phán chuộc lại ba tỉnh miền Đông Nam bộ, nhưng cuộc đàm phán thất bại- dĩ nhiên. Vua giao cho ông trấn nhậm vùng biên địa phương Nam khi ông đã bước qua tuổi bảy mươi.

Lúc “Mười mấy tàu Pháp đậu kín mặt nước trước thành Vĩnh Long, cả trăm nòng pháo chĩa vào thành...Pháo của chúng sẽ bắn tan nát thành lũy trong vòng một giờ, sau đó năm ngàn lính tập được huấn luyện kỹ và một ngàn chiến sĩ dũng mãnh Pháp với vũ khí tối tân sẽ đổ bộ và giết bất kỳ kẻ kháng cự nào...Ông Giản đứng như trời trồng. Ông không chỉ nghĩ đến vợ con... ông nghĩ đến hàng ngàn gia đình tỵ địa chưa kịp ở yên, ông nghĩ đến hàng trăm sĩ tử tuổi đôi mươi và tất cả sĩ phu đang tụ tập ở Văn thánh miếu, ông nghĩ đến hàng vạn người đang cấy lúa, đắp bờ, phần lớn là đàn bà trẻ con. Ông chấp nhận giao thành với điều kiện quan Pháp không cho lính tàn sát nhân dân” (trang 327,328). Rồi ông nhận trách nhiệm về mình bằng cách nhịn ăn, qua mười ngày vẫn chưa tới chỗ hoại, ông uống thuốc độc, chết trong đau đớn.

Cái chết của Phan Thanh Giản giống như cái chết của Võ Tánh và Ngô Tòng Chu khi không giữ được thành Bình Định thời chúa Nguyễn Ánh. Trước khi chết, họ cũng yêu cầu quân địch không sát hại nhân dân và những người lính trong thành. Ngày nay nhìn lại, ta nên rộng lượng cho cụ Giản vì vũ khí thời đó của quân ta còn thô sơ, không thể đấu với súng trường, đại bác công phá ghê gớm, có chiến cũng sẽ thất bại, lại làm liên lụy đến hàng ngàn người phải chết thê thảm. Ông nhận trách nhiệm về mình và tuẫn tiết một cách bị hùng.

Tuy vậy cuối cuốn tiểu thuyết tác giả vẫn hé cho người đọc niềm hy vọng, bởi vẫn còn hơn một ngàn người vẫn cầm súng kháng chiến trong núi Cấm, nơi có đại bản doanh của giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương. Nhất là đoạn kết có hậu “Lịch sử chép, Pháp chiếm toàn cõi nước Việt Nam năm 1884 và phải hoàn toàn rút khỏi Việt Nam sau khi đầu hàng ở Điện Biên Phủ năm 1954”.

Lý Lan đa từng dạy học ở Việt Nam, định cư ở Hoa Kỳ, là tác giả của của hơn 30 đầu sách, dịch giả của bộ sách Harry Potter, nghĩa là chị đang sống trong dòng chảy văn học phương Tây, nhưng chị không bắt chước cách viết theo trào lưu phương Tây. Chị chọn cách viết có vẻ truyền thống, nhưng theo tôi, nghệ thuật cao nhất là thể hiện kỹ năng tốt nhất điều mình muốn nói.

Ở “Bửu Sơn Kỳ Hương”, tác giả Lý Lan bằng cách kể điềm tĩnh, với nhiều chi tiết độc đáo, giàu hình ảnh đã khắc họa được không gian một vùng văn hóa đặc sắc đất phương Nam buổi đầu mở cõi của dân tộc ta, đó là thành công đáng ghi nhận.