Vũ Hoàng Chương là nhà thơ hào hoa, lãng tử, giàu bản lĩnh, quyết đoán, biết chấp nhận và dấn thân, nhập cuộc đời sống đô hội, phường phố, thị thành. Ông xuất hiện khi phong trào thơ mới đã bắt đầu ngả bóng sang chiều...


NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI THƠ MỚI BÀN VỀ THƠ VŨ HOÀNG CHƯƠNG

NGUYỄN HỮU SƠN

Thi sĩ VŨ HOÀNG CHƯƠNG (5/5/1916 – 6/9/1976) sinh ở Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay thuộc xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Ông có bằng tú tài Tây (1937), từng theo học trường Luật (1938) nhưng lại bỏ để làm làm phó thanh tra Sở Hỏa xa miền Bắc hơn một năm (1940-1941). Theo học cử nhân toán học, dạy tư và hoạt động nghệ thuật ở Hà Nội và Hải Phòng (1941-1945)…

Vũ Hoàng Chương xuất hiện trong bối cảnh phong trào thơ mới đã vượt qua giai đoạn đỉnh cao. Đương thời ông có cộng tác với Thanh Nghị, đã xuất bản hai tập thơ: Thơ say (NXB Cộng lực, Hà Nội, 1940), Mây (NXB Đời nay, Hà Nội, 1943), và tập kịch thơ Trương Chi (gồm ba vở: Trương Chi, Vân Muội, Hồng Điệp, NXB Anh Hoa, Hà Nội, 1944).

Đương thời thơ Vũ Hoàng Chương góp thêm một phong cách, giọng điệu giàu cá tính phường phố và được các nhà phê bình Lam Giang, Lê Thanh, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế), Vũ Bội Liêu, Hoài Thanh - Hoài Chân, Cây Thông, Lương Đức Thiệp, Lê Huy Vân, Vũ Ngọc Phan… cùng trao đổi, thẩm bình.

Trong mục “Những khuynh hướng phục cổ” trong sách Khảo luận luật thơ mới, trước hết Lam Giang giới thuyết lối thơ phục cổ và dẫn giải, minh họa bằng thơ Vũ Hoàng Chương:

“Nào có ai xa lạ gì với chủ trương tân cổ điển của André Chesnier, thi sĩ thế kỷ XVIII của Pháp…

… Phục cổ là khôi phục lại giá trị trang nghiêm, đáng kính của tâm thành. Thơ là tiếng lòng chân thực, thơ phát huy cảm xúc nội tâm. Hình thức chỉnh tề, cổ kính của thơ Đường rất thích hợp với những tâm tư trầm mặc. Vậy thì phục cổ là phục hồi cảm hứng chân thành trong hình thức vận luật trang nghiêm, tề chỉnh, xa lánh những kỹ thuật tiểu xảo của thi công hủ bại cũng như những sáng kiến mạo hiểm, lập dị của một số người lẫn lộn cái Đẹp với cái Tân Kỳ…

… Đôi khi cũng có một vài sự thay đổi như bỏ cách đối trong một bài thất ngôn bát cú:

NGHE HÁT

Phách ngọt, đàn say nệm gối êm,

Tiếng ca buồn nổi giữa trời đêm.

Canh khuya đưa khách lời reo ngọc,

Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm.

Ai lạ nghìn thu xa tám cõi,

Sen vàng như động phía châu liêm.

Nao nao khói biếc hài thương nữ,

Trở gối, hoa lê rụng trắng thềm.

Miễn là bảo toàn được ý thơ thì cần gì phải đối?”

(Lam Giang, Khảo luận luật thơ mới, Huế, 1940. Tái bản lần hai, có chỉnh lý, bổ sung với nhan đề Khảo luận luật thơ, Sơn Quang Xb, Sài Gòn, 1967, tr. 93-99. Các đoạn dẫn sau đây đều theo sách này).

Nói riêng về bài thơ Nghe hát, xin giới thiệu thêm văn bản bài đã in trong tập Thơ say (1940) và được Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển chọn vào Thi nhân Việt Nam, ­có khác một vài chữ:

Phách ngọt, đàn say, nệm khói êm,

Tiếng ca buồn nổi giữa chừng đêm.

"Canh khuya đưa khách...". Lời reo ngọc,

Mơ gái Tầm Dương thoảng áo xiêm.

Ai lạ nghìn thu, xa tám cõi,

Sen vàng như động phía châu liêm.

Nao nao khói biếc hài thương nữ,

Trở gối, hoa lê rụng trắng thềm.

(Xin xem Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nguyễn Đức Phiên Xb, Huế, 1942. Tái bản theo bản in do nhà thơ Xuân Tâm cung cấp, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1989, tr. 356).

Chuyển tiếp sang mục “Giảng luận kỹ thuật một bài thơ hợp thể” cùng trong sách trên đây, Lam Giang tiến hành khảo sát hình thức câu thơ và đi sâu phân tích, bình giảng bài thơ Say đi em của Vũ Hoàng Chương:

“Khúc nhạc hồng êm ái,

Khúc nhạc hồng êm ái,

Điệu kèn biếc quay cuồng.

Một trời phấn hương

Đôi người gió sương.

Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương,

Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo!

Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo,

Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương.

Lòng nghiêng tràn hết yêu đương

Bước chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ.

Khởi đầu là 2 câu ngũ ngôn gọn gàng để trình bày sơ lược quang cảnh vũ trường. Tiếp theo là 2 câu ngũ ngôn.

Một trời phấn hương

Đôi người gió sương.

Tuy điệu tứ ngôn ngắn hơn ngũ ngôn, nhưng nhờ 2 vần “hương, sương” ngân dài, nên ý tứ gọn gàng mà âm hưởng dài lê thê. Cảm tưởng buồn lê thê ấy được tăng cường và xác định bằng 2 câu rất dài:

Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương,

Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo!

Điệu tứ ngôn còn kéo dài sang đầu câu bằng 4 chữ “Đầu xanh lận đận”, 6 chữ “cùng xót thương, càng nhớ thương” lại có vần phong phú. Câu sau đảo ngược thế 3 tam ngôn rồi 1 tứ ngôn:

10: 4/3/3

13: 3/3/3/4

Câu thơ tám chữ.

Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo

nối vần với câu “tình nay sao héo”. Mạch đoạn nhị:

8: 4/4

làm cho chúng ta còn cảm thấy âm điệu triền lấn sang đến câu này.

Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương

Mạch 3/5 uyển chuyển, rồi câu lục bát:

Lòng nghiêng tràn hết yêu đương

Gót chân còn nhịp Nghê thường lẳng lơ.

nghe nhẹ nhàng như những vũ khúc chập chờn trên hoan lạc.

Ánh đèn tha thướt

Lưng mềm, não nuột dáng tơ,

Hàng chân lả lướt,

Đê mê hồn gửi cánh tay hờ.

Âm ba gờn gợn nhỏ,

Ánh sáng phai phai dần…

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân.

Lui đôi vai, tiến đôi chân,

Riết đôi tay, ngả đôi thân,

Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió,

Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,

Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!

Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa,

Tay mềm mại bước còn chưa chếnh choáng.

Chưa cuối xứ Mê Ly, chưa cùng trời Phóng đãng,

Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men!

(Khởi đầu đoạn này có một câu tứ ngôn ngắn, gọn, rồi một câu lục ngôn êm dịu để diễn tả dáng điệu tha thướt của giai nhân. Lại một câu tứ ngôn và tiếp theo đó một câu thất ngôn để tránh cái thế trùng điệp 4 – 6, 4 – 7, điệu thơ báo hiệu những câu dài hơn.

Hai câu ngũ ngôn,

Âm ba gờn gợn nhỏ,

Ánh sáng phai phai dần

như buộc chúng ta hãy dằn lòng chờ đợi:

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân

Vũ khúc đã đến lúc quay cuồng:

Lui đôi vai, tiến đôi chân,

Riết đôi tay, ngả đôi thân.

Điệu tam ngôn gọn gàng, nhanh nhẹn diễn tả được những cử động theo nhịp điệu quay nhanh.

Những câu sau dùng liên vận (sắc đỏ, biển gió, chờ ta chưa hoa, chếnh choáng, Phóng đãng) có cái thế trùng điệp dồn dập thích ứng với những khoái cảm tăng độ nồng nàn.

Chưa cuối xứ Mê Ly, chưa cùng trời Phóng đãng

Câu thơ 10: 5/5 biến thành điệu ngũ gọn gàng tuy cái thế diễn tiến của âm thanh vẫn triền miên dồn dập.

Còn chưa say hồn khát vẫn thèm men

Câu cuối lơ lửng, vần sau cùng cô lập báo hiệu một sự biến chuyển âm thanh khác với những đợt sóng liên vận ở trên).

Say đi em! Say đi em!

Say cho lơi lả ánh đèn,

Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt,

Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!

Ta quá say rồi!

Sắc ngã màu trôi.

Gian phòng không đứng vững

Có ai ghi hư ảnh sát kề môi?

Chân rã rời

Quay cuồng chi được nữa.

Gối mỏi gần rơi!

Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa.

Say không còn biết chi đời.

Nhưng em ơi,

Đất trời nghiêng ngửa,

Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ.

Đất trời nghiêng ngửa,

Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!

(Hai câu tam ngôn “Say đi em! Say đi em!” có giọng khuyên mời cấp bách và có điệp hưởng với vần “thèm men” bỏ lơ lưng ở đoạn trên). Tiếp theo là vần thông giữa 2 câu:

Say cho lơi lả ánh đèn,

Cho cung bực ngả nghiêng...

Vậy phải chuyển sang vần trắc để đổi điệu và cho âm thanh tạm ngưng lại:

… cho điên rồ xác thịt,

Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!

Đoạn kết thúc có điệp tự ở những chữ “đất trời nghiêng ngửa” diễn tả trạng thái cuồng túy:

Thành sầu không sụp đổ, em ơi!

Tiếng kêu cứu bi thương như vang dội dưới đáy vực tuyệt vọng.

Cách thay đổi điệu thơ trong toàn bài, chuyển điệu liên vận rất khéo léo, uyển chuyển, vừa diễn tả được quang cảnh vũ trường vừa trình bày tâm lý nhân vật, chứng tỏ tác giả có một tài nghệ rất điêu luyện, ít người sánh kịp.”

Cách Lam Giang phân tích bài thơ Say đi em của Vũ Hoàng Chương quả đã tiệm cận được những phương diện thuộc về thi pháp học, cấu trúc và chiều sâu hình thức nghệ thuật thi ca.

Khi tổng kết một chặng đường văn học đầu thế kỷ XX, Mộc Khuê (Kiều Thanh Quế) sử dụng lối chơi chữ ghi nhận đặc tính hồn thơ Vũ Hoàng Chương đặt trong dàn đồng ca thơ mới:

“Làng thơ mới (mới lẫn cũ) của văn học quốc ngữ trong vòng mười năm nay đếm được:

– Cô Thu Hồng buông lượn Sóng thơ (1940);

– Chế Lan Viên, Việt Nam trăm phần trăm trong huyết quản, giả làm đứa con vong quốc nô, than khóc cảnh Điêu tàn (1937) của Chiêm quốc;

– Bích Khê noi gương chim hải nga đem Tinh huyết (1939) dâng hiến cho đời (…).

– Vũ Hoàng Chương như cô vũ nữ chếnh choáng hơi men nồng hát khúc Thơ say (1940)…”

(Theo Mộc Khuê, Ba mươi năm văn học, Nxb. Tân Việt, Hà Nội, 1941, tr. 39. In lại trong sách Kiều Thanh Quế, Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (Nguyễn Hữu Sơn - Phan Mạnh Hùng sưu tập, giới thiệu), Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2009, tr.183-184).

Trong lời mở đầu “Một thời đại trong thi ca” ở sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân kịp thời phác vẽ chân dung và đặc tả phong vị thơ Vũ Hoàng Chương đã và đang đến chỗ xoay chiều:

“Cuối năm ngoái có xuất bản một tập thơ đáng lẽ được người ta để ý hơn mới phải: Thơ say của Vũ Hoàng Chương. Vũ Hoàng Chương rất gần Lưu Trọng Lư, Tản Đà: cả ba đều say. Nhưng cái say của Vũ Hoàng Chương mới hơn. Cái chán nản cũng thế. Tuy có chịu ảnh hưởng thơ Pháp nhưng trước hết là phản ảnh của cuộc đời mới. Say mà không điên và cái chán nản, dầu có cái vị Baudelaire, vẫn nhẹ nhàng khoáng đãng không nặng nề u ám như cái chán nản của Baudelaire. Ngoài Lưu Trọng Lư, Phan Văn Dật, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Bính, Nguyễn Đình Thư, Vũ Hoàng Chương, trong dòng Việt cơ hồ không còn ai. Hoặc cũng có thể tìm thấy ở đây: Đông Hồ, Nguyễn Xuân Huy, Thúc Tề, Nguyễn Vỹ, Hằng Phương, Mộng Huyền, Trần Huyền Trân. Nhưng không lấy gì làm rõ lắm…” (Hoài Thanh - Hoài Chân, “Một thời đại trong thi ca”, Thi nhân Việt Nam, Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942. Tái bản theo bản in do nhà thơ Xuân Tâm cung cấp, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1989, tr. 17-55).

Tiếp theo Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển của Vũ Hoàng Chương bốn bài thơ (Say đi em, Quên, Phương xa, Nghe hát, xếp hạng số bài tương đương Đông Hồ, Tế Hanh, Đoàn Văn Cừ, Anh Thơ, J. Leiba) và nêu nhận định khái lược tư chất nghệ sĩ tài tử, lãng tử, phóng túng, ngang tàng, ngạo đời của thơ họ Vũ:

“Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Đông Á: Cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn “hơn” cổ nhân những thứ say mới nhập cảng: say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ. Vũ Hoàng Chương có cái dụng ý muốn say để làm thơ. Cái dụng ý ấy không khỏi có hại. Nhưng một lần kia, bước chân vào tiệm nhảy, người bỏ quên dụng ý làm thơ ngoài cửa, và lần ấy người đã làm một bài thơ tuyệt hay.

Tôi yêu những vần thơ chếnh choáng, lảo đảo mà nhịp nhàng theo điệu kèn khiêu vũ:

… Âm ba gờn gợn nhỏ,

Ánh sáng phai phai dần...

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân.

Lui đôi vai, tiến đôi chân,

Riết đôi tay, ngả đôi thân,

Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió...

Quả là những vần thơ say.

Cái dụng ý làm thơ Vũ Hoàng Chương cũng còn bỏ quên ít lần nữa.

Kể, cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà chưa hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây nó có cái vị chua chát, hằn học và bi đát riêng.

Mỗi lần nói đến hôn nhân, Vũ Hoàng Chương có giọng khinh bỉ vô cùng. Người thấy hôn nhân chỉ là sự chung chạ của hai xác thịt, một sự bẩn thỉu đã làm dơ dáy bao mộng đẹp của tuổi hoa niên:

Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải,

Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn.

Khi tỉnh dậy, bùn nhơ nơi Hạ giới,

Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn.

Khốn nỗi! Thoát ly được hôn nhân cùng mọi trói buộc khác, nào người có tìm được hạnh phúc, người chỉ thấy bơ vơ:

Mênh mông đâu đó ngoài vô tận

Một cánh thuyền say lạc hướng đêm.

Con thuyền say kia chính là linh hồn và cuộc đời của thi nhân. Rút lại, hy vọng cao nhất của người là quên. Quên hết thảy trong những thú lợm giọng của khách làng chơi:

Hãy buông lại gần đây làn tóc rối,

Sát gần đây, gần nữa, cặp môi điên,

Rồi em sẽ dìu anh trên cánh khói,

Đưa hồn say về tận cuối trời Quên” (Hoài Thanh - Hoài Chân,“Vũ Hoàng Chương”, Thi nhân Việt Nam, Nguyễn Đức Phiên xuất bản, Huế, 1942. Tái bản theo bản in do nhà thơ Xuân Tâm cung cấp, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1989, tr. 351-356).

Trong thiên khảo luận chuyên sâu bàn về “mỹ từ pháp” trong tương quan văn chương Pháp - Việt và đặc tính nhạc điệu trong thơ mới, Vũ Bội Liêu đã nhắc nhớ tới bài thơ Say đi em rút trong tập Thơ say của họ Vũ và dẫn giải:

“Nếu làm thơ chỉ cần biết tính đốt ngón tay đếm cho đủ chữ và moi óc tìm vấn để hạ câu thì hết thẩy ai ai cũng thể là thi sĩ. Horace, nhà đại thi hào La Mã, cho rằng chỉ đáng danh hiệu ấy những bậc thiên tài, có một áng thông minh xuất chúng “miệng nảy lên những lời văn trác tuyệt”. Thi sĩ, những người mượn ngọn bút muôn mầu của nàng Ly Tao để đưa hồn ta đến tận bến Mơ, những nhạc công có cây đàn muôn điệu ca “vẻ đẹp u trầm đắm đuối hay ngây thơ, cũng như vẻ đẹp cao siêu hùng tráng của non nước, của thi văn tư tưởng”, nếu không có một nghệ thuật cao siêu thì sao sai khiến được lòng ta như thế? Không những họ trấn áp được lý trí của ta, mà cả đến trí tuệ, tính tình, cùng thân thể ta nữa, cũng bị họ chiếm đoạt, như nhời Hippolyte Taine đã nói: “Tính tình họ nhập vào thần kinh ta, họ đối với ta như có cái thần lực của một bậc tiên tri”. Đó phải chăng là vì những thi sĩ có tài đã biết truyền lan được hết cái rung động của mình cho người đọc, bằng sự huyền diệu của mầu và của tiếng, của hình ảnh và nhạc điệu, âm thanh.

Thơ tức là nhạc điệu. Thiếu nhạc điệu, thơ chỉ là một thứ văn xuôi trá hình, cũng như không hương không sắc, hoa nào còn gọi là hoa? Tại làm sao lý trí tuy mịt mù trước một bài thơ bí hiểm của P. Valéry, tâm hồn ta cũng có thể khoan khoái như khi nghe một khúc nhạc du dương? Tại làm sao không hiểu được một bài thơ chữ nho, tôi cũng rung động khi thấy ngâm bên tai mấy vần trác luyện của Lý Thái Bạch hay Tô Đông Pha?

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Hai câu Đường thi bất hủ ấy tôi được nghe thấy ngâm ngợi từ thủa nhỏ và tuy hồi ấy không biết qua một chữ nho, ký ức tôi cũng ghi chép ngay một cách rất dễ dàng, đó há chẳng do kết quả lạ lùng của âm hưởng trong thơ? Nhờ sự khéo hòa hợp âm thanh và vần điệu, nhời thơ nhịp nhàng thánh thót bên tai ta, thanh hưởng và nhạc điệu vang động và thấm nhuần đến tận đáy lòng ta, ta rung động vô tình tức khắc, tuy lý trí nhiều khi chưa thông hiểu được hết nghĩa câu thơ.

“Trước hết, cần phải có nhạc điệu đã” (De la musique avant toutes chose - Verlaine). Quan niệm về thơ của phái “tượng trưng” (Les Symbolistes) bên Pháp chính là quan niệm của các nhà văn trong “Xuân Thu nhã tập” bây giờ. Thơ cần phải có nhạc điệu, nhưng sách nào dạy phương pháp tạo nên nhạc điệu trong thơ, cũng như sách nào dạy được ta trở nên một thi sĩ có tài? Đấy là một việc thuộc về thiên tư: Thơ Virgil nhiều âm hưởng hơn thơ Lucrèce, thơ Racine êm ái hơn thơ Corneille, thơ Lamartine du dương hơn thơ Victor Hugo. Về phương diện đó, trong văn ta không ai bằng cụ Nguyễn Du:

- Dưới cầu nước chảy trong veo,

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

- Gương nga chênh chếch dòm song,

Vàng gieo đáy nước cây lồng bóng sân.

- Là là lả ngọn đông lân,

Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà.

Một vùng cỏ áy bóng tà,

Gió hiu hiu thổi một và bông lau.

Những câu thơ êm ái vào bậc nhất trong thi ca Việt Nam ấy có thể để ngang hàng với những vần thơ du dương nhất thế giới. Hỡi ai mang một khối óc thi nhân, hãy để tâm hồn rộng mở đón làn sóng thơ dồn dập tới tự phương trời Nhạc điệu…

… Ta phải tự hào rằng tiếng Việt Nam là một thứ tiếng chứa rất nhiều âm hưởng và đủ năng lực diễn tả được tất cả những tình cảm phức tạp trong lòng người. Nhưng bên cạnh những bực đại thi hào ấy, có biết bao nhiêu “thợ thơ” đáng thương hại, làm hổ mặt nàng Ly Tao bằng những câu văn không có mảy may nghệ thuật…

… May thay phong trào thơ mới đã sản xuất ra nhiều thi sĩ có tài: Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, v.v… đã viết nên nhiều bài thơ đầy nhạc điệu. Như bài Tiếng thu dưới đây thật là một áng văn đặc sắc. Đọc lên ta cảm thấy một thứ âm hưởng nhẹ nhàng thanh thoát. Từ trước đến nay các nhà thơ đua nhau khóc mùa thu: mỗi khi lá vàng rụng úa, bức “khăn hồng” của những thi sĩ đa sầu lại tầm tã “giọt lệ thu”. Họ thi nhau tả cảnh giới thu ảm đạm, hơi may lạnh lùng, nhưng chưa ai như Lưu Trọng Lư cho ta nghe tiếng mùa thu thổn thức, lá kêu xào xạc, cùng tiếng con nai vàng đạp trên lá vàng khô…

… Và sau cùng để chấm hết bài này, tôi xin hiến các bạn mấy vần “thơ say” của Vũ Hoàng Chương, những vần thơ “lảo đảo mà nhịp nhàng” viết theo điệu kèn khiêu vũ:

Âm ba gờn gợn nhỏ,

Ánh sáng phai pha dần...

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân.

Lui đôi vai, tiến đôi chân,

Riết đôi tay, ngả đôi thân,

Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió… (Thơ say).

Âm thanh và tiết điệu thật đã đưa nhà văn đi tới những kết quả không ngờ” (Vũ Bội Liêu. “Mỹ từ pháp trong văn chương Pháp và văn chương Việt Nam: Nhạc điệu trong thơ”, Thanh nghị, Hà Nội, số 24, ra ngày 1-11-1942, tr. 12-17).

Nhà phê bình Lương Đức Thiệp trong chuyên khảo Việt Nam thi ca luận một mặt trực diện chê những câu thơ lục bát trái cựa, thất vận của nhiều nhà thơ, trong đó có lục bát Vũ Hoàng Chương:

“Thể lục bát phát sinh do cái tính cách đặc biệt về âm hưởng trong Việt ngữ. Hình thức này do quảng đại dân chúng tạo thành nên rất phổ thông. Nó phổ thông nhưng lại khó đạt tới được nghệ thuật cho những người chưa thấu lĩnh được hết cái tinh vi của Việt ngữ. Dùng thể này, một thi sĩ có thể dễ trở thành người làm vè. Chỉ một hay hai chữ dùng không đắc vị cũng đủ làm cho cả câu đáng nhẽ hay thành ra rất dở được.

Bởi vậy nhiều thi sĩ ngại làm lục bát. Ông Thế Lữ, ông Xuân Diệu, ông Vũ Hoàng Chương đã có một nghệ thuật khá vững vàng mà cũng không tránh được “đá vè” trong nhiều bài “sáu - tám”:

… Kẻ xuôi người ngược bấy nay,

Hằng năm một buổi thấy nhau họa là.

(Bức thư ngày cưới - Vũ Hoàng Chương)

Trong Lỡ bước sang ngang, ông Nguyễn Bính là cả một “bằng chứng” về sự khó khăn ấy.

Mà thể lục bát là thể thơ Việt Nam hơn hết…” (Lương Đức Thiệp, Việt Nam thi ca luận, Khuê Văn xuất bản cục, Hà Nội, 1942. Các trích dẫn sau đều theo tài liệu này).

Khi giới thiệu, phân tích các gương mặt thơ đương thời, Lương Đức Thiệp tiếp tục nhận diện, nhấn mạnh những đặc điểm thuộc cả về nội dung và nghệ thuật thơ họ Vũ:

“Ông Vũ Hoàng Chương cũng lãng mạn trong hình thức vừa “cổ” vừa “kim”! Ông lảo đảo say, ngả nghiêng ấy. Rồi ông dềnh dang, rồi ông lan man. Vần điệu cũng đi chếnh choáng theo bước chân ông:

… Ánh đèn tha thướt,

Lưng mềm não nuột dáng tơ.

Hàng chân lả lướt,

Đê mê hồn gửi cánh tay hờ!...

… Say đi em! Say đi em!

Say cho lơi lả ánh đèn

Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt,

Rượu, rượu nữa, và quên hết!...

(Say đi em)

… Phơi phới linh hồn lỏng khóa then,

Say nghe giọt nhựa khóc trên đèn

Mê ly cả một trời Đông Á

Sực tỉnh trong lòng nấm mộ đen.

Đáy cốc bao la vạn cổ sầu.

Ngai vàng Mông Cổ ngự đêm nâu.

Hãy nghe bão táp trong cô tịch;

Vó ngựa dân Hồi dẵm đất Âu…

(Hơi tàn đông)

Ông đi ra cả ngoài bài thơ. Ông đi xa quá “đề”:

Bên ngoài song gấm

Đường xanh bóng trăng,

Lửa đào lung lay phấp phới.

Thi nhân ơi xin dừng bước lại!

Đây Hằng châu thường mơ ước… đêm hoa đăng,

Đêm hoa đăng đường xanh bóng trăng.

Đêm hoa đăng đèn quanh lối xóm.

Đây cầm ca người mộng gái xưa Kim Lăng!...

… Lũ chúng em ca nhi

Đón dâng chàng một buổi

Nỗi yêu mê cuồng dại nén từ lâu…

… Về cùng chúng em!

Buồng xuân chờ cửa nhỏ,

Khóm trúc đợi xanh mầu!...

… Hãy dừng chân chàng say ơi!

Cùng lận đận bên trời một lứa.

Đêm hoa đăng vắng chàng thoi thóp lửa.

Tiếng đàn xênh rời rạc khúc Thiên Thai!

Hãy dừng đây, sương gió lạnh bên ngoài.

(Dâng tình)

Nhưng ông lại khác hẳn các thi sĩ khác ở chỗ lan man có duyên, ở chỗ lan man đầy “thơ” ấy. Nếu ta thử rút bớt phần ấy đi, rút ngắn phần ấy đi, có lẽ tác phẩm của ông không còn vị nữa. Một đặc điểm của ông không ai bắt chước được, không ai theo được. Bỏ qua khuyết điểm đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận hơi thơ trong ông còn mạnh, nguồn hứng trong ông vẫn dồi dào, dù ông hình như chỉ nghiêng về một phía “Ăn chơi”! Nếu tâm hồn ông cũng rung động được với muôn nguồn cảm xúc bao la của vũ trụ, của cuộc đời quay cuồng nữa, thì cái “đà” thơ của ông tưởng còn mạnh mẽ biết bao!

Ông có dáng dấp một chân thi sĩ. Thơ ông lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối một cách say mê! Nhưng đáng tiếc, đọc xong, ta hưởng gần hết cả khoái trá. Cái dư vị không còn là bao, hay không còn lẩn quất “đâu đây”, cũng gần như khi ta đọc Xuân Diệu hay Huy Cận!

Điểm thiếu sót ấy có lẽ ở chỗ ông còn quá “dài dòng”, ở chỗ ông nói gần hết cả ý thơ ra, ở chỗ thiếu hẳn chiều sâu!”. Rồi nhà phê bình Lương Đức Thiệp đối sánh lối thơ tượng trưng, trừu tượng của Nguyễn Xuân Sanh với cái thực của thơ Vũ Hoàng Chương:

“Một điều chắc chắn, thơ ông không có, chưa có cái rung động, cái luồng sinh khí của cuộc sống thật, của cuộc đời rộng rãi truyền sang. Thơ ông chưa được lọc qua cuộc sống thực tiễn, nó vẫn để “ấn chứng” dễ nhận (vì đặc biệt) trong bất cứ một tác phẩm nào đã rút ở tận sâu thẳm của nó ra:

… Ánh sáng phai dần,

Bốn bức tường điên đảo bóng giai nhân…

… Lũ chúng em ca nhi

Đón dâng chàng một buổi

Nỗi yêu mê cuồng dại nén từ lâu…

(Dâng tình - Vũ Hoàng Chương)

Đó là những dấu vết, đó là ấn chứng của cuộc sống thực, mà:

Men rượu rầu xanh ấm đậm người,

Môi với tình xa chĩu ngón lười.

Hồn nghiêng hái mật ở bình ngươi…

… Em ngợp buồn mơ quá ngọt ngào,

Anh ướp hồn xuân lên nhánh giao! (Xuân Sanh)...

Chỉ là hình ảnh nhạt mờ của cuộc sống thực, chỉ là hình ảnh của cuộc sống gián tiếp hay bằng tưởng tượng. Nguồn cảm xúc gần giả trá của thi sĩ “dội” trong mấy câu trên đây thiếu hẳn cái đà mạnh mẽ, cái đà tự nhiên của một tâm hồn đã đụng chạm trực tiếp với sự vật đang rung động trong luồng sống còn nóng hổi. Muốn hiểu thơ ông Xuân Sanh, ta hãy nhờ đến trực giác. Cái “thật” và cái “giả” của ông không phân biệt được bằng “khiếu”, bằng “lượng năng”! Cái khiếu ấy người ta không ai truyền sang cho ai được. Nó gần như một thiên bẩm.”

Kịp đến khi kịch thơ Vân Muội của Vũ Hoàng Chương được công diễn, bình giả Cây Thông hoan hỷ giới thiệu:

“Đêm thứ bảy 12-12-1942, Ban Kịch Hà Nội đã tổ chức tại nhà hát Tây Hà Nội một buổi kịch giúp quĩ cứu tế quốc gia…

… Vân Muội (kịch thơ của Vũ Hoàng Chương). - Sân khấu là cả một bức tranh hoạt động đủ màu, ánh, bóng đầy thi vị.

Vân Muội (Tiểu Vân) trong bộ áo xiêm thời cổ, nền lụa bạch, cổ viền đen, là những nét thủy mạc đơn sơ, mấy vòng khăn lượt quấn giữ cái búi tóc to và cao cùng tấm áo dài hồ thủy của Hoàng lang (Vũ Hoàng Chương) là những nét thuốc dịu dàng tô; còn những quệt bút dầu sơn dạm đậm chính là dam vuông nhiễu điều quàng cổ của Vương Sinh (Lan Khai) hai đầu lơ đãng tỏa buông trên thân áo màu lam.

Vầng sáng của đèn chiếu mơ hồ khi đậm khi nhạt như càng tăng vẻ dìu dập chập chờn của Vân Muội, nàng hiện ra cùng một chiều, cùng một điệu với bức tranh treo; giữa lúc Hoàng lang, tựa bên bàn độc, dưới ngọn đèn dầu, đang thẫn thờ mơ tưởng tới vị tiền thân từ kiếp trước; giữa lúc tiếng gà xa trong xóm đã bắt đầu vẳng lên, khoan thai âu yếm gọi ngày về…

Có ai quên được lớp thi nhân Hoàng lang kiểm điểm những tư tưởng di vật của nàng Vân còn để lại? Khuôn gương tư mã trên tay vô tình đã thu in bóng dáng ai kia ở bức tranh treo, khiến người thi sĩ si tình nọ phải bàng hoàng lảo đảo vội quay gót mà ôm choàng lấy Vân Muội, Vân Muội của Vương sinh chàng đã ghi họa trên tờ tranh…

Sau Thế chiến quốc, Bóng giai nhân, nay thêm một lần nữa, Ban Kịch Hà Nội đã khiến cho ta nhận rõ thấy kịch không thể lẫn với tuồng, chèo được. Điều mà ban kịch đó hằng mong ước, nay đã thực hiện. Vì, như lời Ban Kịch Hà Nội đã bày tỏ, bằng Pháp văn và quốc âm, cùng toàn thể khán giả, trước lúc mở màn khai diễn, chưa dám sánh theo những Molière, Corneille, Racine… nhưng trong khi quốc dân hồ như vẫn ghẻ lạnh với ngành mỹ thuật này, cần hết hãy hết sức hưng phục kịch và truyền bá để ai nấy đều hiểu “kịch” theo nghĩa chính của nó…

Bằng vào những vở kịch đã được đem lên sân khấu, ta tin rằng, cứ trên con đường chân chính đã đi đó, Ban Kịch Hà Nội có thể nâng cao giá trị của kịch giới lên, vừa làm giàu thêm cho nền văn hóa ở xứ này.” (Cây Thông, “Xem diễn kịch Đồng bệnh và Vân Muội, Tri tân tạp chí, Hà Nội, số 77, tháng 12-1942, tr. 10-11. In lại trong Tạp chí Tri tân (1941-1945) – Phê bình văn học (Trịnh Bá Đĩnh - Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, biên soạn), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999, tr. 485-487).

Hai năm sau, nhà phê bình Lê Thanh trong bài khảo sát thể loại kịch viết bằng thơ đã ghi nhận kịch thơ Vân Muội:

“Sau hai vở Anh Nga và Tiếng địch sông Ô, ta thấy xuất hiện Trần Can và Lý Chiêu Hoàng, Phạm Thái (đã xuất bản) của Phan Khắc Khoan, Quán biên thùy (đã xuất bản) của Thao Thao, Vân muội (đã diễn) của Vũ Hoàng Chương. Bóng giai nhân (đã diễn) của Nguyễn Bính... đều là những vở kịch có giá trị. Tại sao ta lại có thể đặt nhiều hy vọng vào thể kịch viết bằng thơ ấy?

Từ khi có phong trào thơ mới, ta thêm được lối thơ tám chữ đọc hay ngâm lên nghe không mềm yếu và buồn tẻ như những thơ lục bát hoặc lục bát gián thất của ta; lối thơ tám chữ ấy rất thích hợp cho thơ kịch. Vì vậy, ta có thể nói rằng nếu kịch thơ phát triển được là nhờ có lối thơ tám chữ, hay nói rộng ra thơ mới vậy.

Ngày nay văn chương - dù là thơ đi nữa, - phải là một cái lợi khí làm sống lại cái tinh thần của dân tộc mình; tôi thiết tưởng không có phương pháp giáo hóa quần chúng nào mạnh bằng đem diễn những vở kịch trong ấy những tình cảm đẹp đẽ được tả bằng những lời hùng hồn.” (Lê Thanh, “Kịch viết bằng thơ”, Tri tân tạp chí, Hà Nội, số 133, ra ngày 9-3-1944, tr. 4-5. In lại trong Tạp chí Tri tân (1941-1945) - Phê bình văn học (Trịnh Bá Đĩnh - Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, biên soạn), Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 1999, tr. 608-611).

Vào hè năm 1943, Lê Huy Vân giới thiệu tập Giai phẩm, trong đó có thơ và vở kịch thơ Vân Muội của Vũ Hoàng Chương:

“Giai phẩm là một cuốn “sách đầu năm” nhưng lại đợi tu hú kêu mới ra đời. Vì đâu? Há có phải vì lâu ngày im tiếng nên nay uể oải.

Sách gồm có nhiều truyện ngắn của các nhà văn quen biết: Trần Tiêu, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Hồ Dzếch, Thế Lữ, Tường Bách; nhiều thơ của Tú Mỡ, Vũ Hoàng Chương, Huyền Kiêu, Đinh Hùng; nhiều tranh vẽ của Nguyễn Gia Trí và Tô Ngọc Vân. Vẫn những người xưa! Vừa những không khí xưa! Nguyễn Tuân vẫn giữ cái giọng bắc bậc điểm chút triết lý nhẹ nhõm, Thanh Tịnh vẫn có lời văn êm đềm và những nhận xét hay hay, Trần Tiêu là một nhà văn lạc về thôn quê, Hồ Dzếch, một người vướng víu vì nòi giống, Tú mỡ một nhà thơ cổ được trọng dụng. Chỉ có Thoa của Thế Lữ là khác năm xưa. (Lối văn của ông đã xoay hướng chăng!). Chỉ có giọng thơ của Vũ Hoàng Chương là nhẹ nhàng, du dương hơn trước. Vân muội của ông, trừ những câu lục bát ở hồi thứ ba, đã cho ta xem một mặt của tài ông.

Cảm giác của tôi khi đọc xong Giai phẩm cũng là cảm giác của một gã đã mơ thấy một phong cảnh đã từng xem ở một thủa xa lắc xa lơ nào.” (Lê Huy Vân, “Đọc sách mới: Giai phẩm”, Thanh nghị, Hà Nội, số 39, ra ngày 16-6-1943, tr. 31).

Đặt trong tầm quan sát hệ thống tác gia văn học của cả một thời đại, Vũ Ngọc Phan định vị những đóng góp của Vũ Hoàng Chương, trong đó đặc biệt nhấn mạnh cái mới và cả những phương diện hạn chế:

“Ông là một thi sĩ rất gần Lưu Trọng Lư. Những thơ trong tập Thơ say (1940) của ông, ý và lời cũng nửa cũ nửa mới và phần nhiều cũng giàu âm điệu như thơ họ Lưu.

Nhưng có một điều trái hẳn với Lưu Trọng Lư là Vũ Hoàng Chương rất chú trọng đến sự gọt dũa lời thơ, nên thơ ông là thơ của một thanh niên mà nhiều lúc giọng già cóc cách.

Lẽ tự nhiên là sự thành thực vì đó kém hẳn. Đọc thơ ông người ta thấy ít cảm động, những ý, những tình trong thơ ông, hầu hết là những ý những tình xa lạ, họa chăng chỉ nhận thấy được đôi chút thất vọng, đôi chút chán nản của thi nhân về đường tình ái, nhưng cũng không có gì là thiết tha, tràn ngập. Người ta có cái cảm tưởng đó chỉ là những lời nhớ hão, thương hờ.

Cái say của ông là cái say phát ra ở điệu thơ, ở nghệ thuật của ông, hơn là ở những tính tình ông thổ lộ.

Những câu thơ:

Âm ba gờn gợn nhỏ,

Ánh sáng phai phai dần…

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân,

Lui đôi vai, tiến đôi chân,

Riết đôi tay, ngả đôi thân,

Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió.

Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,

Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!

(Say đi em – Thơ say)

là những câu đã nhờ những chữ khéo chọn và những âm điệu nhịp nhàng mà hay chứ không phải hay về ý, hay về những cái rung cảm ở tấm lòng thi nhân.

Những câu thơ sau này ai cũng phải khen là cứng cáp, nhưng giọng không phải giọng một thanh niên nặng lòng yêu dấu:

Cắm thuyền sông lạ một đêm thơ,

Trăng thượng tuần cao sáng ngập bờ.

Đâu đó Tầm Dương, sầu lắng đợi,

Nghe hồn ly phụ khóc trên tơ…

(Đà Giang – Thơ say, trang 11)

Còn như muốn đọc bài tả cảnh, trong đó tác giả có gửi ít nhiều tâm sự, phải đọc bài Chợ chiều (Thơ say, trang 59):

Nắng phai để mộng tàn lây,

Tình đi cho gió sương đầy quán không.

Chợ tan, ngàn nẻo cô phòng,

Sầu dâng bàng bạc cánh đồng tịch liêu.

Hồn đơn lắng bước chân chiều,

Đâu đây nỗi nhớ niềm yêu bời bời.

Mong manh tình đã rụng rời,

Tơ vương còn thắt tim người chia ly.

Áo thêu chăn gấm ngày đi,

Lều không quán bỏ, hồn si: chợ tàn.

Chiều lên từ thuở lìa tan,

Nắng ơi! Lạnh lẽo muôn vàn đuốc hoa.

Hôm hôm cánh rụng lầu ngà,

Một mùa ly biệt đã già nhớ thương.

Xiết bao tươi thắm ven đường,

Thờ ơ chẳng chút dừng cương mấy chiều.

Ái ân sắc lợi hình siêu,

Song song chiều cũ nay chiều lẻ đôi.

Hoàng hôn là xứ chia phôi,

Vắng tanh quán chợ vài ngôi lạnh lùng.

Đó là một cảnh chợ chiều dưới mắt tác giả và cả một cảnh chợ chiều trong lòng tác giả nữa. Người ta thấy rất nhiều chữ cổ trong bài trên này, như: gió sương, cô phòng, tịch liêu, nỗi nhớ niềm yêu, tơ vương, áo thêu, chăn gấm, muôn vàn đuốc hoa, vân vân…, nhưng về âm điệu thật là phong phú và cái ý buồn cũng thật là man mác.

Đến những bài như Yêu mà chẳng biết (trang 35), Hờn dỗi (trang 39), Bạc tình (trang 83) là những bài đáng lý phải nồng nàn lắm, mà lại rất lạnh lùng, xa lạ, làm cho người đọc có cái cảm tưởng như tác giả đã không thành thật trong sự diễn tả tư tưởng cùng tính tình của mình.

Sự nhạt nhẽo ấy còn do ở âm điệu những bài ấy kém hẳn những bài trên này. Thơ của Vũ Hoàng Chương không có tư tưởng gì đặc biệt, chỉ nhờ vào âm điệu và sự lựa chữ rất nhiều, một khi âm điệu kém và có sự cẩu thả trong sự dùng chữ, bài thơ của ông không còn chất say nữa và cũng không còn làm say ai được.

Thơ của Lưu Trọng Lư đầy tình và mộng; thơ của Vũ Hoàng Chương là thứ thơ của một thanh niên già trước tuổi, chán ngán sự đời và chán một cách mát mẻ, lạnh lùng.

Hai đằng cùng buồn, nhưng cái buồn của họ Lưu mập mờ, man mác, có tính cách chung, nên dễ có người hưởng ứng; còn cái buồn của họ Vũ là cái buồn do ở sự bất mãn, ở sự chán chường, nên không phải ai cũng cùng tâm sự. Đã thế, Vũ Hoàng Chương lại không được thành thật cho lắm, nên giọng thơ ông không bao giờ thiết tha được bằng giọng thơ Lưu Trọng Lư.

Tuy vậy, cùng với Lưu Trọng Lư, ông thuộc vào những thi sĩ nửa cũ nửa mới và có thể tiêu biểu cho hạng thanh niên có những tư tưởng bông lông, chán nản, tuy cuộc sống còn dài mà đã thấy cuộc đời mình già cỗi và buồn tênh.” (Vũ Ngọc Phan, “Vũ Hoàng Chương”, Nhà văn hiện đại, Quyển ba, Nxb. Tân dân, Hà Nội, 1943. In lại trong Vũ Ngọc Phan - Tác phẩm, Tập IV, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2000, tr. 361-364).

Qua thời gian, rồi đến lượt nhà phê bình Kiều Thanh Quế thêm một lần đọc lại sự đọc, tức là thẩm định, trao đổi, góp ý với cách đọc thơ và định vị các giá trị thơ mới, trong đó có văn mạch thơ say và vấn đề thơ say, thơ buồn của Vũ Hoàng Chương:

“Quyển sách dày dặn cố ghi lại một thời đại thi ca Việt Nam chẵn mười năm 1932-1942…

… Trong các cuộc biến thiên lớn của thơ ca Việt Nam ấy, ta vẫn đếm được mấy phong trào nhỏ: lối thơ hài hước của Tú Mỡ mà tác giả Thi nhân Việt Nam vô tình hay hữu ý đã quên đứt, nhưng được ông Lê Thanh nói đến trong một tập phê bình Tú Mỡ; và lối thơ say của Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tố, Vũ Hoàng Chương.

Theo lời Trần Thanh Mại, Lưu Trọng Lư đã vừa uống rượu vừa làm nên bài thơ Giang hồ tại nhà họ Trần:

Mời anh cạn hết chén này,

Trăng vàng ở cuối non tây ngậm buồn.

Tiếng gà đã rộn trong thôn,

Nửa đời phiêu lãng chỉ còn đêm nay.

Để lòng với rượu càng say,

Chữ đây lời nói chua cay lạ thường! v.v...

Cái say của tác giả Tiếng thu là cái say của kẻ “giang hồ rượu ngấm”. Đến cái say của Nguyễn Tố quả là cái say của Tản Đà còn di truyền lại, cái say của kẻ ăn chơi.

Còn cái say của Vũ Hoàng Chương thật là mới: “Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Đông Á: cái nghiệp say”. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa.

Ánh đèn tha thướt

Lưng mềm, não ruột dáng tơ,

Hàng chân lả lướt

Đê mê, hồn gửi cánh tay hờ…

… Bốn tường điên đảo bóng giai nhân

Lui đôi vai, tiến đôi thân,

Riết đôi tay, ngả đôi chân,

Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió,

Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,

Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta! (Say đi em)

Buồn, người ta chán đời, rồi người ta đâm ăn chơi, uống rượu cho say để quên.

Nhưng, buồn: người ta có khi cũng chỉ chán nản để thở than mà thôi:

Nếm mùi đau đớn quên mùi thú,

Đổi tuổi xuân xanh lấy tuổi già.

Bút rỉ mực khô, tàn tã mộng;

Hồn tan trí mỏi, chán chường hoa…

Ngày tháng qua,

Gió bụi qua…

Ngàn sương văng vẳng tiếng gà,

Đìu hiu lá rụng, canh tà, khói thưa…

Thế sự mùi chua chát

Phù sinh bóng mịt mờ,

Nửa giấc yên hoa cười mộng cũ,

Hai hàng si lệ khóc tình xưa

Giang hồ luống mỏi thân bay bướm,

Phóng lãng hầu quen thói lọc lừa.

Nhuốm mãi tuyết sương làn tóc rụng,

Chứa tràn oán hận mảnh hồn thơ…

(Đái Đức Tuấn - Chán nản)

Chán nản đến như thế, thật không kém Lamartine đã viết: “Lòng tôi chán nản tất cả… chán nản cả đến sự hy vọng” (Mon coeur lassé de tout… même de l’esterance).” (Kiều Thanh Quế, “Nhân đọc Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân”, Tri tân tạp chí, Hà Nội, số 134, tháng 3-1944, tr. 10-11+21. In lại trong Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam (Nguyễn Hữu Sơn - Phan Mạnh Hùng sưu tập, giới thiệu), Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2009, tr. 130-135)...

Cho đến những phút cuối cùng của phong trào thơ mới, Kiều Thanh Quế trong bài lược dẫn, phác sơ “Những xu hướng văn học Việt Nam trong năm qua” cũng lưu ý cộng điểm cho Vũ Hoàng Chương:

“Về thơ, từ khi thơ của nhóm Xuân thu tạ thế rồi, thi sĩ Việt Nam đa số quay về với thơ Đường. Trong năm qua, một tập thơ đáng để ý: Mây của Vũ Hoàng Chương. Phân nửa tập thơ ấy đựng những tứ thơ vọng quê hương Bồ Tùng Linh. (Xem những bài Cảm thông, Đêm đông xem truyện quỷ, Nửa truyện hồ ly, Tình Liêu Trai, Giang Nam người cũ, Dáng tình, Đào nguyên lạc lối, Hơi tàn Đông Á). Những câu thơ rất đẽo gọt trong những bài thơ ấy phảng phất phong vị Đường thi:

Qua rồi thuở ấy tình sâu nặng

Trăng mới cuồng si nụ bn khai.

Ta nhớ tiền thân, phòng lại ngỏ…

Giấc hồ thơm tóc gái Liêu Trai.

(Cảm thông)

Nhưng thơ Vũ Hoàng Chương cũng có bài rất mới: mới từ lời đến điệu thơ:

Sao lìa ngôi, phương hướng ngã bên mình.

Cơn lốc nổi,

Đờn tiên thôi gọi,

Âm thầm xa bặt tiếng tiêu

Nhưng mê man say uống miệng người yêu,

Ta cũng như Nàng.

Cảnh mộng chốn Bồng Lai đâu nhớ tới.

Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải,

Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn.

Khi tỉnh dậy, bùn nhơ nơi Hạ giới,

Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn.

(Tối tân hôn)

Vũ Hoàng Chương cũng như một số nhà thơ mới hiện đại không dám táo bạo đi hẳn theo ảnh hưởng thơ Pháp, mà cũng thấy buồn rũ và già xọm nếu mình cứ khệnh khạng noi theo mãi con đường thơ Đường.” (Kiều Thanh Quế, “Những xu hướng văn học Việt Nam trong năm qua”, Tri tân tạp chí, Hà Nội, xuân Ất Dậu, số 175-178, tháng 2-1945, tr. 67).

Vũ Hoàng Chương là nhà thơ hào hoa, lãng tử, giàu bản lĩnh, quyết đoán, biết chấp nhận và dấn thân, nhập cuộc đời sống đô hội, phường phố, thị thành. Ông xuất hiện khi phong trào thơ mới đã bắt đầu ngả bóng sang chiều nhưng đã góp phần mở rộng biên độ cảm xúc và nội dung hiện thực, làm mới diện mạo thơ ca... Các nhà phê bình đương thời đã nhấn mạnh, khẳng định những phương diện nội dung và nghệ thuật mới mẻ trong thơ Vũ Hoàng Chương đồng thời thẳng thắn chỉ ra tất cả mặt hạn chế trong cách cảm nhận, lựa chọn, tiếp nhận, chuyển hóa chi tiết đời sống hiện thực vào thế giới nghệ thuật thi ca. Điều quan trọng nhất, các nhà phê bình đều thống nhất đánh giá cao Vũ Hoàng Chương cả về tài năng nghệ thuật và khả năng mở đường cho tư duy thơ mới phát triển.

 

(Trích cuốn sách biên khảo "Người đương thời Thơ mới bàn về tác gia Thơ mới” từ trang 387 đến trang 411, NXB Văn học, Hà Nội, 2017)