Hội
diễn, liên hoan do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức, ông phó chủ tịch Hội kiêm
Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội gửi vở đi dự thi. Cái vở ổng được giải, giờ được luôn giải
thưởng lớn của năm! Chơi vậy ai chơi lại…
Vì sao “vở đoạt giải mà khán giả không đi xem”?
LÊ HUYỀN ÁI MỸ
Tối 9/2, phát biểu trong lễ trao giải thưởng sân khấu
năm 2022 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, nhà biên kịch Nguyễn Đăng Chương -
Phó chủ tịch Hội,
hân hoan: Nếu
nhìn vào số lượng hơn 60 vở diễn đoạt giải thưởng xuất sắc, huy chương vàng, bạc
tại 8 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật năm 2022 thì “nghệ thuật sân khấu đang ở
thời kỳ phát triển rực rỡ và đạt được những thành tựu đáng ngạc nhiên”.
Nhưng - theo Tuổi Trẻ - cũng chính ông Chương ngay sau đó đã
thừa nhận “nhiều vở diễn đoạt giải nhưng khi biểu diễn phục vụ công chúng lại
không có người xem, đành phải để vào kho lưu giữ”.
Vậy sự phát triển rực rỡ kia là dựa trên tiêu chí nào,
phục vụ cho ai,
khi thành tựu mang lại huy chương lại bị chính khán giả khước từ? Vậy phải vào
kho lôi ra những vở diễn đạt giải mà công chúng không đi xem để làm rõ nguyên
nhân vì sao, nhất là “vì sao” khán giả chê mà nó vẫn lãnh giải, viết - dựng -
diễn một vở mà khán giả không đi xem thì từ chất lượng nghệ thuật đến khối lượng
công việc đã được quyết toán ra sao?
Nói đâu xa, ngay vở “Đất liền và biển cả” của nhà biên
kịch Nguyễn Đăng Chương
cùng lúc dựng cho 2 đoàn, 2 đoàn đều đạt giải A. Tôi đã xem phiên bản cải lương của Đoàn Cải
lương Hải Phòng. Đó là một vở diễn… cũ, nhiều tình tiết lộ rõ sự sắp đặt nên gượng
gạo. Ngoài các giọng ca chính đầy nội lực, dù có lúc quên tuồng và ca rớt nhịp;
ngoài một phân cảnh đẹp là dàn cán bộ chiến sĩ xếp đội hình hát Quốc ca - thú
thật, coi đến đây tôi trộm nghĩ, hình như ông tác giả đang “chuộc lỗi” năm xưa
- khi còn là Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn thì ông đã ký cấp phép cập nhật 300 ca
khúc, trong đó có cả Quốc ca.
Còn lại, sự đối lập - song hành - kết nối giữa “đất liền”
và “biển cả” khá đơn điệu, dễ dãi. Một sĩ quan hải quân ra Nhà dàn công tác, vợ
là một cô giáo ở nhà bị một doanh nghiệp theo đuổi, bất thành, tay doanh nghiệp
viết giấy vu khống cô cặp bồ với chủ tịch xã - bạn thân của hai vợ chồng. Ngoài khơi, anh sĩ quan cũng đối diện dày
vò, nghi hoặc nhưng lại được chính em trai của tay doanh nhân “phá vỡ âm mưu
đen tối” kia. Buồn cười là màn xử lý mấy tờ giấy - như truyền đơn - rải khắp,
nhân vật vợ anh chủ tịch xã nhặt nhặt lượm lượm, gào xé đau khổ.
Mọi tình tiết đều quá dễ dãi nên chẳng cần đoán, nó cứ
đi theo “tuyến tính” gượng gạo. Phần “Biển cả” lý ra là mảnh đất để khai thác cảm
xúc thì lại toàn những kịch từ hô hào. Cũng “mượn” hình ảnh quấn lá cờ trước giờ
ra trận nhưng vở đã chọn một góc an toàn khi đó là trận bão tố thiên tai. Tôi cứ
chờ ít nhất một lần là “địch họa” trong đường dây, nhưng không có.
Với công chúng ngày nay, khi các phương tiện truyền
thông, nền tảng mạng xã hội phủ sóng, hình ảnh, sinh hoạt, cuộc sống của người
lính hải quân luôn được cập nhật. Tôi tin, tự trong mỗi khán giả, họ đã có sẵn
tình yêu dành cho “Biển cả”, nguồn xúc cảm trước hình ảnh người lính đảo. Nghệ
thuật phải chạm được vào tình yêu ấy chứ không phải là một kiểu “đánh vần” ê a,
ngô nghê như thế; thì trách sao vở thì đạt giải xuất sắc mà công chúng chẳng đi
xem.
Bởi, tôi nghĩ, một trong những nguyên do khi viết, khi
dựng là để dành cho…. ban chỉ đạo, ban tổ chức trước, rồi mới đến ban giám khảo.
Khán giả - nhân dân ở đâu,
tôi không thấy. Nên, trao giải cho một vở diễn đạt “nhiệm vụ chính trị”. Nhưng
ngay cả khi cái nhiệm vụ ấy là chính đáng thì việc khoác lên nó một chiếc áo
nghệ thuật sơ sài, không vừa kích, đường may vụng thì cần xem lại cả nhận thức
lẫn trình độ của những “nhà biên kịch chính trị”!
Và một “bản chất” rất cũ: hội diễn, liên hoan do Hội
Nghệ sĩ Sân khấu VN tổ chức, ông phó chủ tịch Hội kiêm Chủ tịch Hội đồng nghệ
thuật của Hội gửi vở đi dự thi, cái vở ổng được giải, cái giờ được luôn giải
thưởng lớn của năm! Chơi vậy ai chơi lại…
Cũng theo Tuổi Trẻ,
ông Chương đề nghị một giải pháp “Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN - nơi ông làm phó cho
bà Thúy Mùi - khẩn trương báo cáo các cơ quan chức năng, xin cơ chế đặc thù để
Nhà nước tài trợ thực hiện đề án bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ sân khấu…”.
Đang chưa kể các trại sáng tác, bồi dưỡng, tập huấn hằng
năm, cũng tiền cả đấy, vở viết ra, ai dựng ai xem, rồi nghiệm thu thế nào. Giờ
còn vòi cả “cơ chế đặc thù”. Hiện thực cuộc sống trong đại dịch vừa qua, ngoài
đề tài ngợi ca thiên thần áo trắng, còn nỗi mất mát điêu linh, còn hàng vạn người
ở lại, vở diễn nào được viết ra từ đó. Hiện thực cuộc sống đang rẫy đầy những
tham nhũng, tiêu cực và cuộc chiến phòng- chống không cân sức kia, sàn diễn nào
sẽ phải thức tỉnh.
Công chúng không đi xem vì họ chẳng tìm thấy tâm tư, đời
sống của họ trong ấy, vì các ông tác giả, đạo diễn chẳng màng đến “những điều
trông thấy”. Sự mẫn cảm của con tim, nỗi đau đáu trước phận người, sự quay quắt
để đi tìm những phép sáng tạo vì con người, nó chẳng có “cơ chế đặc thù” nào bồi
dưỡng nổi, đào tạo kịp, thưa ông phó chủ.
Các ông các bà cứ vào miền Nam, những ngày này, đi một
vòng các sân khấu kịch, cải lương mà xem; vẫn giữ lịch một ngày mấy suất, một
tuần kín hết 7 buổi. Chả ai tài trợ cho cả, toàn bán vé bởi khán giả tìm đến
nghệ sĩ, ít nhất họ thấy mình trong đó, khóc cười, buồn vui một chốc.
Những vở diễn không hề có giải thưởng a bờ cờ như của
ông.