Trong nội thất bất kỳ văn phòng của thế giới quyền lực nào, chắc chắn đều có một số tủ sách. Các tổng thống và thủ tướng thường thích xuất hiện trên màn hình với cái nền bối cảnh của sách. Và, hóa ra, đây hoàn toàn không phải là chi tiết trang trí.
Nhiều nguyên thủ quốc gia dành thời gian để đọc không chỉ các báo cáo từ các bộ và ban ngành, thư từ các đồng nghiệp nước ngoài, các dự thảo luật và quy định, mà còn cả những cuốn tiểu thuyết. Hơn nữa, mỗi người trong họ đều có nhiều sở thích riêng - từ kinh điển Nga đến tiểu thuyết lãng mạn.
OBAMA VÀ TỰ DO
Tổng thống thứ 44 của Hoa Kỳ, Barack
Obama, thừa nhận tại một cuộc phỏng vấn rằng " khi các sự kiện trong thế
giới hiện đại đang phát triển quá nhanh và một người nhận được quá nhiều thông
tin, thì việc đọc sách sẽ giúp sống chậm lại một chút để đánh giá triển vọng của
tương lai"
Một trong những cuốn sách yêu thích của
Obama có tên là "Con đường dài dẫn đến tự do", được viết bởi một
nguyên thủ quốc gia khác - tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi- Nelson
Mandela. Người đoạt giải Nobel Hòa bình, người đấu tranh chống phân biệt chủng
tộc này đã mô tả trong sách thời thơ ấu và 27 năm ở trong tù của mình. Obama
tin rằng tác phẩm này "cần thiết cho bất kỳ ai muốn hiểu lịch sử và làm
thay đổi nó".
VLADIMIR PUTIN VỚI “HOÀNG TỬ BÉ”
Vladimir Putin từng nói với các phóng viên
rằng ông đọc “Rubaiyat” của nhà thơ Ba Tư Omar Khayyam để tinh thần thêm phấn
chấn. Ivan Ilyin có thể được coi là nhà triết học Nga được Putin yêu thích. Tổng
thống Nga cũng đã nhiều lần trích từ các tác phẩm của nhà triết học này đưa vào
các bài phát biểu của mình trước công chúng. Còn một trong những ấn tượng chính
thời trẻ của ông là việc làm quen với tác phẩm "Hoàng tử bé" của nhà
văn Pháp Antoine Exupery. Putin đã từng cố gắng học thuộc lòng cuốn sách tuyệt
vời này.
MERKEL VÀ TÂM LINH
Giờ đây, sau khi từ chức Thủ tướng Liên
bang Đức, bà Angela Merkel có nhiều thời gian hơn để đọc sách. Là con gái của một
linh mục, bà Merkel đã nhiều lần nói rằng cuốn sách mà bà nhớ nhất là “Kinh
thánh”.
Đối với văn học hiện đại, cựu thủ tướng Đức
vẫn đặt “Sự biến đổi thế giới” của Jurgen Osterhammel ở vị trí đầu tiên. Cuốn
sách đến tay bà vào năm 2013 khi Merkel đang nằm trên giường bệnh để hồi phục
sau một chấn thương mà bà gặp phải tại một khu nghỉ dưỡng trượt tuyết. Trong “Sự
biến đổi của thế giới”, Osterhammel đưa ra phân tích của mình về các sự kiện
chính của thế kỷ 19, theo nhiều nhà sử học, có tác động đáng kể đến nền văn
minh của chúng ta.
THATCHER VÀ CỦA CẢI QUỐC GIA
"Bà đầm thép" nước Anh- thủ tướng
Margaret Thatcher là một phụ nữ nghiêm khắc về mọi mặt. Bà không hề nói rằng những
cuốn sách yêu thích của bà là tiểu thuyết lãng mạn hay những câu chuyện tình
yêu. Thatcher chỉ nói bà phát cuồng vì cuốn “Sự giàu có của các quốc gia” của
Adam Smith. Đây là một trong những tác phẩm kinh điển của kinh tế học hiện đại.
“ Tôi đã đọc Adam Smith. Ông ấy là một nhà kinh tế sâu sắc, tức là ông ấy biết
cách đánh giá xem nhà nước đang giàu lên như thế nào và tại sao nhà nước không
cần đến vàng khi nó chỉ là một vật phẩm đơn giản”.
MAO TRẠCH ĐÔNG VÀ CÁC TÁC PHẨM KINH ĐIẺN CỦA CHỦ
NGHĨA CỘNG SẢN.
Chủ tịch Mao Trạch Đông rất thích đọc
sách. Ông ta có sách ở khắp mọi nơi - ở lavtop, trên chiếc bàn cạnh giường ngủ,
trong nhà vệ sinh và thậm chí cả trong phòng tắm. Ông ấy nói rằng đã đọc
"Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" của Karl Marx và Friedrich Engels hơn
100 lần, không chỉ bằng tiếng Trung mà cả bằng tiếng Anh.
“Đọc sách từ tác phẩm trọn bộ của Lỗ Tấn,
tôi thường quên cả giấc ngủ”- Mao Trạch Đông từng úp mở, qua đó vô tình giới
thiệu tác phẩm của người đồng hương với phần còn lại của thế giới. Và bây giờ Lỗ
Tấn được gọi là nhà văn châu Á vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Các học giả văn học
tin rằng Lỗ Tấn có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tư tưởng chính trị xã hội
ở Trung Quốc vào nửa đầu thế kỷ 20 và trở thành người sáng lập văn học Trung Quốc
hiện đại. Trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Lỗ Tấn có “Nhật ký của người
điên” và “A.Q chính truyện”.
MARCON VÀ THƠ BỊ CẤM
Khi còn là một cậu học sinh, Tổng thống
Pháp Emmanuel Macron đã yêu một cô giáo, người sau này trở thành vợ của ông. Vì
vậy, ông ấy tự nói về mình rằng "cuốn sách yêu thích của người đọc không
biết mệt Macron là “Những bông hoa ác độc” của Baudelaire". Như vậy, người
đứng đầu nền Đệ ngũ Cộng hòa hiện nay gần như là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế
giới đặc biệt đánh giá cao thơ ca.
Bởi "Những bông hoa ác độc"
không phải là một cuốn tiểu thuyết hay một truyện vừa, mà là một tập thơ của
nhà thơ người Pháp Charles Baudelaire. Ấn bản đầu tiên của tập thơ này đã dẫn đến
... một vụ kiện chống lại tác giả và nhà xuất bản. Tòa án quyết định rằng nhiều
dòng thơ do Baudelaire viết đã vi phạm các chuẩn mực đạo đức công cộng. Kết quả
là, một số bài thơ tục tĩu nhất đã phải bị loại khỏi tuyển tập. Tất cả những điều
ấy đã xảy ra vào năm 1857, nhưng đạo đức châu Âu đã trải qua những thay đổi lớn,
và giờ đây những sáng tạo của Baudelaire ở Pháp không khiến bất kỳ ai phải xấu
hổ.
TRUMP VÀ NHỮNG KHOẢN LỢI NHUẬN KHỔNG LỒ
Thành thật mà nói, Donald Trump chưa bao
giờ tạo ấn tượng mình là một người đọc nhiều. Nhưng tổng thống Mỹ trước kia (và
có thể là tương lai) đã làm ra… khá nhiều sách. Ông đã cho in tới 19 đầu sách với
số ấn bản khá lớn.Có tin đồn rằng hàng triệu độc giả đã mang lại cho ông ta một
doanh số hiện vẫn là điều bí mật trong tiểu sử của ông.
Những người phản đối vị tổng thống lập dị
nhất của Mỹ đùa ác ý rằng cuốn sách yêu thích của Trump là cuốn séc, nhưng
chính người đứng đầu thứ 45 của Nhà Trắng lại nói rằng đấy là cuốn "Mặt trận
phía Tây không có gì lạ " của Erich Maria Remarque. Trump cho đó là
"một trong những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại".
CLINTON VÀ NỖI SỢ CHẾT
Một tổng thống Mỹ khác- Bill Clinton, cũng
nhiều lần đề cập đến việc đọc sách như một trong những hoạt động yêu thích của
ông ta, cùng với việc chơi saxophone. “Từ chối cái chết”- tác phẩm của nhà nhân
chủng học người Mỹ Ernest Becker, đã được trao giải Pulitzer, xuất bản vào năm
1973 là cuốn sách Clinton đã đọc nhiều lần và theo ông sách đã để lại ấn tượng
mạnh cho ông. Sách gợi ý rằng hầu hết mọi việc mà một người làm đều nhằm mục
đích vượt qua nỗi sợ hãi và lo lắng, do hiểu được cái chết không thể tránh khỏi
của chính mình. Clinton nói rằng tác phẩm của Becker có ảnh hưởng sâu sắc đến
suy nghĩ của ông.
BUSH SR. VÀ DẤU TÍCH NGA
Những cột mốc trong cuộc đời của Tổng thống
Mỹ George W. Bush như trải dài theo một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu: tham gia
Chiến tranh Việt Nam, lãnh đạo CIA và đóng góp quan trọng vào chiến thắng trước
Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ vẫn thần tượng văn hóa
Nga. Bush Sr. coi "Chiến tranh và Hòa bình" của Leo Tolstoy là tác phẩm
yêu thích của ông. “Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết này hai lần”- Bush nói trong một
cuộc phỏng vấn cuối cùng của mình. “Tác phẩm đã dạy tôi rất nhiều điều trong cuộc
sống”.
STALIN VÀ TÌNH YÊU SÁCH
Có lẽ, trong số những người lãnh đạo Liên
Xô, người đọc sách nhiều nhất chính là Joseph Stalin. Được biết, trong thư viện
cá nhân của ông có hàng nghìn cuốn sách với những ghi chú bằng bút chì do chính
ông thực hiện. Bản thân Stalin từng tuyên bố rằng ông đọc 500 trang mỗi ngày.
Trong số những nhà văn yêu thích của ông có Mikhail Bulgakov, Mikhail Sholokhov
và Emile Zola. Và cuốn sách "Chinh phục thiên nhiên" bây giờ đã bị
lãng quên của Boris Andreev, chính Stalin tự tay chọn để tặng cho con trai
Yakov của ông nhân dịp sinh nhật lần thứ 20 của cậu với dòng chữ "Hãy đọc
nó cho cẩn thận!"
CATHERINE II VỚI SÁCH
Nữ Hoàng Catherine II cũng tích lũy được một
bộ sưu tập sách cá nhân khổng lồ. Hơn thế, bà đã tích cực trao đổi thư từ với
các nhà triết học châu Âu cùng thời với bà như Diderot và Voltaire. Tác phẩm “Tinh
thần của luật pháp” của Montesquieu được Nữ Hoàng Nga coi là một cuốn sách gối
đầu giường. Và trong thời gian rảnh rỗi, như các nhà sử học đã xác định, Nữ
Hoàng Catherine thích đọc tiểu thuyết lãng mạn và tuyển tập các giai thoại.
TÔ HOÀNG chuyển ngữ