Để có được cái nhìn văn hóa về văn học, mà cụ thể hơn là nhìn vào một tác phẩm, một trào lưu, khuynh hướng, giai đoạn văn học, sẽ cần trang bị nhiều kiến thức, công cụ, thao tác tư duy.


Khía cạnh văn hóa của văn học

NGUYỄN THANH TÂM

Văn học là một hình thái nghệ thuật, cũng là một hiện tượng văn hóa. Những nghiên cứu – phê bình văn học đang dần dịch chuyển từ bình diện ngành sang liên ngành, để mở rộng các khả năng diễn giải với tinh thần tác phẩm không chỉ là dữ kiện mỹ học mà còn là các dữ kiện văn hóa – xã hội – lịch sử… Người ta cũng đã từng bàn đến con đường này như là một hướng mở, nhằm hóa giải tính tự trị của văn chương vốn đã ngự trị nhiều năm trong khoa nghiên cứu văn học.

Thật dễ dàng để nói rằng văn học là một thành tố của văn hóa. Tuy nhiên, để có được cái nhìn văn hóa về văn học, mà cụ thể hơn là nhìn vào một tác phẩm, một trào lưu, khuynh hướng, giai đoạn văn học, sẽ cần trang bị nhiều kiến thức, công cụ, thao tác tư duy. Những câu hỏi bao quát được đặt ra ở đây là: Mối quan hệ của văn học với văn hóa? Có thể đọc văn học từ góc nhìn văn hóa như thế nào - trên những bình diện nào? Sẽ cần những gì để tiếp cận văn học từ văn hóa?

Trước hết, văn học và văn hóa có mối quan hệ biện chứng, xuyên thấm vào nhau. Trong đó, văn hóa được xem như nền tảng, cơ tầng để từ đó nảy sinh các hiện tượng văn học. Khi văn học ra đời, quá trình tạo nghĩa – ý nghĩa của nó lại quay trở lại đối thoại, điều chỉnh hay kiến tạo các bình diện văn hóa. Quan hệ biện chứng không phải là cách nói sách vở, mà ở đó, ta nhận ra những liên hệ mật thiết – qua lại giữa cái chung và cái riêng, cái toàn thể và cái bộ phận, cái điều kiện và kết quả. Ví dụ như, khi đọc “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, ta hiểu rằng, nền tảng văn hóa Nho giáo đã kiến tạo nên thế giới quan, nhân sinh quan của ông, đồng thời chi phối lớn đến việc xây dựng bối cảnh, nhân vật, sự kiện. 

Dẫu có mượn cốt truyện của “Thanh Tâm Tài Nhân” (Trung Quốc) nhưng rõ ràng văn hóa trung đại (như là quyển văn hóa chung của khu vực Đông Á và Việt Nam) với các quan niệm về mô hình con người, các quy ước đạo đức, lễ giáo, trang phục, lề lối ứng xử, sinh hoạt đã thấm vào từng nhân vật, từng câu chữ. Không chỉ thế, thông qua ngôn ngữ, thể loại, Nguyễn Du cũng làm bật nổi lên ở cấp độ tinh hoa bản sắc văn hóa dân tộc. Từ khi ra đời, sau mấy trăm năm, “Truyện Kiều” lại trở thành một kiệt tác của Việt Nam, bồi đắp vào văn hóa – văn học – lịch sử dân tộc những giá trị to lớn mà chúng ta luôn gìn giữ, phát huy, xem đó như là một di sản từ quá khứ vẫn luôn đồng hành cùng hiện tại. 

Người ta đọc “Truyện Kiều” không chỉ để biết chuyện, biết số phận nhân vật, biết tinh hoa lục bát, biết chữ Nôm đã có những thành tựu đỉnh cao; mà còn đọc ở “Truyện Kiều” câu chuyện thế thái nhân tình, văn hóa, phong tục tập quán, các phương diện trong cấu trúc xã hội thời Nguyễn Du đã sống… Chưa dừng lại ở đó, ở mỗi thời đại khác nhau, hậu thế sẽ có những cách tiếp cận – cách đọc – diễn giải khác nhau. Truyện Kiều trở thành một câu chuyện “Kể mãi không cùng” (Trần Đình Sử). Ngành Kiều học ra đời chính dựa trên những tầng vỉa văn hóa xã hội thẩm mỹ sâu dày như thế. Không chỉ vậy, bản thân việc “Truyện Kiều” đi vào đời sống, trở thành lời ru, câu hát, chuyển thể thành phim, kịch, lối làm thơ tập Kiều, vịnh Kiều, đố Kiều, bói Kiều… đã cho thấy sức sống bền bỉ, sự chuyển hóa mật thiết của văn học và văn hóa.

Vẫn trên tinh thần nhìn nhận mối quan hệ mật thiết của văn học và văn hóa, chúng ta nhận ra những chuyển động của xã hội Việt Nam buổi giao thời đã hiện lên từng bước rõ rệt trong sáng tác của Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt… Tiếp sau, văn chương Tự Lực văn đoàn, Thơ mới, các sáng tác hiện thực của Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Tam Lang, Trọng Lang, Thạch Lam, Nguyễn Đình Lạp… cũng đem đến nhiều cứ liệu cho phép tái định hình một không gian văn hóa xã hội thời trước Cách mạng tháng Tám (1945) ở Việt Nam. Những biến động “Mưa Âu gió Mỹ”, “Á Âu tranh hùng” đã trở thành nguồn mạch sinh thành và nuôi dưỡng văn học. Nhưng, chẳng ai sống mãi để làm chứng nhân của lịch sử, thế nên, văn học trở thành một kho tư liệu cho việc nghiên cứu văn hóa. 

Đồng thời, chính văn chương trở thành chứng tích của văn hóa. Ví như, “Số đỏ”, “Giông tố”, “Cạm bẫy người”, “Cơm thầy cơm cô”, “Kỹ nghệ lấy Tây”, “Làm đĩ”, “Lục xì”… của Vũ Trọng Phụng. Đó quả là những chỉ dấu quan trọng để chúng ta lần lại đời sống văn hóa – xã hội Việt Nam qua cái nhìn của một con người, một nhà văn, nhà báo đã lặn ngụp đến tận cùng trong cảnh sống đương thời; để nhận ra cái rởm, cái đểu, cái dâm ô trụy lạc cùng những mẫu hình – thân phận con người, trong vòng xoáy của thời đại. Chẳng hạn, vì sao Xuân Tóc Đỏ lại là một tên ma cà bông, thổi toa thuốc lậu? “Lục xì”, “Làm đĩ” dẫn chiếu về trường hợp này, khi từ đó ta biết được nạn mại dâm, bệnh lậu, bệnh giang mai, nhà thổ, đã tràn ngập Hà Nội thuở ấy như thế nào.

Như đã trình bày, văn hóa là sinh quyển của văn học. Nhà văn đồng thời là nhà văn hóa. Chính vì thế, không thể tách văn học ra khỏi văn hóa như một thực thể biệt lập. Điều này ngay lập tức có thể được khẳng định qua việc xem xét các tác phẩm văn học sinh thành trong các không gian văn hóa khác nhau (quốc gia, dân tộc, vùng miền, giới tính, tôn giáo,…). Chính vì thế, diễn giải văn học từ góc độ văn hóa là trả tác phẩm về với thổ nhưỡng của nó. Sẽ có những bình diện được tham chiếu như là chỉ dấu dẫn về môi trường này. Biểu tượng, ngôn ngữ, phong tục tập quán, tâm lý tộc người, quan niệm về giá trị, cùng những hình thức biểu đạt đặc trưng khác là điểm cần lưu ý để trả lời cho câu hỏi đã nêu ở trên. Rõ ràng, phong vị núi cao phía Bắc trong tiểu thuyết – truyện ngắn – tản văn Đỗ Bích Thúy sẽ khác với chất miệt vườn kinh rạch Nam bộ trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng, lại cũng có thể nhận ra mã gen văn hóa khá tương đồng trong văn Nguyễn Ngọc Tư, Lý Lan (Bửu Sơn Kỳ Hương) khi họ có cùng một cơ tầng văn hóa.

Sẽ cần những gì để tiếp cận các bình diện văn hóa trong tác phẩm văn học? Đây là một câu hỏi lớn, đồng thời không có đáp án cuối cùng, bởi sự vận động của bản thân văn hóa – văn học (như là những cấu trúc động) và các khả năng chiếm lĩnh, diễn giải đến từ chính chủ thể (người viết, người đọc) cùng hệ thống công cụ - lý thuyết, phương pháp. Hướng nghiên cứu liên ngành đã được khởi động nhằm thúc đẩy các khả năng ấy. Bên cạnh việc xem xét thi pháp nghệ thuật, các triển vọng từ hướng nghiên cứu “Nhân học văn hóa”, “Nữ quyền luận”, “Hậu thực dân”, “Phê bình sinh thái”… cùng tri thức mới trong triết học, mỹ học hiện đại – hậu hiện đại giúp nhận diện rõ hơn khía cạnh văn hóa trong văn học. Nói cách khác, từ người sáng tác đến người đọc, cần phải có tri thức văn hóa và công cụ tư duy mới có thể thâm nhập được vào các tầng vỉa của tác phẩm. 

Chẳng hạn, chúng ta có thể đọc “Cánh đồng bất tận” bằng nhiều cách khác nhau, từ góc độ thi pháp học (để thấy được cấu trúc tự sự, ngôn ngữ trần thuật, hình tượng nhân vật, giọng điệu…); từ góc độ phân tâm học (để nhận ra những ám ảnh vô thức cá nhân – cộng đồng trong hình tượng nhân vật, ngôn ngữ…); từ góc độ “Nữ quyền luận” (để thấy được tương quan quyền lực về giới hay sự biểu đạt và tôn vinh người phụ nữ); từ góc độ “Phê bình sinh thái” (để thấy sự cộng sinh của tự nhiên và con người)… Các góc nhìn khác nhau, với khả năng của nó, cho ta hình dung đầy đủ hơn về văn hóa – vùng đất – con người Nam Bộ nói chung và sắc thái riêng của văn chương Nguyễn Ngọc Tư.

Nghiên cứu văn học từ văn hóa, nhận ra những bình diện văn hóa trong văn học, đó là hành trình làm cho các giá trị trở nên sống động. Tuy nhiên, đóng góp về mặt văn hóa của văn học là những đóng góp đặc thù bởi đặc trưng phản ánh nghệ thuật của nó. Có những điều xuất hiện trong văn chương nhưng không tìm thấy nguyên mẫu hoàn toàn trùng khít ngoài đời thực, trong không gian văn hóa mà nó sinh thành, thuộc về. Bởi lẽ, khi đi vào văn chương, văn hóa đã được cộng hưởng, chuyển hóa, tăng cường tính phổ quát, tính tượng trưng, tính đa nghĩa… hướng đến khả năng biểu đạt hàm súc hơn. Chính nhờ các cơ chế này mà văn học tồn tại và đóng góp trở lại được với đời sống văn hóa – xã hội – lịch sử.

 

Nguồn: An Ninh Thế Giới cuối tháng