Tọa đàm ‘Làm thế nào để có vùng đất văn học?’ vừa được tổ chức tại Khu du lịch Sao Mai tỉnh Phú Yên với sự tham dự của nhiều nhà văn tên tuổi.
Vùng đất văn học,
không phải khái niệm xa lạ, nhưng không phải ai cũng đánh giá đầy đủ giá trị của
vùng đất văn học. Cuộc tọa đàm “Làm thế nào để có vùng đất văn học” đã thu hút
nhiều ý kiến bổ ích của các nhà văn nổi tiếng khắp cả ba miền như Nguyễn Trí
Huân, Ngô Vĩnh Bình, Lê Thành Nghị, Nguyễn Bình Phương, Bích Ngân, Trình Quang
Phú, Huỳnh Thạch Thảo, Nguyễn Thu Phương, Bùi Anh Tấn...
Đối với một người cầm bút, trong lòng luôn hiện diện một
vùng đất để làm nơi nương tựa hoặc để làm nguồn cảm hứng cho hành trình sáng tạo.
Vùng đất ấy, có thể là chốn chôn nhau cắt rốn, có thể là chốn hẹn hò tình
duyên, và cũng có thể chỉ là chốn nhung nhớ xa vời của một lần đặt chân đến và
vương vấn khôn nguôi.
Một vùng đất thường xuyên xuất hiện trong tâm tưởng và không phải tình cờ bước vào trang
viết, chính là vùng đất văn học của tác giả. Vùng đất văn học có tên gọi cụ thể,
có cảnh sắc cụ thể hoặc chỉ là những bóng cây, những dáng người, nhưng khi chạm bút vào vùng đất văn học thì tác
giả phô diễn được sở trường tốt nhất và có những tác phẩm ưng ý nhất.
Có vùng đất văn học gắn bó máu thịt với tác giả, khiến
họ trở thành sứ giả văn hóa và đời sống của một địa phương. Trong văn chương hiện
đại Việt Nam, có thể kể đến một số trường hợp Tô Hoài với Hà Nội, Sơn Nam với
sông nước miệt vườn, Nguyên Ngọc với Tây Nguyên, Nguyễn Văn Xuân với Quảng Nam,
Hoàng Văn Bổn với Đồng Nai, Hoàng
Phủ Ngọc Tường với Huế, Lê Văn Thảo với
An Giang. Nguyễn Ngọc Tư với Cà Mau...
Từ vùng đất văn học của các tác giả, đã hình thành
vùng đất văn học của công chúng. Biên độ mở của vùng đất văn học được xác lập
nhờ hai yếu tố, thứ nhất là quy tụ một đội ngũ tác giả đông đảo, thứ hai là
thông qua tác phẩm văn học để công chúng thêm yêu mến vùng đất từng được tác giả
đề cập.
Ở Việt Nam hiện tại
có bao nhiêu vùng đất văn học? Xưa nay, muốn tìm trạng nguyên hoặc danh sư, thì phải đến kinh thành. Những đô thị
trung tâm như Hà Nội, TP.HCM cũng là vùng đất văn học với hàng trăm tác giả
cùng sinh sống và sáng tác. Những vùng đất đã được bồi đắp văn hóa lâu đời như
Nghệ An, Huế cũng là vùng đất văn học.
Ngoài ra, những
vùng đất có cơ duyên đặc biệt sản sinh những tài năng vượt trội, hoặc tạo ra những
trào lưu văn học và hình thành dòng chảy văn học riêng như Nam Định, Thái Bình,
Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, An Giang... cũng là vùng đất văn học.
Cần lưu ý, có những vùng đất văn học của tác giả nhưng
vẫn chưa đủ tạo thành vùng đất văn học của công chúng. Đó là những lát cắt tình
cờ của sáng tạo, như “Sa Pa lặng lẽ” của Nguyễn Thành Long, “Em Pleiku má đỏ
môi hồng” của Vũ Hữu Định...
Và cũng cần lưu ý, có những vùng đất nổi tiếng đã có
“thương hiệu địa phương” để thu hút mọi người, nhưng
vẫn chưa thể trở thành vùng đất văn học như Cần Thơ, Vũng Tàu, Đà Lạt, Nha
Trang...vì những hoạt động văn chương ở đây vẫn cầm chừng và manh mún.
Theo thăng trầm lịch sử, có những vùng đất văn học
trong quá khứ đã mai một dần đi như Hà Tiên. Ngược lại, có những vùng đất đang
vận động trở thành vùng đất văn học như Phú Yên...
Vùng đất văn học là chỉ dấu đáng tin cậy cho sức sống văn hóa của một địa phương. Hãy nhớ, để
xây dựng hạ tầng vật chất cho một địa phương chỉ cần nguồn lực tài chính và thời
gian 10 năm hoặc 20 năm. Thế nhưng, để xây dựng phẩm chất văn hóa cho một địa
phương, phải mất thời gian gấp 10 lần và không chỉ cần nguồn lực tài chính, mà
đòi hỏi thêm ý thức trách nhiệm của cộng đồng.
Làm sao để có một
vùng đất văn học? Đầu tiên phải xuất phát từ tình cảm và nỗ lực của tác giả.
Nhà văn ăn khách Nguyễn Nhật Ánh luôn dùng bối cảnh hoặc địa danh của cố hương
Thăng Bình, Quảng Nam để đưa vào tác phẩm, như quán Gò, chợ Đo Đo, thậm chí nhân vật Hà Lam được đặt theo tên gọi thị trấn, nhân vật Trà Long được đặt theo tên làng...
Vùng đất văn học
không thể chờ đợi vào sự may rủi. Muốn có vùng đất văn học, rất cần những chính
sách của địa phương đầu tư phát triển văn học, cũng như tích cực vận động và tạo
điều kiện cho tư nhân tham gia vào các hoạt động kiến tạo không gian sáng tác
văn chương.
Ví dụ tỉnh Thái Bình
không chỉ là “quê hương năm tấn” mà còn là một vùng đất văn học với truyền thống
xem trọng chữ nghĩa được tiếp nối. Có danh nhân Lê Quý Đôn làm “trấn sơn chi bải”
và có cả công trình “10 thế kỷ văn chương Thái Bình” quy mô, tỉnh Thái Bình còn
cấp đất, hỗ trợ kinh phí để hình thành địa chỉ văn học “Bảo tàng tác phẩm hậu
chiến tranh Minh Chuyên” rất hoành tráng.
Các nhà văn tham gia
tọa đàm “Làm thế nào để có vùng đất văn học?” tại Khu du lịch Sao Mai tỉnh Phú
Yên, đã đưa ra hai tiêu chí. Thứ nhất là vùng đất đánh thức cảm xúc tác giả. Thứ
hai là vùng đất tạo điều kiện cho tác giả sáng tạo. Một vùng đất gây được thiện
cảm với giới cầm bút, không sớm thì muộn, cũng sẽ trở thành một vùng đất văn học.
Trên thế giới có nhiều
đô thị đã được công nhận là thành phố thi ca hoặc thành phố sách. Vì vậy, nghĩ
đến và vun đắp những vùng đất văn học cũng là một thái độ cần thiết, để củng cố
bản sắc văn hóa Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế sâu rộng và bền vững.
TUY HÒA