Giữ nét riêng nhưng bắt đầu chung nhịp với thi ca hiện đại, văn chương Tây Nguyên từ lứa trẻ của trại “Hương rừng” mang đến tiếng nói mạnh mẽ đầy trăn trở: “Rừng Tây Nguyên thu hẹp/ Muông thú biết về đâu/ Những thế hệ mai sau/ Còn rừng không rừng hỡi?”.


Những phiến lá xanh non từ Tây Nguyên

TỐNG PHƯỚC BẢO

Tôi đọc “Những phiến lá xanh non” tập hợp những sáng tác từ trại sáng tác văn học “Hương rừng” của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk bằng một tâm thế háo hức, bởi tôi biết để có được ấn phẩm này là một sự nỗ lực không chỉ của Hội địa phương mà còn là một quá trình trui rèn của các thành viên nhí từ trại sáng tác. Đam mê văn chương luôn được nảy nở từ chính bản thân tác giả, có người ngay lúc còn thưở nhỏ, cũng có khi đã đi qua một quãng đời nào đó thì bỗng tràn hứng với nghiệp chữ. Tuy nhiên, để dìu dắt và tạo một sân chơi cho những đam mê nhí, nhất là trong bối cảnh văn chương đang dần dà bị cạnh tranh bởi nhiều hình thức đọc và giải trí khác trên nền đa phương tiện như hiện nay thì quả là cần một tấm lòng từ hai phía, những người lãnh đạo và chính các cây bút nhí.

Tôi nhớ có lần trò chuyện cùng Nhà văn Nie Thanh Mai (Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk), tận gần 10 giờ đêm nhưng chị vẫn say sưa nói về các em nhỏ của vùng đất đỏ bazan này. Các em nhỏ hầu hết đều đến với văn chương bằng sự hồn nhiên, trong trẻo và đầy đam mê. Chị tập hợp lại, xây dựng một nhóm và tương tác chỉnh sửa sáng tác các em, chị vận động trại sáng tác, rồi mời mọc các thế hệ đàn anh đàn chị như nhà văn Cao Duy Sơn, nhà văn Đỗ Bích Thúy, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn đến chia sẻ cùng các em… Hành trình ấy không dễ để duy trì và tạo nên một thành quả. Hành trình ấy phải dài, và tận tâm. Để đến hôm nay, dẫu chưa gọi là hái trái ngọt, nhưng những cây bút nhí của Đắk-Lắk cũng mạnh dạn trình làng một ấn phẩm tinh khôi như những đóa hoa rừng vừa hé nụ.

Cô bé H’Cúc ÊBan của Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng – Buôn Ma Thuột đã gây ấn tượng mạnh trong tôi bởi 4 câu thơ trong bài thơ “Mời lúa đến chơi”: Tây Nguyên nắng hạ mùa cau có/ Lúa trổ bông đón gió tiếp mây/ Ngày thóc buông mình khoe sắc mới/ Gói hạt treo hương tới buôn làng. Có thể thấy thơ văn Tây Nguyên luôn mang một âm sắc đậm đà riêng biệt của vùng đất bạt ngàn câu chuyện rừng thiêng lá gió. Những câu thơ của 1 cây bút chỉ mới được chăm chút từ trại sáng tác đã gợi mở hình ảnh đẹp và mang một thông điệp sẵn sàng hòa mình cùng dòng chảy văn chương rộng lớn trên dải đất hình chữ S.

Giữ nét riêng nhưng bắt đầu chung nhịp với thi ca hiện đại, văn chương Tây Nguyên từ lứa trẻ của trại “Hương rừng” mang đến tiếng nói mạnh mẽ đầy trăn trở: “Rừng Tây Nguyên thu hẹp/ Muông thú biết về đâu/ Những thế hệ mai sau/ Còn rừng không rừng hỡi?”. Tiếng nói trẻ, bộc trực, khẳng khái và đánh động vào chính sự bảo tồn duy trì một Tây Nguyên đại ngàn hùng vĩ. Chỉ với đoạn thơ này của một học sinh lớp 8, cô bé Nguyễn Phương Uyên của trường THCS Nguyễn Khuyến (huyện Ea Kar), đủ để chúng ta tin một tín hiệu văn chương tươi mới và mạnh mẽ như chính đặc tính bao đời nay của người đất này.

Bất ngờ nhất với tôi khi đọc tuyển tập “Những phiến lá xanh non” có thể là ở cậu bé lớp 5, Phùng Duy Tuấn bởi chùm truyện ngắn thiếu nhi của em. Với 3 truyện ngắn “Chuyện về các loại cây”, “Câu chuyện tình bạn”, “Đôi bạn”, cậu bé 10 tuổi này cho thấy sự sáng tạo và trí tưởng tượng vô cùng phong phú. Phùng Duy Tuấn hóa thân vào cây cỏ hoa lá, con vật gần gũi với chính mình, để kể những câu chuyện rất trong trẻo bằng giọng văn cực kì tự nhiên. Đọc trong tâm thế một người viết, ngay cả chính tôi cũng cười thầm về câu chữ và tình tiết ngây ngô nhưng dễ thương của Phùng Duy Tuấn. Cậu bé gần như mang đến một cảm giác rất mộc mạc của truyện thiếu nhi, cảm giác đâu đó thời hoa niên mình đã từng thủ thỉ cùng cây lá, nô đùa cùng vịt gà, và véo von với chim chóc.

20 cây bút nhí với 40 tác phẩm tề tựu vào một tập sách dung dị, giản đơn và mát mắt. Có thể thấy một lứa viết nhí như hoa, như lá sẽ bắt đầu một hành trình vươn vai lớn dậy từng ngày theo sự vun bồi và tắm tưới đầy tâm huyết và tận tụy của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk. Một trại sáng tác “Hương rừng” dành cho các cây bút nhí, kì thực cũng đã cho thấy sự quan tâm và tư duy làm văn hóa nghệ thuật của Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Lắk, bởi rất ít hội tỉnh thành làm điều này. Một ấn phẩm thiếu nhi, do chính thiếu nhi viết cũng chẳng thấy tỉnh thành nào có được.

Tôi nhớ có lần mình trao đổi cùng chị Nie Thanh Mai về văn học trẻ, chị bảo ngay từ lúc này chị đã bắt đầu trồng cây văn chương, chị đang ươm mầm, chị tin văn chương Tây Nguyên 10 năm sau, 20 năm sau, sẽ sanh trái ngọt. Tôi cho rằng một hành trình dài, gian khó và nói thẳng cần nhiều sức và đủ lực mới làm điều này. Bẵng đi vài tháng, Nie Thanh Mai gởi tôi tuyển tập đúc kết tác phẩm từ trại “Hương rừng”, tôi tin người con gái hừng hực sức văn của đại ngàn xanh thẳm này đã nói là sẽ làm đến cùng, đã đi là sẽ lưu dấu chân mình trên hành trình làm công tác quản lý và phát triển văn chương Đắk Lắk.

Chỉ với một tuyển tập này, dẫu còn đó sự vụng về câu chữ, sự dàn trải kể lể, và thậm chí những ý tứ chưa tròn vẹn, nhưng tôi thấy chính tuyển tập này làm được hai điều. Thứ nhất chính là nhóm lên một ngọn lửa trong hành trình văn chương cho các em thiếu nhi. Chính ngọn lửa này sẽ giúp các em tự tin, mạnh dạn và duy trì việc viết lách. Văn chương thời đại này, kì thực dễ nguội và tàn. Nếu những thế hệ đi trước không nhóm lửa làm mồi, thế hệ đi sau chẳng ai nhấm nhẳng với viết lách. Thứ hai chính là sự thúc đẩy cho tác phẩm văn học thiếu nhi chính từ thiếu nhi viết, bởi hơn ai hết chỉ chính các em mới biết mình nghĩ gì, thích gì, và cần đọc gì.

Tuyển tập “Những phiến là xanh non” lần này cũng cho thấy một bước ngoặt mới của diện mạo văn học Tây Nguyên, nếu có một sự đầu tư bài bản, sự dấn thân quyết liệt của lãnh đạo và gieo mầm đúng đất thì chắc chắn sẽ là một sự khởi phát của những hạt thóc buông mình khoe áo mới, như chính câu thơ gây ấn tượng xuyên suốt tuyển tập này với tôi.