Tự xếp vào dạng “chân dung văn học và đàm luận văn chương” như để chọn một cách truyền tải theo lối kết hợp, đan xen, Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca của Khuất Bình Nguyên có một lối viết uyển chuyển


GIỌT NƯỚC THẦM GIỮA NHỮNG THỜI ĐẠI THI CA

ĐẶNG HUY GIANG

Thấm thoắt vậy mà đã gần một phần tư thế kỷ, Khuất Bình Nguyên trở lại ở mức quyết liệt với văn chương. Ông đã kịp cho xuất bản chẵn một chục tác phẩm ở hai mảng: Thơ và phê bình văn học. Ông cũng đã kịp nhận các giải thưởng danh giá của Báo Văn Nghệ và Đài phát thanh - truyền hình Hà Nội, Hội Nhà Văn Việt Nam, Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương.

Mới đây, Khuất Bình Nguyên lại cho ra mắt cuốn sách “Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca” qua Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam. Tự xếp vào dạng “chân dung văn học và đàm luận văn chương” như để chọn một cách truyền tải theo lối kết hợp, đan xen, Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca có một lối viết uyển chuyển, linh hoạt thông qua một cái nhìn thấu đáo, có hệ thống, đặc biệt rất có văn qua nhiều bài có sức nặng. Chưa kể, nó còn có cảnh, có tình và có sự.

Có lẽ vì thế mà cuốn sách vừa dễ đọc, vừa dễ hấp dẫn độc giả, vừa góp phần đánh tan cái mặc cảm khô khan, nhàn chán, lý thuyết chay, viết không bám vào văn bản... mà nhiều cuốn sách mang tiếng là lý luận, phê bình từng để lại hậu quả. Cuốn sách cũng cho thấy kiến văn của người viết. Theo tôi, “kiến văn” chính là thước đo, cho thấy cái tầm, kể cả cái tâm của người viết.

Lâu nay, người nước ngoài thường nói: “Khi lâu đài xây xong thì dàn giáo tức khắc biến mất. Vậy thì chúng ta viết về dàn giáo để làm gì. Hãy thưởng thức vẻ đẹp của lâu đài là đủ”. Ấy là nói về cách thưởng thức một tác phẩm văn học. Theo tôi, câu nói này không sai nhưng chưa hoàn toàn đúng, vì suy cho cùng, mỗi tác phẩm vẫn phải từ cái gì, vì cái gì và vì sao nó thế mà không phải thế và cái gì đã dẫn dắt nó, làm nền cho nó ra đời. “Từ cái gì” là xuất phát, “vì cái gì” là cái đích hướng tới, “dẫn dắt nó” là động lực, “làm nền cho nó” là sự căn bản, cốt lõi.

Cắt nghĩa con đường dẫn đến hoặc những gì xung quanh việc thành công của một tác phẩm hoặc của một tác giả, rồi hiểu tác phẩm hoặc tác giả một cách thấu đáo, sinh động, có thiện ý, miễn là không thêm thắt, chẻ hoe, không vô thưởng vô phạt, không “hoa hoè hoa sói” những gì không cần thiết, là đòi hỏi tự thân của những ai sinh ra để cảm nhận văn chương, song hành cùng văn chương, ở bất kỳ thời đại nào. Và Khuất Bình Nguyên đã đúng khi đi giữa lằn ranh của “lâu đài xây xong” và “dàn giáo” khi không hẳn ở bên này, cũng không hẳn ở bên kia. Nói cách khác: Khuất Bình Nguyễn đã đứng ở khoảng giữa của một con lắc đang chuyển động, một bên là “lâu đài xây xong” và một bên là “dàn giáo”.

Cuốn sách được mở đầu bằng những dòng chữ gần như là lời dẫn rất đắt và không khỏi lạ lẫm, khác người: “Thi ca không có quá khứ. Không có hiện tại. Và cũng không có tương lai. Nó hoà tan ba cái không có ấy vào một đơn vị thời gian”. Và rất có thể, nó hoà tan ba cái không ấy thành có.

Chỉ Một lần hoa xoan nở có xuất phát từ bài thơ Mộ xuân tức sự (Tức cảnh cuối xuân), bản dịch nghĩa: Trong lúc nhàn nhã suốt ngày khép cửa phòng Văn/ Ngoài cửa không có khách tục nào tới/ Trong tiếng cuốc kêu, xuân sắp tàn/ Đầy sân mưa phùn nhẹ rơi khi hoa xoan nở được trích từ Ức Trai thi tập, rồi lại có xuất phát từ hai câu thơ nổi tiếng của Nguyễn Trãi: Láng giềng một đám mây bạc/ Khách khứa hai ngàn núi xanh thôi mà Khuất Bình Nguyên chợt nảy ra một lời bình thật chí lý. Lời bình ấy như sau: “Trong vắng lặng như tờ ấy, chợt nghe tiếng cuốc kêu, người hiền sĩ mới biết ngày tháng qua đi và mùa xuân sắp tàn. Như lời nhắc nhở từ sâu thẳm của thiên nhiên với bậc cao nhân đã lâu không nhuốm vào cõi tục”.

 Rồi hoa xoan đi vào thơ Khuất Bình Nguyên qua Về Nhị Khê, nhớ Nguyễn Trãi như một ám ảnh từ lúc nào không hay: “Hoa xoan nở vào thơ Ức Trai ở xóm Nhị Khê. Tháng ba năm nay loài hoa tím chốn thôn quê lại rải đầy mặt đất. Tưởng năm trăm năm qua chẳng có chuyện gì. Loài hoa nhỏ nhập vào hồn thi nhân nhập vào hồn đất Việt. Năm trăm năm qua ông vẫn trở về nhà. Đội nón lá đi làm trên cánh đồng mùa xuân. Hoa xoan nhỏ như những giọt mưa tím rắc đầy trong ngõ”.

Càng ám ảnh hơn khi Khuất Bình Nguyên liên hệ đến mình: “Mỗi lần đi xa, ngoảnh lại quê hương xứ Đoài, lần nào cũng thấy hoa xoan ấy im lặng như bóng người mẹ hiền thầm nhắn nhủ một điều gì và chờ đợi một điều gì ở đứa trẻ xa quê”. Đọc đến đây, nói không quá thì xứ Đoài luôn luôn chảy trong huyết quản của Khuất Bình Nguyên thì phải? Từ đó có một vệt thơ về hoa xoan và những gì liên quan đến hoa xoan của Anh Thơ, Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh... theo lối thông kê ấn tượng được trích dẫn. Đây là hai câu thơ thật đẹp của Nguyễn Bính trong Trở về quê cũ: Hôm ấy tôi đi nắng ửng vàng/ Bồi hồi ngõ cũ tím hoa xoan.



Bằng sở cứ và lý lẽ của mình, Khuất Bình Nguyên tin “người duy nhất được nhận nửa vầng trăng” trong Truyện Kiều là Thúc Sinh trong một bài viết cùng tên khá kỳ khu. Và ở cuối bài viết này là những dòng viết rất tâm trạng, kiểu tuỳ bút đầy chất thơ theo phong cách Khuất Bình Nguyên lại trỗi dậy như để chia sẻ và đồng cảm với người xưa: “Năm 2011, vào lúc cuối đông, sau khi rời chốn quan trường, tôi cùng vợ vào Tiên Điền, Nghi Xuân viếng Nguyễn Du. Trên đường đi gió bấc thổi rất mạnh phía sau lưng. Lá cây bị gió lật mặt sau lên trắng xoá dọc cung đường thiên lý. Thỉnh thoảng lại gặp những dòng sông lớn. Không hiểu những năm gió bụi, Nguyễn Du xuôi ngược từ đất Bắc Hà vào xứ Nghệ có thấy gió thổi thế không? Và ông đã bao lần tan vào hoàng hôn lênh láng trên mặt sóng những dòng sông ấy?”.

Khuất Bình Nguyên quả có con mắt tinh đời khi gọi tên sự vật với đúng tên gọi của chúng. Đó là con mắt của một người có một cách nhìn thấu triệt trong một tâm hồn và trái tim nghệ sĩ đa mang. Ông cho rằng: “Thơ Nguyễn Trãi là cầu nối giữa thơ ca bác học và thơ ca dân gian”. Ông cho rằng: “Sông Lấp” của Trần Tế Xương là “tiếng gọi đò cuối cùng của thi ca trung đại” và “làm nên một Tú Xương lãng mạn trữ tình trong lịch sử thi ca Việt Nam”. Ông phát hiện ra có một mùa xuân khác sau “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử: “Điều rất đặc biệt là, nếu đường trăng đưa ta đến cõi siêu thực huyền ảo thì đường xuân dẫn ta đi ngược lại để trở về với cuộc đời, với con người trong cuộc kiếm tìm hạnh phúc. Giữa bao nhiêu vô thường và mong manh, đường xuân đã giúp Hàn Mặc Tử tìm thấy hơi ấm của hạnh phúc trong niềm vui bất tận và nỗi lo âu đến kỳ lạ của sự gặp gỡ con người với mùa xuân”.

Và một lần nữa, hơi hướm tuỳ bút lại trở về với Khuất Bình Nguyên như không có cách gì cưỡng lại được: “Tháng 10 năm 2008, tôi trở lại Quy Nhơn thăm bãi biển sóng thẫm chiều hôm Quy Hoà như ở nơi nước Chúa. Rồi về Ghềnh Ráng viếng một Tử. Ai đó gửi tôi “Mùa xuân chín” viết bằng bút lửa trên mặt gỗ xà nu - để ghi nhận thi sĩ trên đường xuân trở về với con người. Chiều miền Trung buông dần chiếc khăn voan ngọc bích phần phật gió biển trên trời Quya Nhơn”.

Ông bổ sung thêm câu thơ “Buồn chảy qua rêu giọt nước thâm” của Thâm Tâm sau những câu thơ hay đã được nhiều người biết qua Tống biệt hành, Chiều mưa đường số năm và cho rằng:  “Thâm Tâm như giọt nước thầm nhỏ bé không ồn ào mà long lanh đến giữa đêm tháng chạp sương giăng tan vào ánh trăng nghe các thời đại thi ca rủ nhau đi trong trời những tám hướng sương mà người thi sĩ đã dòng đêm đứng thắp mẩu tầm hương không hồng được nữa hồi năm bốn mươi của thế kỷ hai mươi” và “Thơ Thâm Tâm như giọt nước thầm rơi xuống giữa dòng chảy bất tận của thi ca. Ông là gạch nối làm nên ví dụ về sự liên tục của phong trào Thơ mới và thơ kháng chiến chống Pháp. Ở Thâm Tâm có sự kết hợp kỳ lạ  giữa thi pháp của thi ca cổ điển phương Đông từ trong cám xúc, hình tượng và các thể thơ với thơ của thời hiện đại trong một phong cách riêng man mác hoài cổ của người hiện đại một mai cũng thấy xa rồi”.

 Tôi vốn yêu thơ Nguyên Sa và thích những câu thơ của Nguyên Sa: Năm ngón tay có bốn mùa trái đất/ Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân; Vẫn biết lòng mình là hương cốm/ Không biết tay ai là lá sen... nay lại được Khuất Bình Nguyên bổ sung thêm cho một câu thơ hay nữa: Ở đuôi con mắt có ngày tháng xưa. Ông cho rằng: “Tiếng thơ Bùi Giáng là tiếng hát nghẹn ngào mà tha thiết lẫn trong tiếng cười bối rối mà mê hoặc của mùa xuân không tuổi”.

Ông yêu Trần Vàng Sao đến nỗi từng mang hai câu thơ của tác giả “Bài thơ của một người yêu nước mình” từ Huế về Hà Nội: Khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may và Tuổi thơ buồn như giọt nước trong lá sen. Rồi ông nhận xét thật xác đáng: “Không ai rõ ràng như Trần Vàng Sao. Đọc thơ thấy người, Trần trụi một kiếp người. Qua người ấy ta thấy người khác. Thấy đồng loại. Thấy nhân cách một nhà văn”.

Ông trả lại sự công bằng cho Đặng Hiển qua việc nhắc lại hai bài thơ đáng nhớ của nhà thơ này mà lúc sinh thời từng bị người đời có phần quên lãng. Đây là toàn bài “Bất tử”: “Mỹ nữ trăm năm chỉ còn lại một người/ Thơ viết một nghìn bài còn một bài khóc vợ/ Lăng tẩm đền đai không làm người bất tử/ Chỉ giọt lệ thương người còn lại với người thôi”. Đây là trích dẫn một phần trong “Mưa phùn”: “Ai nằm mơ thấy cỏ/ Nảy mầm trong mưa phùn/ Ta nằm mơ thấy cỏ/ Rịt lành những vết thương”.

Nhưng có lẽ hiếm có ai gần gũi, trân trọng cả văn và người với Nguyễn Huy Thiệp như Khuất Bình Nguyên. Ít nhất có đến “quá tam ba bận”, Khuất Bình Nguyên gọi tên Nguyễn Huy Thiệp trong Chảy đi, Thiệp ơi!. Lần thứ nhất, Khuất Bình Nguyên gọi ra chất truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp: “Thiệp rất sành sỏi lối dẫn những câu chuyện động trời, động đất mà cứ dửng dưng như không, lại thường pha chút huyễn hoặc với lối diễn tả và từ ngữ của người phương Bắc, tạo ra cái chất cổ cổ, kim kim. Giọng văn của hắn ta lạ...”.

Lần thứ hai, Khuất Bình Nguyên gọi ra nỗi đam mê và tính cách Nguyễn Huy Thiệp: “Bộ mặt nhang khói của Thiệp lắm khi trở nên tội nghiệp kể lể hàng giờ không biết mệt nghi lễ văn hoá dân gian như vu lan, đoan ngọ... Một ngày đầu thu, Thiệp mang đến bộ Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước do Hồng y Phạm Đình Tụng đề tựa hồi 2004 tặng tôi. Ngày thường Thiệp hay nói đến Đạo - Đời - Thiền một cách cung kính...”. Lần thứ ba, Khuất Bình Nguyên khái quát về Nguyễn Huy Thiệp thật sâu sắc: “Nguyễn Huy Thiệp đã thu nhỏ những vĩ nhân lịch sử làm một người bình thường trong văn chương”.

Mười năm (2012-2022) viết và cho ra đời bộ ba: “Giọt nước trong lá sen” (2016), “Giấu vàng trong lá thu” (2019), “Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca” với gần 800 trang (khổ to), bằng sự đam mê hiếm có và bằng một nỗ lực đáng kể, Khuất Bình Nguyên đã góp phần làm cho đời sống phê bình văn học nói chung đỡ buồn tẻ, trầm lắng hơn bằng cách “sử dụng thể văn thi thoại, với một thi pháp phê bình tuỳ bút, làm nên những bức chân dung nhà văn đầy biểu cảm nhằm tôn vinh nhân cách và phẩm giá nhà văn Việt Nam”.

Bộ ba trên cũng đã đề cập đến nhiều gương mặt của văn chương hiện đại cho thấy trách nhiệm với văn học của thời chúng ta đang sống, thấy được ảnh hưởng của thời đại tác động tới văn học. Mặc dầu vậy, ông vẫn khiêm tốn. Có lần, ông nói vui: “Làm nhà phê bình như làm trọng tài các trận đấu Sumo. Thường trọng tài người nhỏ bé, mặc áo thụng, đội mũ cánh chuồn điều khiển trận đấu trước sự góp có mặt của những võ sĩ to lớn là những nhà thơ, nhà văn lừng lững. Tôi nghĩ không cẩn thận, nhỡ xảy ra sự cố, không khéo trọng tài bị đè bẹp có khi...”. Tôi cười: “Nhưng trọng tài thì vẫn là trọng tài. Họ vẫn là người “cầm cân nảy mực” như thường. Không có võ sĩ, không có trọng tài, thì không có trận đấu nào cả”.

Gấp “Giọt nước thầm giữa những thời đại thi ca”, tôi hiểu tên của tác phẩm này, có thể được gợi ý từ câu thơ lạ của Thâm Tâm trong bài Không đề” Buồn chảy qua rêu giọt nước thầm mà Khuất Bình Nguyên rất ấn tượng. Và tôi thấy tác phẩm này đã truyền cảm hứng cho độc giả. Vâng, trong văn chương nói riêng và trong cuộc sống nói chung, việc truyền cảm hứng là quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất!