Hơn lúc nào hết đây chính là thời điểm cần những người
làm lý luận, phê bình cất lên tiếng nói định hướng bằng kiến thức chuyên môn, bằng
trách nhiệm, cái tâm trong sáng, cái tầm của người làm nghề - nói đúng, nói
trúng.
CẦN LẮM SỰ THẬT MẤT LÒNG
MAI AN
Trong lễ trao giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn
Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nội, chuyên ngành lý luận phê bình lại một lần
nữa “trống” giải. Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt
Nam, Trưởng ban Sáng tác, trong bản tổng kết đánh giá đã chỉ rõ, chuyên ngành
lý luận phê bình có 14 tác phẩm tham gia xét giải nhưng không có tác phẩm nào
vượt quá bán số phiếu để đề cử lên Hội đồng chung khảo.
“Về phần mình, mặc dù có quyền đề cử, lựa chọn thêm những
tác phẩm khác để xét nếu thấy cần thiết, nhưng Hội đồng chung khảo nhận thấy sự
lựa chọn, đánh giá của Hội đồng sơ khảo là có cơ sở, đã bao quát đầy đủ, nên
hoàn toàn tôn trọng và đồng thuận với quyết định này. Có nghĩa rằng, việc để trống
hạng mục giải thưởng của chuyên ngành lý luận phê bình là hoàn toàn thỏa đáng,
chính xác…”, nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh.
Việc thiếu vắng những tác phẩm lý luận phê bình không
chỉ là vấn đề của riêng lĩnh vực văn học mà âm nhạc, kiến trúc, hội họa… cũng
lâm vào tình trạng tương tự.
Tại thời điểm này, khi xã hội sôi động với vô vàn những
trào lưu, hiện tượng, khuynh hướng văn học nghệ thuật (VHNT) cũ có, mới có và
có nhiều sản phẩm văn hóa ngoại lai, phản cảm du nhập thì việc định hướng giá
trị, thẩm mỹ, sáng tạo... lại càng trở nên bức thiết. Song, tiếc là phê bình vẫn
đang là tiếng nói yếu ớt, ít ỏi. Các nhà chuyên môn thì e ngại phản biện, vì
không muốn đụng chạm đồng nghiệp, sợ bị cô lập dè chừng…
Và tất nhiên, một trong những áp lực mà người làm phê
bình ngại phải “đối đầu” chính là các “fans cuồng”. Cái sự “cuồng” ấy đôi lúc
còn thái quá đến mức họ đã không tiếc lời mạt sát bất kỳ ai nếu kẻ đó không tôn
vinh, khen ngợi, đắm say “thần tượng” của mình.
Buồn hơn là ngay cả với những người sáng tạo VHNT,
chuyện khen chê vốn là lẽ thông thường, song sự bình tĩnh trước những dư luận
trái chiều bỗng trở nên hiếm hoi. Nhiều người dường như chỉ quen nghe lời đường
mật nên khi có ý kiến phản biện là lập tức “xù lông nhím”, dùng lời lẽ “chua
cay” để mắng mỏ những người chê bai mình.
Chuyện một nghệ sĩ được cho là cũng có vị trí trong
nghề ngay trong những ngày đầu năm mới đã đăng bài bóng gió dạy dỗ, dọa giẫm những
người trót chê chương trình có anh tham gia là cũ, là nhạt… là một ví dụ rất
tươi mới về văn hóa tiếp nhận phê bình.
Lý luận, phê bình là một thành tố hữu cơ trong đời sống
VHNT; có chức năng thẩm định, đánh giá tác phẩm, tác giả, phát hiện các giá trị,
các quy luật, dự báo, phát hiện cái mới; tham gia điều chỉnh, định hướng cho sự
vận động, phát triển của VHNT.
Sự đồng hành và tương hỗ lẫn nhau của lý luận, phê
bình và sáng tạo VHNT không chỉ giúp công chúng hiểu sâu hơn về tác giả, tác phẩm
trong bối cảnh xã hội, tâm lý và tình cảm..., mà còn tạo động lực cho người
sáng tác. Song, nhìn vào đời sống VHNT những năm gần đây dễ dàng nhận thấy sự mờ
nhạt, thậm chí vắng bóng của vai trò phê bình dù rằng đã có một hội đồng Lý luận
phê bình VHNT với cả trăm con người.
Những người có chuyên môn đã không còn dũng khí, lại
thêm sự lãnh cảm và thiếu nhiệt tình trước các vấn đề thời sự, bên cạnh đó, các
cây bút sắc sảo phần lui về nghiên cứu, phần nữa do tuổi tác cũng khiến lý luận
phê bình “lỗi nhịp” so với thực tiễn đời sống VHNT nước nhà.
Cũng bởi thế, nhà thơ Vũ Quần Phương đã nhiều lần sâu
cay chỉ ra rằng việc nhiều nhà phê bình hạ mình xuống, hạ tiêu chí để ca ngợi
những tập thơ nửa vời là một trong những nguyên nhân khiến cho nền văn học bị
méo mó. Song không chỉ với thơ mà giờ đây có thể dễ nhận thấy sách dở, nhạc dở,
tranh, tượng dở… và các công trình kiến trúc dở cũng tràn lan. Công chúng hoang
mang trước nền nghệ thuật “vàng thau” lẫn lộn.
Hơn lúc nào hết đây chính là thời điểm cần những người
làm lý luận, phê bình cất lên tiếng nói định hướng bằng kiến thức chuyên môn, bằng
trách nhiệm, cái tâm trong sáng, cái tầm của người làm nghề - nói đúng, nói trúng.
Dẫu biết “sự thật mất lòng” nhưng dung túng cái xấu, cái dở không chỉ đánh mất
đi lương tâm nghề nghiệp mà còn “góp phần” làm lệch lạc xu hướng cảm thụ nghệ
thuật của thế hệ tương lai.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng