Tiểu thuyết "Pháp sư Kremlin" mà trong đó
tác giả của nó, Giuliano da Empoli lý giải về thế giới quan của Tổng thống Nga
Vladimir Putin, có thể làm thay đổi chính sách đối ngoại của Paris.
Cuốn tiểu thuyết có thể làm thay đổi nước Pháp
HỒNG THANH QUANG
Tiểu thuyết "Pháp sư Kremlin" mà trong đó
tác giả của nó, Giuliano da Empoli lý giải về thế giới quan của Tổng thống Nga
Vladimir Putin, có thể làm thay đổi chính sách đối ngoại của Paris. Trong sách,
hình ảnh của ông chủ điện Kremlin được mô tả một cách có thiện chí và theo ý kiến
của các nhà phê bình, đấy chính là tín hiệu cho thấy những biến đổi trong cách
nhìn từ Paris đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tiểu thuyết đầu tay
Giuliano da Empoli là một người gốc Italy và Thụy Sĩ,
nhưng năm 1973 lại sinh ra tại Neuilly-sur-Seine, khu ngoại ô giàu có nhất và đắt
đỏ nhất của Paris. Ông là một người được đánh giá là điềm tĩnh với giọng nói mềm
mỏng, hiện đang là giảng viên Viện Nghiên cứu chính trị Paris (Đại học Sciences
Po). Ông cũng là chủ tịch sáng lập của Volta, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại
Milan.
Giuliano da Empoli cũng từng là Phó Thị trưởng thành
phố Florence ở Italy và cố vấn của Thủ tướng Italy. Trước khi xuất bản sách
"Pháp sư Kremlin", ông đã công bố cả chục tiểu luận chính trị bằng tiếng
Italy và tiếng Pháp, trong đó có cả một ký sự về việc tham gia của ông Barack
Obama trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2008. Chính vì thế nên phân tích
chính trị là một công việc không lạ lẫm gì đối với ông. Nhưng, với
"Pháp sư Kremlin", Giuliano da Empoli đã thử sức trong một thể loại
khác, sáng tác văn học. Để viết nên tác phẩm của mình, ông đã tới nước
Nga 4 lần và trong quá trình nghiên cứu đã đọc vô số những bài báo và công
trình nghiên cứu về nước Nga và xã hội Nga thời Tổng thống Putin cầm quyền.
Giuliano da Empoli đã viết cuốn tiểu thuyết mới với cảm
giác khâm phục chan chứa trong lòng trước việc nước Nga trình diễn sức mạnh và
tiềm lực của mình. Nhà văn đã xây dựng hình ảnh nhân vật người kể truyện trong
tiểu thuyết đầu tay của mình từ nguyên mẫu là một trong những chính trị gia nổi
bật và nhiều kịch tính của nước Nga, ông Vladislav Surkov.
Giuliano da Empoli đã đưa bản thảo cho nhà xuất bản lừng
danh Gallimard. Và, tiểu thuyết được phát hành từ tháng 4/2022. Theo chính lời
của nhà văn, ông đã không trông chờ một thành công đáng kể từ những cố gắng
hoàn thành tập tiểu thuyết đầu tay. Thế nhưng, sau hơn một năm trôi qua,
"Pháp sư Kremlin" ở đầu năm 2023 này đang là một hiện tượng văn học
xã hội đang rất được chú ý không chỉ ở riêng nước Pháp mà cả trên bình diện quốc
tế. Năm 2022, "Pháp sư Kremlin" đã trở thành sách best-celler ở
Pháp. Nó đã được phát hành hơn 43 vạn bản, được dịch ra gần 30 thứ tiếng và đã
được nhận giải thưởng của Viện Hàn lâm Pháp, thậm chí đã tiến được tới sát vạch
nhận giải thưởng văn học có uy tín nhất ở Pháp là giải Goncourt: Sau 14 vòng bỏ
phiếu, tiểu thuyết này chỉ thiếu có 1 phiếu để có thể đoạt giải. Thời báo New
York của Mỹ gần đây cũng phải đăng cả một bài dài phân tích về hiện tượng
"Pháp sư Kremlin" và những ảnh hướng có thể có của nó đối với chính
trường Pháp và chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Hư hư từ thực thực
Theo các nhà phê bình, cốt truyện của "Pháp sư
Kremlin", cuốn tiểu thuyết đôi khi được đón nhận như một tiểu luận, là câu
chuyện hư cấu nhân danh Vladislav Surkov, một chính trị gia từng rất gần gụi với
Tổng thống Nga. Ông Surkov sinh năm 1964, từng là trợ lý của Tổng thống Nga
trong những giai đoạn khác nhau từ năm 2004 tới năm 2020. Ông từng là Phó Thủ
tướng, Chánh văn phòng Tổng thống Nga trong những năm 2012-2013... Cho đến thời
gian gần đây, Surkov còn là nhà tư tưởng chính yếu của ông Putin và là một
trong những kiến trúc sư của hệ thống điều hành siêu tập trung mà Tổng thống
Putin thực hiện. Cũng bởi thế, Surkov được mệnh danh là "người điều khiến
các con rối" và biệt hiệu "Rasputin của Putin". Giuliano da
Empoli đã nói: "Tôi kinh ngạc bởi tính cách khá điển hình đối với các tiểu
thuyết của các nhân vật". Trong sách, nhân vật Vladimir Putin cho rằng:
"Người dân Nga cần để nhà nước thực hiện 2 nhiệm vụ - đảm bảo trật tự
trong nước và bộc lộ sức mạnh đối ngoại". Còn nhân vật người kể truyện
với nguyên mẫu là ông Surkov, đã đưa ra những triết lý, nhận định về sự đi xuống
của phương Tây, về dự định của Washington trong những cố gắng buộc nước Nga phải
quỳ gối và về việc người dân Nga thiên về xu hướng ủng hộ cho một thủ lĩnh mạnh
mẽ. Tức là những lập luận điển hình của Điện Kremlin mà theo ý kiến của các nhà
phê bình phương Tây, vẫn đang tiếp tục là bất di bất dịch và không chấp nhận bất
cứ một phản biện nào trong suốt cả cuốn sách. Trong tiểu thuyết, người kể chuyện
cũng đã mô tả chi tiết các cơ chế hoạt động nội tại trong nội các của ông
Putin. Hành trình của người kể truyện đã giao cắt với những nhân vật có thực
trong điện Kremlin, thí dụ như Yevgueni Prigozhin, người sáng lập ra công ty
quân sự tư nhân Vagner và cũng là người mà ông ta đã cùng phối hợp để dựng lên
"nhà máy troll" phát tán những thông tin giả và góp phần làm gia tăng
những bất đồng ở phương Tây.
Sau khi sách ra đời, nhà văn Giuliano da Empoli đã
liên tục được mời tới tham gia các chương trình talk-show để bình luận về những
gì đang diễn ra trên chiến trường Ukraine. Ông còn được gặp cả Thủ tướng Pháp.
Nhà văn nói: "Cách mà cuốn sách được tiếp nhận rõ ràng là đã thay đổi dưới
ảnh hưởng của các sự kiện. Thực sự, tôi đã không ngờ mọi sự lại thành ra như thế".
Bản thân Giuliano da Empoli vẫn coi tác phẩm của mình không hẳn đã là chìa khóa
để hiểu nước Nga mà chỉ đơn giản là một tiểu thuyết chính trị. Ông cho rằng, mục
đích duy nhất của ông chỉ là viết ra một cuốn tiểu thuyết "đáng được tin cậy"
chứ không có gì hơn thế. Giuliano da Empoli không chỉ một lần nhấn mạnh:
"Sau khi được phát hành thì cuốn sách sẽ sống bằng chính sự sống của
nó"...
Dư luận đa chiều
Thế nhưng, có lẽ không chỉ một mình Giuliano da Empoli
đã phải ngạc nhiên. Sự phổ biến của tiểu thuyết trong tình huống tốt nhất cũng
là sự thể hiện điều mà cựu Đại sứ Pháp tại Mỹ Gérard Araud gọi là "một sự
say mê độc đáo của người Pháp đối với nước Nga", được dung dưỡng bởi những
kinh nghiệm lịch sử chung của những cuộc cách mạng, những đế chế và các kiệt
tác văn hóa. Còn trong tình huống tệ hơn thì theo ý kiến của các nhà phê bình,
thành công đó chứng tỏ sự tiếp tục tồn tại ở Pháp của thái độ khoan dung đối với
ông Putin, điều có thể ảnh hưởng tới quan điểm của Paris đối với chiến dịch
quân sự tại Ukraine và đã được thể hiện trong những lời kêu gọi của Tổng thống
Emmanuel Macron về việc không được hạ nhục nước Nga. Những chính trị gia cao cấp
và các nhà ngoại giao khác cũng đã công khai cho điểm cao đối với tiểu thuyết.
Cựu Thủ tướng Pháp Édouard Philippe gọi đó là "những suy nghĩ sâu sắc về
quyền lực". Còn bà Cécile Vaissié, nhà nghiên cứu chính trị từ Trường Đại
học Rennes-2 theo chuyên ngành Nga học nhận xét: "Trong sách vang lên những
sáo ngữ của hệ thống tuyên truyền Nga với một số tiểu tiết... Điều này có vẻ
hơi giống như chương trình của kênh Russia Today (của Điện Kremlin) dành cho
Saint-Germain-des-Prés ("căn cứ địa" của giới thượng lưu văn học
Pháp)".
Còn theo lời của cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine,
"những hồi âm tốt đến mức" ông cho rằng cần phải đọc cuốn sách mà ông
gọi là rất gần sự thật này. Bà Élisabeth Borne, cựu Thủ tướng Pháp, thông qua
thư ký báo chí đã tuyên bố rằng, bà "đã rất thích cuốn sách mà trong đó
hòa quyện những sự hư cấu với thực tế và phản ánh những sự kiện quốc tế đang diễn
ra và cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine".
Một số nhà Nga học ở phương Tây lại cảm thấy lo lắng về
việc cuốn tiểu thuyết được đón nhận nồng nhiệt. Theo họ, trong tiểu thuyết này
chủ yếu bộc lộ thái độ thân ái với ông Putin, ông được mô tả như một thủ lĩnh
chiến đấu chống lại các nhà tài phiệt vì quyền lợi của người dân và như một người
"đã vực dậy nước Nga đứng lên", bất chấp mọi sự ruồng rẫy của phương
Tây. Trong một đoạn của tiểu thuyết, người kể truyện đã nói về niềm tự hào mà
người Nga đã cảm thấy khi biết, ngày 1/1/2000, ngày đầu tiên ngồi vào ghế Tổng
thống Nga, ông Putin đã bất ngờ đi tới nơi đóng quân của các đơn vị quân đội
Nga đang chiến đấu tại Chechnya. Và, anh ta nói: "Đấy, bây giờ nắm vai trò
nguyên thủ quốc gia mới lại là một lãnh tụ". Theo lời của giáo sư môn lịch
sử Nga tại Đại học Sorbonne, Francoise Thom, cách mô tả như thế rất gần với những
gì mà bộ máy tuyên truyền của Moscow vẫn viết.
Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao lại không đồng tình với
những nhìn nhận đầy định kiến tiêu cực đó. Theo họ, cuốn tiểu thuyết có lẽ vẫn
là một công trình phân tích có ích về thế giới quan và quan điểm của nội các do
ông Putin lãnh đạo. Cựu Đại sứ Pháp ở Moscow, Sylvie Bermann, nói: "Chúng
ta cũng cần phải lắng nghe những lời nói này. Và, điều đó không có nghĩa là
chúng ta đồng tình với chúng".
Cựu nghị viên Nghị viện châu Âu, bà Hélène Carrère
d'Encausse, một nhà nghiên cứu chính trị, chuyên gia về lịch sử Nga, từ năm
1999 tới nay là thư ký bất biến của Viện Hàn lâm Pháp, đã ủng hộ quan điểm của
Điện Kremlin về việc sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, phương Tây đã hạ nhục
nước Nga. Bà nói: "Tôi không đi tới các bữa tối hay bữa trưa nếu không đề
nghị đọc cuốn sách này, vì đó là chìa khóa để hiểu ông Putin".
Nhà cựu ngoại giao Nga Aleksandr Melnik, một người chống
lại ông Putin, cho rằng: "Cuốn sách này đối với các thủ lĩnh Pháp gần như
một cuốn cẩm nang lịch sử và chính trị học". Hiện không ai biết Tổng thống
Pháp Macron đã đọc cuốn tiểu thuyết này hay chưa nhưng những phát biểu gần đây
nhất của ông này vẫn dường như theo xu hướng ủng hộ cho những sự bất mãn đối với
Moscow. Cả 3 trợ lý của ông Macron đều lảng tránh câu hỏi về việc liệu ông đã đọc
sách hay chưa hoặc trả lời là không biết. Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine,
người đôi lúc nhận tư vấn cho ông Emmanuel Macron về những vấn đề liên quan tới
nước Nga, thú nhận rằng, nếu ông Macron đọc cuốn tiểu thuyết trên xong thì đã
không duy trì quan điểm quyết liệt như thế đối với nước Nga. Ông Hubert
Védrine cho rằng, ở tương lai trung hạn, sự phổ biến của cuốn sách này sẽ
có lợi như một lập luận đầy sức thuyết phục để tiến lại gần hơn tới với ông
Putin và duy trì đối thoại với ông ấy, "khi việc này sẽ được chấp nhận".
Nguồn: An Ninh Thế Giới
cuối tháng