Sáng tác thơ là đam mê của Bùi Mạnh Nhị. Đến công tác ở các vùng quê, Bùi Mạnh Nhị đều có thơ, dường như cảnh và người của những vùng đất khác nhau đã thu hút tâm hồn thơ của người thầy giáo.

BẠN TÔI

NGUYỄN CHÍ BỀN

1.

Năm tháng đi qua, tôi không thể nhớ chính xác gặp Bùi Mạnh Nhị ngày nào của năm 1974. Cuối năm 1973, từ mọi miền của các tỉnh miền Bắc, chúng tôi tụ hội về khoa Ngữ Văn của trường Đại học sư phạm Hà  Nội I, học làm thầy giáo. Tất cả chúng tôi đều giống nhau là học trò trường huyện về học đại học ở Thủ đô: Tôi từ huyện Thuận Thành của tỉnh Hà Bắc, Bùi Mạnh Nhị từ trường trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Nam Định…

Thời gian đầu mới vào trường, do học khác lớp nên chúng tôi chưa biết nhiều về nhau. Mãi đến cuối năm thứ nhất, đầu năm thứ hai, các thầy trong Ban chủ nhiệm khoa Ngữ Văn khi ấy, gồm thầy Lê Trí Viễn, chủ nhiệm khoa, thầy Nguyễn Văn Hạnh và thầy Trần Văn Thận, phó chủ nhiệm khoa, mở một Câu lạc bộ sáng tác và nghiên cứu văn học. Khi giáo vụ khoa, đọc tên Bùi Mạnh Nhị, lớp E thì tôi mới nhận ra, anh bạn mình gặp thường xuyên ở thư viện trường là Bùi Mạnh Nhị. Mỗi khi tôi lên thư viện đọc sách, đã thấy anh bạn này ngồi đọc sách, ghi chép rất say mê, chả biết ai bên cạnh…

Không biết lúc học trường Lê Hồng Phong, Bùi Mạnh Nhị đã có thơ in báo hay chưa, nhưng từ khi biết nhau, bài thơ đầu tiên của Nhị in báo thì tôi nhớ. Đó là bài Trưa trên công trường in báo Hà Nội Mới, số 2243, ra ngày 29 Tháng Tư 1975. Đang là sinh viên, mà có thơ in trên báo là vinh dự lắm. Khi ấy, Câu lạc bộ sáng tác và nghiên cứu văn học chúng tôi được tiếp xúc với các anh học ở Trường viết văn Nguyễn Du, mọi người đều giới thiệu đây là Bùi Mạnh Nhị, Trần Hòa Bình, hai bạn này đã có thơ in báo. Thoáng một thời gian sau, Bùi Mạnh Nhị đã được Hội Văn Nghệ Hà Nội trao giải thưởng thơ, loại B với bài Mương con gái. Tôi nể phục tài quan sát, suy ngẫm của Nhị, vì ngoài hàng rào của khu tập thể sinh viên chúng tôi khi ấy là làng Vòng, có mấy ai để ý :

Sao dòng mương có tên “Con Gái”

Để mùa về mang nỗi nhớ con trai?

Mà lời đề từ: Tặng đội thủy lợi nữ làng V. Từ Liêm của Nhị là minh chứng. Con đường thơ của Nhị đã được khẳng định trong nhóm chúng tôi khi ấy.

Ngày ra trường, tháng 9 năm 1977, chúng tôi chia tay nhau. Trần Hòa Bình về Khoa Ngữ Văn trường Đại học sư phạm Hà Nội II, Bùi Mạnh Nhị về Khoa Ngữ Văn trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, tôi về trường Cao đẳng sư phạm Bến Tre với lời hẹn: Tiếp tục sáng tác thơ nhé…

Chúng tôi xa cách nhau về không gian, nhưng thư từ cho nhau và “theo dõi” nhau trên báo chí thường xuyên. Mừng cho nhau khi thấy thơ của bạn mình xuất hiện. Đầu năm 1978, từ Bến Tre, tôi lên nhà Nhị ở chung cư số nhà 242, Paster “ăn vạ” cả cơm và tư liệu, Khi xem giá sách có khá nhiều sách xuất bản ở Sài Gòn và miền Nam trước năm 1975, tôi hỏi: Ông kiếm ở đâu tài thế? Nhị trả lời: Ở chỗ bán sách cũ, nhưng khó tìm, vì những người bán sách cũ hay giấu, sợ tội bán sách cấm, và … Tôi bảo: phải bỏ ra nhiều tiền, đúng không? Nhị gật đầu…

Làm công tác giảng dạy và tiếp tục sáng tác thơ ở thành phố Hồ Chí Minh. Năm 1980 Bùi Mạnh Nhị đã được giải 3 về thơ của Hội nhà văn thành phố với bài Tranh làng Hồ ở Sài Gòn.

Tranh gà gáy gọi bình minh

Tôi nhìn thành phố lung linh ánh ngày

Làng Hồ thả cánh diều bay

Gió Sài Gòn gió thêm dây cho diều

Sài Gòn ơi những thương yêu

Bầu trời như giấy lụa điều đề thơ

Gửi ra nhắn bạn làng Hồ

Câu thương lẫn nhớ câu chờ chiều nay

Đọc bài thơ trên báo Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, tôi cảm động thực sự, bởi tôi là người huyện Thuận Thành, nơi có làng tranh Đông Hồ...

Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn nghĩ, Nhị chỉ say mê sáng tác thơ. Nhưng tháng 8 năm 1980, khi anh tặng tôi cuốn Sen Tháp Mười, tập ca dao miền Nam về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tôi thay đổi suy nghĩ của mình về Nhị. Tuy cuốn sách chỉ gần 70 trang khổ 12x19 cm, nhưng trong suy nghĩ của tôi, vẫn là cuốn sách khẳng định lao động khoa học của Nhị. Thì ra, bên cạnh các công việc của người thầy giáo, Nhị vẫn sáng tác và lặng lẽ làm nghiên cứu khoa học. Trong các bạn bè tôi hồi ấy, Nhị vẫn là người thành công trước nhất, được khẳng định mà các bài thơ và bài nghiên cứu văn học dân gian là minh chứng.

Vào thành phố Hồ Chí Minh chừng một năm, năm 1978, Bùi Mạnh Nhị trở ra Hà Nội học lớp Sau đại học. Luận văn tốt nghiệp của anh về phương ngôn Việt Nam, năm 1980, trở lại trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, mạch nghiên cứu của Nhị tiếp tục.

Nam Bộ là vùng đất mới với người Việt nhưng sáng tác văn học/văn hóa dân gian của các tộc người ở Nam Bộ thì nhiều về trữ lượng tác phẩm, đa dạng về loại hình, phong phú về giá trị. Bùi Mạnh Nhị Nhị cùng các anh Trần Vĩnh, Nguyễn Tấn Phát ở nhóm văn học dân gian của Khoa Ngữ Văn đã tiến hành xem xét, đánh giá các sách về văn học dân gian của các tác giả đã công bố trước năm 1975 tại Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, trực tiếp điền dã để sưu tầm văn học dân gian ở Nam Bộ.

Năm 1984, cùng các tác giả Bảo Định Giang, Nguyễn Tấn Phát, Trần Tấn Vĩnh; Bùi Mạnh Nhị công bố cuốn sách Ca dao dân ca Nam Bộ dày 507 trang. Năm 1988, anh lại cùng hai tác giả Nguyễn Tấn Phát, Trần Vĩnh công bố Truyện cười dân gian Nam Bộ dày 254 trang… Có thể nói sau năm 1975, các tác giả từ miền Bắc vào mà làm được các cuốn sách như vậy thì thật đáng quý, nhất là về mặt tư liệu.

Không chỉ làm tư liệu, Bùi Mạnh Nhị cũng rất chú trọng nghiên cứu. Nhiều bài nghiên cứu văn học dân gian Nam Bộ được công bố trong những năm này được giới nghiên cứu văn học dân gian chú ý. Chẳng hạn, bài Truyện trạng Ba Phi, một hiện tượng văn học dân gian độc đáo công bố ở tạp chí Văn hóa dân gian số 3/1985, bài Tiếp cận văn học dân gian địa phương, từ đặc trưng của văn học dân gian công bố ở tạp chí Văn học, số 3/1985 v.v… Trong diện mạo các tác giả sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian Nam Bộ từ sau năm 1975 đến nay, chân dung Bùi Mạnh Nhị rất rõ ràng, có nét riêng.

Từ nền tảng ấy, cùng với việc chuẩn bị vốn tiếng Nga, năm 1988, Bùi Mạnh Nhị sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ với đề tài Lịch sử nghiên cứu thi pháp bài ca trữ tình dân gian trong folklore học Việt Nam và folklore học Nga. Năm 1992, anh bảo vệ thành công luận án tại Viện Văn học Nga, Viện hàn lâm khoa học xã hội Nga. Không như các nghiên cứu sinh khác, Bùi Mạnh Nhị ở lại Liên bang Nga làm luận án tiến sĩ với đề tài Thi pháp trữ tình dân gian Việt Nam nhìn từ góc độ lý luận folklore học Nga. Đấy là một thách thức không hề nhỏ với một nghiên cứu sinh Việt Nam. Năm 1995, anh bảo vệ thành công luận án tại Viện Văn học Nga, Viện hàn lâm khoa học xã hội Nga…

Về nước khi công cuộc Đổi mới đất nước đã/ đang tiến hành, Bùi Mạnh Nhị nhập cuộc và dần được khẳng định. Làm chủ nhiệm khoa Ngữ Văn rồi lên thẳng làm hiệu trưởng trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1999. Biết bao công việc khó khăn, vất vả không giống với khó khăn vất vả của nghiên cứu khoa học, đặt lên đôi vai của một nhà khoa học…

Đến năm 2007, Nhị ra Hà Nội làm Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi 2015 chuyển sang làm Chánh Văn phòng Hội đồng giáo sư Nhà nước. Đến lúc ấy chúng tôi gặp nhau thường xuyên hơn, khi thì trên điện thoại, lúc đến nhà, ra quán cà phê, quán ăn…

Năm 2008, người bạn thân của chúng tôi, nhà thơ Trần Hòa Bình, đột ngột ra đi. Nhị động viên, ủng hộ tài chính để tôi làm cuốn sách Trần Hòa Bình tuyển tập tác phẩm. Nhị bảo: “Phải làm sách cho Bình, để nó an lạc cõi vĩnh hằng…”. Và năm 2009, Trần Hòa Bình, tuyển tập tác phẩm đã được nhà xuất bản Hội Nhà văn cho ra mắt bạn đọc.

 

2.

Mãi đến khi Bùi Mạnh Nhị ra Hà Nội làm việc, tôi mới có dịp đi cùng Nhị về thăm quê Nhị: Thôn Quả Linh, xã Thành Lợi huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Trên đường về, tôi hình dung mấy chục năm trước cậu bé làng Gạo hàng ngày vượt 8 cây số đi học ở trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong ở thị xã Nam Định, ắt vất vả, chưa kể những năm tháng ấy là thời gian giặc Mỹ ném bom miền Bắc, có lúc Nhị cùng bạn bè và các thầy cô giáo phải đi sơ tán, không giảng dạy và học tập tại thành phố Nam Định…

Quả Linh là tên chữ, tên hành chính, còn tên cổ là Cảo Linh, và tên nôm là làng Gạo (Kẻ Gạo). Đây là làng rộng nhất, đông người nhất của xã Thành Lợi. Trước đây thời bao cấp, cùng sự phát triển của nhà máy dệt Nam Định, nhiều gia đình ở đây làm nghề dệt. Làng có một lễ hội mà dân làng gọi là lễ hội Thái bình xướng ca. Truyền thuyết ghi rằng dân làng có công tải lương giúp vua Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông, nên vua ban thưởng cho làng mở hội Thái bình xướng ca/ Ca khúc thái bình như câu ca ở vùng này:

Vua Trần có lệnh tuyển binh

Đánh giặc Nguyên thắng, Thái bình xướng ca...

Có thể nói, làng Gạo là một làng văn hóa dân gian đa dạng, phong phú về loại hình, sâu sắc về giá trị. Phải chăng, chất Quả Linh thấm đẫm trong người đã khiến Bùi Mạnh Nhị lựa chọn văn học dân gian làm lĩnh vực nghiên cứu của cả cuộc đời…

Hành trình của anh từ khi rời cánh cửa của khoa Ngữ Văn, trường Đại học sư phạm Hà Nội 1 vào tháng 9/1977 cho đến bây giờ, vẫn là gắn bó với văn học dân gian. Danh mục các công trình khoa học của Bùi Mạnh Nhị do trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh công bố năm 2001 có 39 công trình thì có tới 36 công trình về văn học dân gian. Từ luận văn Cao học bảo vệ tại Đại học sư phạm Hà Nội 1 đến luận án phó tiến sĩ, rồi luận án tiến sĩ của anh đều làm về lĩnh vực này…

Sáng tác thơ là đam mê của Bùi Mạnh Nhị. Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học, đã có nhiều bài được in trên các tạp chí, báo. Nhiều lần, nhà văn Châu La Việt, người bạn cùng học Khoa Ngữ Văn của trường Đại học sư phạm Hà Nội 1 cùng Nhị và tôi, hay một số bạn bè văn chương khác, cũng nhắc và mong muốn Nhị tập hợp các bài thơ in thành tập. Nhưng cũng giống người bạn thân của chúng tôi, nhà thơ Trần Hòa Bình, Bùi Mạnh Nhị cứ ậm ừ mà mãi vẫn không có được một tập thơ. Bởi thế mà biết nhau từ khi tham gia Câu lạc bộ sáng tác và nghiên cứu văn học từ năm 1973, rồi trở thành bạn thân sau này, nhưng cũng khó mà biết anh có bao nhiêu bài thơ trong bản thảo. Tôi chỉ nhớ một số bài (không kể hai bài thơ được giải thưởng của Hội Văn nghệ Hà Nội và Hội Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh) của anh như Bài ca về chiếc lá non, Chiếc vòng tay, Tôi vốc nước Đồng Nai, Với Sài Gòn, Tôi có một Hải Phòng v.v…

Đến công tác ở các vùng quê, Bùi Mạnh Nhị đều có thơ, dường như cảnh và người của những vùng đất khác nhau đã thu hút tâm hồn thơ của người thầy giáo, người công chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo... Nhưng nhiều hơn cả trong thơ Bùi Mạnh Nhị vẫn là những bài thơ thể hiện tâm tư, cảm xúc của chính anh. Và nhiều hơn cả vẫn là thơ tình. Thật ra, đã là người làm thơ, trong cuộc đời ai chả có một vài bài thơ tình. Bùi Mạnh Nhị có khá nhiều bài thơ tình da diết như vậy: Anh viết tên em, Đợi em về, Tình yêu, Chỉ tình yêu còn mãi v.v… Trong đó có bài thơ tôi thích, là bài Thơ viết trên máy bay, với những câu đầy bất ngờ

Em biết không

Bầu trời cô đơn lắm

Trên máy bay không ai nói một lời

Vẫn thời khắc trần gian sao trôi rất chậm

Anh muốn lần về mặt đất đã xa xôi

Em ở đâu

Điểm tựa của đời anh để anh thôi chới với

Xung quanh anh bốn bề mây nổi

Em gánh nỗi lo lên cả bầu trời

Nói đến thơ tình của Bùi Mạnh Nhị, nhiều người nhớ ngay đến bài Vô đề. Nhiều người hay nhắc đến câu “Rượu này có nước mắt pha” trong bài thơ này của anh. Phó giáo sư tiến sĩ ngôn ngữ học Phạm Văn Tình, người cùng quê Nam Định với Bùi Mạnh Nhị đã phân tích từ góc tiếp cận ngôn ngữ học câu thơ này rất thú vị. Nhưng tôi thì thích mấy câu này:

Rót cho đầy vĩnh cửu

Uống cho cạn thoáng qua

Sao em nhìn ta bật khóc

Rượu này có nước mắt pha

Những câu thơ bật ra hình như là vô thức của người viết. Nỗi đau mong dùng rượu làm vợi bớt thì lại chợt tăng thêm. Rượu hay nước mắt nuốt ngược vào tâm khảm?... Tôi chợt nhớ cụ Nguyễn Khuyến với ly rượu nhỏ trước mặt, bao nỗi đau nhờ ly rượu nén vào lòng. Còn với Nhị, thì ngược lại, ngụm rượu nước mắt càng làm nỗi đau thêm sâu lắng… Phải chăng thơ tình của Bùi Mạnh Nhị là như vậy. Con chữ chỉ là những lớp vỏ bên ngoài...

 


3.

Có một người bạn vong niên của tôi và Bùi Mạnh Nhị, cùng nghiên cứu và giảng dạy văn học dân gian với Nhị ở khoa Ngữ Văn tại Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Tấn Phát, từng là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, từng tâm sự: “Làm quản lý khổ nhất và khó nhất là ứng xử…”. Vậy mà làm hiệu trưởng một trường đại học sư phạm, rồi Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, rồi Chánh Văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước, tôi vẫn nghe bạn bè nhận xét: Bùi Mạnh Nhị lịch lãm, nền nã trong ứng xử… Tôi hiểu, Nhị thích ứng với công việc, mọi sự không bằng lòng, khó chịu đều nén vào trong, không bộc lộ ra ngay cả từ trong nét mặt, lời nói cũng như hành động. Trong các bài thơ của Nhị, tôi rất lưu ý bài Chia tay bạn, và thích nhất khổ kết:

Chỉ khi bạn thích danh thích lộc

Tôi chẳng tìm đâu, chẳng đến đâu

Có nhớ thương nhau đừng buồn bực

Đứa bạn hàn vi thích cứng đầu...

Quả tình đây là tính cách của Nhị. Ngay từ lần đầu khi gặp nhau, tôi đã cảm nhận anh là người mềm mỏng, nhẹ nhàng. Nhưng một hôm, tôi, Trần Hòa Bình, cùng Bùi Mạnh Nhị và một anh bạn (tôi xin phép không kể tên) ở khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, người đã có bài thơ được giải khuyến khích của cuộc thi thơ do báo Văn nghệ tổ chức, đi chơi ở mấy tòa soạn báo trong nội ô về, xuống ăn trưa ở nhà ăn của sinh viên. Đứng trước bàn ăn nhìn mâm cơm, anh bạn kia, ra vẻ bực bội, nói: “Các ông mời tôi ăn thế này à?”. Lần đầu tiên, và có lẽ là duy nhất trong cuộc đời, tôi thấy Bùi Mạnh Nhị đỏ mặt nói như quát: “Cơm sinh viên, có thế thôi, ông không ăn thì về, đi về!!!”, rồi không nói gì thêm nữa… Bữa đó 3 đứa chúng tôi lặng lẽ ăn hết bữa cơm rồi ai về phòng nấy.

Bao năm sau gặp lại, chả khi nào tôi thấy Nhị nói to hay giận dữ lần nào nữa. Biết là cuộc đời làm quản lý phải chịu đựng, song bao vất vả, khổ cực của những năm tháng làm công tác quản lý không hiện hình trên những trang thơ, trên những bài nghiên cứu, đặc biệt là không làm ảnh hưởng xấu đến ai, nên Bùi Mạnh Nhị luôn được nhiều người quí mến, tôn trọng. Tôn trọng tài, tâm, và quí mến cách ứng xử của anh trong đời thường và trong công tác.

 

4.

Thời gian như chiếc lá rơi bay vèo trong gió. Năm 2022, chúng tôi tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày ra trường. Các bạn cùng khóa K23 đều bảo 320 sinh viên của 9 lớp khoa Ngữ Văn hồi ấy có hai người thành đạt nhất là Bùi Mạnh Nhị và Nguyễn Chí Bền. Tôi trả lời, chắc Nhị đồng ý: tôi và Nhị là người may mắn hơn các bạn thôi. Trong thâm tâm, tôi luôn nghĩ, Nhị đã phải tự vượt lên chính mình rất nhiều. Tôi không muốn dùng chữ thành đạt, mà dùng chữ thành công. Có những việc chúng tôi thành công... Tự vượt lên mình nhiều lần, Bùi Mạnh Nhị đã cắm được nhiều cột mốc trên hành trình là một thầy giáo, một nhà nghiên cứu, một nhà thơ có nhiều bài thơ sống cùng bạn đọc và thời gian…

Ra đi từ làng Gạo, trưởng thành từ mái trường Đại học sư phạm Hà Nội, cậu bé Bùi Mạnh Nhị, sinh viên Bùi Mạnh Nhị, và bây giờ là PGS.TSKH Bùi Mạnh Nhị, nguyên Hiệu trưởng, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, nguyên Chánh Văn phòng Hội đồng giáo sư nhà nước; đã vun đắp thành công cho mình từ mồ hôi, trí tuệ, từ ánh mắt luôn nhìn về phía trước, đứng thẳng và cứng đầu. Có phải ai cũng làm được thế đâu…