Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ tạo sự bất ngờ cho công chúng khi phát hành cuốn sách ‘Từ truyện ngắn đến truyện thơ’ chứng minh khả năng chuyển soạn ngôn ngữ khá thú vị.


Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ năm nay 43 tuổi. Từng làm luận án về đặc điểm ngôn ngữ nghệ thuật thơ Nguyễn Bính qua các tác phẩm trước 1945, nhưng tiến sĩ Đỗ Anh Vũ không tiếp tục con đường nghiên cứu khoa học, mà đi làm báo. Hiện tại, tiến sĩ Đỗ Anh Vũ đang làm biên tập viên VOV6 của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ thổ lộ: “Tôi may mắn được sinh ra, lớn lên trong môi trường gia đình có truyền thống yêu sách vở, chữ nghĩa. Bố mẹ tôi đều là giáo viên, dạy khoa học tự nhiên nhưng lại rất yêu văn chương, bố chơi guitar, mẹ hát. Tôi lớn lên giữa những bức tường đầy sách. Tuổi thơ của tôi, có nhiều khi phải lấy trộm sách trong các hốc tường trên cao để đọc. Ngoài niềm vui sách vở, tôi còn được theo bố đi câu cá, bắn chim, lang thang khắp những rặng cây, cánh đồng, bờ ao. Nhờ thế mà mình cũng được hiểu thêm về đời sống xã hội, về cây cỏ muôn loài, về các chuyện mưa nắng của nhà nông”.

Có lẽ nhờ nền tảng ấy, mà tiến sĩ Đỗ Anh Vũ rất có duyên trong những bài luận bàn văn chương và thế sự. Tuy nhiên, các tập tiểu luận của tiến sĩ Đỗ Anh Vũ như “Vẻ đẹp của yêu tinh”, “Lảo đảo giữa trần gian” hoặc “Mây trong đáy cốc” không khiến công chúng và đồng nghiệp ngạc nhiên bằng tập “Từ truyện ngắn đến truyện thơ”. Vì sao như vậy? Vì “Từ truyện ngắn đến truyện thơ” là một hình thức chuyển soạn từ văn xuôi sang văn vần khá lắt léo.

“Từ truyện ngắn đến truyện thơ” do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành, dày hơn 200 trang, tiến sĩ Đỗ Anh Vũ đã chuyển soạn 25 tác phẩm văn xuôi thành thơ lục bát hoặc thơ song thất lục bát. Những ai từng đọc truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Văn Thọ, Phạm Duy Nghĩa, Đỗ Trung Lai, Đỗ Phấn, Võ Hồng Thu chắc sẽ bất ngờ khi chứng kiến tác phẩm mình yêu thích lại xuất hiện dưới dạng văn bản khác có nhịp điệu thật du dương và không kém phần hài hước.

Thậm chí, nhiều truyện ngắn thuộc vào hàng kinh điển của Việt Nam cũng được tiến sĩ Đỗ Anh Vũ chuyển soạn thành truyện thơ. Ví dụ, truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài có đoạn: “Phủ cùng Mị trốn sang vùng khác/ Cũng là khi quân khác tràn về/ Cùng nhau bảo vệ làng quê/ Kết thành chồng vợ tràn trề yêu thương”.

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ của nhà văn Thạch Lam được chuyển soạn cũng lâm ly: “Liên ngồi yên lặng lẽ đằng kia/ Bên vài quả thuốc bốn bề sơn đen/ Mắt Liên bóng tối ngập lên/ Tâm hồn thấm thía một miền chiều quê/ Lòng buồn man mác đôi khi/ Ở trong thời khắc biệt ly ngày tàn”.

Còn hành động của nhân vật chính trong truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao thì được tiến sĩ Đỗ Anh Vũ miêu tả: “Hắn về toàn uống rượu say/ Đi tìm Bá Kiến, chửi ngay cổng nhà/ Mấy con chó dữ nhảy ra/ Thật là ầm ĩ thật là điếc tai/ Bà con thì hả hê dài/ Nhà kia ăn chửi một bài rất kinh”.

Trước đây, công chúng đã quen với việc bài thơ được phổ nhạc thành ca khúc, thì giờ đây tiến sĩ Đỗ Anh Vũ mang đến món mới là truyện ngắn chuyển soạn thành truyện thơ. Phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Gia Thế nhận định: Đỗ Anh Vũ dường như không có tham vọng biến tác phẩm của mình thành một tác phẩm xuất sắc hơn văn bản gốc, mà chủ yếu để phục vụ mục tiêu giải trí, thư giãn. Thực tế cũng cho thấy, trong bối cảnh đọc ảm đạm hiện nay, việc tác động vào nhu cầu giải trí, trong một không gian đọc đặc thù (chủ yếu trên Facebook) tạo ra một hứng thú khá lớn, có thể xem là một hiệu ứng tích cực đối với bạn đọc văn chương”.

Ở góc độ khác, nhà phê bình Hoài Nam khẳng định “Từ truyện ngắn đến truyện thơ” có đóng góp nhất định cho văn chương: “Cái thực hành ngôn ngữ của Đỗ Anh Vũ vẫn nên được nhìn nhận như một kiểu sáng tạo: sáng tạo trên cái nền của sự sáng tạo có trước, ấy là một tác phẩm nghệ thuật ngôn từ cụ thể”.

Chắc chắc, khi tiếp cận “Từ truyện ngắn đến truyện thơ”, mỗi người sẽ có một cách cảm nhận và cách đánh giá khác nhau. Thế nhưng, đây cũng là một nét độc đáo, như tiến sĩ Đỗ Anh Vũ bộc bạch: “Tôi gần như có thể chuyển soạn bất cứ dạng văn bản nào từ hình thức văn xuôi sang hình thức lục bát hoặc song thất lục bát. Từ một truyện ngắn, một truyện cười dân gian, một bài báo, một bài phê bình, một lời cám ơn hội nghị, một tản văn, các status hoặc bài viết ngắn trên facebook của bạn bè.

                        TUY HÒA